Tự làm tổn thương bản thân như một cách làm tổn thương người khác
Nhiều người ôm mối thù hận sâu sắc đối với bố mẹ họ đến nỗi trong vô thức họ muốn làm cho bản thân lệch lạc như một cách để trả đũa lại bố mẹ.
Nhiều người ôm mối thù hận sâu sắc đối với bố mẹ họ đến nỗi trong vô thức họ muốn làm cho bản thân lệch lạc như một cách để trả đũa lại bố mẹ. Do đó, họ đạt được cảm giác thoả mãn khi làm tổn thương bố mẹ bằng cách nói rằng, “Nhìn xem tôi bê tha thế nào! Tất cả là lỗi của ông bà!”
Vì vậy, động cơ vô thức của đứa trẻ là cho thế giới thấy, thông qua những hành vi xấu xa của chúng, rằng bố mẹ của chúng thiếu lòng từ bi và tình yêu thực sự.
Kiểu hành vi này có thể dẫn đến cái gọi là Lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy). Ví dụ, một người bất an rất sợ bị bỏ rơi có thể thường xuyên đổ những cảm giác ngoại tình cho đối phương, làm đối phương cuối cùng trở nên mệt mỏi vì sự hoài nghi và những lời chỉ trích đó, kết cuộc là bỏ rơi họ.
Toàn bộ quá trình này bắt đầu khi bạn bị ngược đãi hồi còn nhỏ trong gia đình bạn. Không có khả năng hiểu được sự bạo hành vô lý này nên bạn tự nhủ rằng “Tất cả đều là lỗi của tôi.” Sau đó, bạn tin chắc và lặp đi lặp lại rằng mọi thứ đều là lỗi của bạn, bạn bắt đầu mong đợi bị bạo hành – và mong đợi đó thu hút sự tổn thương vào bạn giống như sắt bị hút vào một cục nam châm.
Vâng, khi bạn còn là một đứa trẻ, bố không quan tâm bạn (về mặt cảm xúc và thân thể). Có lẽ mẹ cũng bỏ rơi bạn. Bạn thấy mình trả thù lại họ bằng cách sống thu mình; bạn che giấu cảm xúc thật với họ, và bạn hành động chống đối để làm tổn thương họ.
Nhưng bây giờ, khi bạn lớn hơn, cơn thịnh nộ vẫn tiếp tục. Bất cứ khi nào những người khác làm bạn tổn thương, khó chịu, thì bạn trở nên phẫn nộ và bạn đẩy họ ra, giống như bạn đã từng đẩy bổ mẹ bạn ra xa. Bất kỳ ai làm bạn tổn thương, bạn đẩy họ ra.
Cơ chế của sự đẩy ra trong thực tế bắt đầu như một phòng vệ tốt từ thời thơ ấu, khi đương đầu với cơn giận và sự chỉ trích của bố mẹ bạn, bạn nói, âm thầm trong thất vọng, “Dừng lại! Tất cả những gì bạn muốn là chấm dứt sự bạo hành. Nhưng sau đó, hành động có tính bảo vệ này phát triển thành một hành động xung hấn. Bạn dần dần chuyển từ việc thụ động cố gắng chấm dứt sự bạo hành sang chủ động trả thù bằng cách đẩy bất kỳ ai làm bạn tổn thương ra xa.
Sớm hay muộn, bạn sẽ nhìn xung quanh và cảm thấy hoàn toàn cô độc “Nhìn xem! ” bạn tự nhủ ” Tôi cô độc! Ngay cả Chúa cũng bỏ rơi tôi!” Nhưng Chúa không bỏ rơi bạn. Bạn đã gây ra điều này cho bản thân. Bạn đã đẩy mọi người ra xa bạn. Bạn đẩy họ ra trong cơn thịnh nộ.
Nhiều ý nghĩ đen tối và thù hận nhất của bạn – những ý nghĩ mà bạn giữ kín và sẽ không bao giờ tiết lộ với bất kỳ ai, ngay cả với một nhà tâm lý – được kích hoạt khi những tổn thương cảm xúc từ thời thơ ấu của bạn được nhen nhóm lại bởi những sự kiện gây khó chịu về cảm xúc trong hiện tại. Trải nghiệm những ý nghĩ và huyễn tưởng đó có thể kích thích cảm giác tội lỗi, và sau đó, trừng phạt bản thân bạn vì tội lỗi này, bạn có thể tham gia vào những hành vi hoặc cám dỗ gây huỷ hoại bản thân (như hút thuốc hoặc uống rượu hoặc cờ bạc hoặc quan hệ tình dục hoặc ăn uống quá mức hoặc bất kì điều gì). Bây giờ, bản thân bạn có thể thừa nhận những hành vi đó, nhưng trừ khi bạn hiểu được gốc rễ tâm lý của những hành vi đó, bạn sẽ vẫn tiếp tục lặp lại chúng. Và gốc rễ tâm lý của những hành vi và cám dỗ tự huỷ hoại bản thân là gì? Nó là sự căm ghét mà bạn khi còn bé cảm nhận đối với bố mẹ của bạn, sự căm ghét vẫn còn là một bí mật chưa được nói ra trong tim bạn mà bạn sẽ không dám tiết lộ với ai.
