Tiền và ‘những thứ đáng giá hơn tiền’

tien-va-nhung-thu-dang-gia-hon-tien

‘Người có học đối xử với tiền bạc y như cách họ xử sự với đề tài tình dục: đều e thẹn, bất đồng và giả tạo’.

Từ phòng khám riêng tại số 19 phố Berggasse, trung tâm thủ đô Vienna, nước Áo, Sigmund Freud đã rút ra được một nhận định quan trọng về tiền bạc. Phần lớn khách hàng của ông thuộc tầng lớp trung lưu Áo: họ là công chức, kỹ sư, giảng viên đại học và thương gia. Rõ ràng, tiền bạc không phải là vấn đề đối với họ. Song, khi đụng đến chuyện tiền công phải trả sau buổi trị liệu dài cả tiếng, họ đều ngần ngừ, trăm người như một: họ sẽ nói rằng quên ví rồi, quên bóp rồi; họ sẽ giải thích việc không mang đủ tiền (Freud chỉ nhận tiền mặt) và hứa hẹn sẽ trả vào một ngày sau đó – một lịch hoãn vô thời hạn. Và trên cả những lời kỳ kèo quen thuộc đó, Freud nhận ra một vấn đề lớn hơn và mang tính bẩm sinh hơn: Đối với các vị khách của ông, dường như có điều gì đó không hợp lý khi phải trả tiền cho những điều riêng tư khi họ dành thời gian để nói về cảm xúc, nỗi khát khao và những tổn thương của họ.

Freud bị cuốn hút bởi phát hiện miễn cưỡng này. Ông nhận ra rằng, đây là triệu chứng của đám đông trong một xã hội điên cuồng chạy theo đồng tiền. Khi lần theo nguồn gốc của vấn đề, ông đã chỉ ra rằng, chúng ta đều tới thế giới này với ý niệm đây là nơi chúng ta – ban đầu – không phải trả tiền để được chăm sóc. Ngày thơ bé, chúng ta đều được nhận – một cách vô điều kiện – thức ăn, chốn ở, giáo dục cùng mọi cung bậc tình yêu dịu dàng nhất. Chỉ khi lớn lên, ta mới dần hiểu ra một khái niệm phức tạp, rằng có rất nhiều thứ ta cần, phải được mua bằng tiền. Trong một vài trường hợp cụ thể, ta không khó khăn gì để chấp nhận điều đó: ta không bắt bẻ anh thợ làm bánh vì phải trả tiền cho chiếc bánh vừa mua, hoặc với cậu sửa máy giặt vì đã đưa ta hóa đơn thanh toán. Tuy nhiên, ta vẫn nuôi kỳ vọng cơ bản rằng một vài thứ trên đời không nên thương mại hóa – đặc biệt là những thứ gắn với nhu cầu lớn nhất, có ý nghĩa nhất của mỗi cá nhân: nhu cầu được yêu, được thoải mái, được an ủi, được thấu hiểu, được dìu dắt và được có bạn bè. Nghệ thuật, mái nhà chung của mọi lẽ cao quý, là tâm điểm của sự ngờ vực: đến nỗi, ta thường đánh giá thấp một nghệ sĩ chỉ vì anh này đã thẳng thắn ra giá cho tác phẩm của mình hoặc một tác giả nghiêm túc lại bán sách đắt như tôm tươi. Có vẻ như, chúng ta thường bài xích quan niệm rằng những thứ thiêng liêng và ý nghĩa cũng có thể đem định giá và bán lấy lời.

Freud đồng thời phỏng đoán rằng, suy nghĩ đối địch này chỉ gia tăng kể từ thời kỳ Cách mạng Công nghiệp và sự ra đời của xã hội tiêu dùng. Động cơ tài chính càng trở nên phổ biến trên thế giới, thì những người bảo vệ cho khía cạnh tín ngưỡng của sự tồn tại càng lùi vào thế phòng thủ. Họ hy vọng bản thân mình – cũng như mong đợi và kỳ vọng từ người khác – có thể tránh xa khỏi đấu trường thương mại để bảo toàn ‘sự thuần khiết’ của họ. Huyền thoại về những nghệ sĩ vĩ đại nhưng nghèo túng trở thành ngọn cờ của thời đại mới – hoàn toàn đối lập với những chân dung lớn trong lịch sử, như Leonardo da Vinci với những đòi hỏi quyết liệt về thù lao, hay Titian với khối tài sản không thua kém bất kỳ thương gia phát đạt nào tại Venice thời ấy.

Freud liếc đôi mắt ngờ vực làm nên thương hiệu của ông lên những điều cấm kỵ về tài chính của chúng ta, và nhận xét, ‘Người có học đối xử với tiền bạc y như cách họ xử sự với đề tài tình dục: đều e thẹn, bất đồng và giả tạo’. Là một người Do Thái, ông khắc cốt ghi tâm nỗi hằn học mà các tín đồ Công giáo dành cho những người theo tôn giáo của ông, gán cho họ mác hám tiền, gán những ham muốn phiền toái cho họ như những vật tế thần thuận tiện nhất.

