Tình đơn phương
Khi người bạn yêu không yêu bạn …
Khi người bạn yêu không yêu bạn …
Hoặc yêu bạn nhưng không nhiều như bạn yêu người ấy. Bạn sẽ thà yêu người ta nhiều hơn, hay sẽ muốn mình được người ta yêu nhiều hơn?
Hầu hết mọi người gặp khó khăn trong việc để bản thân họ yêu ai đó hơn là tìm được người để yêu họ – Bill Russell
Bạn không bao giờ mất mát do yêu thương. Nhưng bạn luôn mất mát khi kiềm chế cảm xúc yêu thương ai đó – Barbara De Angelis
Tình yêu đơn phương được cho là một trong những cảm giác yêu thương đau khổ nhất có thể. Tuy nhiên, nhiều người thà yêu đơn phương còn hơn là không có tình yêu. Hãy xem xét 2 loại quan hệ sau:
- Bạn yêu thương người bạn đời của mình nhưng người đó không yêu bạn, hay yêu bạn không nhiều như bạn yêu người đó.
- Bạn đời của bạn yêu thương bạn nhưng bạn không có cảm giác đó, hay có nhưng không nhiều như người bạn đời dành cho bạn.
Bạn sẽ lựa chọn mối quan hệ nào? Câu trả lời không phải dễ dàng.
Đây là một câu chuyện có thật:
Albert là một người đàn ông đẹp trai đã ly dị vợ những năm đầu tuổi 50. Anh ta gặp Debra trong một buổi hẹn hò qua mạng và bên nhau được gần một năm. Anh ta sau đó rời bỏ cô ấy vì lý do là mặc dù anh thích cô ta và thấy vui khi có cô bên cạnh, nhưng anh ta không yêu cô ấy lắm. Sau khi họ chia tay, anh ta hẹn hò thêm một vài phụ nữ khác. Sau đó, vào ngày sinh nhật của anh ta gần một năm sau cuộc chia tay, cô Debra mời anh ăn tối, và sau buổi đó, anh quyết định quay trở lại với cô.
Albert đã nói với bạn mình: “Đây là người phụ nữ mà tôi muốn được chung sống.” Người bạn thật sự ngạc nhiên và nhắc anh ta rằng anh đã nói không lâu trước đây rằng anh không yêu cô ây nhiều đủ để chung sống với cô ta. Albert trả lời rằng “Đúng vậy, nhưng cô ấy yêu tôi hơn bất kỳ người nào khác từ trước tới nay, và cuối cùng đây mới là điều quan trọng nhất.”
Trên thực tế, Albert đã hỏi Debra cùng câu hỏi: “Tại sao em lại muốn chung sống với anh dẫu biết rằng anh không yêu em nhiều như em yêu anh?” Debra đã trả lời rằng cô ấy thà ở bên cạnh một người cô ấy yêu rất nhiều và có thể người đó không yêu cô nhiều như cô yêu người đó, còn hơn là ngược lại.
Với những lựa chọn như thế, bạn sẽ chọn theo quan điểm của ai, Albert hay Debra? Những người mà tôi đã hỏi câu này, bao gồm sinh viên và bạn bè của tôi, đều chia làm hai nhóm.
Khi nói về tình yêu đơn phương, người ta thường liên tưởng đến những trải nghiệm đau đớn trong đó một người không hề cảm thấy yêu thương gì đối với người còn lại. Tuy nhiên, trường hợp cực đoan này không phổ biến bằng những mối quan hệ mà trong đó có một sự chênh lệch nhỏ – khi mà cả hai đều yêu thương nhau, nhưng mức độ của tình yêu thì khác nhau. Trong ví dụ của chúng ta, trong khi Debra yêu dại khờ Albert, thì Albert chỉ thích cô ấy, chứ không yêu cô nhiều như cô yêu anh ta. Thái độ của anh ấy không hề mang chút hơi hướng nào của tình yêu thực sự. Cảm giác của anh ta cũng có sự quan tâm và đồng điệu, nhưng ở mức độ thấp hơn so với tình yêu thực sự. Có một mức mà tại đó, cảm giác yêu thương không đủ để khiến anh chung sống với cô, nhưng cảm giác của Albert lại ở trên ngưỡng đó.
Sự khác biệt về mức độ yêu thương thường không được nhắc đến giữa những người yêu nhau. Khi họ thật sự nói đến nó, một người có thể nói như vầy “Anh yêu em nhiều lắm – nhiều hơn cả tình yêu em dành cho anh” và người yêu của người đó có thể trả lời rằng “Điều này là không thể, vì không có tình yêu nào có thể lớn hơn tình yêu em dành cho anh.” Một câu trả lời phổ biến khác là “Tình yêu anh dành cho em to lớn đến nỗi nó đủ cho cả hai ta.” (Một người yêu lý trí và khôn khéo có thể đã nói khác “Anh à, chúng ta đã đồng ý là chúng ta không thể đo lường tình yêu to lớn của chúng mình.”)
Tất nhiên, khi một cặp đang trên bờ vực đổ vỡ, cuộc nói chuyện sẽ trở thành một buổi cáo buộc: “Anh yêu em không bằng em yêu anh.” Điểm nhấn mạnh của những người đang yêu là vào khía cạnh “nhiều hơn”, chứ không phải “ít hơn” hay “không bằng”.
