Về sự trường tồn của hôn nhân

Chúng ta dễ nghĩ rằng hôn nhân là một thứ gì đó đã lỗi thời.
Chúng ta dễ nghĩ rằng hôn nhân là một thứ gì đó đã lỗi thời. Tại sao không đơn giản là sống chung với ai đó mà chẳng cần ràng buộc gì? Có nhất thiết phải tổ chức một nghi lễ công khai hay không? Những nghi thức kỳ lạ như nhà thờ, đền chùa, thánh ca, lời thề, lời nguyện cầu - chẳng phải con người vốn luôn tìm cách tránh xa chúng đó sao? Hôn nhân dường như chỉ là một tàn dư ngớ ngẩn từ thuở ấu thơ của nhân loại, không còn phù hợp với thế giới hiện đại, nơi lý trí và khoa học lên ngôi.
Vậy mà hôn nhân vẫn tồn tại.
Bản chất của hôn nhân là buộc chúng ta lại với nhau, ngăn cản những ý muốn bốc đồng, dựng lên những rào cản đắt giá trước sự chia ly. Tại sao chúng ta lại làm vậy?
Thuở ban đầu, con người tin rằng đó là ý muốn của Thượng Đế. Nhưng ngay cả khi niềm tin tôn giáo dần phai nhạt, chúng ta vẫn giữ nguyên những rào cản ấy. Chúng ta mời tất cả những người thân quen đến chứng kiến lời cam kết sẽ bên nhau mãi mãi. Chúng ta tự tạo ra một lớp ràng buộc vô hình, một sự ngượng ngùng lớn lao nếu sau này phải thú nhận rằng mình đã sai. Hơn thế nữa, dù hoàn toàn có thể tách biệt tài chính, hôn nhân vẫn kéo theo những liên kết pháp lý và kinh tế sâu sắc. Nếu muốn rời bỏ, ta biết rằng mình sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng của giấy tờ, kế toán, luật sư – và một cái giá không hề nhỏ.
Dường như, một cách kỳ lạ nào đó, chúng ta hiểu rằng việc làm cho sự chia ly trở nên khó khăn có thể mang lại những lợi ích nhất định, dù đôi khi thật không dễ chịu gì.
1. Bốc đồng là một cái bẫy
Thí nghiệm Kẹo Dẻo (The Marshmallow Test) là một trong những nghiên cứu kinh điển trong tâm lý học, nhằm đo lường khả năng kiềm chế ham muốn của trẻ nhỏ và dự đoán tác động của nó đến tương lai. Trong thí nghiệm, những đứa trẻ ba tuổi được cho một viên kẹo dẻo và được hứa rằng nếu chúng kiên nhẫn chờ năm phút mà không ăn, chúng sẽ được thêm một viên nữa. Kết quả cho thấy nhiều đứa trẻ không cưỡng lại được sự cám dỗ và ăn ngay lập tức. Về sau, các nhà khoa học theo dõi cuộc sống của chúng và nhận thấy rằng những đứa trẻ có khả năng kiên nhẫn thường thành công hơn trong học tập, công việc, và các mối quan hệ so với những đứa trẻ không thể chờ đợi.
Trong tình yêu cũng vậy. Có những cảm xúc bùng lên mãnh liệt, thôi thúc ta chạy trốn, thoát ra, tìm tự do… Ta giận dữ và muốn rời bỏ ngay lập tức. Ta say mê một người mới và muốn lao vào họ không chần chừ. Nhưng khi nhìn quanh, ta nhận ra rằng mọi lối thoát đều bị chặn. Ly hôn sẽ khiến ta mất một khoản tiền khổng lồ, trở thành đề tài bàn tán của biết bao người, và kéo dài trong vô tận.
Điều này không phải ngẫu nhiên. Hôn nhân được thiết kế như một cơ chế kìm hãm những cơn bốc đồng. Nó giúp ta không vội vã đưa ra quyết định trong lúc nông nổi. Khi bước vào hôn nhân, ta chấp nhận rằng chính mình có thể sẽ đưa ra những lựa chọn tồi tệ nếu bị chi phối bởi cảm xúc nhất thời. Hôn nhân là một khuôn khổ giúp ta kiềm chế bản thân, bảo vệ ta khỏi những ham muốn thoáng qua, để rồi cuối cùng, ta có thể gặt hái những giá trị bền vững hơn.
