Tiến sĩ tâm lý học: 4 loại người “độc hại” nên tránh kết bạn
Những kẻ tự cao, giả tạo và hay phàn nàn chính là những “con sâu” khiến các mối quan hệ của bạn trở thành thảm họa.
Những kẻ tự cao, giả tạo và hay phàn nàn chính là những “con sâu” khiến các mối quan hệ của bạn trở thành thảm họa. Dưới đây là tư vấn của tiến sĩ George S. Everly, Jr., nhà tâm lý học người Mỹ, người có các bài viết định hình to lớn trong lĩnh vực can thiệp khủng hoảng tâm lý và khả năng phục hồi của con người.
Vào những năm đầu sự nghiệp của mình, tôi đã có dịp hợp tác với một đồng nghiệp cấp cao để cùng xin tài trợ cho một dự án nghiên cứu. Khi làm việc cùng anh, tôi đặc biệt tỏ thái độ chỉ trích tác giả của các bài nghiên cứu trước đây. Những tưởng sẽ nhận được sự đồng tình như thường thấy, không ngờ tôi lại vấp phải lời nhận xét thẳng thừng từ người đồng nghiệp. Cách anh nói thật điềm tĩnh:
“Trên đời này có hai loại người, những người luôn muốn đóng góp và những kẻ chỉ chuyên đi gièm pha. Cậu nên nhớ, sự nghiệp và cuộc sống của cậu được vun đắp dựa trên những nỗ lực của chính bản thân chứ không phải bằng cách chà đạp thành quả của người khác. Mọi người có tin tưởng cậu hay không phụ thuộc việc cậu chọn trở thành loại người nào.”
Suốt cuộc đời mình, hiếm người nào tặng tôi những lời ngay thẳng và khôn ngoan như thế. Vị đồng nghiệp ấy sau này cũng chính là người cố vấn quan trọng trong mọi khía cạnh cuộc sống của tôi.
Thật vậy, những người theo chủ nghĩa phê phán dù tư duy có sắc sảo thế nào rồi cũng sớm bị quên lãng. Lịch sử chỉ ghi danh những ai biết vì đời mà cống hiến vô tư.
Lời khuyên quý báu từ anh bạn đồng nghiệp không chỉ hữu dụng trong ứng xử mà còn giúp chúng ta có một con mắt nhìn người sâu sắc hơn. Hãy chọn ở bên những người chân thành, tốt bụng; những người khiến bạn cảm thấy mình tươi tốt, an vui. Và tránh xa những kẻ gai góc, độc hại; những kẻ chỉ chờ bạn trở nên tàn tạ, thấp bé.
Đâu là “bạn”, đâu là “bè”?
Triết gia Cicero từng nói: “Sức mạnh của tình bạn có thể khiến sự thịnh vượng nảy nở, sinh sôi và xua tan đi nghịch cảnh.” Các nghiên cứu gần đây cũng liên tục chỉ ra rằng, duy chỉ có tình người ấm áp mới có thể làm tan chảy những tâm hồn băng giá nhất.
Tuy nhiên đừng vội hấp tấp, như nhà thơ Max Ehrmann cũng từng khuyên: “Thế giới này vốn đầy mánh khóe, hãy thận trọng.” Có lẽ những ai đã từng trải nghiệm nỗi đau của sự phản bội sẽ hiểu được ngụ ý trong câu nói này. Nên nhớ, những kẻ phản bội người khác được thì hoàn toàn có thể đối xử với bạn tương tự. Vì thế hãy bình tĩnh và chọn bạn một cách thật chậm rãi. Để tôi cho bạn một gợi ý, sự nhất quán trong hành vi có thể là dấu hiệu của một người bạn đáng tin cậy đấy.
