Vì sao cha mẹ lại bắt nạt con cái
Một trong những hiện tượng kỳ lạ và đau lòng nhất trong đời sống tâm lý là việc có những bậc cha mẹ - nhiều hơn ta tưởng - lại vô tình hay nửa ý thức nửa vô thức bắt nạt chính đứa con của mình.
Một trong những hiện tượng kỳ lạ và đau lòng nhất trong đời sống tâm lý là việc có những bậc cha mẹ - nhiều hơn ta tưởng - lại vô tình hay nửa ý thức nửa vô thức bắt nạt chính đứa con của mình.
Sự bắt nạt này có thể mang nhiều hình thức: từ việc bảo rằng con mình xấu xí và ngu ngốc cho đến lạm dụng về thể xác và tình dục. Thật sự là một trong những điều đau lòng nhất trên thế gian.
Photo by Agto Nugroho on Unsplash
Tại sao cha mẹ lại bắt nạt con cái? Tóm lại, là để cố gắng cảm thấy mình khá hơn. Họ đau khổ dữ dội đúng ở chính lĩnh vực mà họ đang chỉ trích con. Nếu ta, với tư cách là con cái, muốn biết cha mẹ sợ hãi điều gì hay bị ám ảnh bởi điều gì, ta chỉ cần tự hỏi: họ thường bắt nạt mình về điều gì? Họ khiến mình thấy sợ hãi hay tự ti về điều gì? Ai đó đã từng khiến họ thấy tệ hại, và họ - bằng logic méo mó - tưởng rằng mình sẽ cảm thấy tốt hơn khi làm cho con cảm thấy tồi tệ như thế. Họ không làm vậy vì hằn học với con, con chỉ là nạn nhân vô tội trong một dự án chữa lành lệch lạc và sai lầm của cha mẹ. Điều này dĩ nhiên là vô lý, nhưng đôi khi nó lại khiến cha mẹ cảm thấy tốt hơn trong chốc lát.
Hãy tưởng tượng một người cha hay mẹ luôn sợ hãi cảm giác mình ngu ngốc; đâu đó trong quá khứ, họ từng bị xem thường, bị biến thành kẻ tầm thường, kém cỏi. Giờ đây, đứa con bé bỏng xuất hiện, mang trong mình sự lóng ngóng và những yếu điểm tự nhiên của tuổi thơ. Mà không nhận ra mình đang làm gì, cha mẹ bỗng tức giận vì cho rằng con "ngu ngốc" – và bắt đầu công kích, giễu cợt điều họ ghét bỏ trong chính bản thân. Họ làm vậy khiến bản thân thấy thoải mái hơn chút ít. Đứa trẻ trở thành nơi chứa đựng những gì mà họ không chịu nổi trong chính mình. Con là kẻ ngu ngốc, thế thì họ không phải; con là đứa yếu đuối, xấu xí, như thế họ không cần phải là vậy. Đứa trẻ là kẻ mít ướt, kẻ yếu đuối, là nhành cây mảnh khảnh dễ gãy. Và vì thế, cha mẹ được giải phóng để sống dễ dàng hơn trong chính mình. Cái xấu được tập trung, đóng kín lại; không thể có trong họ nếu tất cả đã ở trong đứa con bé nhỏ kia. “Đừng có mà ngớ ngẩn hay hèn nhát như thế chứ! Đừng có yếu đuối thế!”, cha mẹ la hét, với hy vọng không còn sự ngu dốt hay yếu kém nào tồn tại trong chính mình.
Lối suy nghĩ tương tự cũng vận hành trong những hình thức bắt nạt đáng sợ nhất, chính là sự lạm dụng trẻ nhỏ. Hãy tưởng tượng người cha hay mẹ mang trong mình cảm giác ô uế, bẩn thỉu, tăm tối. Có thể chính họ cũng từng bị lạm dụng từ lâu rồi, như ta vẫn thấy thường xảy ra. Bằng cách lạm dụng chính đứa con của mình – một đứa trẻ ngây thơ, tràn đầy hy vọng, trong sáng như họ từng như thế - họ hy vọng sẽ giải tỏa được chất độc của mình, chuyển nó sang một sinh linh khác để sống nhẹ nhàng và tự do hơn. Đứa trẻ sẽ lớn lên trong cảm giác mình tệ hại, sai trái, để người cha, người mẹ không còn phải chịu đựng nữa. Đứa trẻ có thể bị vùi dập, và có lẽ người cha hay mẹ sẽ tìm được lối sống mới từ nỗi đau đó.