Hôn nhân không vận hành dựa trên cảm xúc nhất thời của hai người. Nó không phải là sự phản ánh những gì ta muốn hôm nay, mà là một lời tuyên bố về ý định dài lâu, bất chấp những thay đổi trong tâm trạng hàng ngày. Trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào, cũng có những lúc cả hai người đều tưởng tượng về một cuộc sống không ràng buộc. Nhưng ý nghĩa thực sự của hôn nhân là khiến những suy nghĩ đó không còn quá quan trọng. Nó là một kết cấu vững chắc bảo vệ ta khỏi chính những ham muốn mà ta biết rằng, nếu tỉnh táo hơn, ta sẽ không thật sự cần đến chúng.
2. Trưởng thành là một hành trình dài
Những mối quan hệ tốt đẹp nhất là những mối quan hệ giúp ta trưởng thành. Ta bị thu hút bởi ai đó không chỉ vì họ khiến ta vui vẻ, mà bởi họ thúc đẩy ta trở nên tốt hơn.
Nhưng quá trình trưởng thành không hề dễ dàng. Chúng ta mất nhiều năm – thậm chí nhiều thập kỷ – để nhận ra rằng có những vấn đề xuất phát từ chính bản thân mình, chứ không phải từ đối phương. Ta kháng cự sự thay đổi, đòi hỏi được yêu thương "vì con người ta vốn vậy", dù chính ta cũng biết rằng bản thân vẫn còn vô số khuyết điểm.
Sự trưởng thành cần thời gian, sự kiên nhẫn và lòng vị tha. Có thể mất đến 120 lần tranh cãi về cùng một vấn đề thì cả hai mới bắt đầu nhìn thấy quan điểm của nhau. Nhưng rồi, dần dần, ta hiểu hơn về những tổn thương của bản thân, biết gọi tên những nỗi đau, vẽ ra tấm bản đồ cho những vùng tối trong tâm hồn mình. Ta học cách lắng nghe, thấu hiểu, và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Khi bắt đầu một mối quan hệ mới, ai cũng có thể tỏ ra dễ thương và tử tế. Nhưng sự thật về con người ta – những điều giúp ta thực sự trưởng thành – chỉ lộ rõ sau một thời gian dài gắn bó. Và ta sẽ chẳng bao giờ phát triển nếu cứ chạy trốn khỏi những mối quan hệ cũ, tìm đến những con người mới chỉ để nghe họ nói rằng ta vốn chẳng có gì cần thay đổi.
3. Đầu tư cần có sự đảm bảo
Những điều đáng giá nhất trong cuộc sống thường đòi hỏi sự hy sinh lớn lao từ cả hai phía. Và bản chất của sự hy sinh là ta chỉ sẵn sàng đánh đổi khi biết rằng người kia cũng đang làm điều tương tự vì mình.
Hôn nhân cho phép con người chuyên môn hóa – có thể là trong việc kiếm tiền hoặc trong việc chăm sóc tổ ấm. Điều này có thể mang lại giá trị vô cùng to lớn. Nhưng đi kèm với đó là rủi ro. Bất cứ ai (đặc biệt là người lui về chăm lo gia đình) đều cần có sự đảm bảo rằng, những gì họ đã đánh đổi hôm nay sẽ không trở thành bất lợi cho họ sau này.
Hôn nhân tạo ra một nền tảng vững chắc để ta có thể đưa ra những quyết định quan trọng về cuộc đời – những quyết định mà nếu không có sự ràng buộc ấy, có lẽ sẽ quá mạo hiểm để dám lựa chọn.
Từ sự ép buộc đến sự cam kết
Theo thời gian, lý do để kết hôn đã thay đổi. Hôn nhân không còn bị chi phối bởi những áp lực bên ngoài: không còn là sự ràng buộc của tôn giáo, của luật pháp, hay của định kiến xã hội về danh dự và sự đoan trang...
Điều mà ngày nay ta quan tâm đúng đắn hơn chính là yếu tố tâm lý – làm thế nào để khiến việc từ bỏ không trở thành một lựa chọn dễ dàng. Ta nhận ra rằng, dù phải đánh đổi, việc buộc mình gắn bó với một số cam kết nhất định mang lại lợi ích lâu dài. Bởi lẽ, có những nhu cầu quan trọng của con người chỉ có thể được đáp ứng qua năm tháng.
Suốt năm mươi năm qua, mọi nỗ lực thông minh nhất đều hướng đến việc làm cho sự chia ly trở nên dễ dàng hơn. Nhưng thách thức của hiện tại lại đi theo một hướng khác: làm sao để nhắc nhở chính mình rằng, chạy trốn ngay lập tức không phải lúc nào cũng là giải pháp; làm sao để hiểu rằng, đôi khi kiên nhẫn chờ đợi phần thưởng lâu dài sẽ đem lại những giá trị lớn hơn – giống như bài học kinh điển về việc chọn giữ lại chiếc kẹo dẻo thứ hai.
Nguồn: ON THE CONTINUING RELEVANCE OF MARRIAGE | The School Of Life