Là một nhà tâm lý học, tôi đã được đào tạo chuyên sâu về cách chẩn đoán hành vi của con người và dành hàng ngàn giờ để hoàn thiện các kỹ năng của mình. Tôi thường xuyên phải thực hành đánh giá tính chính trực, trung thực và sự đáng tin cậy của một người qua các tờ đơn xin việc của họ hoặc các quy trình kiểm tra an ninh. Nhưng bạn biết chăng, buổi học đắt giá nhất với tôi lại chính là cuộc trò chuyện chỉ vỏn vẹn trong vòng 5 phút với tiến sĩ Henry Murray.
Tiến sĩ Henry Murray là người đã phát triển bài Trắc nghiệm Tâm lý theo chủ đề – the Thematic apperception test, một trong những bài trắc nghiệm tâm lý được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Tuy vậy, ông đã từng tâm sự với tôi rằng, thật ra không có bài kiểm tra nào hiệu quả hơn những câu hỏi đời thường và cụ thể.
Giả như bạn vô tình thấy một người quen làm điều gì đó rất đáng ngờ, không phù hợp hoặc chỉ đơn giản là không đúng, đừng vội bỏ qua hành vi đó và tìm cách bào chữa giúp họ. Cho phép tôi chia sẻ với bạn hai câu hỏi hữu ích nhất mà tôi đã được học khi phân tích hành vi của một người nào đó.
Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:
- Họ đã từng hành xử như vậy trước đây chưa? Câu trả lời sẽ giúp bạn phân biệt đâu là một sai lầm nhất thời và đâu là một thói quen xấu đã được dưỡng thành. Người ta nói: “Sai một lần thì có thể cho là tai nạn. Nhưng lặp đi lặp lại lỗi sai đó thì chính là sự lựa chọn”. Và nhờ đó bạn có thể nhận ra con người thật của họ.
- Tiếp tục hỏi bản thân: Loại người nào thường hành xử như vậy? Hay cụ thể hơn: Loại người nào làm những việc mà người đó vừa làm? Trả lời được câu hỏi này thì bạn đã thấy được cốt lõi của vấn đề. Liệu đây có phải là loại người bạn muốn làm quen, kết thân, làm đối tác kinh doanh hay thậm chí là vợ hoặc chồng?
Tôi cho rằng bằng cách suy nghĩ lời đáp cho những câu hỏi trên bạn sẽ biết được thế nào là một người có tính cách độc hại và người này có xứng đáng với sự cảm thông của bạn hay không.
Hãy cẩn thận với những người độc hại
Bạn biết đấy, trên trái đất này, bầu khí quyển mà chúng ta hít thở hàng ngày vẫn luôn tồn tại độc tố, và xã hội loài người cũng vậy, vẫn luôn có những người độc hại. Chẳng ai muốn sống ở những nơi quá khó thở, vậy nên, học cách nhận biết để tránh né những người độc hại là một kỹ năng thiết yếu mà bạn cần học càng sớm càng tốt.
Người độc hại là những kẻ chuyên gieo rắc bất hạnh và khổ đau. Họ đầu độc tất cả mọi thứ họ tiếp xúc: từ người xung quanh cho đến môi trường làm việc, sự nghiệp, hôn nhân và đặc biệt là con cái. Kỳ lạ là những người này hầu như miễn dịch với cảm giác hối lỗi và cũng không bao giờ có ý định thay đổi theo hướng tích cực hơn. Họ thật sự không hề sáng suốt.
Đến đây có thể bạn sẽ nghĩ rằng tôi đang miêu tả về những tên tội phạm. Nhưng sự thật họ là những người vẫn sống và làm việc với chúng ta hàng ngày.
Có ít nhất bốn loại người độc hại cơ bản: người hung hăng-ái kỷ, người giả tạo, người hay than phiền-tiêu cực và người quyến rũ. Chúng ta hãy cùng xem, bạn có nhận ra người quen nào trong số những người dưới đây không nhé.
