Tìm thấy niềm vui ở những việc vặt nhàm chán
Tại sao tôi chở con trai đi tập karate.
Tôi mất 25 phút để lái xe chở con trai mình đến võ đường tập karate vào tối nay. Tôi đã ngồi đợi và xem thằng bé tập luyện để đủ điều kiện tham dự kỳ thi lên đai đen. Trong suốt 90 phút. Phải thừa nhận là tôi cũng ghi chú lại một số điều mà sau này trở thành bài báo mà bạn hiện đang đọc. Sau buổi tập, tôi chở thằng bé về nhà.
Hôm qua tôi cũng lái xe chở thằng bé đi tập. Ngày mai tôi cũng sẽ làm thế, và vợ tôi hoặc tôi sẽ làm việc đó vào ngày hôm sau. Mười một năm học karate. Và vô số lần lái xe chở con đi học.
Sống trên đời nghĩa là bạn thường xuyên phải đối mặt với những công việc lặt vặt chẳng mấy thú vị. Những việc như mua hàng tạp hóa, dọn dẹp căn bếp, điền tờ khai thuế, chà toilet hay dắt chó đi dạo. Trong thời đại COVID phải ở trong nhà này, đôi lúc tưởng chừng như cả ngày chỉ toàn là mấy việc mọn. Những công việc lặt vặt này thì muôn hình vạn trạng, và chúng ta phải làm chúng vào một thời điểm nào đó—thường xuyên, lặp đi lặp lại.
Đời là vậy.
Thật không may, chúng ta thường chểnh mảng khi thực hiện những việc vặt này. Chúng ta nhủ rằng mình “phải làm việc này” hoặc chúng ta phải “làm cho xong,” để có thể trở lại làm những việc mà ta yêu thích.
Khi chúng ta kiến tạo cuộc đời như một chuỗi đầy những nhiệm vụ buồn chán, chúng ta biến thành nạn nhân của những việc lặt vặt, hành động giống như con robot vô hồn, làm cho có lệ. Nhưng làm sao chúng ta có thể hóa giải được mâu thuẫn nội tâm này? Làm thế nào ta có thể khiến bản thân làm những việc vặt ta không thích, mà không cần phải “cam chịu” chúng?
Chà, để bắt đầu, chúng ta đừng “ép bản thân” làm gì cả. Thay vào đó, chúng ta có thể biến chúng thành trò chơi của trẻ con. Đây là cách làm.
Khi bọn trẻ con chơi trò đuổi bắt, chúng có thể dốc hết sức để chạm vào một cái cây (“nơi an toàn”) trước khi chúng bị đứa trẻ khác tóm. Chúng đề ra những quy tắc của chúng về những điều quan trọng, rồi sau đó hớn hở theo đuổi nó. Chúng phải biết được vị trí của cái cây ở đâu. Chúng phải chạy. Thật nhanh. Chúng phải chuyển hướng, di chuyển lắt léo và cúi nhanh. Và chúng phải nỗ lực 100 phần trăm.
Chúng ta gọi quá trình đó là “vui chơi.” Và chúng ta YÊU THÍCH nó. Còn nhớ không? Hồi còn bé, bạn làm chuyện này thật tự nhiên suốt hàng tiếng đồng hồ.
Bạn còn nhớ chứ?
Cần lưu ý rằng việc chạm vào cái cây không thực sự quan trọng—ít nhất là chưa, cho đến khi chúng ta nói điều đó. Tầm quan trọng hoàn toàn do chúng ta tạo ra. Chúng ta biết điều đó… đó là lý do tại sao nó có thể là “trò chơi.” Nếu bạn sẽ bị đánh đập vì không chạm được vào cây thì bạn sẽ không cảm thấy trò đuổi bắt là một trò chơi.
Cũng vậy, vui chơi bắt đầu biến mất ngay khi tâm trí khiến chúng ta tin rằng cái cây vô cùng quan trọng, dù chúng ta có nói vậy hay không. Ngay khoảnh khắc ấy, chúng ta “hợp nhất” với mục tiêu của ta, và chúng ta không còn lựa chọn những phẩm chất của việc sống và hành động mà ta mong mỏi được biểu lộ. Thay vì chủ động lựa chọn những điều quan trọng, và chúng ta muốn được chơi trò chơi ra sao thì chúng ta trở nên chai lì và thiếu sức sống khi theo đuổi những kết quả quan trọng.
