Tôi có phải là người xấu?
Chúng ta thường dành khá nhiều năng lượng tinh thần để chống lại một khả năng vừa đáng sợ vừa khó chấp nhận: rằng có thể chúng ta không phải là những người tốt đẹp.
Chúng ta thường dành khá nhiều năng lượng tinh thần để chống lại một khả năng vừa đáng sợ vừa khó chấp nhận: rằng có thể chúng ta không phải là những người tốt đẹp. Thật khó để chấp nhận rằng bên trong mình lại có thể chứa đựng những mảng tối như ghen tị, lười biếng, nóng nảy, phù phiếm, ích kỷ và cái tôi quá lớn. Những dấu hiệu cho thấy điều này, dù là từ chính phút giây tự ngẫm hay từ nhận xét của người khác, đều dễ dàng bị chúng ta gạt phăng đi với sự cáu kỉnh và phủ nhận. Thế giới này đầy rẫy những kẻ xấu xa – nhưng ta không phải một trong số họ.
Tuy nhiên, trên thực tế, sự trưởng thành và phát triển của mỗi người lại phụ thuộc vào khả năng đối diện và khám phá những sự thật không mấy dễ chịu về bản thân. Chỉ khi làm vậy, ta mới có thể tìm cách cân bằng chúng và nhìn nhận vai trò của chúng trong bản chất con người một cách chân thực hơn, nhân từ hơn. Người thực sự trưởng thành không phải là người đơn giản mà “tốt bẩm sinh”, hay là kiểu người “hiền lành tự nhiên”. Họ là những người đã có đủ can đảm và bình tĩnh để đối diện với những khía cạnh đáng tiếc, kém đẹp đẽ, thậm chí là đáng xấu hổ trong con người mình – và tìm cách vượt qua chúng bằng những nỗ lực mạnh mẽ nhất.
Photo by Riccardo Fissore on Unsplash
Hãy thử liệt kê một vài suy nghĩ rắc rối và đáng sợ nhất từng xuất hiện trong đầu mình, và dám nhận ra rằng mình có thể giống chúng đến nhường nào. Nhưng không phải để buông xuôi trong tuyệt vọng, mà là để thành thật hơn về những điều cần phải suy ngẫm và sửa đổi:
- Trong tình yêu, tôi tìm kiếm những người yếu đuối để áp bức họ.
- Tôi chẳng hề quan tâm đến số phận nhân loại.
- Tôi ghét hầu hết mọi người.
- Tôi trách người khác ve vãn mình, nhưng thật ra chính tôi là người dẫn dụ họ.
- Tôi ghen tị với cả con cái của mình.
- Tôi chẳng bao giờ lắng nghe người khác vì chỉ chăm chăm chờ đến lượt mình nói.
- Tôi lạnh lùng, không bao giờ dám bộc lộ cảm xúc thật.
- Tôi để người khác gánh vác những quyết định khó khăn.
- Tôi chỉ quan tâm đến những ai có thể giúp ích ngay lập tức cho sự nghiệp của mình.
- Tôi giả vờ tử tế, nhưng thật ra chẳng tốt đẹp gì mấy.
Những suy nghĩ như vậy khiến ta sợ hãi đến mức thường bỏ qua chúng quá nhanh. Và chính sự né tránh đó khiến ta trở nên ngây thơ, xa rời thực tế của bản chất con người. Ta dần đánh mất khả năng cười nhạo chính mình – một kiểu cười giải tỏa căng thẳng khi những hy vọng lý tưởng đâm sầm vào thực tế trần trụi.
Một người tử tế không phải là người không có những khía cạnh xấu xí. Họ là người, sau khi đã thẳng thắn nhìn nhận bản thân một cách lạc quan đến kỳ lạ, hiểu rõ mình có khả năng làm điều ác, có lòng đố kỵ, có xu hướng nhỏ nhen, đôi lúc độc ác, và thường xuyên chìm trong sự non nớt – nhưng vẫn quyết tâm chống lại những điều đó bất cứ khi nào có thể. Không ai bẩm sinh là người tốt cả; người ta chỉ trở nên tử tế nhờ lòng dũng cảm đối mặt với những mặt tiêu cực trong mình và chọn một con đường khác. Con đường dẫn đến sự tử tế thật sự luôn phải đi qua cánh cửa thừa nhận thẳng thắn sự nóng nảy và phù phiếm của bản thân.
Người thực sự trưởng thành không cố chứng tỏ mình là người hoàn toàn vị tha hay trong sạch. Họ tò mò tìm hiểu vì sao mình lại trở thành một con người phức tạp như thế. Họ biết rằng ai trong chúng ta cũng phải thích nghi với những môi trường khắc nghiệt thời thơ ấu, và những “mặt xấu” chỉ là tàn tích từ nỗi sợ hãi, tổn thương và lo âu trong quá khứ, chứ không phải bản năng xấu xa bẩm sinh. Vì vậy, họ không cần phải thêm sự phòng thủ vào danh sách những rào cản của mình.
Có một suy nghĩ tồi tệ – hay thậm chí mười suy nghĩ tồi tệ – xuất hiện trong đầu không phải là thảm họa. Sự anh hùng thực sự nằm ở chỗ bạn dám đối diện với sự thật trần trụi nhất về bản thân, đủ khiêm nhường để bật cười với chính mình – và học cách trưởng thành.
Nguồn: AM I A BAD PERSON?