Bạn cảm thấy tổn thương và tức giận với bố mẹ bạn, và những cảm xúc đó dẫn bạn đến những thôi thúc của sự tức giận và căm ghét. Nhưng đó không phải là tất cả. Một phần nào đó trong bạn thích thú với sự bất lực, yếu đuối của mình vì nó cho bạn một phương tiện để bộc lộ sự căm ghét của bạn và trả thù bố mẹ; tức là, bạn ném sự bất lực, yếu đuối của bạn vào mặt họ như bằng chứng cho thấy họ đã không đúng với bạn, và trong hành động “ném sự bất lực của bạn vào mặt họ”, bạn có được sự thoả mãn của việc làm tổn thương họ–và làm tổn thương họ là sự trả thù của bạn.
Do đó, khi bạn làm tổn thương bản thân, bạn tìm được một cách thông minh để làm tổn thương những người khác.
Điều đáng buồn ở đây là, vì khao khát trong vô thức không thấy được trực tiếp, nên phần lớn mọi người sẽ phủ nhận rằng họ có chúng. Nhưng, giống như sự hiện diện của một con vật có thể được suy luận bởi bằng chứng về những dấu vết của nó, những khao khát cũng có thể được suy luận bởi bằng chứng về hành vi mà chúng gây ra.
Ví dụ, bạn có thể không nhìn thấy khao khát bí mật của bạn là huỷ hoại bản thân, nhưng bạn có lẽ nhìn thấy những hành vi tự huỷ hoại bản thân của bạn– đó là, bạn hút thuốc, ăn quá nhiều, uống rượu nhiều, có xu hướng thích tranh cãi, mạo hiểm, trì hoãn, gặp khó khăn trong việc hoàn thành các dự án, không thể đọc bản đồ, hoài nghi người khác, tránh né VIỆC dọn dẹp nhà cửa…
Sự thoả mãn kỳ lạ gì đã duy trì tất cả những kiểu tự huỷ hoại bản thân này? Đó là sự thoả mãn của niềm hy vọng (vô thức) muốn cho thế giới thấy nó sai trái như thế nào. Người bị mắc vào trong cơn giận của nạn nhân sẽ bám chặt vào sự huỷ hoại (bản thân) của anh ta như “bằng chứng” mà anh ta hy vọng, sẽ kết tội thế giới.
Không giống như một người hy sinh tính mạng của anh ấy vì tình yêu thuần khiết, sự tự huỷ hoại bản thân này có động cơ sâu xa nằm ở nỗi cay đắng và căm ghét, và ngoan cố khước từ tha thứ.
Động cơ sâu xa nhất của tất cả hành vi tự gây đau khổ cho bản thân trong vô thức là gì? Đó là hy vọng âm thầm rằng bạn có thể khiến người khác yêu bạn. Nó là hy vọng rằng người khác khi nhìn thấy bạn sẵn sàng chịu đựng bị bạo hành nhiều như thế nào, thì họ sẽ ngưỡng mộ bạn, và do đó yêu bạn.
Niềm hy vọng được người khác yêu này dẫn chúng ta đến sự khác nhau giữa tính khiêm tốn và sự khổ dâm. Sống khiêm tốn là sống với sự tin tưởng hoàn toàn vào tình yêu, sự bảo vệ và sự dẫn dắt của Chúa và do đó không quan tâm đến bản thân bạn khi những người khác xúc phạm bạn – hoặc khen ngợi bạn. An toàn trong tình yêu của Chúa, bạn không phải dựa bản sắc của bạn vào việc liệu người khác có thích bạn hay không. Còn ở sự khổ dâm, bạn mời gọi người khác xúc phạm bạn vì, như một sự phòng vệ tâm lý chống lại nỗi đau của những tổn thương cảm xúc sâu sắc, bạn đạt được sự thoả mãn trong vô thức khi bị làm giảm giá trị với hy vọng rằng bạn sẽ, một ngày nào đó, nhận được sự ngưỡng mộ của một ai đó vì sự sẵn sàng chịu đựng bị bạo hành của bạn.
Chấm dứt Lời tiên tri tự ứng nghiệm
Bắt đầu bằng việc chấp nhận sự thật là, khi còn bé, người khác đã trút xung đột nội tâm vô thức của họ lên bạn và bạn không nên đổ lỗi cho bản thân vì sự thù địch của họ.
Sau đó, bạn có thể dừng tin rằng bạn “xứng đáng với điều đó.”
Sau đó, bạn có thể dừng căm ghét. Một mặt, bạn có thể dừng ghét người khác vì quá đê tiện với bạn; bạn có thể làm được điều này bằng cách từ bi với nỗi khổ của họ do nỗi đau cảm xúc chưa được chữa lành của họ, và bạn có thể tha thứ cho họ vì sự mù quáng tâm lý và những thất bại của họ. Mặt khác, bạn có thể dừng ghét bản thân vì không thể sửa chữa sự việc.
Khi đó bạn có thể dừng việc để cho những nỗi giận vô thức của bạn góp phần vào sự hỗn loạn cảm xúc của thế giới xung quanh bạn. Bạn có thể nói “Kể từ bây giờ, tôi sẽ làm mọi việc mà tôi có thể để tìm kiếm sự thấu hiểu người khác, tìm kiếm điều tốt đẹp của họ, và giúp họ chữa lành nỗi đau cảm xúc của họ.”
Khi đó, bạn có thể dừng ham muốn vô thức trừng phạt bản thân bạn.
Dịch từ cuốn sách Psychology from the heart - The spiritual depth of clinical psychology (Tâm lý học từ con tim - chiều sâu tâm linh của tâm lý trị liệu)
Tác giả: Raymond Lloyd Richmond, Ph.D.