Tuổi thơ có thật sự quan trọng đến thế?
Hơn trăm năm qua, ta đã tự kể cho mình nghe một câu chuyện đầy sức mạnh về cách con người vận hành: rằng tuổi thơ chính là chìa khóa định hình cuộc đời khi trưởng thành.
Hơn trăm năm qua, ta đã tự kể cho mình nghe một câu chuyện đầy sức mạnh về cách con người vận hành: rằng tuổi thơ chính là chìa khóa định hình cuộc đời khi trưởng thành. Theo tâm lý học trị liệu, những năm tháng đầu đời có ảnh hưởng to lớn đến cách ta yêu thương, tin tưởng và nhìn nhận chính mình sau này. Nhưng với nhiều người, dù có đồng tình với ý tưởng này về mặt lý trí, chúng ta vẫn khó cảm nhận được nó một cách tự nhiên, trực giác. Liệu tuổi thơ – cái khoảng thời gian giờ đây đã trở nên mơ hồ, ít ai nhắc đến – có thật sự tác động sâu sắc đến những gì đang xảy ra với ta ngày hôm nay? Những cảm xúc, cách hành xử của chúng ta bây giờ liệu có thực sự bắt nguồn từ vài năm ngắn ngủi mà ta chỉ thỉnh thoảng nhớ đến, khi sum họp ngày lễ hoặc tình cờ bắt gặp mình trong tấm ảnh cũ? Hay đây chỉ là một ảo tưởng thời hiện đại, một lý thuyết nghe thì hợp lý nhưng thực ra chẳng đúng?
Để làm rõ hơn, hãy thử xem xét những lập luận chính và phản biện xung quanh vấn đề này:
Lập luận A: Tuổi thơ có thể quan trọng đến mức nào, khi mà trong phần lớn trường hợp, chẳng có điều gì quá to tát hay kinh hoàng xảy ra cả?
Lập luận B: Dĩ nhiên, ta dễ dàng chấp nhận rằng một số tuổi thơ chắc chắn có tác động lớn – những tuổi thơ đầy bạo lực, bắt cóc, lạm dụng, hay cảnh sát đến nhà thường xuyên. Nhưng tuổi thơ của chúng ta thì sao? Chỉ vài trận cãi vã, chút nước mắt, hay đôi ba khoảnh khắc căng thẳng vụt qua?
Câu hỏi này cũng giống như thách thức mà ngành vi sinh học phải đối mặt vào cuối thế kỷ 19. Khi đó, các nhà khoa học cố thuyết phục một công chúng đầy hoài nghi rằng cả nguồn nước của một thành phố có thể trở nên nguy hiểm chết người chỉ vì sự hiện diện của vài vi khuẩn tả vibrio cholerae – nhỏ hơn sợi tóc người cả trăm lần – trong một ly nước trong veo. Giới chức trách và công chúng khi ấy vẫn bám vào quan niệm cũ: những vấn đề lớn chắc chắn phải bắt nguồn từ những nguyên nhân trông cũng "lớn" tương ứng.
Chúng ta thường mang một niềm hy vọng khá lạc quan – nhưng không phải lúc nào cũng chắc chắn – rằng chỉ những điều lớn lao mới có thể tác động mạnh mẽ đến tâm lý con người. Thế nhưng, thực tế phũ phàng là đôi khi cuộc đời ta có thể bị xáo trộn chỉ bởi những điều tưởng chừng nhỏ nhặt. Tâm trí con người vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương đến mức, ngay cả những điều vụn vặt nhất cũng đủ sức khiến ta chao đảo. Và việc phủ nhận khả năng này chỉ khiến ta thêm dễ tổn thương mà thôi.
A: Nhưng bố mẹ tôi đối xử với tôi rất tốt mà…
B: Điều đó, tiếc thay, không bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi khó khăn. Không cần đến những hành động ác ý rõ ràng hay sự tổn thương cố ý, vẫn có những tác động ngấm ngầm nhưng đủ sức hủy hoại tâm lý. Đó là bi kịch của kiếp người: một người có thể là bậc cha mẹ tốt, đầy yêu thương và ý tốt – nhưng vẫn vô tình tạo ra những nỗi đau chẳng khác gì một thảm kịch.
A: Nhưng nếu ai cũng có một tuổi thơ hơi rối ren, thì chẳng phải điều đó là… bình thường sao?
B: Ở một góc nhìn nào đó, sự phổ biến của những tuổi thơ không trọn vẹn khiến ta ngần ngại đào sâu vào nỗi đau của chính mình – hoặc thậm chí nghi ngờ liệu có cách nào để cải thiện cách con người bước vào cuộc đời này. Những gì xảy ra với ta dường như cũng là phiên bản của những gì xảy ra với mọi người xung quanh. Một chút hỗn độn giữa các thế hệ tưởng chừng như điều tất yếu của cuộc sống.
