Thử làm một cuộc xếp loại tình bạn

thu-lam-mot-cuoc-xep-loai-tinh-ban

Hãy thử “kiểm kê” các kiểu tình bạn mình đang có và tìm cách để cải tạo, nâng cấp nó.

Khi xem Facebook của nhiều người, ta thường gặp những bức ảnh họ tụ họp lớp cũ đại học hoặc thời phổ thông. Môtíp chung là áo quần đồng phục, đứng dàn hàng mặt rạng rỡ tay ve hình trái tim, thu xếp được về trường cũ thì thể nào cũng có kiểu ảnh ngồi vào bàn cũ, đúng người đúng chỗ…

Sau những cuộc họp lớp hôi hổi ấy, người ta nghĩ ngợi nhiều hơn về hai chữ “tình bạn”, thấy bạn thời trẻ hình như mới đích thực là bạn, vẫn còn nguyên đó sự hồn nhiên. Có người cao hứng vì tình bạn cũ cũng như rượu, phải để lâu mới ngon, mới ngấm, mới hiểu ra giá trị. 

Nhưng rồi tình cảm hôi hổi ấy cũng lắng xuống, được lọc bớt, thậm chí một vài quan hệ vừa nối lại gây phiền phức lè nhè. Người ta nhận ra tình bạn quả đúng là rượu, ở cái chỗ có thứ rượu hồi trẻ uống được nhưng đến tuổi này uống vào lại không còn hợp nữa, không nên.

Cái thang bạn bè

Trên tờ The Atlantic, tác giả Arthur C. Brooks cho biết vài kết quả nghiên cứu đã tiết lộ: một trong những chỉ số lớn của vui sống ở người trung và cao tuổi là có thể kể rào rào tên vài người bạn thân. Không cần nhiều quá (nhiều quá cũng “có vấn đề”) vì càng lớn tuổi người ta càng có khuynh hướng chọn lọc lại, nhưng con số ấy cần phải lớn hơn 0 (và phải loại ra vợ chồng hay bồ bịch).

Arthur dẫn ra thang tình bạn của Aristotle: Triết gia nói hãy coi tình bạn như một loại thang dây. Ở nấc thấp nhất là những cầu nối tình cảm yếu ớt nhất, mang lại ít hạnh phúc nhất. Đấy là thứ tình bạn dựa trên sự “đôi bên cùng có ích cho nhau” trong công việc và trong đời sống xã hội. Ví dụ của tình bạn này là đồng nghiệp, bạn làm ăn, hoặc những người giúp nhau trong một vụ việc. Tình bạn này thường nhạt phai khi ta nghỉ công ty, mối làm ăn chấm dứt, hoặc vụ việc đã xong.

Nấc thứ nhì là bạn bè dựa trên yêu thích. Tôi thích anh ở sự thông minh. Tôi thích chị ở óc hài hước. Ta rủ cậu ấy chơi cùng vì sự thoải mái, rộng rãi… Khi những phẩm chất này vì lý do gì đó mất đi, tình bạn cũng tan theo.

Nấc cao nhất là thứ tình bạn dựa trên “đức hạnh”, là thứ mà Aristotle gọi là “tình bạn hoàn hảo” - một loại tình bạn của những người tốt, yêu những gì gọi là phẩm chất tốt đẹp ở nhau, mong điều tốt đẹp cho nhau, cùng nhau nuôi tình bạn chỉ vì muốn được giữ con người tốt đẹp ấy làm bạn chứ chẳng để lợi lộc gì.

Thường trong tình bạn này người ta cùng chia sẻ tình yêu với một thứ gì đó bên ngoài họ, có thể là tôn giáo, thể thao, nghệ thuật… nhưng không phải vì công việc, tiền, hay tham vọng. Dĩ nhiên loại tình yêu này cũng biến mất một khi “đức hạnh” của người kia biến mất (Vì sao tôi phải làm bạn với anh khi anh đã “thoái hóa biến chất”?). Khi tồn tại, tình bạn ấy là hoàn hảo bởi người ta không phán xét nhau về bề ngoài, tiền bạc, địa vị; cũng chẳng trông chờ người kia giúp mình một tay trong công việc do người ấy có thể hoàn toàn “ngoại đạo”. Ta chỉ đến bên họ và vui thích như đến bên một hồ nước trong và an toàn, ta soi vào thấy ta trong veo veo.

