Người ta từng dễ dàng nhận diện và định nghĩa sự trưởng thành ở đàn ông: một người đàn ông đã lập gia đình, sinh con đẻ cái và có một công việc để nuôi vợ con. Anh ta biết mình đã là một người đàn ông trưởng thành và những người khác cũng vậy.
 
Ngày nay những dấu hiệu đó ngày càng bị trì hoãn. Điều này có rất nhiều nguyên do, một số thuộc về văn hóa, số khác là kinh tế. Chẳng có gì sai với khuynh hướng này. Mặc dù tôi là người ủng hộ thái độ làm việc chăm chỉ trong công việc và cưới người phụ nữ của đời bạn khi bạn biết nàng chính là “người ấy”, song những chuyện này không đơn giản là xảy ra cùng một lúc với tất cả đàn ông.
 
Và mặc dù cá nhân tôi tin rằng việc kết hôn và sinh con là một trong những cách hiệu quả nhất để trưởng thành như một người đàn ông, nhưng tôi không thoải mái lắm khi nói rằng những ai không làm những việc như vậy đều là đàn ông lông bông chưa trưởng thành. Nếu không, bạn đang mắc kẹt trong quan điểm cho rằng những người đàn ông như Linh mục Công giáo hay nhà sư Phật giáo đều không phải là đàn ông trưởng thành.
 
Vấn đề là, nếu không có những dấu hiệu lâu đời này về trưởng thành thì cách chàng trai không biết làm thế nào để chuyển tiếp từ cậu con trai thành đàn ông. Họ có thể không thấy chuyện hôn nhân/con cái/hợp đồng công việc là hấp dẫn, nhưng họ cũng chẳng mặn mà với việc mãi mãi chỉ là một kẻ vị thành thành niên. Họ cảm thấy mắc kẹt giữa hai hướng dẫn--không còn là cậu con trai nhưng cũng chưa “ổn định”- và không nhìn thấy bất cứ hình mẫu nào để sống tiếp. Khoảng trống này trở thành một hoang địa trong cuộc đời đối với đàn ông, nơi các cậu con trai đang sống vô định hướng như những con amip.
 
Vì thế tôi muốn đề xuất một định nghĩa về trưởng thành cho thời hiện đại của chúng ta. Và nó được thể hiện trong cụm từ này:
 
Tạo dựng nhiều hơn, Tiêu thụ ít đi
 
Các cậu bé là người tiêu thụ. Khi chúng còn nhỏ, cha mẹ chúng xây dựng trải nghiệm cho chúng; công việc duy nhất của chúng là ngồi xuống và hưởng thụ. Chúng sống trong nhà của bố mẹ, ăn cơm của bố mẹ và sử dụng đồ đạc của bố mẹ. Thời gian rảnh rỗi của chúng được dùng cho chuyện tiêu khiển giải trí. Chúng tiêu thụ các nguồn lực của bố mẹ và thụ động, mọi chuyện đã có người khác lo liệu. Chúng gần như không tạo được ảnh hưởng gì đến thế giới và không làm chủ được cuộc đời của chúng. Chúng là người sống phụ thuộc.
 
Vấn đề nảy sinh khi đàn ông không vượt thoát khỏi cái vai trò thụ động này. Thay vì tạo ra, họ lại tiếp tục tiêu thụ. Họ có thể không còn phụ thuộc vào Bố mẹ nữa (dù thật đáng buồn, họ thường sống như vậy), song họ vẫn phụ thuộc vào vật chất để có được hạnh phúc. Tiêu thụ quần áo, phim ảnh, video game, xe hơi, tiệc tùng, thức ăn nhanh, và ngay cả đi du lịch để làm bản thân vui vẻ. Họ chỉ sống vì những lạc thú và trò tiêu khiển của bản thân.
 
Nhưng chỉ có những cậu bé mới sống vì bản thân chúng; đàn ông tận hưởng trọn vẹn những lạc thú trong cuộc sống, nhưng cũng sống vì một mục đích cao cả hơn. Các cậu bé cố gắng tìm kiếm bản thân mình trong những thứ chúng mua sắm; còn đàn ông tìm thấy bản thân trong những việc họ làm. Cậu bé đặt căn tính của chúng dựa trên những thứ mà chúng tiêu thụ; còn đàn ông đặt căn tính của họ dựa trên những thứ mà họ tạo ra.
 
Sự thất bại của đàn ông trong việc chuyển từ người mua sắm và khách hàng sang người sản xuất và chế tạo có 4 tác động sâu sắc đến sự sống động của bản lĩnh mày râu.
 
Sự suy yếu của quyền tự quyết ở đàn ông
 
Đàn ông khao khát trở thành thuyền trưởng của vận mệnh của họ, muốn có cảm giác kiểm soát được cuộc đời họ. Chúng ta muốn trở thành người tự do và có thể xoay chuyển con tàu của mình theo bất kỳ hướng nào vào bất cứ lúc nào.
 
