Về lòng bác ái

ve-long-bac-ai

Ở mức độ cơ bản nhất, bác ái có nghĩa là: trao cho ai đó thứ họ cần nhưng không thể tự mình có được.

Bác ái từng là một trong bảy đức hạnh của Kitô giáo, chiếm vị trí trung tâm trong đạo đức La Mã và Do Thái giáo. Ngày nay, ý niệm về bác ái vẫn khiến chúng ta cảm động sâu sắc, nhưng thường chỉ từ xa, hiếm khi ta thực sự đào sâu khái niệm này hoặc nỗ lực thực hành nó một cách có hệ thống. Bác ái giờ đây là điều ta thường làm khi bị xúc động bởi một bộ phim tài liệu trên TV hoặc khi dư dả một ít tiền lẻ sau kỳ nghỉ lễ.

Ở mức độ cơ bản nhất, bác ái có nghĩa là: trao cho ai đó thứ họ cần nhưng không thể tự mình có được. Thông thường, điều đó được hiểu là những thứ vật chất. Ta vẫn hay gắn lòng bác ái với việc cho tiền.

Những vị thánh trong Kitô giáo là hiện thân của lòng bác ái. Ngoài thành phố, Thánh Phanxicô gặp một người nghèo. Trang phục của ông ta mỏng manh, rách nát. Mùa đông đang đến gần, mà áo khoác thì đắt đỏ. Vị thánh động lòng trắc ẩn và chìa tay giúp đỡ.

Nhưng cốt lõi của bác ái vượt xa khỏi tiền bạc. Đó là sự thấu hiểu rằng một người cần sự giúp đỡ vì họ không thể tự mình xoay xở – và sự bất lực đó không phải là dấu hiệu của tội lỗi hay sự xấu xa, mà là một phần trong bản chất con người. Ta trao đi mà không đắn đo, bởi ta hiểu rằng chính mình cũng đã từng, và sẽ còn, sống nhờ sự khoan dung và giúp đỡ của người khác trong những khoảnh khắc quan trọng của đời mình.

Trong các mối quan hệ, bác ái lại càng cần thiết. Ở đây, ta không cần bác ái dưới dạng tiền bạc, quần áo hay bữa ăn miễn phí. Điều ta thiếu là sự bác ái trong cách nhìn nhận người khác: một góc nhìn rộng lượng về những yếu đuối, lập dị, lo âu và sai lầm của họ – những điều họ không thể tự mình giải thích hay biện minh, mà chỉ có thể bộc lộ ra trong sự vụng về và tổn thương.

Có thể một người trong mối quan hệ đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong công việc. Họ đưa ra một quyết định quan trọng và thất bại. Họ bị chỉ trích gay gắt, thậm chí đối mặt với kiện tụng. Suốt nhiều tháng, họ căng thẳng và khó sống chung. Họ không thể diễn đạt nỗi sợ hãi của mình, chỉ bộc lộ qua sự gắt gỏng, lầm lì. Người bạn đời của họ có thể thêm vào những lời trách móc, hòa chung tiếng chỉ trích từ cấp trên, đồng nghiệp, hay dư luận mạng xã hội. Họ có thể kết luận rằng người bạn đời của mình bất tài, tham lam, thậm chí thiếu đạo đức.

Nhưng một tâm hồn bác ái sẽ làm thay điều mà người kia chưa thể làm được: hiểu thay cho họ. Họ nhìn lại quá khứ của người bạn đời để hình dung gốc rễ của sự nóng vội và tham vọng thái quá. Họ nhớ đến những gì đã xảy ra với cha mẹ người ấy, sự khó khăn khi di cư, hay nỗi đau mất đi người anh em khi còn quá trẻ. Họ vẽ nên một bức chân dung đầy đủ và nhân văn hơn về người “kẻ ăn mày” ấy, thay vì gắn cho họ cái nhãn “kẻ ngốc” hay “kẻ lập dị.”

Người thực sự bác ái trao đi sự rộng lượng từ nhận thức rằng chính họ cũng cần sự bao dung. Có thể không phải lúc này, không phải vì điều này, nhưng ở một khía cạnh nào khác, họ cũng sẽ đứng ở vị trí yếu đuối. Họ hiểu rằng sự tự cao tự đại thường chỉ là kết quả của một trí nhớ ngắn hạn – quên đi những lần bản thân mình đã sai lầm và lạc lối đến nhường nào.

Bác ái ghi nhớ rằng giữa rất nhiều lỗi lầm, vẫn luôn còn đó những tia sáng của sự tốt đẹp. Bác ái thấu hiểu rằng nếu ai đó đang mệt mỏi và căng thẳng, họ sẽ dễ cư xử tệ hại. Bác ái nhận ra rằng những lời lăng mạ thường không phải là sự thật sâu kín nhất trong lòng người nói, mà chỉ là phản ứng từ một nỗi đau – đôi khi là từ ai đó khác, người họ không đủ quyền lực để phản kháng lại.

Bác ái tìm kiếm hoàn cảnh giảm nhẹ, những mảnh ghép nhỏ của sự thật, có thể soi rọi góc nhìn bớt khắc nghiệt hơn về những lỗi lầm của con người.

Trong các vấn đề tài chính, bác ái thường chỉ chảy theo một chiều. Nhà hảo tâm có thể rất rộng lượng, nhưng họ vẫn thường giữ nguyên vị thế của người trao đi, hiếm khi trở thành người nhận. Nhưng trong cuộc sống, đặc biệt là trong các mối quan hệ, bác ái hầu như không bao giờ là một chiều: ai mạnh, ai yếu luôn thay đổi nhanh chóng và liên tục. Ta có thể là “mạnh thường quân” ở khía cạnh này, nhưng lại là “người ăn mày” ở một phương diện khác.

Vì thế, lòng tốt không chỉ bắt nguồn từ việc ta cảm động trước nỗi khổ của người khác, mà còn từ sự thấu hiểu sâu sắc rằng chính ta, chẳng bao lâu nữa, cũng sẽ cần một liều bác ái tương tự trong một phần khác của đời mình.

Nguồn: ON CHARITY - The School Of Life

menu
menu