Về ảo tưởng cứu rỗi - The School Of Life
Trong vô vàn những ảo tưởng mà chúng ta thường nuôi dưỡng trong các mối quan hệ, ít có thứ gì thu hút nhiều sự nhạo báng hay nghi ngờ bằng “ảo tưởng cứu rỗi”.
Trong vô vàn những ảo tưởng mà chúng ta thường nuôi dưỡng trong các mối quan hệ, ít có thứ gì thu hút nhiều sự nhạo báng hay nghi ngờ bằng “ảo tưởng cứu rỗi”. Theo nỗi khao khát này, một người tình - thường là đàn ông - trở nên quan tâm một cách bất thường trong việc tìm kiếm nửa còn lại - thường là phụ nữ - là người đang khổ sở và bất hạnh. Mặc dù bề ngoài anh ta tỏ ra quan tâm đến việc xoa dịu những tổn thương của cô gái, song thực chất người này chỉ muốn khai thác điểm yếu của đối phương - vì những mục đích được cho là bất chính. Anh ta bị kích thích, thậm chí là về mặt tình dục, bởi nỗi buồn của cô gái, đồng thời lợi dụng những đau khổ của cô để tự phóng đại bản thân. Chưa bàn đến chuyện “nuôi để thịt”, toàn bộ chuyện này - thực chất - nghe vô cùng lố bịch, nếu không muốn nói là hoàn toàn nham hiểm.
Tuy nhiên, có thể lập luận rằng việc mong muốn trợ giúp người khác trên thực tế đóng vai trò chính đáng trong một mối quan hệ tình yêu lành mạnh đối với cả hai giới - và rằng chúng ta nên có đủ can đảm để hiểu và công nhận sức hấp dẫn trong chính ta và đối phương. Một bên tỉnh táo về mặt cảm xúc có thể hoàn toàn bị thu hút với một bên có sức hấp dẫn mạnh mẽ và đứt đoạn với trạng thái đau khổ.
Một điều hết sức bình thường đó là đôi khi chúng ta bị thu hút và cảm thấy xúc động sâu sắc trước những gì làm cho ai đó buồn, những khó khăn họ phải đối mặt, hay thứ mà họ vẫn luôn ôm ấp một mình trong lòng từ trước đến nay. Khi chúng ta khám phá ra khía cạnh mong manh dễ tổn thương của ai đó, ta cảm nhận có thứ gì đó khiến họ khác với những người ta từng biết, cùng sự nhẹ nhõm và cảm giác mới về lòng trung thành, rằng họ đã chia sẻ những bối rối và niềm đau của mình ra sao.
©Flickr/Claudia Salazar
Chúng ta có thể ngưỡng mộ mọi người vì những thành tựu, đời sống xã hội sôi động hay tính cách sôi nổi của họ. Nhưng để yêu ai đó, thường là vì họ đã từng trải qua đau khổ, vì thời thơ ấu của họ thật khó khăn, vì họ có thể tự nghi ngờ chính mình và quen với nỗi u sầu, cô lập. Ta cũng không cần quá ngạc nhiên khi có yếu tố khiêu dâm trong sự thu hút của chúng ta, tình dục gắn liền với mong muốn được gần gũi, thân mật và nuôi dưỡng. Chỉ đến khi đối phương cho phép ta nhìn thấy gốc rễ bên trong những tổn thương của họ, ta mới có cảm giác tình yêu của mình được bám víu vào đâu đó. Thật là bất khả thi để yêu một người không hề bị tổn thương; điều tốt nhất ta có thể làm là mừng cho họ.
Điều đó nói lên rằng, có một cách mà trong đó khao khát cứu rỗi ai đó có thể trở nên tồi tệ: khi ý định hoàn toàn méo mó: khi chúng ta muốn cứu rỗi nhưng lại phản đối nghiêm trọng việc được cứu rỗi.
Với một số người trong chúng ta, sẽ dễ dàng hơn khi chăm sóc ai đó hơn là trở thành người phụ thuộc. Chừng nào chúng ta đang giúp người khác đối mặt với nỗi sợ, cảm giác bất an và xấu hổ của họ, thì ta còn tránh xa được bộ sưu tập những điểm yếu của mình. Có lẽ, hồi bé, chúng ta không có cơ hội để thích nghi với sự yếu đuối của bản thân, chúng ta thiếu sự nuôi dưỡng tin cậy, phải mạnh mẽ trước khi cảm thấy sẵn sàng và giờ lại nao núng trước viễn cảnh mở lòng với một người có thể phản bội mình như cái cách mà ta từng bị phản bội.
Trong những trường hợp như vậy, việc bắt đầu chăm sóc cho người yêu có thể mang đến một kịch bản lý tưởng về mặt tâm lý như sau: Sự yếu đuối của người khác cho phép chúng ta tiếp cận với yếu đuối trong chính mình, đồng thời không yêu cầu ta phải bộc lộ điểm yếu của bản thân một cách trực tiếp, cùng tất cả những rủi ro có liên quan. Chúng ta có thể dễ bị tổn thương nhờ người khác; chúng ta có thể yếu đuối thông qua đối phương và cùng lúc bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị bỏ rơi và làm tổn hại.
©Flickr/Bhavishya Goel
Điều này gợi ý rằng tình yêu lành mạnh không phải là không có khao khát cứu rỗi. Đó là một trong những khao khát đáng được tôn vinh như bất cứ khao khát nào; trong đó cả hai bên chấp nhận những rủi ro đến từ việc cho đối phương thấy được những mặt thiếu thốn, phụ thuộc và yếu đuối của mình.
Thật tốt khi muốn giúp đỡ ai đó; nhưng còn anh hùng và can đảm hơn khi để cho người khác chăm sóc chúng ta; cho họ thấy chúng ta sợ hãi, nhỏ bé và xấu hổ, hoàn toàn có thể bị tổn thương vô cùng trước sự thờ ơ và lạnh lùng của họ. Một ảo tưởng cứu rỗi không có gì sai, nó chỉ đơn giản là một khía cạnh, và không bao giờ nên xuất phát từ một phía, của tình yêu.
Hoàng Dung dịch
Nguồn: https://www.theschooloflife.com/article/on-rescue-fantasies/?/