Tình Yêu Đích Thực Đâu Nhất Thiết Phải Trường Tồn

tinh-yeu-dich-thuc-dau-nhat-thiet-phai-truong-ton

Một trong những giả định sai lệch nhất trong thời đại này, chính là “tình yêu chân chính sẽ kéo dài mãi mãi".

Một trong những giả định sai lệch nhất trong thời đại này, chính là “tình yêu chân chính sẽ kéo dài mãi mãi". Rất đỗi tự nhiên, chúng ta cứ thế gắn chặt hai tính chất “chân thành” và “bền lâu” của tình yêu lại với nhau. Cũng vì lẽ đó, chẳng thèm quan tâm xem một cuộc tình đã kéo dài được trong vòng một vài tuần, năm năm hay mười năm - chỉ cần mối quan hệ ấy đi đến hồi kết vào bất cứ ngày nào trước ngày mất của một trong hai nửa, là ta đã lập tức tự động coi đó như một sự thất bại, một thảm hoạ cảm xúc với nguyên nhân đến từ chính những người trong cuộc. Thậm chí còn có rất nhiều người cứ đau khổ mãi, chỉ vì “bọn tôi mới yêu nhau được mỗi ba mươi hai năm thôi mà". 

Về cơ bản, chúng ta dường như không thể nào tin tưởng được rằng một mối quan hệ có thể đồng thời vừa có sự chân thành, vừa có ý nghĩa và quan trọng, nhưng chúng lại bị giới hạn một cách công bằng và ngây thơ suốt khoảng thời gian tồn tại. Mặc dù sự lên ngôi của kiểu tình yêu trọn đời trọn kiếp thì cũng là rất xứng đáng bởi vô vàn lý do: chẳng hạn, khi và chỉ khi đã cùng gắn bó với nhau trong một khoảng thời gian dài, đã trao nhau niềm tin và cả sự chung thuỷ, thì một số điểm tốt đẹp của tình yêu lúc bấy giờ mới được lộ rõ. Hoặc, một khi đã chắc chắn rằng mình sẽ ở cùng người kia đến đầu bạc răng long, thì hai nửa tất sẽ nỗ lực dồn đắp và vun vén cho mối quan hệ này nhiều hơn bất cứ thứ gì - do đó cũng sẽ cố gắng đương đầu với những vấn đề dẫu khó khăn nhưng là vô cùng hệ trọng, cố gắng thông cảm cho những góc khuất trong tâm hồn đối phương, cố gắng phô bày ra bản thân ngay cả trong những phút yếu mềm. Cố gắng xin lỗi, cố gắng nhũn nhặn sửa sai, cố gắng trưởng thành. Cố gắng dành ra cho nhau một chút thời gian để cùng tận hưởng buổi tối Chủ nhật ấm cúng, hay một buổi dạo bộ trong công viên. Và cuối cùng, việc sinh con đẻ cái lúc nào cũng sẽ có lợi.

Dẫu cũng chính vì kiểu quan hệ lâu dài sở hữu quá nhiều điểm mạnh rõ ràng, nên ta mới cần phải nhận thức được sự nguy hiểm của việc cứ thế bóp nghẹt và gạt bỏ đi mọi đặc điểm của kiểu tình yêu ngắn ngày. Ta không thể chỉ coi nó như một dạng thiếu thốn tình cảm hay “phiên bản lỗi" của tình yêu dài hạn được, thay vào đó cũng hãy thừa nhận rằng hàm chứa trong nó còn có vô số điểm mạnh, với đủ sức thuyết phục để khiến ta quyết định một cách đầy khôn ngoan, rằng phải đi theo hướng này để đôi bên cùng có lợi. Vậy cụ thể, tình yêu ngắn hạn tốt đẹp ra sao?



Khi đã nhận thức được rằng mình không hề sở hữu người kia, thì hai nửa sẽ càng cố gắng để có được sự tôn trọng của đối phương. Sự thật rằng một trong hai người có thể rời đi bất cứ lúc nào, mặc dù quả thật cũng có thể gây mặc cảm, nhưng mặt khác sẽ tạo ra muôn vàn cơ hội cho những cử chỉ yêu thương.

Đối với một cuộc tình ngắn hạn, ta sẽ đành lòng chấp nhận sự khác biệt giữa bản thân ta với người kia; khác với các mối quan hệ vĩnh cửu nơi độ hoà hợp chính là yếu tố then chốt. Bởi ta chẳng còn mấy thời gian đâu mà, nên cũng không việc gì phải trốn tránh sự thật rằng ta không “hợp cạ”. Bất kể người ấy có trữ thứ gì trong tủ lạnh, bất kể gu âm nhạc và phim ảnh của người ấy có kì quặc ra sao, thì ta cũng chỉ đơn giản coi đó như một cơ hội để khai phá cá tính bản thân thôi. 