Ngược lại với tình bạn thực sự nói trên là “tình bạn có lợi”, hoặc “bạn giao du”, nằm ở nấc thang thấp nhất của Aristotle. Đây là thứ tình bạn dễ chịu và có ích nhưng kém thỏa mãn nhất; cả hai đều thấy “không đầy đủ” do không được sống hết mình. Loại bạn này giúp ta “lưu thông suôn sẻ” trong đời sống, và họ cũng cần ta như vậy; lợi ích này là tương hỗ. Nếu tình bạn này được sinh ra trong công việc và vì công việc, để giữ được nó, chúng ta thường phải giữ một cung cách, một khoảng cách nào đó, và không dám “liều mạng” đối đầu hoặc thân quá kẻo mất nó.

Theo Arthur C. Brooks, một cuộc thăm dò năm 2019 với 2.000 người Mỹ cho thấy mỗi vị trưởng thành có trung bình 16 người được gọi là “bạn”, trong đó 3 là “bạn thân cả đời”, 5 là các bạn dễ mến, còn lại 8 tuy cũng là bạn nhưng không đi chơi riêng được, chỉ để giao du đàn đúm trong công việc, trong ăn chơi. Niềm vui từ 8 người ấy mang lại cũng không kéo dài, tuy nhiên chúng chiếm tỉ lệ lớn nhất. “Nếu bạn thấy đời sống xã hội của mình có gì đó trống trải, rất có thể do bạn có quá nhiều bạn giao du và thiếu bạn thật sự”, Arthur viết. “Nhưng buồn thay, cuộc đời xô đẩy ta đến với các bạn giao du và xa dần các bạn chân tình”.

Ba cách để mất tình bạn

Cũng trên trang The Atlantic, một bài viết khác đưa ra mấy lý do sau khiến khi trưởng thành ta xa dần bạn bè:

1. Không cần nữa: Điều trớ trêu nhất là khi còn thiếu niên ta dành hết thời gian cho bạn bè. Tình bạn khi ấy có một sứ mệnh sâu xa là giúp ta hình dung ra mình là ai, mình muốn gì trong cuộc đời sắp tới. Khi kết thúc tuổi thanh niên, đã xác định được “mình là ai” rồi, ta không còn chơi với chính những người đã giúp ta đưa ra những đáp án cốt tử ấy.

2. Không có thời gian: Thời gian bị đổ vào công việc và gia đình nhưng đi làm bận bịu cũng không mất bạn bằng kết hôn. Bài báo viết: “Thực trớ trêu vì lúc đám cưới cả cô dâu chú rể đều mời đám bạn của họ. Đó chính là lần tụ tập đông đủ ngoạn mục và kỳ diệu cuối cùng, sau đó rơi rụng hết”. Có vợ/chồng là có thêm cả một vũ trụ, bao nhiêu việc để “tạo tác” và choán mất tâm trí. Người ta vẫn nói về tình bạn nhưng không dành cho nó thứ quý nhất là thời gian nữa.

3. Do hoàn cảnh: Hoàn cảnh làm thay đổi con người và bạn bè vì thế xa nhau. Người lớn cũng lịch sự hơn trong tình bạn, không (dám) đòi hỏi bạn phải làm nhiều cho mình như hồi còn thiếu niên. Ai cũng nghĩ người kia có việc của họ, ai cũng sợ làm phiền, và tình bạn phai lạt đi khi độ lịch sự tăng lên.

Hoàn cảnh cũng khiến cho trình độ mỗi người mỗi khác. Đây là điều ta thường nhận ra sau mỗi lần họp lớp. Có người đi quá xa đến nỗi không nhận ra. Có người mãi cứ giậm chân tại chỗ khiến ta thấy thời gian sống của họ thật vô ích.