Hoặc tệ hơn nữa, những kết quả nhàm chán.
Khi trưởng thành, chúng ta có thể liên tục chơi một trò được gọi là “sống một cuộc đời đầy ý nghĩa” nếu như ta biết cách cấu trúc trò chơi này. Chẳng hạn, tôi làm như thể việc nuôi dạy đứa con trai 15 tuổi của tôi trở thành một người trưởng thành đầy trách nhiệm là việc quan trọng. Nếu tôi cố ép buộc tầm quan trọng đó lên bản thân thì tâm trí tôi sẽ phản bác lại rằng chúng ta chỉ là những hạt bụi, và cuối cùng thì đó là một quả cầu băng lớn. Tôi hoàn toàn không quan tâm đến lập luận đó. Vợ và tôi xem đó là việc quan trọng—cứ việc thưa kiện chúng tôi nếu bạn không thích điều đó. Khi ấy nó có thể là một cuộc hành trình vui vẻ (và nhiều nỗ lực), nhưng nó chỉ quan trọng đối với chúng tôi vì chúng tôi chọn con đường đó.
Chúng tôi không phải là nạn nhân ở đây, bị áp bức bởi sự quan tâm chăm sóc của chính chúng tôi.
Sau khi chúng tôi đã chọn những gì quan trọng thì chúng tôi có thể quyết định những phẩm chất bên trong cách mà chúng tôi muốn chơi trò chơi. Chúng tôi gọi những phẩm chất ấy là “các giá trị.” Bạn muốn mang đến những giá trị nào vào nhiệm vụ trước mắt bạn? Ví dụ, tôi không chở con trai đi tập karate để biến bản thân tôi trở thành một Người Cha Vĩ Đại. Thực ra, tôi biết mình có thể trở nên giỏi hơn nữa trong trò chơi Làm Cha này mặc dù tôi đã chơi nó được một thời gian. Thay vì vậy, tôi lái xe chở con đi học vì yêu con.
Tôi đang cố gắng chạm đến cái cây của việc dạy dỗ tốt một cậu con trai, nhưng niềm vui nằm ở tình yêu thương. Chúng tôi thường hay trao đổi về những điều quan trọng trên đường đến lớp karate. Tôi được xem tận mắt đứa trẻ này thời thơ ấu từng mắc phải chứng rối loạn cơ và không thể cầm được nĩa, nhưng giờ đây đã cao lớn bằng tôi và nhìn thấy thằng bé đá tung chăn vào buổi sáng rồi sau đó thực hiện 50 cái hít đất.
Đây là niềm vui thuần khiết. Nếu bạn đề nghị với tôi một cuộc mặc cả ma quỷ rằng sẽ ban cho tôi một cậu con trai được nuôi dạy đàng hoàng nhưng lại tước đi của tôi nhiều khoảnh khắc dù nhàm chán, khó khăn nhưng tuyệt vời của việc nuôi dạy con thì tôi sẽ từ chối lời đề nghị đó. Chạm vào cái cây chỉ là một bối cảnh cho trò chơi đuổi bắt làm cha mẹ mà tôi đang chơi...chúng tôi giả vờ rằng việc đó quan trọng (thực ra là không) chỉ để chúng tôi có thể tiếp tục chơi.
Tình yêu nằm ở quá trình chứ không phải kết quả … nhưng kết quả là quá trình mà qua đó quá trình trở thành kết quả.
Bạn có thể chọn bất kỳ ý nghĩa nào mà bạn muốn gán cho nhiệm vụ trước mặt bạn. Bạn có thể lựa chọn hướng đi và điểm đến. Lúc ấy, cuộc sống có thể diễn ra, ngay cả trong niềm vui của những công việc lặt vặt buồn chán.
Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì tâm trí có thể biến cuộc sống tập trung-vào giá trị thành một bài kiểm tra đậu-hay-trượt. Và theo tâm trí, chúng ta lúc nào cũng đang kề cận bờ vực thất bại. Vì vậy hãy xem nhẹ những giá trị của bạn, rồi sau đó hãy theo đuổi chúng một cách đam mê.
Chơi vui vẻ nhé!
Nguồn: Psychology Today
Dịch bởi Chó béo cute
Tác giả: Steven C. Hayes, ông là tác giả của cuốn sách Trị liệu ACT - Thoát khỏi tâm trí và bước vào cuộc sống đã được xuất bản ở Việt Nam