Biết được sự chênh lệch về mức độ yêu thương có thể rất đau, bởi vì điều đó có nghĩa là một người yếu thế hơn người còn lại – cũng là ám chỉ một dạng “khước từ, chối bỏ”. Theo đó, người ta sẽ dồn nén vấn đề đó đi hay tiếp nhận một ảo tưởng lạc quan về người yêu của mình. Tương tự như thế, người ta sẽ không muốn thừa nhận với người yêu của mình rằng cô ta hay anh ta là “một sự thoả hiệp”.
Thái độ của cả Albert lẫn Debra đều liên quan đến “sự thoả hiệp” trong tình yêu – nhưng không rõ là hình thức nào sẽ gây đau đớn nhiều hơn. Lợi thế chủ yếu trong tình huống của Albert là tình yêu to lớn được trao đến anh ta và vì thế, khả năng nhiều là Debra sẽ không rời bỏ anh ấy. Bất lợi trong tình huống của anh ấy liên quan đến việc từ bỏ một giấc mơ cơ bản của con người đó là được yêu say đắm cuồng nhiệt một ai đó. Hoàn cảnh của Debra thì ngược lại: Cô ấy vui với tình yêu nồng cháy của mình dành cho anh, chấp nhận từ bỏ sự tương đồng trong mức độ yêu thương, và vì thế là người yếu thế hơn và kém chắc chắn về mối quan hệ của cô với Albert.
Albert ở vị trí chủ động nhiều hơn đối với tình huống này; anh ta có thể kéo dài mối quan hệ tới chừng nào anh ta muốn, bởi vì tình cảm của Debra dành cho anh gần như được đảm bảo chắc chắn. Và nếu anh tình cờ tìm được một người phụ nữ mà anh cảm thấy yêu cuồng nhiệt, anh ta có thể theo đuổi mối quan hệ mới. Theo một cách khác, Albert chấp nhận “thoả hiệp” ở hiện tại để đảm bảo tương lai. Debra thì yếu thế hơn vì cô không có nhiều sự chủ động trong tình huống. Cô từ bỏ quyền “điều khiển” tương lai của mình để hưởng thụ tình yêu đang có trong hiện tại.
Những người theo quan điểm của Debra là những người lạc quan, cho rằng họ có khả năng thay đổi cách cảm nhận của người yêu đối với họ. Sự lạc quan này có liên hệ với một niềm tin phổ biến là thế giới vốn dĩ có thể được thay đổi và khả năng ảnh hưởng đến sự việc xung quanh của họ là ngoại hạng. Những tay cờ bạc có kinh nghiệm thường có những hành vi cho thấy niềm tin của họ vào khả năng họ có thể điều khiển những con số nào sẽ xuất hiện trên xúc xắc. Tương tự, người ta thích tự mình lựa vé số hơn là có ai đó lựa dùm mình; họ tin rằng sự lựa chọn của chính họ sẽ tăng cơ hội họ trúng số.
Nếu bạn tin rằng thay đổi cảm giác của người yêu của mình thật sự là một việc khả dĩ, thì lựa chọn bạn yêu say đắm người đó sẽ là lựa chọn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu việc thay đổi cảm giác của người yêu của mình là không thể – thực tế là rất khó để thay đổi những người trưởng thành – những nổ lực cố gắng thay đổi cảm giác của người đó chỉ càng làm tăng thêm sự tuyệt vọng và chán nản trong bạn.
Trạng thái tinh thần của Albert thì bình lắng hơn so với của Debra. Anh ta có thể cảm thấy không thoả mãn hoàn toàn ngày qua ngày với sự thật là anh ta không hề cảm giác được một tình yêu thực thụ, nhưng anh có thể tận hưởng tình yêu Debra dành cho anh và tương lai [về mặt tình cảm] của anh được chắc chắn. Trạng thái tinh thần của Debra thì kém ổn định hơn, vì nó có liên hệ tới cả cảm xúc tích cực mạnh mẽ (tình yêu) lẫn cảm xúc tiêu cực (sự không chắc chắn và thất vọng). Sự lo lắng trong hành vi của Debra cũng lớn hơn so với Albert, và điều này có thể sẽ “thiêu đốt” cô; cho đến cuối cùng khi tình yêu cô dành cho Albert đành dần lịm tắt.
Tính cách cá nhân cũng có ảnh hưởng đến sự lựa chọn giữa quan điểm của Albert hay của Debra. Những người có khuynh hướng “cái tôi” lớn hơn thường sẽ chọn cách của Albert bởi vì họ tin họ không có khó khăn gì trong việc tìm kiếm bạn đời. Những người lý trí cũng có xu hướng chọn cách của Albert cao hơn, trong khi những người lãng mạn thường chọn cách của Debra. Tuổi tác cũng có thể là một yếu tố liên quan: Những người lớn tuổi thì sự lựa chọn tình yêu lãng mạn của họ giảm đi, hay sẽ thường tìm kiếm mối quan hệ “bạn già” hơn là mối quan hệ yêu đương nam nữ đầy đam mê, và họ thường sẽ chọn quan điểm của Albert.
Tóm lại: Thường sẽ có một sự chênh lệch về mức độ yêu thương của hai người yêu nhau; vì thế, những người yêu nhau cần phải tập ứng phó với sự chênh lệch như thế.
Trần Đình Tuấn dịch