Nhưng đây là lúc ta nên nhớ đến… nha khoa thời trung cổ. Vào thế kỷ 14, sâu răng là chuyện phổ biến. Miệng đầy bệnh, đau nhức vì răng hàm là điều ai cũng chịu đựng. Nhưng sự phổ biến đó không khiến vấn đề trở nên “tất yếu,” “bất biến,” hay “tự nhiên” – như sáu thế kỷ tiến bộ y khoa đã chứng minh. Một vấn đề dù có phổ biến đến đâu vẫn có thể hoàn toàn không cần thiết.
Nếu có đủ sự thấu hiểu và quyết tâm, chúng ta có thể làm cho những ám ảnh tâm lý từ tuổi thơ trở nên hiếm hoi như việc bị áp xe hay mọc răng lệch ngày nay. Thật đáng buồn – nhưng cũng đầy hy vọng – khi dám tin rằng hầu hết những nỗi đau ta mang không phải là điều “tự nhiên” chút nào.
A: Nhưng tuổi thơ của tôi cảm giác vẫn… bình thường mà?
B: Đây là vấn đề giống như chuyện cá chẳng biết mình đang sống trong nước. Cách gia đình ta vận hành là điều ta đã quen thuộc, là chuẩn mực mặc định trong tâm trí.
Đây chính là lợi thế của các nhà trị liệu tâm lý. Họ sở hữu thứ tương đương với kính hiển vi của các nhà khoa học, giúp họ nhìn thấy những “vi khuẩn” mà mắt thường không nhận ra. Phòng khám của họ là nơi mỗi ngày họ quan sát mối liên hệ giữa những thách thức thời thơ ấu và những đấu tranh của tuổi trưởng thành.
Lúc 9 giờ sáng, họ gặp một người lớn lên trong gia đình có cha mẹ trầm cảm, giờ mắc kẹt trong lớp vỏ bọc vui vẻ giả tạo để tự vệ. Lúc 10 giờ, đó là một người mắc chứng ám ảnh bệnh tật, lớn lên trong gia đình chỉ được chú ý khi ốm đau. Đến 11 giờ, lại là một người phải vật lộn với mối quan hệ phức tạp với cha mẹ vừa trải qua cuộc hôn nhân thứ ba tan vỡ.
Không lạ gì khi chỉ đến trưa ngày đầu tiên, các nhà trị liệu đã bắt đầu thấy rõ những kết luận lặp đi lặp lại.
A: Tôi thậm chí còn chẳng nhớ tuổi thơ đã định hình tôi thế nào…
B: Nhưng ai trong chúng ta nhớ được cách mình học nói đâu? “Ngôn ngữ cảm xúc” – cách ta nhìn nhận bản thân, cách ta kết nối với người khác, cách ta xử lý các mối quan hệ – đã len lỏi vào tâm trí ta tự nhiên và mạnh mẽ y như cách ta học hàng ngàn từ vựng và nguyên tắc ngữ pháp. Ta học bằng cách quan sát những người xung quanh, chủ yếu là cha mẹ, qua những gì họ làm và nói.
Thế nhưng, giống như ngôn ngữ mẹ đẻ, “ngữ pháp cảm xúc” ấy giờ đã ăn sâu và khó thay đổi không kém. Ai từng thử học tiếng Phần Lan hay Bồ Đào Nha khi đã lớn sẽ hiểu việc thay đổi một thói quen ăn sâu trong tâm trí là thử thách nhường nào.
A: Vậy nghĩ lại quá khứ làm gì khi có thay đổi được gì đâu?
B: Ta không thể thay đổi tuổi thơ của mình, nhưng ta có thể – với nỗ lực – thay đổi di sản nó để lại. Ta có thể khám phá những nỗi sợ hãi, ám ảnh, sự đề phòng, lo âu hay nỗi đau mà ta mang theo. Và từng bước, dù ban đầu còn vụng về, ta có thể học một thứ ngôn ngữ mới – một ngôn ngữ của sáng tạo, cởi mở và tha thứ cho chính mình.
A: Tôi không muốn nghĩ về những chuyện này nữa.
B: Hiểu thôi. Đa số chúng ta buộc phải xây dựng tính cách của mình dựa trên nhu cầu đối phó với sự cô đơn và nỗi đau. Cách ta suy nghĩ – hoặc cách ta ép mình không suy nghĩ – từng là tấm giáp bảo vệ ta khỏi những thử thách cuộc đời. Vì thế, chẳng dễ dàng hay tự nhiên gì khi muốn tháo bỏ lớp áo giáp ấy.
Nhưng lời mời gọi suy ngẫm về tuổi thơ không phải để ta mãi mắc kẹt trong quá khứ, mà là để cuối cùng có thể buông bỏ những phức tạp của nó. Đó là hành trình hướng đến một hiện tại nhẹ nhàng hơn, đầy niềm tin và bình yên hơn.
Nguồn: CAN CHILDHOODS REALLY MATTER SO MUCH