Trong 6 kiểu cô đơn này, bạn đã trải qua những kiểu nào rồi?
Người ta thường vẫn than vãn sao mình cô đơn quá mà không hề biết rằng cô đơn cũng có nhiều kiểu.
Hẳn là trong cuộc đời này, ai cũng trải qua những cảm giác cô đơn. Đó có thể là một khoảnh khắc bất chợt thấy lòng trống trải, hoang hoải giữa dòng người đông đúc, đó có thể là khi nhận thấy mình chẳng còn quan trọng với một ai đó nữa, đó cũng có thể là khi đột nhiên nhớ nhà, nhớ cảm giác được mẹ ôm vào lòng và vỗ về như một đứa nhỏ...
Những khi như thế, người ta thường vẫn than vãn sao mình cô đơn quá mà không hề biết rằng cô đơn cũng có nhiều kiểu.
1. Cô đơn về mặt tâm lý
Những người có kiểu cô đơn này thường là người trải qua chấn thương về tâm lý. Ví dụ một người là nạn nhân của lạm dụng tình dục thì người đó sẽ luôn bị ám ảnh và cảm thấy bản thân bị cô lập và cô đơn.
Khi một người phải chịu đựng nỗi cô đơn này, họ có xu hướng không trò chuyện, giao tiếp với người xung quanh vì họ nghĩ người khác không thể hiểu.
2. Cô đơn trong mối quan hệ
Kiểu cô đơn này hình thành khi bạn mất đi những mối quan hệ thân thiết hoặc quan trọng trong cuộc sống. Đây được xem là loại dễ dẫn đến bệnh trầm cảm nặng.
Giáo sư xã hội học William A. Sadler của Đại học Bloomfield, New Jersey khẳng định kiểu cô đơn trong một mối quan hệ là kiểu phổ biến nhất.
3. Cô đơn trong suy nghĩ
Những người thông minh, sáng tạo thường là những người cô đơn vì dường như họ khác với những gì được xem là tiêu chuẩn, là bình thường.
Cùng một vấn đề, nhưng họ có quan điểm riêng mà người tư duy bình thường không thể hiểu.
Điều đó có nghĩa là, người cô đơn giải thích 1 vấn đề gì quan trọng nhưng mọi người lại không hiểu thứ họ đang cố truyền đạt - nó khiến người ta càng cảm giác cô đơn, bị cô lập giữa mọi người hơn.
Nghiên cứu của nhà tâm lý học Mihaly và Gregory Feist chỉ ra rằng, con người sáng tạo tốt hơn khi được ở một mình, tận hưởng sự riêng tư, tự do, và họ luôn nhận thức bản thân là một cá nhân độc lập.
4. Cô đơn về mặt văn hóa
Người có cảm giác bản thân mình không phù hợp với nền văn hóa của xã hội thường trải qua kiểu cô đơn này.
Điều này thường xảy ra khi chúng ta chuyển đến một quốc gia mới, nguyên nhân có thể là do cộng đồng không chào đón hoặc rào cản ngôn ngữ làm ta không thể kết bạn mới.
Điều này cũng xảy ra khi ai đó kết hôn với một người đã trưởng thành trong một gia đình có văn hoá hoàn toàn khác biệt và phải sống trong môi trường xa lạ.
5. Cô đơn về mặt tồn tại
Biết bị bệnh hiểm nghèo và có thể sẽ chết sớm cũng làm cho người bệnh cảm thấy cô đơn. Đối mặt với cái chết được dự báo trước là một điều rất buồn. Trong khoảng thời gian khó khăn này, người bệnh thường cảm thấy cô đơn và cho rằng không ai có thể giúp đỡ họ.
Thông thường, những người biết mình sắp chết cảm thấy khó nói chuyện với người khác về cái chết của mình. Gia đình và bạn bè có thể không nhắc tới, nhưng cái chết luôn luôn trong tâm trí họ.
6. Cô đơn về mặt xã hội
Bị tẩy chay là nguyên nhân chính của loại cô đơn này. Bị một nhóm bạn hoặc một người mà bạn đã từng yêu mến từ chối chắc chắn sẽ gây ra bệnh trầm cảm.
Theo Psychology Today, khi bị cô lập, hệ thần kinh sẽ tự chuyển sang chế độ tự vệ, khiến con người dần thu mình, mài mòn cảm xúc, cư xử theo hướng phòng thủ.
Người đó sẽ bắt đầu tự hỏi bản thân trong những người mình quen biết, còn những ai không muốn chơi với mình nữa, và cảm thấy lo lắng, sợ rằng trong tương lai sẽ có người bỏ rơi mình. Cảm giác sợ hãi, bị bỏ rơi và cô đơn xen lẫn vào nhau.
Theo Khoa học.