Tình Yêu - Liều Thuốc Cho Tâm Bệnh – The book of life
Tình yêu - vốn là loại thần dược hỗ trợ cho quá trình hồi phục từ các bệnh lý tâm thần, nhưng tréo ngoe thay lại hiếm khi được một lá đơn chẩn bệnh hoặc cuốn sách y khoa nào nhắc đến.
Tình yêu - vốn là loại thần dược hỗ trợ cho quá trình hồi phục từ các bệnh lý tâm thần, nhưng tréo ngoe thay lại hiếm khi được một lá đơn chẩn bệnh hoặc cuốn sách y khoa nào nhắc đến. Ơi tình yêu - cụm từ chưa lần nào được thốt ra mà lại không khơi gợi trong trí não chúng ta cái sến sẩm bi luỵ, đến nỗi ta đã nỡ lòng nào quên mất đi một vai trò trọng yếu khác nữa của nó: níu giữ lại ở ta niềm tin với cuộc đời ngay trong những thời khắc bối rối và gian nan nhất. Bất kể là từ cha mẹ, con cái, bạn bè hay người tình, thì cũng vẫn bảo toàn được vẹn nguyên khả năng cứu vớt con người khỏi vực thẳm đen tối của tinh thần - chính là tình yêu ấy!
Tuy cũng chẳng giấu gì bạn, bên cạnh là thiên sứ đến cứu nguy cho những ai bị nạn, một trải nghiệm yêu đương cũng có thể chính là nguồn cơn khiến bạn trở nên bệ rạc ngay từ đầu, dù bạn có hay không nhận thức được điều đó. Nói cách khác, rất ít người dám loại bỏ hoàn toàn tình yêu khỏi danh sách những nguyên nhân làm xảy đến các bệnh lý tâm thần. Cũng vì vậy, đây hoá ra lại chính là sợi dây để bạn bấu víu và dần dần thì trèo lên khỏi mép vực, đặng tìm kiếm sự bình ổn trong tâm trí đã khao khát bấy nay.
Vậy, hãy cùng định nghĩa lại tình yêu, với tư cách là một thứ thuốc giúp chữa lành cho tâm hồn.
1. Sự Ủi An Vô Điều Kiện
Cái suy nghĩ ấy, cái suy nghĩ cho rằng bản thân mình thật tồi tệ, chính là con thú dữ cứ hau háu chầu chực, những muốn vồ lấy và nuốt chửng các bệnh nhân tâm lý lúc ốm mệt. Và quả thật, ta có thể đã bị xơi gọn bởi cảm giác “mình là đứa tồi tệ nhất vùng này, không, nhất thế giới luôn”, nếu không có sự can thiệp từ thế giới bên ngoài. Danh sách tính từ thì linh hoạt và ngày một trù phú: “thối tha", “bẩn tưởi", “xấu xa", “ghê tởm", nhiều hơn thế nữa. Cũng đã cố gắng để điều hướng cho trí óc nghĩ về thứ gì hợp lẽ hơn chút, nhưng ta vẫn cứ như bị cùm kẹp lại chốn này, không sao thoát nổi. Ta thậm chí còn không thể chỉ ra một cách rõ ràng vì lý gì mà mình lại “thối tha” hay “xấu xa", và chắc hẳn người ngoài nhìn vào cũng sẽ không tài nào hiểu nổi tại sao ta lại dành quá nhiều không gian để nhồi nhét những ý nghĩ chẳng lấy gì làm tích cực như thế. Đâu có: trong hoàn cảnh của ta, thì chính chúng, chính cái sự tự ti ồ ạt như lũ lốc ấy, đã tự thân vọt qua mọi rào cản cốt chiếm được một phần lãnh thổ cho riêng mình - phần lãnh thổ trước đó từng thuộc về lòng tốt bụng cùng sự dịu dàng. Và kể từ ấy, ta thấy ta sao mà đáng kinh hãi.