Người Hung hăng-Ái kỷ (The Narcissistic-Aggressive Person)
Những người này bề mặt nhìn thì rất cá tính, thú vị nhưng họ thường ích kỷ, có xu hướng mạo hiểm và thích rủi ro. Kẻ hung hăng tỏ ra giàu năng lượng và tích cực nhưng thực chất lúc nào cũng thích áp đảo người khác bằng lời nói, và đôi khi bằng cả hành động. Họ có xu hướng tìm kiếm bạn bè và đối tác khác giới vì đối tượng này lại có xu hướng ngưỡng mộ họ. Người hung hăng tự cho bản thân là người quyết đoán và thật lạ là họ không hề thấy mình hung hăng. Ý thức về quyền lợi cá nhân quá lớn khiến họ trở nên vô cùng ích kỷ. Những người này hiển nhiên chiếm đoạt tiện nghi của người khác như thể đó là một đặc ân được Chúa ban cho.
Họ tuân thủ các quy tắc và luật lệ chỉ khi những thứ này không cản trở điều họ muốn làm, còn nếu không, họ cũng chẳng quan tâm. Nếu bạn là người có lòng tự tôn thấp thì bạn chính là mục tiêu kiểu người này nhắm tới, thậm chí đôi khi bạn còn bị họ thu hút và coi họ như người có thể bảo vệ mình. Tuy nhiên hành vi “bảo vệ” này rồi sẽ sớm bị thay thế bởi những bạo hành bằng lời nói và thể chất.
Người giả tạo (Frenemy)
Họ cư xử như một người bạn thực thụ, nhưng thật ra không phải. Bạn sẽ thấy những lúc bạn cần, họ đều tỏ ra sốt sắng. Nhưng bạn hãy cẩn thận. Mong muốn giúp đỡ của họ không hề xuất phát từ sự vị tha hay thật lòng quan tâm đến người khác. Ý thức về giá trị bản thân của những người giả tạo rất mạnh. Họ thường tận hưởng cảm giác được thấy mình vượt trội khi giúp đỡ những người đang ở trong hoàn cảnh tồi tệ hơn họ.
Loại người này sẽ rất nhanh lộ rõ bản chất khi bạn đạt được thành tựu nào đó. Họ bực bội, khó chịu một cách không kiểm soát vì ghen tị với bạn; người giả tạo không thể nào thật lòng dung nạp niềm vui và thành công của người khác được. Bạn sẽ thấy bỗng nhiên họ trở nên xa cách, thậm chí tệ hơn là cố gắng phá hoại hạnh phúc của bạn.
Thực chất những người này rất đáng thương. Họ thường xuyên phải sống trong sự giả tạo và bất an, tìm mọi cách để nâng giá trị của mình lên bằng việc làm thân với những người họ cho là không bằng mình.
Người hay than phiền–tiêu cực
Loại người tiếp theo này dường như cũng không bao giờ thực sự được hạnh phúc. Trong mắt họ chẳng có gì là tốt đẹp và họ luôn sẵn sàng cho bạn thấy điều đó. Thoạt nhìn họ có vẻ dễ chịu, nhưng càng tiếp xúc lâu bạn sẽ thấy tính cách họ càng thất thường. Họ rất cố chấp và hay “đá xoáy” người khác. Những người này gặp ai cũng buông lời tiêu cực để kiếm sự đồng tình và có được cảm giác “đồng bệnh tương lân”.
Việc làm này của họ thực chất là hành vi gây hấn nhưng được che đậy tinh vi để tránh bị đáp trả. Ví dụ có người nói với bạn: “Này Gee, tớ thực sự thích chiếc đầm mới của cậu. Hình như phong cách này rất phổ biến vào 5, 10 năm trước thì phải.” Rõ ràng người này đang mỉa mai bạn vì chiếc váy lỗi thời nhưng nếu bị thách thức ngược lại họ sẽ chống chế: “nhưng tớ thật sự thích nó.” Nhìn chung, trong khi người khác đều nhìn đời qua những chiếc kính vạn hoa thì thế giới của họ lại luôn phủ một màu xam xám.