Ít có ai lại thấy thoải mái khi bị quan sát 24/7 trong một khoảng không gian hẹp. Ta sẽ không thể khoe ra những đặc điểm nổi trội nhất ở bản thân. Nên nhiều khi, để khai phá được từ trong ta sự rộng lượng và những câu chuyện hay ho, thì ta cũng sẽ cần được dành thời gian cho riêng mình, trong phòng ngủ cá nhân với nhà vệ sinh cá nhân; có góc đọc sách cá nhân, có cả cái quyền được lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ mỗi khi ăn, thay vì cứ phải tiếp chuyện hoài về cảm xúc cùng đối phương. Đâu phải do ta xấu xa hay hẹp hòi - đó chỉ là những điều kiện cần để ta trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. 

Hiếm khi nào một mối quan hệ lại trượt dốc vì yếu tố con người lắm. Thay vào đó, nhân tố then chốt ở đây chính là những dự định của ta dành cho nửa kia. Việc hỏi cưới một người thực ra cũng chẳng tốt đẹp đến thế đâu, bởi đồng thời thì bạn cũng đang thêm thắt vào cho cuộc tình vô số những thử thách: vấn đề tài chính, rồi thì nghĩa vụ phải gặp mặt hai bên gia đình thường xuyên, rồi thì hình ảnh chẳng lấy gì làm đẹp đẽ của bạn mỗi khi đi làm về, rồi thì dọn dẹp nhà cửa, rồi thì săn sóc con cái. Thay vào đó, việc thật sự yêu một người - và mong cầu rằng tất cả những gì tốt đẹp nhất rồi sẽ đến với người ấy - có thể chỉ tương đương với một vài tháng dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất, rồi nói lời từ biệt mà thôi.

Những mối quan hệ dài hạn sẽ đem lại cho bạn không ít phẩm chất tốt đẹp, đặc biệt trên phương diện quản lý; tuy nhiên cũng sẽ mài mòn đi ở bạn các kỹ năng giao tiếp, bất kể là kiểu giao tiếp tán gẫu thông thường hay giao tiếp sâu sắc đêm thâu. Nên xin bạn đừng lo buồn trong trường hợp bản thân không thể thích nghi được với các điều kiện của quan hệ dài hạn, bởi bạn vẫn còn có thể thử sức yêu đương ngắn ngày mà - có lẽ người ấy sẽ rời đi ngay từ lúc mọi điểm mạnh của bạn vẫn còn đang sáng rõ ấy chứ. 

Ta cần phải nhận thức và thậm chí chấp nhận sự thực rằng khi mối quan hệ này không kéo dài mãi mãi, thì ta có không đạt được thành tựu gì cũng chẳng sao. Ở mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống, “trường tồn" chưa hẳn đã tốt đâu (ngay cả khi mọi thứ còn đang ở trong tình trạng hoàn hảo). Như ngôi nhà ta đang ở, thì mặc dù ta cũng thấy hài lòng lắm về chất lượng cuộc sống nơi đây, nhưng ta cũng đã bao giờ thề non hẹn biển rằng sẽ ở lại trọn đời trọn kiếp chưa? Đến một khoảnh khắc nào đó phải chuyển đến nơi ở mới, thì đâu phải do ta muốn phản bội hay đập phá gì căn nhà cũ đâu - chỉ là với điều kiện hiện thời thì quyết định rời đi là tốt nhất thôi mà. Ta cần phải mở rộng tầm nhìn với tình yêu, cho phép tình yêu được đi đến hồi kết ngay cả khi chẳng có một bàn tay nào trực tiếp ám hại nó cả. Có vậy thì ta mới thôi lòng vòng luẩn quẩn mãi ở trong những tâm trạng như cay đắng, tội lỗi hay oan ức. 

Cách chúng ta nhìn nhận sự kết thúc của tình yêu phụ thuộc ở mức độ quan trọng vào những gì xã hội của chúng ta nói với chúng ta là 'bình thường'. Giả sử tình yêu nào cũng đã được định đoạt là sẽ kéo dài mãi mãi, thì chẳng phải mọi cuộc chia ly đều sẽ bị coi như những lần thất bại kinh khủng hay sao? Nhưng nếu đầu óc ta cho phép sự tồn tại của định nghĩa “ngắn hạn", mọi sự tan vỡ đều sẽ đem trong mình một ý nghĩa khác: lòng thuỷ chung sâu sắc, chẳng phải dành để sau này cùng nhau xây dựng nhà cửa, mà thực chất có thể được dùng vào chính lúc này, cho chính sự mến mộ, cho tình thương yêu ta dành cho nhau.

Và ta sẽ rời đi, một cách công minh và hào hiệp, mang theo những kí ức về một tình yêu trọn vẹn tuy không cần phải kéo dài vĩnh viễn.

----

Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: Why True Love Doesn’t Have to Last Forever

menu
menu