Giữa nỗi đau đớn cùng cực, thì một người chiến hữu tận tâm chính là yếu tố quyết định xem liệu người bệnh có thể kiên cường đi tiếp hay cứ thế buông xuôi. Người ấy sẽ không nhồi nhét vào đầu ta những lý do A, B, C giải thích cho sự tốt đẹp của bản thân, cũng sẽ không phô phang thể hiện tình cảm với ta một cách quá lố. Thay vào đó, người ấy chậm rãi nhưng chắc chắn rải từng viên gạch đi vào tim ta, và nói cho ta biết đối với họ ta quý giá đến mức nào. Người đến bên giường ta hằng ngày, khéo léo gợi chuyện làm sao để không khiến ta bồn chồn lo lắng; người nhớ đến cả tấm chăn hay món nước ta thường dùng; người biết đùa giỡn khi cần, biết lúc nào nên giục ta làm một giấc vì đánh hơi được rằng ta đang dần trôi dạt đến một cõi nào đó trong tâm tưởng. Người biết đại khái về nguồn cơn khiến ta ra nỗng nỗi này, nhưng cũng chẳng thúc giục, chẳng gò ép ta phải kể lể tâm tình. Người đang, và sẽ mãi ở bên ta cho dù cơn bệnh có kéo dài đến lúc nào đi chăng nữa. Ta chẳng cần phải gây ấn tượng với người, vì đằng nào thì người cũng có ngại gì đâu cái ngoại hình dơ dáy hay những âm thanh kì lạ ta tạo ra. Ta gọi cho người lúc nào cũng được, ta khóc cũng được mà lý sự kiểu người lớn cũng được. Bởi, người dường như, kì lạ thay, yêu ta từ trong ra ngoài, yêu ta vì toàn bộ con người ta chứ nào có đoái hoài gì đến mỗi mái tóc, hay chỉ cặp chân. Người là tấm gương để ta soi ta, tấm gương tích cực, và cứ mỗi ngày mỗi ngày thì hình ảnh phản chiếu đẹp đẽ ấy cũng dần dần ăn mòn đi mọi suy nghĩ ghét bỏ lúc trước. Hẳn đó, chứ nào phải nàng Bạch Tuyết, mới là thứ tuyệt trần nhất thế gian.
2. Không Phán Xét
Điều khiến cho đôi khi thì thái độ quan tâm từ người khác trở thành một gánh nặng, chính là sự thương hại hàm ẩn sau vẻ tử tế. Mặc dù quả thật họ có ý định giúp đỡ, nhưng chúng ta cũng còn nhận thấy cả vẻ xa cách kiểu “hoàn cảnh họ thế này còn chúng ta thì thế kia”, chúng ta thì cứ hâm hâm dở dở, trong khi họ vẫn mãi khoẻ mạnh và tỉnh táo. Họ ngó trông ta từ xa mà thấy tồi tội, cứ như người trên mặt cát nhìn theo kẻ đang chới với giữa dòng nước cũng chỉ đành lắc đầu thở dài.
Nhưng người thật sự muốn đồng hành cùng với ta ấy mà, sẽ chẳng phân biệt tầng bậc cao thấp ngay cả khi ta đã nằm nguyên ngày trong bộ quần áo ngủ còng quèo mồ hôi - họ không thấy mình hơn gì một người ốm, một người đáng lẽ sẽ chẳng ốm nếu không bất hạnh gặp phải những trái ngang tâm lý hay sai sót về chất dẫn truyền thần kinh. Họ không khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt bằng cách để tâm quá nhiều đến sự bền bỉ hay bản lĩnh cá nhân. Bởi mặc dù hầu hết chúng ta đều đã đến mức độ nhập trại được rồi, nhưng chắc gì độ “rồ" của ta đã là nhất, và người ấy, người ấy lại càng góp phần củng cố cho niềm tin đó của ta bằng cách thỉnh thoảng trải lòng, “cuộc đời quả thật cũng khiến tớ kiệt công kiệt lực”, “anh cũng hơi hơi hâm hâm rồi đấy", và người cũng còn nhận thức được rằng chưa chắc người sẽ mãi mãi ở đó còn ta thì chết dí ở đây. Người sẽ không rỏ nước mắt cá sấu từ một nơi nào xa vắng, mà nhất định muốn cùng ta ở đó giữa mênh mông sóng vỗ, tay nắm chặt tay, cùng nhau (và vì nhau) vượt qua bao gian khó.
