Về lòng đố kỵ
Dù mang nhiều thiện ý, xã hội hiện đại vẫn tồn tại những bất công sâu sắc.
Dù mang nhiều thiện ý, xã hội hiện đại vẫn tồn tại những bất công sâu sắc. Tuy vậy, văn hóa ngày nay thường khuyến khích chúng ta tin rằng, xét ở khía cạnh tiềm năng, mọi người đều đứng trên cùng một vạch xuất phát. Bạn có thể đang thiếu tiền bạc, địa vị, hoặc bị tổn thương bởi sự từ chối, nhưng những khó khăn đó – như người ta thường ám chỉ – chỉ là tạm thời. Chỉ cần bạn chăm chỉ, giữ thái độ tích cực và có vài ý tưởng sáng tạo, mọi chuyện sẽ thay đổi.
Xung quanh luôn có những câu chuyện truyền cảm hứng, như người đàn ông dành năm năm lang thang khắp Nam Mỹ chẳng làm gì nhiều, rồi bất ngờ trở về quê nhà mở một công ty đồ thể thao và bán được gần cả tỷ đô la. Hoặc câu chuyện về người phụ nữ sáng tạo ra một ứng dụng gợi ý mua sắm ngay trong căn bếp nhỏ của mình và nhanh chóng trở thành triệu phú.
Truyền thống xưa kia khác hẳn. Khi ai đó sở hữu những thứ vượt xa tầm với của bạn – như một công việc danh giá hay một gia tài lớn – cảm giác đố kỵ ít có cơ hội bén rễ vì đơn giản, không có con đường nào rõ ràng để bạn đạt được điều đó. Chẳng khác nào một người nông dân mơ trở thành hiệp sĩ.
Nhưng tinh thần của xã hội hiện đại là tinh thần của sự bình đẳng mãnh liệt, và điều đó trở thành nỗi dày vò đối với lòng đố kỵ. Bởi khi các giá trị bình đẳng lan tỏa trong một xã hội tin rằng ai cũng có thể làm bất cứ điều gì, cảm giác ghen tỵ dễ dàng bị thổi bùng lên. Chúng ta không đố kỵ tất cả mọi người, mà chỉ ghen tỵ với những người mà chúng ta nghĩ rằng lợi thế của họ nằm trong tầm tay mình. Và khi mọi thứ dường như đều khả thi (dù thực tế không phải vậy), cơ hội cho lòng đố kỵ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Điều bất hạnh là, xã hội vừa tạo ra một lượng lớn lòng đố kỵ, vừa lên án gay gắt những ai dám thừa nhận cảm giác đó – một dư âm kỳ lạ còn sót lại từ nền tảng Do Thái – Thiên Chúa giáo.
Tuy nhiên, cảm thấy xấu hổ vì lòng đố kỵ có thể khiến chúng ta dồn nén nó – và vì thế, bỏ lỡ những bài học quan trọng mà cảm xúc này mang lại. Dù đố kỵ là một trạng thái khó chịu, đối mặt với nó lại là yêu cầu không thể thiếu của một cuộc sống tử tế. Đó là một lời mời gọi hành động, một tín hiệu gửi đến từ những phần tâm hồn lạc lối nhưng vẫn đáng trân trọng, nhắc nhở chúng ta về những điều mình thực sự khao khát trong cuộc đời.
Nếu không có những cơn ghen tỵ thường xuyên, chúng ta khó có thể biết mình thật sự muốn trở thành ai. Thay vì cố gắng dẹp bỏ lòng đố kỵ, ta nên tìm cách phân tích nó. Mỗi người mà ta ghen tỵ đều sở hữu một mảnh ghép trong bức tranh về con người lý tưởng mà ta có thể trở thành. Khi nhìn vào những người thành công trên trang tạp chí, trong bản tin hay qua câu chuyện về người bạn học cũ, ta nhận được những gợi ý quý giá để vẽ nên bức chân dung của chính mình.
Câu hỏi mang tính cứu rỗi mà ta nên đặt ra mỗi khi cảm thấy đố kỵ là: “Mình có thể học được gì từ họ?”
Rất tiếc, chúng ta thường là những học trò tồi tệ của lòng đố kỵ. Thay vì nhận ra ta chỉ ghen tỵ với một phần nhỏ trong cuộc sống của ai đó, ta lại đố kỵ với cả con người họ. Nếu ta bình tĩnh phân tích, ta sẽ nhận ra điều thực sự thu hút mình chỉ là một khía cạnh cụ thể trong thành công của họ.
Ta có thể không muốn cả cuộc đời của một doanh nhân nhà hàng, mà chỉ là khả năng xây dựng sự nghiệp bền vững như họ. Ta có thể không thực sự muốn trở thành một nghệ nhân gốm, mà chỉ là khao khát sự hồn nhiên, sáng tạo được thể hiện trong công việc của họ.
Điều quan trọng cần nhớ là: những phẩm chất ta ngưỡng mộ không thuộc về riêng một cuộc đời hào nhoáng nào. Chúng có thể được theo đuổi trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới những hình thức nhỏ bé, khiêm tốn hơn nhưng vẫn thực tế và đầy ý nghĩa. Từ đó, ta có thể tạo dựng những phiên bản đời sống phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình.
