Về nỗi buồn

ve-noi-buon

Nỗi buồn là một điều gì đó đầy cấm kỵ. Xã hội mưu mô bảo ta rằng vui vẻ mới là bình thường. Thế nên rốt cuộc ta không chỉ buồn khổ, mà còn cảm thấy xấu hổ vì mình đang buồn khổ.

Ta không nói về trầm cảm, trạng thái suy sụp tột cùng của tuyệt vọng – khi mà các biện pháp can thiệp y tế là khẩn thiết. Mục tiêu của ta là nói về những khoảng thời gian mà ta cảm thấy – như Henry David Thoreau từng mô tả – sa lầy cảm xúc trong “sự tuyệt vọng câm lặng”: ẩn sau vẻ ngoài đầy chịu đựng là nội tâm như một vùng đất hoang vu xám xịt; cảm giác đau buồn cùng cực, chỉ muốn gào khóc; và nằm ngoài mọi mức độ có thể thấu hiểu và thông cảm của người khác, ta dễ dàng chán nản hoặc nổi cáu với mọi chuyện nhỏ nhặt.

Có nhiều lý do nhất định cho nỗi buồn của ta: bị từ chối tình cảm; bị sỉ nhục trong công việc; lo lắng về cuộc sống thực tế ngày càng chán nản, trái ngược với những kỳ vọng lớn lao trước đây…

 

Thật không may, nỗi buồn là một điều gì đó đầy cấm kỵ. Xã hội mưu mô bảo ta rằng vui vẻ mới là bình thường. Thế nên rốt cuộc ta không chỉ buồn khổ, mà còn cảm thấy xấu hổ vì mình đang buồn khổ.

Nhưng thực ra, không có gì tự nhiên và bình thường hơn nỗi buồn. Cuộc sống có quá nhiều thứ khiến ta buồn bã: đơn giản là chỉ việc sống ở trên đời thôi, ta không thể tránh khỏi chuyện bị hiểu lầm, bị nghĩ xấu, bị chỉ trích, bị đối xử bất công, bị từ chối, bị gạt bỏ. Ta bị hạ gục bởi sự ngu ngốc của chính mình, ta hốt hoảng với những suy nghĩ xấu xa, hèn nhát bên trong; ta đưa ra những quyết định kinh khủng, tồi tệ làm bao người thất vọng. Và ta cũng sẽ chứng kiến những người mà ta yêu thương đau bệnh rồi ra đi.

Ít nhiều, ai trong chúng ta cũng từng nếm trải những nỗi buồn như vậy. Chính sự phổ quát, sự quá đỗi bình thường của những điều tồi tệ, khiến cảnh con trẻ hạnh phúc chơi đùa cũng làm ta nhói lòng; ta biết điều mà chúng chưa biết, rằng rồi chúng sẽ phải chịu khổ đau. Ta không thể nói tường tận, nhưng ta biết, bằng cách này hay cách khác, những thứ đáng sợ của cuộc đời rồi sẽ ập đến với chúng.

Mỗi ngày, ta đều vô thức đấu tranh tìm lý do để không tuyệt vọng, như thể trong ta có một động cơ hy vọng, bơm ra những ý nghĩ an ủi. Để rồi một ngày, nhiệm vụ dường như quá tải, máy bơm này cũng đến hồi tê liệt.

Những lúc như vậy, ta cần ghi nhớ:

Đầu tiên, nỗi buồn không phải thất bại cá nhân của riêng ai; nó là thực trạng phổ biến của mọi con người trên hành tinh này. Ta là những sinh vật cực kỳ nhạy cảm, dễ bị tổn thương, lại thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. Ta cũng hay mù quáng, hay hy vọng bất chấp thực tế, với một trái tim luôn đói khát tình yêu và sự cảm thông. Khổ nạn của ta là triệu chứng của mọi con người, không phải lời nguyền gắn lên số phận của riêng ai.

Những người khác, người mà ta thấy họ thành công, vô tư và tự tin cũng đi tới – vào những thời điểm mà ta không thấy được – vùng xa xôi tuyệt vọng mà ta từng bị lưu đày. Ta gần gũi với bản thân, biết rõ về những thất bại riêng tư của mình, nên quên mất rằng nhược điểm của ta cũng thông thường thôi, cũng hiện diện ở những người điềm tĩnh, giàu có, đẹp đẽ, ở những người hàng xóm. Nếu ta nhìn thấu suy nghĩ trong tâm trí họ, ta sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn nhiều.

Đúng là thỉnh thoảng ta khó mà gần gũi. Những lúc đó, ta dễ dàng bị châm biếm là một kẻ cau có và khó ưa. Nhưng sự thật là, ta buồn chứ không phải xấu tính, ta nhạy cảm chứ không phải khó chiều. Thật khó để biến sự tuyệt vọng trong ta trở thành điều gì đó hấp dẫn, để thể hiện bản thân theo cách sẽ mang lại cho ta lòng trắc ẩn, sự cảm thông mà ta mong muốn. Tuy vậy, ta vẫn khắt khe, vẫn thất vọng với chính mình hơn là với bạn bè. Sau cùng, ta nên khoan dung với chính mình như cách mình vẫn khoan dung không ngần ngại với những người mình thương mến.

Nói cho cùng thì, dù nghe có vẻ bùi tai cách mấy, ta cũng không thể mặc xác cuộc đời mình được. Có quá nhiều người đang ràng buộc với ta hằng ngày hằng giờ (ngay cả khi sự hiện diện của họ không rõ ràng cho lắm).

Dẫu sao, ta không biết trước tương lai của mình. Nó phụ thuộc nhiều vào sự may rủi. Tái ông thất mã, cuộc sống có thể nát bét vào lúc này, nhưng rồi sẽ dần tốt lên theo cách mà ta không biết trước được. Cũng như niềm vui rồi sẽ phai nhạt và mất dần ý nghĩa theo thời gian, nỗi buồn cũng sẽ trôi qua hoặc dịu lại. Nhiều chuyện ta nghĩ không bao giờ có thể vượt qua dần dà lại hóa ra chịu được; ta luôn có khả năng điều chỉnh tâm lý, tinh thần để thỏa hiệp với hoàn cảnh mới.

Khốn khổ không khiến ta bị loại ra khỏi cộng đồng. Nó là dấu hiệu chân thực nhất rằng ta hoàn toàn bình thường – và rằng cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, theo cái cách dở hơi của nó – chẳng phải lúc nào cũng như ta mường tượng.

 

Người dịch: https://thebookoflifevn.wordpress.com/2020/01/20/bai-13-ve-noi-buon/

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/on-feeling-depressed/

menu
menu