3. Hết Lòng Hết Dạ
Cảm giác bị bỏ rơi cũng là một trong số vô vàn những sự ám ảnh về tinh thần mà người bệnh có thể đã trải qua. Có người đã không chịu ra mặt ngay thời khắc ta cần họ nhất, và chính thái độ thờ ơ ấy đã tước mất ở ta một thứ gì đó: khi đã lớn, ta thấy việc phải dựa dẫm vào một ai sao mà khó quá - liệu họ sau cùng có chạy trốn hay lợi dụng ta không? Nhưng người thật sự muốn đồng hành cùng với ta ấy mà, họ hẳn biết được nỗi đau ấy và sẵn sàng làm mọi cách để giành lại được niềm tin từ lâu đã không còn nữa ở ta. Người ấy cũng biết chỉ nói mồm suông thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì, mà phải thật sự làm kia, phải không bỏ rơi ta thậm chí cả trong những tình huống mà bất kì ai cũng đều muốn buông tay. Và ngay cả khi ta có dại dột muốn thử lòng người ấy bằng cách giả vẻ hờ hững hay nói ra nhiều điều gây khó chịu, thì người ấy kia mà, vẫn sẽ lắng nghe và hoài lắng nghe ngay cả khi phải đối mặt với những đợt tấn công mạnh mẽ nhất, chẳng phải vì yếu mềm mà bởi họ thừa hiểu mình mới đang ở trong giai đoạn thử thách, công cuộc chữa lành sẽ chỉ bắt đầu ở những thời kỳ sau, sau nữa kia. Bên cạnh đó, cả chúng ta cũng có thể ít nhiều hưởng lợi từ cơ hội được đòi hỏi quá đáng - thứ diễm phúc ta chưa từng được bén mảng đến trước đây; bởi sự kiên nhẫn của người sẽ giúp khắc ghi trong lòng chúng ta rằng chỉ vậy thôi thì vẫn chưa là đủ để huỷ diệt hoàn toàn tình thương, và rằng dẫu có đau ốm, thì ta vẫn rất sẵn sàng hoan nghênh những ai đến sau.
Tình yêu, một khi đã được tôi rèn qua thử thách, sẽ có thể trở nên sống động và nhiệt thành hơn biết bao.
4. Trấn An
Tương lai, đối với ai mắc bệnh tâm lý, chỉ đơn giản là những ngày tháng tràn ngập nỗi thống khổ tưởng như không bao giờ cạn. Tràn ngập những câu hỏi: “nhỡ đâu giờ có ai giận mình, thiệt giận luôn ấy, thì sao?”, “nhỡ có ai định bắt cóc, rồi giết mình luôn?”, “nhỡ những giọng nói luôn inh ỏi trong đầu sẽ vẫn mãi inh ỏi?” Nhưng người thật sự muốn đồng hành cùng với ta ấy mà, sẽ cố gắng hết sức để làm dịu đi sự hoảng loạn, bằng cách vẽ ra một viễn cảnh tương lai dẫu mù mờ không rõ chi tiết, nhưng đều tương đối an toàn và dễ chịu về tổng thể. Có vô vàn lựa chọn: rời khỏi thành phố bây giờ, dọn đến ở một căn rơm tĩnh mịch nào đó, sau cứ hoài ở nhà dọn dẹp nấu cơm, bình yên vậy thôi chứ cũng chẳng ai ép phải làm gì đao to búa lớn, bình yên vậy thôi, chẳng cần kiếm tiền hay trở thành đấng anh hùng cứu thế. Bình yên vậy thôi. Và quan trọng nhất, là người ấy khăng khăng sẽ ở bên ta để cùng vun đắp cho cảnh êm đềm đã vẽ, khăng khăng sẽ ở bên ta và ôm ta vào lòng mỗi khi có điều bất gì bất trắc. Người ấy chẳng ngán ngẩm phải nhắc đi nhắc lại với ta một vạn lần, “có tôi ở đây với bạn rồi, mọi chuyện sẽ ổn thôi". Ngay cả khi “ổn” ở đây chẳng phải một cảnh sống lý tưởng gì cho cam, vẫn ổn thôi, chỉ cần sống, sống để đấu tranh và đi ngược lại hoàn toàn với những suy nghĩ tiêu cực trong đầu người bệnh. Và mặc dù không thể biết chắc được sẽ có điều gì đón đợi ta trong những năm tới, ta vẫn biết rằng sẽ ổn, bởi chắc chắn có tình yêu.
