Về việc phải rời bỏ những người mà ta đang cố thay đổi

Có đôi khi, ta thấy mình ở trong một mối quan hệ với người mà ta khát khao đến cháy lòng được thay đổi họ, ...
Có đôi khi, ta thấy mình ở trong một mối quan hệ với người mà ta khát khao đến cháy lòng được thay đổi họ, người mà ta hy vọng sẽ bớt uống rượu, ngừng tự hủy hoại bản thân, rời xa những người bạn xấu, hoặc biết quan tâm hơn đến sức khỏe của chính mình, đi trị liệu tâm lý hay chăm vận động hơn.
Ta dốc hết mọi yêu thương và lý lẽ để vun đắp cho sự thay đổi ấy: ta diễn thuyết đầy cảm xúc, tìm đến chuyên gia, kiên nhẫn trò chuyện, đưa họ đến bệnh viện, lo toan mọi hóa đơn thay họ.
Những nỗ lực ấy thật cảm động. Nhưng đến một lúc nào đó, ta có thể phải đối diện với một sự thật chua xót: chính ta, người tha thiết mong họ thay đổi, lại đang là rào cản lớn nhất ngăn họ chuyển mình. Chính sự hiện diện của ta, tình yêu của ta, sự kiên nhẫn không ngơi nghỉ, sự dịu dàng và nâng đỡ của ta, một cách trớ trêu, đang đem đến cho họ cảm giác an toàn và yên ổn, để họ tiếp tục là chính mình như bấy lâu nay.
Bởi lẽ, thay đổi là điều vô cùng khó khăn, và thường chỉ diễn ra khi con người buộc phải đối mặt với nỗi khổ đau cùng cực. Chỉ khi sự đau đớn vì không làm gì trở nên vượt quá nỗi khó nhọc của việc thay đổi, thì người ta mới bắt đầu cất bước tiến về phía trước.
Sự dễ chịu ngăn cản sự chuyển hóa
Ta có thể dọa họ rằng nếu không thay đổi, họ sẽ phải gánh chịu những hệ lụy khôn lường. Nhưng mỗi ngày ta vẫn xuất hiện, vẫn cứu họ khỏi những lần trượt ngã, vẫn thu dọn tàn tích do họ gây ra, thực chất ta đang gửi đến một thông điệp khác, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng ít thúc đẩy hơn nhiều: Cứ ở yên như vậy cũng được, ta vẫn sẽ ở đây; ngã xuống đi, ta sẽ đỡ; gây rối loạn đi, ta sẽ thu xếp. Không thay đổi cũng chẳng sao cả, mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn theo một cách nào đó.
Chỉ khi ta chạm đến giới hạn của chính mình, thì bản khế ước ấy mới có thể bị phá vỡ. Một ngày kia, ta rời đi. Mọi thứ đột ngột đổi thay. Một mình trong căn hộ, chỉ còn tiếng rì rào của chiếc tủ lạnh, chẳng thể liên lạc được với ta, và đống quần áo bẩn chất đống ở góc phòng, chính trong những khoảnh khắc đơn độc ấy, họ mới có thể cảm nhận nỗi đau đủ lớn để dám ngoái nhìn lại những gì họ đã trốn chạy suốt bao năm trời. Thêm một nỗi đau nữa chẳng còn quá khủng khiếp, khi họ đã quen sống mà không có sự dịu dàng hay giúp đỡ.
Vincent van Gogh, Almond blossom, 1890
Sự vắng mặt mở đầu cho sự thay đổi
Giữa nền xám xịt của khổ đau, cuối cùng cũng có thể nhen lên một chút ý chí để đối mặt với cơn nghiện, với sự thiếu tập trung trong công việc, với những lần lảng tránh về tiền bạc hay sự vô trách nhiệm trong tình yêu. Tất cả những điều mà ta đã chiến đấu không ngừng nghỉ để đưa vào nhận thức của họ, giờ đây lại được ánh sáng soi rọi khi ta vắng mặt.
Một nghịch lý cuối cùng, nhưng đầy chua chát: những người bạn đồng hành khó nhằn ấy, nếu nỗi đau kéo dài đủ lâu, có thể rồi sẽ trở thành những người bạn đời chu đáo và đáng tin cậy cho một ai khác. Vài năm sau, có thể một người xa lạ nào đó sẽ là người được thụ hưởng những phẩm chất mà chính ta từng cố gắng đánh thức.
Ta không cần phải cay đắng vì nghịch cảnh trớ trêu ấy. Ta chỉ cần hiểu và học cách chấp nhận quy luật tâm lý kỳ lạ của sự chuyển hóa. Và rồi, ta có thể hy vọng rằng, một ngày nào đó, ta sẽ gặp được một người từng bắt đầu trong hỗn loạn, nhưng đã học cách trưởng thành, tử tế và có trách nhiệm, chỉ vì có một người nào đó, mà ta có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết đến, đã từng tuyệt vọng đến mức phải rời xa họ.
Nguồn: ON NEEDING TO LEAVE THE PEOPLE WE ARE TRYING TO CHANGE | The School Of Life