Khi đã rút hết bài học quý giá từ lòng đố kỵ, ta cũng cần biết khi nào nên tạm gác nó sang một bên. Quá nhiều lời nhắc nhở về thành công của người khác có thể khiến ta choáng ngợp, tê liệt, thậm chí cản trở ta thực hiện bất kỳ kế hoạch nào.
Ta dễ dàng nhảy từ mục tiêu này sang mục tiêu khác, bị cuốn vào vòng xoáy so sánh và không thể tập trung. Để đạt được điều gì đó, ta cần những khoảng thời gian yên tĩnh và tách biệt khỏi áp lực của thành công xung quanh. Đó là những khoảng lặng để suy nghĩ sâu hơn, tập trung hơn và cuối cùng, hoàn thành công việc mà có thể chính ta sẽ được ngưỡng mộ.
Hãy biết trì hoãn sự cạnh tranh đến khi ta đã đủ mạnh mẽ. Người học viết sáng tạo không thể tự giúp mình nếu cứ so sánh những đoạn văn thô sơ ban đầu với tác phẩm của Hemingway hay Nabokov. Ta cần những giai đoạn “thấp kém có tính xây dựng” – thời gian để đánh giá ngọn núi phía trước và bắt đầu leo bằng sự kiên nhẫn, tập trung.
Đố kỵ, nếu xuất hiện quá sớm, chỉ dẫn đến thất vọng và xao nhãng. Nhưng nếu ta biết sử dụng đúng cách, nó sẽ trở thành ngọn đèn soi sáng con đường phía trước.
Chúng ta cũng cần tự nhắc nhở mình về những thực tế thống kê, bởi lẽ truyền thông thường xuyên khiến ta quên đi điều đó. Truyền thông tràn ngập những câu chuyện thành công, nhưng trên thực tế, thành công luôn là một hiện tượng cực kỳ hiếm hoi, chỉ đạt được bởi một số ít người trong hàng triệu người – một chi tiết mà truyền thông thường lờ đi, hoặc tệ hơn, cố tình giấu nhẹm, như thể để làm khổ tâm trí ta.
Ngược lại với những gì truyền thông vẽ nên, hầu hết các doanh nghiệp đều thất bại, phần lớn các bộ phim chẳng bao giờ được sản xuất, sự nghiệp chói sáng chỉ là điều hiếm hoi, khuôn mặt và cơ thể hoàn hảo không phải điều thường thấy, và gần như tất cả mọi người đều thường xuyên buồn bã hoặc lo lắng. Sự tầm thường chính là chuẩn mực của con người. Vì thế, đừng tự trách mình chỉ vì cuộc sống của ta không đạt được những tiêu chuẩn không tưởng. Đừng tự ghét bỏ bản thân chỉ vì ta không thể chiến thắng những tỷ lệ đầy phi thực tế, thứ mà ngay cả việc bị sét đánh trúng cũng có khả năng xảy ra tương đương.
Một chiến lược quan trọng khác để giảm bớt sự bám chặt của đố kỵ trong lòng ta chính là hiểu rõ hơn, chính xác hơn, về những yếu tố làm nên thành công của người khác. Có lẽ những con người ta ghen tỵ không giống ta nhiều như ta tưởng. Cảm giác “bình đẳng” – nguồn cơn của phần lớn nỗi đau đớn trong ta – đôi khi có thể là một ảo tưởng sai lệch.
Khi ta nhìn thấy đối tượng của sự đố kỵ tại một bữa tiệc, hoặc thấy họ mặc quần jeans trên những trang tạp chí bóng bẩy, họ trông thật “bình thường” và dường như rất giống ta. Nhưng sự thật là, họ có thể sở hữu một bộ não phi thường, với khả năng xử lý lượng dữ liệu tài chính khổng lồ một cách cực kỳ sáng tạo. Họ có thể có bằng tiến sĩ kỹ thuật cơ khí. Hoặc họ sẵn sàng làm việc mười tám tiếng một ngày, điều mà ta không muốn và không thể làm được. Hay họ sở hữu một tính cách cứng rắn, quyết liệt mà ta không có – cũng không muốn có.
Lập luận chống lại sự bình đẳng này nhắc nhở rằng, thành công thường dựa vào một loạt phẩm chất đặc biệt mà ta quên rằng mình không sở hữu. Vì vậy, câu hỏi ám ảnh “Sao họ làm được, còn mình thì không?” không nên chỉ dẫn đến tự dày vò hay hoảng loạn. Thay vào đó, nó có thể hướng ta đến lòng ngưỡng mộ. Thực ra, giữa ta và người ta ghen tỵ có những sự khác biệt rõ ràng. Ta không thực sự “bằng” họ. Không phải chỉ vì lười biếng, thiếu may mắn hay bị một thế lực vô hình nào đó ngăn cản mà ta chưa đạt được điều họ có.
Suy nghĩ lý trí sẽ dẫn ta đến nhận thức đúng đắn rằng, một số thành tựu – khi nhìn nhận một cách khách quan – thực sự vượt ngoài khả năng của ta. Và điều đó không sao cả. Ta có thể trở thành một người quan sát biết trân trọng, thay vì một đối thủ thất vọng, đối với những người đã làm nên những điều phi thường.
Vậy nên, thay vì tự hỏi “Tại sao không phải là mình?”, hãy học cách nghĩ rằng: “Họ thực sự khác biệt với mình, và mình có thể học được điều gì từ họ.”
Nguồn: On envy - The School Of Life