Chủ nghĩa tiêu thụ nuôi dưỡng trực tiếp khát vọng này, nhưng thường cung cấp một phiên bản mô phỏng và dễ dàng hơn của nó. Người tiêu dùng, có thể lựa chọn giữa nhiều tùy chọn, vô số sản phẩm và dịch vụ khác nhau, được bán như tấm vé dẫn đến tự do và chủ quyền thực sự.
 
Chủ nghĩa tiêu thụ đưa ra quá nhiều lựa chọn đến nỗi chúng ta không thấy được rằng chúng đều nằm trong một cái hộp đã được định trước. Nghịch lý lớn trong cuộc đấu tranh vì nam tính thời hiện đại là chúng ta cùng lúc cảm thấy trôi giạt mất phương hướng vì anomie (tình trạng xã hội loạn kỷ cương) và bị đánh gục vì chủ nghĩa tiêu thụ.
 
Kìm giữ thôi thúc tạo tác
 
Đàn ông có một ham muốn bẩm sinh là trở thành người tạo tác, người sáng tạo, thay đổi cảnh quan, biến gỗ thành đồ nội thất, biến một tờ giấy trắng thành một tác phẩm nghệ thuật--để thay đổi thế giới và để lại một di sản. Việc chối bỏ khía cạnh nam tính này có lẽ là điều gây khổ sở nhất cho đàn ông thời hiện đại. Những người đàn ông trẻ tuổi được dạy rằng cuộc đời ngoài 30 tuổi như một cái chết nào đó rồi, một thời điểm mà họ phải dừng lối sống ích kỷ và sống vì tha nhân. Một nghịch lý chưa bao giờ được nói đến là việc tiêu thụ chính là ngõ cụt khi nói đến hạnh phúc. Tâm trí bạn bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn--những trải nghiệm mới mẻ lúc đầu mang lại cho bạn niềm vui sướng mãnh liệt, nhưng càng tiêu thụ nó, cảm biến khoái lạc của bạn càng trở nên bão hòa cho đến khi bạn phải gia tăng cường độ và số lượng trải nghiệm để nhận được “cơn sướng” tương tự như trước đây. Và cái chu kỳ này kéo dài vô tận.
 
Nhưng khi bạn tạo tác thay vì tiêu thụ, khả năng cảm nhận khoái sướng của bạn sẽ tăng lên, trái ngược với nhu cầu của bạn đối với nó. Trở thành người sáng tạo thay vì người tiêu thụ mang lại cho bạn hạnh phúc lâu dài và thỏa mãn sâu sắc hơn bao giờ hết.
 
Sự suy yếu của Tính kỷ luật và Cam kết
 
Vấn đề với chủ nghĩa tiêu thụ là nó nhấn mạnh đến sự lựa chọn, đến mức hoàn toàn không màng đến quan điểm sống với sự lựa chọn đó. Chọn, chọn, chọn. Nhưng điều gì xảy ra sau khi bạn đưa ra sự lựa chọn đó? Tất nhiên đây không phải là mối quan tâm của chủ nghĩa tiêu thụ, bởi vì câu trả lời sẽ là bắt đầu nghĩ đến sự lựa chọn tiếp theo. Chúng ta chưa bao giờ được yêu cầu chuyển từ tiêu thụ sang cam kết.
 
Điều đó có thể hiệu quả với kem đánh răng của bạn, song, những điều quan trọng nhất trên đời không thể nào tùy hứng thay thế. Chúng đòi hỏi sự kỷ luật cần thiết để tạo dựng nên thứ gì đó vững chắc, giá trị và đặc biệt, khả năng tiếp tục với việc gì đó bất chấp mọi khó khăn. Tâm lý mua sắm có sức tàn phá ghê gớm đến bản lĩnh đàn ông đích thực.
 
Sao lãng khỏi những điều thực sự quan trọng
 
Người tiêu dùng bị thúc đẩy bởi khao khát tìm được những sản phẩm và trải nghiệm sẽ cho phép họ trải nghiệm thực tế những thứ mà họ vẫn hằng mơ ước. Tất nhiên là sản phẩm mới hay trải nghiệm mới không bao giờ có thể mang lại mức độ vui thích như tưởng tượng của người đó. Sau đó người ấy vỡ mộng trong một khoảng thời gian ngắn trước khi lại hình dung ra một giấc mộng mới, được hoàn thiện về những trải nghiệm hay món đồ khác để tiêu thụ, mà họ tin là một cơ hội tốt hơn để thỏa mãn khát khao đó. Tuy nhiên trí tưởng tượng luôn đi trước thực tế một bước; cho dù điều tốt đẹp thu được có tuyệt vời đến đâu thì trí tưởng tượng vẫn luôn hy vọng vào một thứ gì đó hoàn hảo hơn thế nữa. Vì vậy mà cái chu kỳ khao khát-có được-không hài lòng-khao khát, được duy trì.
 
