Tránh né sự tránh né

tranh-ne-su-tranh-ne

Những góc nhìn sâu sắc về hành vi tránh né và sự thay đổi

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Tránh né là điều phổ biến, nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể chi phối cả cuộc đời ta.
  • Tránh né là một cơ chế đối phó với lo âu, nhưng về lâu dài, nó có thể làm tăng lo âu và củng cố nỗi sợ.
  • Với sự hỗ trợ, con người có thể gỡ bỏ thói quen tránh né và học cách ứng phó lành mạnh hơn.

Eric luôn tránh né nhiều việc trong cuộc sống, từ việc đi khám nha sĩ cho đến chuyện nộp thuế. Anh lẩn tránh bất cứ điều gì có thể khiến mình thấy lo lắng. Nhưng rồi, điều đó lại càng khiến anh lo lắng hơn. Eric không đơn thuần chỉ trì hoãn, anh đang chạy trốn khỏi những điều khó khăn đối với mình. Cuộc sống trở thành một cuộc chiến không hồi kết, và chính những hành vi tránh né ấy đang âm thầm phá hoại cuộc đời anh.

Tránh né là điều thường thấy. Ai trong chúng ta rồi cũng có lúc né tránh một vài người, vài nơi, hay một số việc nhất định. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, hành vi tránh né có thể chi phối cả cuộc sống và cản trở sự phát triển bản thân.

Hành vi tránh né là gì?

Hành vi tránh né là bất kỳ hành động nào giúp một người thoát khỏi tình huống khiến họ lo âu. Những ai rơi vào kiểu hành vi này thường cố lảng tránh mọi điều khiến họ cảm thấy không thoải mái, từ những tình huống, các mối quan hệ, trách nhiệm, cho đến cảm xúc, suy nghĩ, hay cả những ý nghĩ thoáng qua. Họ có thể tránh đến bệnh viện do lo sợ về sức khỏe. Họ có thể né tránh một số người như cấp trên, giảng viên, hoặc thậm chí là người thân, vì xung đột hay căng thẳng tình cảm. Một số người khác lại tránh né những nghĩa vụ như bài tập ở trường, công việc sắp đến hạn, hoặc những áp lực nơi công sở. Có người còn lẩn tránh cả những cảm giác và trải nghiệm thể chất, ví dụ như các cuộc xét nghiệm hay điều trị y tế, vì sợ đau hoặc sợ nhận tin xấu.

Tránh né thường hay bị nhầm lẫn với trì hoãn, nhưng hai hành vi này không giống nhau. Trì hoãn là việc dời lại một nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như lười rửa chén hay chưa chịu viết báo cáo. Với một số người, việc thiếu động lực khiến họ khó hoàn thành những việc nhàm chán hay không mang lại hứng thú. Ngược lại, tránh né là hành động đẩy lùi người, tình huống hoặc suy nghĩ ra khỏi tâm trí, để né tránh cảm giác bị đe dọa, bất an, khó chịu hay lo lắng. Có thể nói, trì hoãn bắt nguồn từ sự lười biếng, còn tránh né bắt nguồn từ nỗi sợ và lo âu.

Hiểu về hành vi tránh né

Người ta thường tìm đến hành vi tránh né như một cách để đối phó với lo lắng và căng thẳng. Nó là cơ chế phòng vệ trước những tổn thương hay nỗi sợ. Việc tránh né có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm tạm thời trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, nó lại khiến lo âu tăng cao và nỗi sợ ngày càng sâu sắc. Những hành vi này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ví dụ, việc không đi khám răng khi cần hay trốn tránh trách nhiệm tài chính có thể dẫn đến những hậu quả thực tế. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nỗi lo âu có thể khiến con người tìm đến các chỗ dựa tạm bợ để làm dịu nỗi đau tinh thần, chẳng hạn như rượu, thức ăn, ma túy, hoặc tình dục.

Tránh né là một hành vi, không hẳn là một rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, nó có thể đi kèm với nhiều vấn đề tâm lý khác như lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), hay rối loạn nhân cách ranh giới. (Hofmann và Hay, 2018) Hành vi tránh né cũng liên quan đến rối loạn nhân cách tránh né, đặc trưng bởi sự tự ti, cảm giác kém cỏi và nỗi sợ bị chỉ trích hay từ chối một cách mãnh liệt.

Làm sao để không còn tránh né

Vẫn luôn có những hỗ trợ dành cho những ai đang sống trong vòng luẩn quẩn của hành vi tránh né. Với một số người, những thay đổi đơn giản trong lối sống như ngủ đủ giấc, tập thể dục, thiền định hay thực hành chánh niệm có thể mang lại lợi ích rõ rệt. Một phần quan trọng trong việc vượt qua tránh né là sự nhận thức, tự nhìn lại các chiến lược né tránh của bản thân và học cách ứng phó lành mạnh hơn. Trị liệu tâm lý có thể giúp người ta đi sâu vào gốc rễ của những hành vi này và rèn luyện những công cụ đối diện với cảm xúc khó chịu. Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi thường ít có hành vi tránh né hơn so với người trẻ, điều này cho thấy rằng những vấn đề này có thể giảm dần theo thời gian. (Wuthrich và Mohlman, 2023)

Tin vui là: con người hoàn toàn có thể học cách tháo gỡ những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, để rồi thay vào đó là những cơ chế ứng phó lành mạnh hơn, mở đường cho một cuộc sống không còn bị ràng buộc bởi né tránh.

Tài liệu tham khảo

Hofmann SG, Hay AC. 2018. Rethinking avoidance: Toward a balanced approach to avoidance in treating anxiety disorders. J Anxiety Disord. 2018 Apr;55:14-21. doi: 10.1016/j.janxdis.2018.03.004.

Wuthrich, V. M., & Mohlman, J. (2023). Examining Differences in Behavioural Avoidance Between Younger and Older Adults. Clinical Gerontologist, 47(2), 329–340. https://doi.org/10.1080/07317115.2023.2204079

Tác giả: Karen Stollznow Ph.D.

Nguồn: Avoiding Avoidance | Psychology Today

menu
menu