Tự tha thứ cho chính mình

tu-tha-thu-cho-chinh-minh

Ta thường từ chối tha thứ cho bản thân vì nghĩ rằng những sai lầm mình mắc phải, cuối cùng, đều có thể tránh được.

Ta thường từ chối tha thứ cho bản thân vì nghĩ rằng những sai lầm mình mắc phải, cuối cùng, đều có thể tránh được. Ta không ngừng lật lại từng lỗi lầm, so sánh giữa những gì đã xảy ra với những gì đáng lẽ có thể dễ dàng tránh được nếu ta không ngu ngốc hay bất cẩn đến thế. Những cơn đau nhói dai dẳng dâng lên khi nghĩ về khoảng cách giữa hiện tại đau khổ và viễn cảnh đã tan biến kia: lẽ ra ta không nên gửi email đó, không nên dính líu đến người đó, lẽ ra phải nghe lời khuyên nhiều hơn, lẽ ra không nên vay số tiền ấy…

Kèm theo nỗi đau là hàng loạt câu hỏi: Tại sao ta không thể nhìn xa hơn? Sao ta không đủ kiềm chế? Sao ta lại có thể bốc đồng như thế? Khi nhìn gần như vậy, ta chẳng thể tìm ra cách nào thực tế, chứ chưa nói đến việc tự mình đối xử nhẹ nhàng, nên những câu hỏi tự trách ấy cứ kéo dài mãi, không ngừng đẩy ta vào sự giằng xé. Ta sẽ cho rằng mình thất bại vì tham lam, kiêu ngạo, nông cạn, nóng nảy và yếu đuối; rằng ta đã phá hủy cuộc đời vì những cơn khát dục vọng, sự nhẹ dạ, non nớt và ích kỷ.

Photo by mark tulin on Unsplash

Ta tự căm ghét mình hơn nữa khi so sánh cuộc sống lấm lem của bản thân với những lựa chọn hoàn hảo của người khác. Những người tử tế, khôn ngoan, điềm tĩnh kia, họ đúng đắn từ đầu: họ không sa vào cám dỗ, họ vững vàng và trách nhiệm, họ biết ưu tiên điều gì và tôn trọng ý kiến công chúng. Kết luận duy nhất là ta thật sự tệ hại, đến mức tùy theo mức độ sai lầm mà ta đã rơi vào, ta có thể nghĩ mình nên biến mất ngay lập tức cho rồi.

Để tránh mãi mãi căm ghét bản thân hoặc rơi vào tuyệt vọng, ta phải tìm ra một cách tiếp cận khác. Ta không thể mãi giải thích những sai lầm của mình bằng cách nhìn vào từng khuyết điểm nhỏ lẻ trong tính cách. Ta cần dựa vào một lời giải thích bao quát và khách quan hơn. Ta sai lầm vì ta là con người, mà điều đó có nghĩa là thuộc về một giống loài vốn phải bước qua cuộc đời mà không có đầy đủ tri thức và kinh nghiệm cần thiết để đạt được sự tốt đẹp, thông thái, nhân hậu và hạnh phúc.

Có thể ta hối tiếc về một lỗi lầm nào đó, nhưng từ góc nhìn rộng hơn, ta luôn đi trong sự mù mờ, vì thế sớm muộn gì cũng mắc phải những sai lầm ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Ta không thể biết chính xác ai là người mình nên kết hôn. Ta không có tri thức chắc chắn về tài năng thực sự của mình, càng không biết được nền kinh tế sẽ diễn biến ra sao, và vì thế ta không thể xác định nghề nghiệp nào nên gắn bó suốt đời. Ta có thể đoán được điều gì và tình huống nào có thể nguy hiểm, nhưng không thể biết trước rủi ro ẩn mình ở đâu; quanh ta luôn có những quả “mìn” chôn sẵn. Giả định đúng ở thời đại này có thể trở nên lỗi thời ở thời đại khác. Ta dễ bị đánh lừa bởi những thay đổi nhanh chóng của xã hội: điều từng là chấp nhận được có thể trở thành sự xúc phạm chỉ sau vài năm.

Chắc chắn, ta có thể gặp phải những "góc cạnh" sắc nhọn của cuộc sống, và chúng gây tổn thương sâu sắc theo cách riêng biệt. Nhưng dù vết thương là cụ thể, nỗi đau lại gần như phổ biến. Có thể nói trước rằng chuyện không hay sẽ xảy ra với ta vào lúc nào đó, không phải vì ta kém cỏi mà vì bộ não con người không đủ chất liệu cần thiết để giúp ta vượt qua chặng đường dài đầy chông gai của cuộc đời một cách hoàn hảo.

Sự khinh miệt bản thân của ta thường dâng lên vì ta từ chối nghĩ đến sự may rủi. Ta nhìn vào vị trí của mình rồi so với chốn an lành của người khác, rồi kết luận duy nhất là: ta chắc chắn kém cỏi, nhân cách ta chắc chắn thấp hèn. Nhưng khi đó, ta đã bỏ qua yếu tố then chốt: dù ta có nhiều khuyết điểm, ta có thể đã phải đối mặt với một sự xoay chuyển đầy ác ý của số phận. Có những người cũng hấp tấp và bốc đồng như ta nhưng họ (tạm thời) lại gặp may mắn. Hoàn cảnh đôi khi tác động quá nặng nề vào những phần dễ tổn thương trong tính cách của ta. Bất kỳ ai trải qua bài kiểm tra như ta cũng sẽ thất bại theo cách tương tự. Khi đánh giá số phận của mình, ta nên dành một phần lớn trách nhiệm cho sự rủi ro.

Đồng thời, ta tự làm tổn thương mình khi chỉ so sánh với những người cao hơn, thay vì nhìn nhận hoàn cảnh từ nhiều phía. Trong những khoảnh khắc chán nản, ta nhìn đố kỵ về những người đang thăng hoa, mà quên đi hàng trăm, thậm chí hàng triệu người khác cũng đã chịu số phận khắc nghiệt không kém. Kiếp người hiếm khi là một nụ cười mãn nguyện: ta không nên tăng thêm khó khăn cho mình bằng cách không nhìn nhận đến những ai cũng đã rơi lệ nhiều như ta và mất mát hơn ta.

Cũng đừng mãi so sánh mình với những người có đôi chút giống về tuổi tác hay học vấn, nhưng thực chất có một xuất phát điểm tâm lý hoàn toàn khác. Họ không có bố mẹ như của ta, không phải trải qua những gì ta đã nếm trải, không phải đối mặt với những vụng dại tình cảm của ta. Họ có vẻ là người cùng đẳng cấp, nhưng thực tế họ thuộc về một tầng lớp may mắn hơn. Ta nên tự dành cho mình sự cảm thông, dựa trên sự thấu hiểu cụ thể về những gánh nặng mà ta phải mang.

Một chút hối tiếc đôi khi có ích: nó giúp ta nhìn lại lỗi lầm và tránh những hố sâu lần sau. Nhưng việc tự ghét bỏ không kiểm soát chẳng phục vụ mục đích gì; nó là một sự hành hạ quá mức mà ta không thể tự cho phép. Có thể ta dại khờ, nhưng điều đó không làm ta đặc biệt tệ hại hay kỳ lạ; nó chỉ khẳng định rằng ta là một phần của loài người – một thực tế mà ta xứng đáng nhận được sự cảm thông và lòng trắc ẩn không giới hạn.

Nguồn: SELF-FORGIVENESS

menu
menu