Mặc dù khoảng cách này không thể nào thu hẹp được, song điều này không làm người tiêu dùng nản lỏng. Quả thực người tiêu thụ nhận được nhiều niềm vui từ sự khao khát, ngóng trông, từ tưởng tượng và dự đoán việc mua sắm sản phẩm hoặc trải nghiệm tiếp theo, hơn là có được sản phẩm thực tế. Người ta tìm thấy lạc thú trong sự căng thẳng giữa tưởng tượng và thực tế, giữa dự đoán và cao trào.
 
“Sự khó chịu thú vị” này không phải là điều xấu; chính cơn đói đó đã thúc đẩy chúng ta hướng tới mọi mục tiêu, từ những mục tiêu nông cạn đến mục tiêu xứng đáng. Sự khó chịu đến từ khoảng cách giữa mong muốn của bạn về cuộc đời mình và cách mà nó đang diễn ra; đó là một cảm giác quan trọng giúp chúng ta tiến xa về phía trước. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng ta thực sự có được nhiều thỏa mãn hơn từ việc phấn đấu đạt được một mục tiêu hơn là khi ta đã đạt được nó.
 
Vấn đề với chủ nghĩa tiêu thụ là nó thỏa mãn cơn khó ở của chúng ta với những lạc thú phù du hời hợt, khiến ta sao nhãng khỏi cơn đói thực sự đang kêu gào. Chúng ta nên tìm cách xoa dịu “cơn khó ở” của chúng ta bằng cách cải thiện bản thân, nâng cao phẩm giá, sức mạnh của chúng ta, luôn luôn cố gắng để trở thành con người tốt hơn.
 
Tạo dựng nhiều hơn, Tiêu thụ ít lại
 
Tôi từng bị công kích vì quá khắt khe đối với những game thủ. Thật ra thì tôi không cho rằng có gì sai với việc thi thoảng chơi game. Lý do mà tôi thường xuyên nhắc đến video games có liên quan đến vấn đề nam tính bị kìm hãm, không phải là bản thân các game, mà vì thứ mà chúng tượng trưng.
 
Trong khi đàn ông trước đây từng chiến đấu như những chiến binh thì giờ đây họ lại đang giả vờ là chiến binh. Nơi mà đàn ông từng chơi bóng chày và bóng đá thì bây giờ họ đang điều khiến những avatar chơi thay họ. Nơi mà đàn ông từng chơi một nhạc cụ thì giờ đây họ đang nhấn mấy cái nút trên một món đồ chơi bằng nhựa. Nơi mà chúng ta từng tạo dựng thì bây giờ chúng ta đang tiêu thụ.
 
Tại sao lại chơi một cây ghita nhựa hàng giờ đồng hồ thay vì học cách chơi ghita thật? Tất nhiên câu trả lời là vì chơi đàn thật khó hơn. Vật lộn với một thứ gì đó hữu hình, một thứ không có nút reset (cài đặt lại) đòi hỏi sự tận lực và cam kết. Vậy lo xa làm gì?
 
Lao nhọc của một người sẽ làm biến đổi thứ gì đó trong môi trường, từ đó lại chuyển hóa con người bạn. Hành động tạo tác uốn nắn bạn như một người đàn ông, tinh luyện sự nhạy cảm của bạn, tăng cường sức mạnh, trau dồi khả năng tập trung và xây đắp tính cách của bạn. Còn tiêu thụ thụ động không ảnh hưởng và làm thay đổi con người bạn. Tiêu thụ sinh ra sự thờ ơ; còn tạo tác thì tăng cường năng lực.
 
Có nhiều dạng thức của tạo tác. Những dạng thức truyền thông vẫn là một số loại tốt nhất: tạo dựng trong công việc của bạn, tạo ra một cuộc đời yêu thương với người bạn đời và bạn bè của bạn, và sinh con đẻ cái. Nhưng cũng có những cách khác để tạo tác. Phụng sự cộng đồng. Những sở thích như làm vườn, thợ rèn, nghệ thuật và âm nhạc. Phát minh, viết lách, viết blog, tham gia chính trị. Tạo trải nghiệm cho người khác. Tạo dựng một đời sống tâm linh. Và đơn giản là xây đắp cá tính của bạn hằng ngày.
 
Trưởng thành không có nghĩa là phải mặc một bộ com-lê xám xịt. Mà nó thực sự có nghĩa là đóng một vai trò chủ động thay vì thụ động trong thế giới này. Hãy tạo ra ảnh hưởng. Và hãy tạo ra thế giới của bạn thay vì tiêu thụ nó.
 
 
Dịch bởi Chó béo cute