May thay, “những thứ khiến tình bạn mỏng manh cũng khiến tình bạn thành linh động. Ta mấy tháng không gọi điện cho bố mẹ là không xong, nhưng mấy tháng không hỏi thăm một người bạn thì cả hai vẫn là bạn”. Vấn đề đó là tình bạn nào, nếu xếp theo những nấc thang kia.

Cải thiện và nâng cấp tình bạn

Nếu như do hoàn cảnh mà quanh ta có nhiều “bạn giao du” hơn là “bạn hoàn hảo”, khiến đời ta có ít nhiều cảm giác mất mát thì chẳng lẽ cứ chấp nhận thế sao?

Không, có mấy bước như sau để có được sự cân bằng, giúp tình bạn khởi đầu là hời hợt mà sau thành lành mạnh và sâu sắc hơn.

Bước 1 - kiểm tra tình bạn: Tự hỏi có bao nhiêu người thực sự hiểu rõ bạn, nhận ngay ra khi bạn có gì đó khác thường. Nếu bạn trả lời: “Chẳng ai cả” thì cũng đừng buồn: một cuộc thăm dò năm 2018 cho thấy 54% người Mỹ được khảo sát thấy rằng họ “luôn luôn” hoặc “đôi khi” cảm thấy chẳng ai hiểu rõ mình.

Bước 2 - xác định độ thoải mái: Ngoài vợ chồng, bồ bịch ra, ai là người mà bạn có thể nói thoải mái những chuyện riêng tư? Nếu không kể ra nổi hai, ba người thì rõ là thiếu bạn thân. Còn nếu kể ra được thì thêm một câu nữa: lần gần nhất nói chuyện thân mật như thế là lúc nào? Nếu đã cách đây hơn một tháng thì có lẽ chẳng thân gì mấy.

Bước 3 - xác định cách nuôi bạn theo giới tính: Nữ giới thường lấy việc giúp đỡ về tình cảm và xã hội làm nền tảng cho tình bạn. Nam giới thì lấy công việc hay hoạt động chung. Muốn giữ tình bạn với nam cần có công việc chung. Muốn giữ tình bạn với nữ thì cần lắng nghe tâm sự của họ.

Bước 4 - cải thiện đề tài: Biến mỗi buổi đàn đúm thành cuộc bàn luận những điều sâu sắc hơn, thay vì nói tán loạn chuyện thiên hạ, chuyện gia đình, rồi những điều tầm thường như mua sắm, nghỉ mát. Có thể lèo lái để mở rộng ra bàn về tình yêu, tôn giáo, hạnh phúc. “Rồi bạn sẽ thấy một số quan hệ trở nên sâu sắc hơn, còn một số quan hệ đúng là không cải thiện được, và từ đó sẽ xác định được không nên bỏ nhiều năng lượng vào đâu”. 

Thế còn bạn trên Facebook?

Facebook là một nơi mà vô số người lui tới, kết bạn, nghe ngóng. Cuộc đời có thêm một loại bạn nữa là bạn trên Facebook, lúc nào cũng thường trực.

Có một khái niệm là “quy luật bạn trại hè” cho những tình bạn đáng nhớ: dù lúc ở trại có thân nhau tới mấy, đến lúc vào học trở lại cũng gặp sượng sùng khi liên lạc, đó là do cái tôi ở trại hè không phải là cái tôi ở trường… Bạn bè chỉ gặp online cũng thế, đặc biệt là với những người bạn chưa từng gặp ngoài đời, chưa bao giờ thật sự chia sẻ các trải nghiệm cùng nhau, chỉ là cập nhật cho nhau về đời sống riêng rẽ của mỗi người. Con người ta gặp trên Facebook không hẳn là con người ta gặp ngoài đời. Mối quan hệ trên Facebook “là một mối quan hệ dựa trên kể chuyện thay vì sống cùng”.

Trong khi đó, tình bạn thật sự là mối quan hệ với những người chẳng có gì ràng buộc nhưng lại tự buộc mình vào nhau, tự nguyện hiện diện bằng xương bằng thịt trước nhau mỗi khi có dịp, quyết biến “ảo” thành “thực”, và tìm hết cách để gặp nhau thật sự ngoài đời.

 

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần

menu
menu