“Tôi rất đau khổ và khao khát sự thay đổi, nhưng tôi không có lựa chọn.”

toi-rat-dau-kho-va-khao-khat-su-thay-doi-nhung-toi-khong-co-lua-chon

CON ĐƯỜNG THAY ĐỔI: MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ LỰA CHỌN

Trong cuộc sống, rất nhiều người muốn thay đổi nhưng tư duy họ lại chứng minh thay đổi rất khó. Họ quy kết vấn đề nằm ở những nguyên nhân không thể điều khiển như hoàn cảnh, xã hội xấu xa, thế giới bất công, gia đình và quá khứ… Những thực tế và quá khứ quá lớn lao, xa xôi này bao trùm họ, khiến họ cảm thấy mình không thể lựa chọn khác với hiện tại. Vì thế họ dừng phát triển, quanh quẩn dậm chân tại chỗ trong đau khổ.

Bước quan trọng nhất trong quá khứ từ tìm ra khó khăn sang tìm thấy phương pháp chính là nhận thức được thực ra bạn luôn có lựa chọn. Suy nghĩ mình không có lựa chọn sẽ biến chúng ta từ những người linh hoạt sống động thành vật hy sinh lực bất tòng tâm của hoàn cảnh. Như vậy bạn sẽ không thể thay đổi được.

Khi bạn tự nói với bản thân mình không làm được là bạn đã lựa chọn rồi; khi bạn làm một công việc chỉ đủ ăn mà không có triển vọng phát triển là bạn đã lựa chọn rồi; khi bạn trốn tránh áp lực công việc bằng cách trì hoãn, bạn cũng đã lựa chọn rồi. Thay đổi là một sự lựa chọn, không thay đổi cũng là một sự lựa chọn. Bạn tìm đủ mọi lý do cho sự không thay đổi của mình, như không có tiền, không có thời gian, quá phiền phức, không cần thiết… tất cả đều là lựa chọn của bạn.

Lấy lại quyền kiểm soát lựa chọn chính là tiền đề để bắt đầu phát triển và thay đổi bản thân.

Nhưng không thể phủ nhận khi chúng ta bị “mắc kẹt”, ít nhiều sẽ rơi vào cảm giác bất lực, ngoài ở nguyên tại chỗ, chúng ta không tìm được lựa chọn nào tốt hơn. Tại sao?

Có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, nhầm tưởng đưa ra lựa chọn lý tưởng mới coi là có lý tưởng; nếu lựa chọn không đủ tốt là không có lựa chọn.

Lý tưởng trong đầu óc là thuốc giảm đau điều trị thất bại trong cuộc sống, chúng ta không muốn dễ dàng từ bỏ. Đôi khi chúng ta thà thừa nhận cuộc sống không có lựa chọn còn hơn thừa nhận lý tưởng của mình không thực tế, ít nhất vào lúc này.

Vì vậy, khi rất nhiều người nói mình không có lựa chọn, thực ra ý họ là: “Đây không phải lựa chọn tôi muốn.”

Thực ra đây là một sự lựa chọn. Lựa chọn phục tùng lý tưởng trong đầu mình mà không tìm lối ra trong thực tế trước mắt. Nói cách khác, họ chọn “không có lựa chọn”.

Nhưng nếu muốn thay đổi, chúng ta cần hiểu rằng lựa chọn phải dựa trên cơ sở thực tế, không phải lý tưởng trong đầu. Điều chúng ta phải chọn không phải kết quả trong tương lai, mà là hàng động vào lúc này, ở đây.

Nếu bạn không thích công việc đang làm, nhưng vì nuôi sống bản thân nên không được lựa chọn, thực ra cách diễn đạt chính xác suy nghĩ là: bạn không muốn mạo hiểm vì công việc mình thích, nên chọn chịu đựng một công việc mình không thích lắm. Đây là lựa chọn có thể hiểu được, nhưng không phải bạn không có lựa chọn. Ít nhất có rất nhiều cách để tự nuôi sống bản thân.

Thứ hai, không muốn chịu trách nhiệm với bản thân.

Nhìn bề ngoài, chúng ta đều hy vọng có nhiều lựa chọn hơn, nhưng trên thực tế lại thường xuyên trốn tránh lựa chọn. Vì nhiều lúc nhấn mạnh việc có lựa chọn không hề dễ chịu chút nào. Nó dễ khiến người ta nghĩ rằng: Đã lựa chọn, vậy mà giờ cuộc sống của mình chẳng ra sao, có phải lỗi của mình không?

Cách tư duy thảo luận đúng sai thường tưởng tượng ra thủ phạm và nạn nhân. Khi chúng ta thấy mình không có lựa chọn, chúng ta thường đặt mình vào vị trí nạn nhân, đồng thời đổ hết trách nhiệm cho thủ phạm giả tưởng. Thế là chúng ta đỡ cảm thấy tội lỗi hơn.

Giữa chỉ trích ca thán khi “không có lựa chọn” và hổ thẹn tự trách mình khi “có lựa chọn”, nhiều người thà chọn chỉ trích, sẽ bớt đau khổ hơn. Nhưng kể cả chúng ta thừa nhận mình có lựa chọn, cũng không nhất thiết phải thấy hổ thẹn hay tự trách.

Nếu bạn không muốn đi tìm nguyên nhân mà muốn thúc đẩy sự thay đổi, bạn cần thay đổi cách tư duy. Không nghĩ “ai đúng ai sai”, càng không một mực trách móc bản thân, mà nghĩ xem “có ích hay không”. Nếu bạn nhấn mạnh mình bị quá khứ và hoàn cảnh hạn chế, không có sự lựa chọn, vậy có giúp ích được gì cho sự thay đổi của bạn không? Không thể thay đổi có thể không phải lỗi của bạn, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho kết quả cuối cùng? Bạn chứ ai.

Thay đổi cần chúng ta chịu trách nhiệm về bản thân, nhìn rõ lựa chọn của mình. Đó không phải chuyện dễ dàng với bất cứ ai, cần có can đảm lớn lao. Chọn thay đổi không phải việc dễ dàng, bạn phải đối mặt với rất nhiều nỗi lo và cần sự can đảm.

Thay đổi cần can đảm, nhưng chỉ có can đảm vẫn chưa đủ, thay đổi còn cần khả năng tự nhìn nhận đánh giá lại bản thân. Không ngừng nhìn nhận đánh giá bản thân mới có thể thay đổi.

Trong phòng tham vấn tâm lý của nhà tâm lý học lừng danh Alfred Adler có một cái trụ ba mặt. Một mặt khắc “Tôi rất tội nghiệp”, mặt thứ hai khắc “Người khác thật đáng ghét”, mặt cuối cùng khắc “Làm thế nào đây”. Mỗi khi thân chủ tới phòng tham vấn của ông, ông đều lấy cái trụ ba mặt này ra hỏi: “Anh muốn nói gì?”

Nếu trước mặt bạn cũng có một cái trụ ba mặt, bạn sẽ trả lời thế nào? Nếu con đường thay đổi là một con đường gian nan vừa cần sự can đảm, vừa cần biết tự kiểm điểm bản thân, bạn còn muốn đi không?

Trích từ cuốn sách “Tâm lý học phát triển cái tôi" | Trần Hải Hiền

Xem sách tại Fahasha

menu
menu