Người quyến rũ
Có những người luôn chiếm vị trí trung tâm của mọi bữa tiệc. Họ thu hút, thú vị và dĩ nhiên đầy quyến rũ. Không lạ gì khi họ đồng thời cũng là trung tâm của những rắc rối, thị phi. Những người này rất có gu ăn mặc, thích làm dáng. Họ tìm mọi cách để lôi kéo sự chú ý về phía mình, đặc biệt là từ người khác giới và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Đáng buồn thay, những người này đa phần đều có nội tâm yếu đuối. Họ bù đắp sự bất ổn và dễ bị tổn thương bằng cách khoác lên mình cái vẻ hào nhoáng, xa hoa. Người quyến rũ lựa chọn sống một đời sống hời hợt và cũng đánh giá người khác dựa trên các tiêu chí nông cạn. Việc người ta có tài sản bao nhiêu, bề ngoài trông như thế nào và quen biết những ai đối với họ rất quan trọng.
Thật không may cho họ, thời son trẻ của ai cũng không kéo dài mãi mãi, người quyến rũ theo năm tháng cũng sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tuổi trung niên như bao người. Cơn khát được chú ý – liều thuốc cho sự bất an, rồi sẽ khiến họ trở thành những con thiêu thân và trở nên rệu rã. Họ sẽ không ngừng hoang tưởng cho đến một ngày nhìn lại đã không còn ai thật lòng bên cạnh.
Chọn bạn mà chơi
Bạn đã học được cách nhận diện những người độc hại. Vậy bây giờ chúng ta tiếp tục học cách đi tìm tình bạn chân chính.
Chỉ cần ghi nhớ những điều đơn giản sau đây:
- Tình bạn bắt nguồn từ sự tin tưởng lẫn nhau.
- Tình bạn dựa trên sự thủy chung và không có ngày đáo hạn.
- Bạn thân không có nghĩa là chúng ta ngày càng trở nên xuề xòa với nhau. Ngược lại, càng thân càng nên tế nhị và nhã nhặn.
- Một người bạn tốt là một người trung thành. Bạn hãy để ý xem, những lời nói xấu sau lưng người khác, bằng cách nào đó cuối cùng cũng lại đến tai họ. Người bạn tốt dù thế nào đi nữa cũng sẽ luôn nói lời tử tế về bạn với người khác, dẫu bạn không có mặt ở đó. Đồng thời khi hành xử như vậy họ cũng đang tạo dựng lòng tin và ấn tượng tốt đẹp từ những người xung quanh.
- Người bạn đích thực sẽ luôn khuyến khích bạn được là chính mình và giúp bạn nhận ra giá trị của bản thân. Bên cạnh những người này, bạn thấy mình như nở hoa, tràn trề sinh lực và đầy hào hứng.
- Và quan trọng nhất, người bạn chân chính sẽ luôn có mặt lúc bạn cần. Không giống như kiểu người giả tạo, người bạn chân chính sẽ giúp đỡ bạn một cách vô tư mà không đòi hỏi lại bất cứ điều gì. Người bạn chân chính luôn khiến bạn cảm thấy đủ đầy ngay cả khi bản thân họ đang thiếu thốn.
Đọc đến đây, bạn có phát hiện ra trước giờ mình có rất nhiều “bè” nhưng lại quá ít “bạn” hay không? Thật ra điều này vốn rất phổ biến, chỉ là chúng ta không chú ý. Hãy nắm vững các nguyên tắc trên, nếu chưa thể tìm thấy tình bạn đích thực thì ít nhất bạn cũng không bị rơi vào cái “bẫy” của những người độc hại.
Tài liệu tham khảo
Millon, T. & Everly, G.S., Jr. (1985). Personality and its disorder. New York, NY: Wiley.
Tác giả: TS. George S. Everly, Jr.
Đỗ Hoàng dịch
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/when-disaster-strikes-inside-disaster-psychology/201911/toxic-people-how-recognize-and-avoid