Thử thách của những cái ôm

Dù những cái ôm xuất hiện ở khắp mọi nơi, chúng ta không nên vội cho rằng chúng luôn đơn giản hay vô thưởng vô phạt.
Trong thế giới hiện đại, ở nhiều môi trường xã hội, cách chào hỏi và tạm biệt phổ biến đã trở thành cái ôm – một vòng tay kéo dài chừng bốn giây, nơi hai người sẽ dùng cơ bắp tay và vai để quàng qua nhau, tạo một lực ép vừa phải lên lưng hoặc phần thân giữa của đối phương, có thể kèm theo nụ cười và đôi mắt khép hờ.
Dù những cái ôm xuất hiện ở khắp mọi nơi, chúng ta không nên vội cho rằng chúng luôn đơn giản hay vô thưởng vô phạt. Với một nhóm nhỏ nhưng dễ bị bỏ qua – thậm chí bị hiểu lầm – cái ôm lại là điểm khởi đầu cho những phức tạp tâm lý âm thầm, khiến chúng trở nên khó xử và đôi khi còn khiến ta sợ hãi.
Photo by melih bakır on Unsplash
Một phần vấn đề nằm ở bản chất “khiêu khích” của cái ôm. Không phải vì ta không muốn nhận sự yêu thương, mà ngược lại, ta mong mỏi nó quá nhiều – đến mức cái ôm ngắn ngủi được trao lại hóa thành lời trêu ngươi. Một cái ôm, vốn chỉ là thoáng qua, trở nên như một sự xúc phạm ngầm, bởi nó không thỏa mãn được khao khát sâu sắc trong lòng ta (đặc biệt khi người ôm có thể chỉ vừa gặp ta vài phút trước hoặc có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại). Ta thậm chí có thể chọn cách không ôm chút nào, bởi cái ôm ấy khơi dậy sự thèm muốn một kiểu ân cần, dịu dàng kéo dài mà ta biết chắc sẽ chẳng bao giờ có được trong hoàn cảnh này. Ta yêu những gì cái ôm tượng trưng – sự trung thành, tình yêu, sự quan tâm – đến mức ta nghẹn ngào trước những gì thực sự được trao. Ta cứng người, lùi lại với vẻ nghiêm nghị, không phải vì lạnh lùng, mà bởi một nỗi khát khao phòng vệ trước sự ấm áp đã bị từ chối. Ta đói đến nỗi không đủ can đảm để nhận lấy một mẩu nhỏ; cô đơn đến mức không thể chịu nổi việc bị ôm thoáng qua rồi quay trở lại với tự do lạnh giá của mình.
Một trở ngại khác – tưởng như đối lập nhưng lại liên quan – là cảm giác thiếu an toàn khi đối diện với sự gần gũi thể xác ở mức độ cao. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ta sẽ ở trong vòng tay của một người có thể gần như xa lạ; ta sẽ ngửi thấy mùi hương của họ, mặt ta có thể áp vào tóc họ, ngực ta chạm vào ngực họ – và sau đó, theo quy tắc, ta sẽ tiếp tục ngày của mình như thể chẳng có gì quan trọng vừa xảy ra. Nhưng để tin rằng sự thân mật thoáng qua này có thể diễn ra an toàn, ta cần cảm giác chắc chắn rằng mọi người (bao gồm cả chính ta) đều biết tôn trọng ranh giới – rằng ta có thể gần, nhưng chỉ ở mức vừa đủ gần; và rằng tất cả sẽ dừng lại đúng lúc. Tuy nhiên, trong quá khứ của ta, có thể đã có những trải nghiệm khó quên với những người không biết giữ khoảng cách – khiến ta luôn mang trong mình nỗi sợ âm ỉ rằng một điều gì đó chẳng hề tốt đẹp có thể nảy sinh dưới vỏ bọc thân mật này.
Chúng ta xứng đáng được cảm thông cho sự ngần ngại, những thái độ cứng nhắc, khép kín của mình. Việc ta lùi lại một bước khi ai đó tiến đến với vẻ thân thiện không phải là dấu hiệu của sự xa cách hay lạnh lùng; mà chỉ là vì trong ta đang chất chứa những mâu thuẫn và nỗi phức tạp. Tính cách và quá khứ của ta đôi khi khiến ta không thể đối diện với một khoảnh khắc đời thường nhẹ nhàng bằng sự tự nhiên mà chính ta cũng mong muốn. Những người yêu thương ta có thể thể hiện sự bao dung bằng cách tìm ra những cách khác – an toàn hơn – để trao cho ta tất cả những gì một cái ôm có thể hứa hẹn.
Nguồn: THE CHALLENGES OF HUGGING - The School Of Life