Do đó, Freud theo đuổi công cuộc cải cách thái độ đối với tiền bạc. Trên thực tế, ông mong rằng nghề nghiệp mới mẻ của mình – phân tâm học – được người đời trân trọng nhờ tác dụng chữa lành của nó, đồng thời mong muốn nó được hậu đãi để có thể trở thành một phương thức cải biến xã hội một cách sâu rộng. Không muốn phân tâm học chỉ là thú vui cho giới tài tử, Freud tìm cách nâng nó thành một trong những ngành nghề quan trọng của thế kỷ 20 (ông vô cùng ngưỡng mộ tinh thần doanh nhân của Henry Ford). Do đó, Freud luôn thẳng thắn đề nghị tiền thù lao từ khách hàng, không kém gì nghề luật sư hay chủ khách sạn – đến mức mà, ngay cả khi khách hàng không đến, ông vẫn đòi tiền không nhân nhượng: ‘Mỗi giờ trong ngày làm việc của tôi đều dành cho một bệnh nhân nhất định; nó là của anh ta, và anh ta phải có trách nhiệm với nó, ngay cả khi không dùng đến.’

Xét về mặt tiềm thức, Freud nhận ra sự tương đồng giữa rắc rối của chúng ta xung quanh vấn đề tiền bạc và vấn đề tình dục. Theo ông, nếu một người rối loạn tâm lý tình dục là người không thể thừa nhận rằng những khao khát của chính họ là hợp lẽ, do đó luôn cố tìm cách chối bỏ hoặc kìm nén chúng, trả cái giá quá cao về mặt tinh thần; thì người rối loạn tâm lý tiền bạc cảm thấy thôi thúc phải nhục mạ đồng tiền khi tôn thờ địa hạt phi thương mại, do đó phủ nhận sức mạnh và quyền lực của nó. Trong cả hai trường hợp, người khỏe mạnh có thể nhìn nhận sự hội nhập và hòa giải: một sự thừa nhận chắc chắn rằng ta có thể là người vừa có học thức vừa ham mê tình dục, hoặc ta có thể là một người ham mê tiền bạc nhưng cũng đề cao các giá trị tinh thần. Một người trưởng thành sẽ không khăng khăng đòi người cung cấp dịch vụ liên quan tới những nhu cầu thiêng liêng của họ phải làm điều đó với sự xem thường mọi thứ liên quan đến vật chất – như cha mẹ họ đã từng làm (qua đôi mắt ngây thơ) trong những năm tháng đầu đời của họ. Một người có nhận thức cao về tài chính luôn sẵn lòng chấp nhận rằng nhà tâm lý học có thể kết hợp năng lực chăm sóc người khác và sự quan tâm thích đáng đến quyền lợi của cá nhân họ. Chứng lưỡng phân trinh-điếm (madonna-whore dichotomy*) đã chiến thắng trong trường hợp này, khi ta bị hạ gục quanh vấn đề tiền bạc hay vấn đề tình dục. Và ta cần hiểu rằng, những thứ có giá trị nhất cũng có thể được đem ra mua bán mà không bị xem là xấu xa.

Freud đã không thành công. Phân tâm học vẫn là một nghề có doanh thu khá thấp (cottage industry). Hầu hết những người trong nghề và khách hàng của họ vẫn đều cảm thấy lúng túng xung quanh khía cạnh thương mại của công việc này. Tại Mỹ, nghề làm móng mỗi năm tạo ra lợi nhuận gấp năm mươi lần nghề phân tâm học. Nhưng chúng ta vẫn cần gửi lời cảm ơn tới Freud, bởi ông đã tìm ra và lý giải được nỗi ám ảnh kinh niên tuy không cần thiết lại gây hại lớn bởi, trên quy mô toàn xã hội, nó xem nhẹ mong muốn thương mại hóa ngành nghề, bằng cách làm giảm tính thực dụng và năng lực của những người góp phần phát triển lĩnh vực tâm lý học. Freud hiểu rằng, tình trạng của xã hội hay của mỗi cá nhân đều phụ thuộc vào đức tin tốt đẹp rằng những điều có ý nghĩa nhất về mặt tinh thần đối với chúng ta cũng có thể, ở mức độ không có chi phí rủi ro, là đối tượng nghiên cứu của một lĩnh vực và mang tính bầy đàn (animal spirits*) từ giới kinh doanh.

  1. Chứng lưỡng phân trinh-điếm (Madonna-Whore dichotomy): Từ gốc là Madonna-Whore complex (phức cảm trinh-điếm), thuật ngữ sử dụng trong lĩnh vực phân tâm học, do Freud định nghĩa, đại khái mô tả một rối loạn tâm lý tình dục ở nam giới: Đối với người phụ nữ họ yêu, họ không có ham muốn tình dục. Đối với người họ có ham muốn tình dục, họ lại không thể yêu
  2. Tính bầy đàn: Được dịch từ tiếng Anh (animal spirits) là thuật ngữ mà John Maynard Keynes sử dụng trong cuốn sách xuất bản năm 1936 của ông (Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ) để mô tả bản năng, sự tự tin và cảm xúc có thể ảnh hưởng và hướng dẫn hành vi con người, và có thể được đo lường bằng, ví dụ, niềm tin tiêu dùng. Kể từ đó, người ta thường lập luận rằng niềm tin cũng bị bao hàm và bị điều khiển bởi ‘tính bầy đàn’.

Nguồn dịch: https://thebookoflifevn.wordpress.com/2020/01/14/bai-2-tien-va-nhung-thu-dang-gia-hon-tien/

menu
menu