5. Nhẫn Nại
Đã mắc tâm bệnh, thì ta có thể sẽ trở nên vô cùng nhàm chán bởi cứ nhất nhất phải tua lại những trận khủng hoảng đã trôi vào dĩ vãng, ví như bữa tiệc ở nơi công sở đã diễn ra bảy năm trước chẳng hạn, bởi ta cứ băn khoăn hoài liệu có phải mình đã nói điều gì tệ bạc với một anh đồng nghiệp nào đó; hay liệu ta có từng làm buồn lòng một người tình; hay liệu công ty đã ở trên bờ vực phá sản có phải vì ta lỡ quên báo lại với cô kế toán về một thay đổi nhỏ trong cuộc thương thảo về thuế… Cũng tương tự với các bậc cha mẹ đều biết về vô số các câu hỏi kỳ cục con mình thường đặt ra: có con hổ nào dưới gầm giường, thế nhỡ có cái cây lẻn vào phòng rồi ẵm con đi mất thì sao, nhỡ có ai đó cười con trên lớp. Và nhiều khi, sự bộp chộp kiểu “không thể xảy ra đâu" đã bắt ta phải đáp lại bằng những câu trả lời tương tự, đi kèm với vẻ tự tin chết người. “Có sao đâu, hổ sổng ra từ chỗ nào mà lại chui xuống gầm giường con được kia chứ?” Tuy nhiên, một lời đáp thể hiện lòng tận tuỵ sẽ bao hàm trong ấy cả sự quan ngại thật tâm về vấn đề được đặt ra - tương tự với của người hỏi - từ đó trả lời thẳng thắn mà không cố tình thu hẹp lại cường độ sự việc. Có thể đây đã là lần thứ mười lăm rồi ta cầm sổ và bút vẽ lại sơ đồ tư duy về những mối lo toan ở nơi làm việc. Nhưng tình yêu hoàn toàn có khả năng trao cho người ấy sự kiên định, để thậm chí thâm nhập luôn vào trí óc của ta rồi cố gắng cùng bàn luận thật khôn ngoan kiểu “ừ, đúng là cái này đáng sợ thật nhỉ”. Và tương tự, tình yêu cũng là nguồn động lực mạnh mẽ, khiến người ấy đêm này qua đêm khác chui lủi dưới gầm giường để giết một con hổ vô hình, đuốc cầm trên tay, rồi lúc quay lên lại phải tìm lý lẽ để giải thích xem cớ sao nó đã lại để ta yên.
6. Bạn, Chỉ Cần Là Chính Bạn
Rất nhiều các bệnh nhân với thần kinh không ổn định đã sống qua cả một đời đầy rẫy những dằn vặt và oán thán, “mình chưa, đang, và sẽ chẳng bao giờ đủ tốt”. Họ đã trèo lên núi cao và vượt qua cả biển sâu, chỉ để chứng minh điều ngược lại cho bất cứ ai còn ngờ vực rằng họ không đủ tử tế và cũng chẳng danh giá đến thế. Họ đã khao khát tiền bạc và quyền lực và địa vị xã hội, chỉ để khoả lấp cảm giác “mình không là ai cả, trừ khi mình có tiền, có quyền”. Thậm chí, ngay cả trong tình trạng suy nhược, họ cũng thấy không hiểu nổi tại sao mình lại có thể được yêu thương mặc dù chẳng động tay động chân một tí tị tì ti nào, nhất là trong cái thế giới xô bồ hăng đấu đá này? Đáng lẽ phải có tiềm năng, hoặc danh tiếng hay gì đó chứ? Không, chính khi đã ốm đến bạc nhược cả ra như vậy, khi không còn tiền cũng chẳng còn quyền, họ mới ngộ ra được một thứ chân lý phức tạp và bổ ích hơn nhiều: nếu chỉ dựa vào khối tài sản hiện thời (tức là chẳng còn lại gì), thì quả thực họ là cả một sự phỉ báng; tuy nhiên giờ đây khi ở bên đã có người sẵn sàng cùng đồng hành và chở che, họ cũng dần dần tin vào một sự thật nhiệm màu: người ta yêu họ chẳng vì những giải thưởng thực dụng, vì họ nom ấn tượng hay khiêu khích; cách người ta yêu họ cũng tương tự như cách bố mẹ họ yêu họ: yêu từ khi mới sinh ra đời, và vẫn mãi yêu chừng nào còn trên đời.
