Thời của những kẻ bất hạnh

thoi-cua-nhung-ke-bat-hanh

“Kẻ bất hạnh” là một phong cách mới trong đời sống ngày nay, tồn tại giữa cả những người giàu có và những ai nghèo khổ.

Thuyết ngụy biện trước trách nhiệm/lỗi lầm cho phép con người ta đùn đẩy trách nhiệm giải quyết các vấn đề sang cho người khác. Cái khả năng làm nhẹ bớt trách nhiệm này thông qua việc đổ lỗi này mang tới cho họ cảm giác hưng phấn tạm thời và cảm giác đúng đắn về mặt đạo đức.

Không may là, tác dụng phụ của Internet và mạng xã hội nằm ở chỗ nó khiến việc đùn đẩy trách nhiệm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết - ngay cả trong những điều nhỏ nhặt nhất - sang những nhóm người hay những cá nhân khác. Trên thực tế, cái kiểu trò chơi đổ lỗi/nhục mạ này đã trở nên phổ biến, trong đám đông nó còn có vẻ “oách” nữa. Sự chia sẻ của cộng đồng về những sự kiện hay thông tin “bất công” thu hút được nhiều sự chú ý và cơn lũ cảm xúc hơn tất cả sự kiện khác trên mạng xã hội, khiến những người có khả năng thường xuyên xem mình là nạn nhân càng thu hút được nhiều sự chú ý và cảm thông hơn.

Ảnh ghép kỹ thuật số Misery in the Head của CinematicVisions.

“Kẻ bất hạnh” là một phong cách mới trong đời sống ngày nay, tồn tại giữa cả những người giàu có và những ai nghèo khổ. Thực tế, có lẽ đây là giai đoạn đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà mọi nhóm người đều đồng thời cảm thấy mình là nạn nhân của sự bất công. Và họ đều tận hưởng cái sự hưng phấn về mặt tinh thần do cảm giác phẫn nộ mang lại.

Ngay lúc này đây, đang có ai đó khó chịu vì một điều gì đó - dù đó là việc được phân công đọc một cuốn sách về tình trạng phân biệt chủng tộc trong một lớp học tại trường đại học, hay việc ban hành chính sách không cho phép dựng cây thông Noel ở trung tâm thương mại địa phương, hay việc tỷ suất thuế được áp dụng đối với quỹ đầu tư đã tăng lên một nửa phần trăm - cảm thấy như thể họ đang bị đàn áp dưới một hình thức nào đó, vì thế mà họ có quyền được tức giận và nhận được lượng chú ý nhất định.

Môi trường truyền thông hiện đại vừa khuyến khích vừa duy trì những phản ứng như vậy vì, xét cho cùng, chúng có lợi cho việc kinh doanh của họ. Tác giả và nhà bình luận xã hội Ryan Holiday gọi nó là “cơn giận dữ đồi bại”: thay vì đưa tin về những câu chuyện thực tế và vấn đề thực tế, giới truyền thông lại nhận thấy sẽ dễ dàng hơn nhiều (và thu được lợi nhuận hơn nhiều) nếu tìm ra những thứ có tính công kích nhẹ, lan truyền nó tới đông đảo khán giả, tạo ra trạng thái giận dữ và rồi lại lan truyền sự giận dữ ấy tới công chúng theo cái cách mà sự giận dữ giờ đây trở thành một phần của công chúng.

Điều này khởi động một dạng tiếng vọng của những âm thanh nhảm nhí giữa hai bề mặt tưởng tượng, trong khi làm sao lãng mọi người khỏi những vấn đề thực sự của xã hội. Chẳng có gì lạ khi mà ngày nay chúng ta lại trở nên bị phân cực về mặt chính trị hơn bao giờ hết.

Vấn đề lớn nhất đối với xu hướng "kẻ bất hạnh" nằm ở chỗ nó hút hết cả sự chú ý khỏi những nạn nhân thực sự. Giống như câu truyện cổ tích thằng bé chăn cừu giả tiếng sói tru vậy. Càng nhiều người tuyên bố mình là nạn nhân trước những sự việc nhỏ bé, càng khó để có thể nhận biết nạn nhân thực sự là ai.

Con người ta phát nghiện với cái cảm giác bực bội ở mọi thời điểm bởi vì điều ấy mang lại cho họ thứ cảm giác hưng phấn; trở nên tự cao tự đại và vượt trội về mặt đạo đức luôn mang lại cảm giác thỏa mãn. Giống họa sĩ vẽ tranh biếm họa Tim Kreider từng phát biểu trên tờ New York Times rằng: “Giận dữ cũng giống như rất nhiều việc khác đều mang đến cảm giác tốt đẹp, nhưng về lâu dài nó sẽ ăn mòn chúng ta từ trong ra ngoài. Và nó còn quỷ quyệt hơn cả những thói đồi bại nhất bởi vì trong tiềm thức ta không nhận biết được rằng nó mang lại cho ta sự thỏa mãn”.

Nhưng một phần của việc sống trong một xã hội [...] là ta buộc phải đối mặt với những quan điểm và với những người ta không mấy ưa thích. Đó chỉ đơn giản là cái giá mà ta phải trả - hay bạn cũng có thể nói rằng đấy chính là tính chất vận hành của hệ thống. Và dường như ngày càng nhiều người lãng quên điều đó.

Chúng ta nên lựa chọn trận chiến của mình cho cẩn thận, trong khi cùng lúc cố gắng đồng cảm một chút với cái gọi là kẻ thù. Chúng ta nên tiếp cận với các thông tin và phương tiện truyền thông theo một mức độ hoài nghi vừa phải và tránh việc bôi đen những ai bất đồng quan điểm với chúng ta.

Chúng ta nên ưu tiên cho những giá trị như tính trung thực, ủng hộ sự minh bạch, và đón nhận mối nghi ngại về những giá trị của việc tỏ ra đúng đắn, cảm thấy tốt đẹp và trả thù.

------------------------------------------

* Bài trích từ cuốn sách Nghệ thuật tinh tế của việc "đếch" quan tâm

Cuốn sách truyền tải thông điệp: "Chìa khóa của một cuộc sống tốt đẹp không phải là quan tâm nhiều hơn, mà là quan tâm ít đi, chỉ quan tâm tới điều gì là thật, gần gũi và thực sự quan trọng". 

menu
menu