TỪ ĐIỂN NHỮNG NỖI SỢ HÃI VÀ CUỒNG LOẠN - Nguồn gốc của 99 ám ảnh phổ biến

tu-dien-nhung-noi-so-hai-va-cuong-loan-nguon-goc-cua-99-am-anh-pho-bien

"Cuốn sách của năm" - theo The Times, Financial Times, Spectator và Daily Mail

Là con người, ai cũng từng có những nỗi sợ: từ việc sợ nói trước đám đông; sợ rắn, nhện…cho đến những thứ mới mẻ hơn như sợ nghe điện thoại. Nỗi sợ vừa là trải nghiệm cá nhân, vừa là sản phẩm của văn hóa, khi chúng thể hiện cách con người nhìn nhận bản thân mình.

Với "Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn", tác giả Kate Summerscale đưa chúng ta vào hành trình tìm hiểu nguồn gốc, cơ chế tâm lý của những nỗi ám ảnh, đồng thời đưa ra lời giải thích và một số phương pháp điều trị tích cực, hiệu quả cho những nỗi sợ hãi và cuồng loạn mạnh mẽ nhất.

Các chứng ám ảnh sợ hãi và cuồng loạn còn tiết lộ nội tâm con người – những thứ mà ta không thể “quăng ra khỏi đầu mình”. Nếu “ám ảnh sợ hãi” là sự thôi thúc phải né tránh gì đó, thì “cuồng loạn” lại là sự thôi thúc chúng ta phải làm gì đó.

99 nỗi ám ảnh sợ hãi (phobia) và cuồng loạn (mania) trong sách được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên tiếng Anh, hoặc có thể chia thành các nhóm chủ đề như: cơ thể; tiếng ồn; bị cô lập; chạm vào…

Với ngôn ngữ hóm hỉnh, gần gũi và cách giải thích dễ hiểu, chắc chắn cuốn sách sẽ thỏa mãn cơn tò mò của độc giả thích tìm hiểu các khía cạnh sâu trong nội tâm con người.

MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN 

“Các số liệu trên nói về các chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật. Nhiều người trong số chúng ta có những cảm giác khó chịu hay sợ hãi nhẹ hơn mà đôi khi lầm tưởng là ám ảnh sợ hãi: cực kỳ không thích nói trước đám đông, đi gặp nha sĩ, nghe tiếng sấm sét hoặc nhìn thấy nhện. Ở Mỹ, có hơn 70% người nói rằng họ có một nỗi sợ vô cớ. Khi bắt đầu nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi không nghĩ rằng mình có chứng sợ hãi cụ thể nào – ngoại trừ nỗi sợ việc bị đỏ mặt khi còn niên thiếu và cảm giác lo lắng thường trực về việc đi máy bay –nhưng đến thời điểm cuốn sách hoàn thành, tôi đã thuyết phục bản thân rằng mình có gần như tất cả những ám ảnh sợ hãi đó. Một số nỗi sợ cảm nhận được ngay khi ta hình dung tới.”

“Các nhà tâm lý học tiến hóa tranh luận rằng nhiều chứng ám ảnh sợ hãi mang tính thích nghi: nỗi sợ độ cao và loài rắn được in hằn trong não bộ để ngăn ta ngã từ trên cao hoặc bị rắn cắn; sự ghê tởm với chuột và ốc sên bảo vệ ta khỏi bệnh tật. Các chứng ám ảnh sợ hãi như vậy là một phần di sản tiến hóa của loài người, những nỗi sợ “được chuẩn bị sẵn về mặt sinh học” được thiết kế để bảo vệ ta khỏi các mối đe dọa bên ngoài. Phản ứng với ám ảnh sợ hãi phần nào giống những phản xạ mang tính bản năng. Khi phát hiện đối tượng hay tình huống là mối đe dọa, bộ não nguyên thủy sẽ giải phóng các hóa chất giúp ta chiến đấu hoặc bỏ trốn, và phản ứng thể chất của ta – rùng mình hay chùn bước, đổ mồ hôi hay buồn nôn – dường như xâm chiếm lấy ta.”

“Khi quyết định một hành vi là cuồng loạn hay ám ảnh, ta thực chất đang vẽ ra ranh giới về văn hóa và tâm lý cho chính mình, nghĩa là chỉ ra những niềm tin mà với nó, xã hội của mình được kiến tạo. Những ranh giới ấy chuyển dịch theo thời gian, và trong khoảnh khắc khủng hoảng tập thể – chiến tranh, bệnh dịch – chúng có thể thay đổi nhanh chóng.”

“Ám ảnh sợ hãi hay cuồng loạn cũng giống như thần chú, ban cho một vật thể hay hành vi những ý nghĩa bí ẩn và sức mạnh để tạo thành ám ảnh và biến đổi chúng ta. Những tình trạng ấy có thể tạo ra cảm giác áp chế, nhưng cũng phù phép lên thế giới quanh ta, khiến nó trở nên đáng sợ và sinh động như trong cổ tích. Chúng tạo ra một tác động hữu hình, hệt như phép thuật, và khi ấy ta bộc lộ sự kỳ lạ của bản thân.”

TÁC GIẢ:

Kate Summerscale là tác giả, nhà báo người Anh sinh năm 1965. Bà từng làm việc cho The Independent và cũng là biên tập viên văn học của The Daily Telegraph. Các bài viết của bà đã xuất hiện trên The Guardian, The Daily Telegraph và The Sunday Telegraph. Bà cũng từng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi văn học khác nhau, trong đó có Giải Booker năm 2001.

Xem chi tiết nội dung và đặt sách tại: https://shope.ee/6V08Sp2hVv

menu
menu