7. Độc Lập Về Tư Tưởng
Một người đồng hành tốt sẽ cứ hoài cúc cung tận tuỵ chăm sóc người bệnh mà chẳng quan tâm gì đến suy nghĩ của ai khác. Ừ, đương nhiên rồi ngoài kia thể nào cũng có người khục khặc xì xồ to nhỏ “bệnh thế thì sao gọi là bệnh" hay “cũng đáng thôi, vốn dĩ cái thằng/con đấy cũng có tử tế quái đâu". Người ấy đương nhiên hiểu được sự cau có của những kẻ hằng ngày cũng phải trải qua bao nhiêu lời gắt gỏng với những định kiến sắt mỏng. Sự phán xét vội vàng của hàng trăm nghìn con người chẳng biết cái cóc khô gì về sự việc đương nhiên sẽ bao hàm ít nhiều những sai lệch, nhưng đó không phải là cái cớ để làm toáng lên hay mất niềm tin vào tờ giấy chẩn bệnh từ bác sĩ. “Ừ, cứ cười đi, cứ vênh vang đi một lũ ngốc cứ việc vênh vang”, đó, đó mới là điều người bệnh muốn nghe khi đã phải cảnh ngặt nghèo, đến nỗi không thể tự mình chống đỡ lại cái ác ôn của thiên hạ. Người ấy hiểu rõ lòng thuỷ chung nên đặt tại đâu, và đương nhiên sẽ không “gió chiều nào theo chiều ấy". Chỉ riêng phương diện tình yêu, người ấy quyết không theo chế độ dân chủ, cũng chẳng quan tâm nếu mình chỉ thuộc số ít những người thật sự yêu thương người bệnh. Và đó, chính là lý do giữ cho họ tiếp tục sống.
8. Như Cha Như Mẹ
Mặc dù cả ta lẫn người ấy đều đã lớn đùng lớn đoàng hết cả rồi, nhưng nếu sự dịu dàng từ họ đã thành công cứu chữa cho ta, thì chắc hẳn là do họ đồng thời cũng đang từ từ bồi đắp lại khoảng trống về tinh thần của ta trong cả những năm tháng đầu đời. Nói cách khác, họ kiêm luôn vai trò là bậc làm cha làm mẹ của cái đứa trẻ con nhỏ bé rạn vỡ - phiên bản ta hồi xưa lơ xưa lắc. Bởi một trong những điều khó hiểu nhất về lũ trẻ con, chính là chúng cũng cần đến tình yêu nhiều như sữa và hơi ấm để có thể phát triển một cách toàn diện. Chúng cần được ôm, được nói chuyện hay hát cùng, được chơi cùng hoặc được nhìn ngắm bởi những ánh mắt giàu hảo cảm - nếu không chắc chắn sẽ ở luôn trong trạng thái “rỗng hồn". Đứa trẻ nào cũng cần tận hưởng cái tình yêu vô hạn từ những người đã đem lại cho nó sự sống, cái tình yêu khiến nó cảm nhận được rằng chỉ độc sự hiện diện của bản thân trên cái quả đất này thôi đã là đủ để làm cho ai đó sung sướng tột độ. Nếu không được trao cho cái đặc quyền ấy, đứa trẻ vẫn sống, nhưng chắc chắn sẽ không phát triển theo hướng tốt nhất có thể. Chúng lẫy, bò, và bước đi mà cứ canh cánh trong mình nỗi băn khoăn, tự ti, thậm chí cả sự nhục nhã - những cảm xúc ấy sẽ tiếp tục theo dấu chúng đến tận lúc đã trưởng thành và sau đó nữa, đồng thời cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra những bất ổn về tinh thần như lo âu, mong muốn tự hoại hay trầm cảm. Đây quả là một thử thách vô cùng to lớn được đặt ra cho người chịu trách nhiệm chăm sóc. Họ có thể sẽ phải thuyết phục người bệnh, và cả đứa trẻ bị tổn thương ở bên trong họ, rằng ngay cả khi hồi ấy bạn không được nhận thứ này thì bây giờ tôi cho bạn cũng được, có sao đâu - vẫn còn đó trên đời những niềm vui, sự an tâm, cảnh vui đùa và lòng tử tế. Nói thẳng với một người lớn rằng “thứ anh cần nhất bây giờ là được nuôi dạy lại từ đầu" thì cũng chẳng hay ho gì lắm - thay vào đó, trọng trách khi đã trưởng thành của người bệnh là sẽ phải tự mình thủ thỉ nhẹ nhàng với đứa con nít ở sâu tít trong tâm hồn, rằng nếu mai này tớ khoẻ hơn, thì cậu hãy cho cả hai bọn mình cơ hội được chìm đắm vào tình yêu vô cùng tận của người ấy.
Lúc trước, đêm tối là khoảng thời gian đặc biệt đáng sợ trong ngày, khiến ta cũng đặc biệt cần thêm thật nhiều tình yêu và sự an ủi. Bệnh tâm lý, tương tự như đêm tối, có thể doạ cho chúng ta kinh hồn bạt vía bởi cứ hoài to ra, to ra mãi, không có đáy mà cũng chẳng thấy đâu điểm tận cùng, và chính trong bầu không gian hoang hoải mênh mông ấy, những nỗi sợ và những giọng nói sẽ lại càng được thể xuất hiện. Ta cần một ai đó cùng sát cánh trong những thời khắc cam go nhất, một người có thể thức canh hoặc ngủ trên giường ở ngay kế bên hoặc cho phép ta gọi điện bất cứ lúc nào cũng được, miễn sao khi bừng tỉnh vào khoảng ba giờ rưỡi sáng, ta đã không còn một thân một mình đương đầu với trái tim đập loạn hay muôn vàn nỗi lo âu, và ta, cuối cùng, cũng đã nhận được tình thương yêu.
Đừng để bị choáng ngợp bởi tần suất tâm bệnh xảy ra trong xã hội. Chỉ cần biết được rằng hầu hết chúng ta đều yêu tệ, đồng cảm tệ, lắng nghe tệ, an ủi tệ hay tha thứ tệ; tuy nhiên lại ghét bỏ giỏi và khước từ giỏi đến vô cùng. Ta tưởng ta đã được văn minh, nhưng khả năng thể hiện tình cảm ấy của ta thậm chí còn gây sốc cho những tốp người tiền sử hay một lũ trộm cắp. Chưa đủ hay sao, chúng ta đã còn quen rũ bỏ trách nhiệm cho bác sĩ hay nhà khoa học hay bất cứ ai khác, vờ như chỉ cần mấy viên thuốc xanh xanh đỏ đỏ ấy là đã chữa lành được cả một cộng đồng những tâm hồn rạn nứt. Trong khi liều thuốc vốn sẵn có, chính đã ở ngay thế giới của tâm hồn: dỗ dành nhau khi sợ; độ lượng với nhau lúc phạm quy; ngừng hành hạ nhau chỉ vì bản thân mắc lỗi; và cùng với sức mạnh có được từ sự kiên cường cùng lòng yêu thương, nắm tay nhau bước qua tăm tối.
-------------
Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Ybox.vn
Nguồn: https://www.theschooloflife.com/article/the-role-of-love-in-mental-health/?/