Đối với một đứa trẻ bị bắt nạt, phải mất rất lâu để chúng nhận ra điều đó. Đứa trẻ đâu nghĩ rằng có ai đó đã làm mình cảm thấy ngu ngốc, cảm thấy xấu xí, cảm thấy nhơ bẩn – chứ chưa nói đến việc đó đến từ chính cha mẹ mình, người mà chúng phụ thuộc, ngưỡng mộ và khao khát tình thương. Đứa trẻ chỉ đơn giản nghĩ rằng mình thật ngu ngốc, thật xấu xí, thật tệ hại. Chẳng có nhu cầu lý giải hay tìm nguyên nhân gì.
Photo by Annie Spratt on Unsplash
Nhưng nếu ta là những đứa trẻ ấy, nay đã trưởng thành, ta cũng không cần phải thắc mắc quá nhiều về những gì từng xảy ra. Ta chỉ cần dừng lại, tự nhìn vào cách mình cảm nhận về bản thân, và nhận ra rằng những phán xét nghiệt ngã, những cảm giác đau đớn về bản thân không tự nhiên mà có. Chúng là kết quả của những sự kiện – của hành động, lời nói và không khí xung quanh ta từng chịu đựng. Những cảm giác đó là di sản của những điều đã thực sự xảy ra trong đời. Có ai đó, mà có thể không nhận ra hoặc không thừa nhận, đã làm ta cảm thấy như vậy – và đó là lý do vì sao giờ đây ta lại chịu đựng đau khổ.
Những người từng bị bắt nạt hiếm khi nhìn lại quá khứ. Nỗi đau cứ kéo họ về hiện tại và tương lai, ám ảnh bởi viễn cảnh những điều kinh khủng sẽ xảy ra – những điều giống với những gì đã từng xảy ra nhưng họ lại chẳng thể nhớ rõ. Họ hoang tưởng không nguyên do, tự ghét bỏ mình, lo âu vô bờ. Tai họa luôn chực chờ đâu đó. Một người có thể nghĩ mình xấu xí vì hai mươi năm trước, mẹ họ từng khiến họ cảm thấy như vậy. Một người có thể cảm thấy mình đã làm gì đó sai trái chỉ vì từ rất lâu, có ai đó từng gây ra điều sai trái với họ. Nỗi sợ đó mang dấu ấn của một lịch sử không ý thức.
Ta vượt qua được những tổn thương ấy khi học cách phân biệt: giữa những gì thực sự là của mình và những gì đã bị gán cho mình, giữa con người thật của ta và điều người khác nói ta là, giữa cách cha mẹ ta muốn thể hiện và những điều họ thực sự đã làm. Những nỗi sợ và bất an của ta nằm dọc theo vết nứt của những tổn thương đầu đời; chúng có thể dẫn lối đưa ta về với những gì ta đã từng trải qua, khi ta sẵn sàng khám phá.
Đau đớn thay khi trẻ em bị chính cha mẹ bắt nạt; càng đau đớn hơn khi di sản của việc này là trẻ em thường không nhận ra điều gì đã xảy ra. Thay vào đó, chúng thường trở thành nạn nhân của những trò lặp lại do những người khác tiếp nối: bạn đời, đồng nghiệp, hay thậm chí cả truyền thông.
Ta đã tiến một bước trong hành trình vượt qua nỗi đau khi có thể nói rằng, cuối cùng, “Tôi không xấu xí, tôi đã bị làm cho cảm thấy không thể chấp nhận được. Tôi không làm gì sai, mà chính tôi đã từng bị đối xử sai trái. Và nói chung: Tôi không phải người tồi tệ – chỉ là đã có điều tồi tệ xảy đến với tôi.”
Nguồn: WHY PARENTS BULLY THEIR CHILDREN - The School Of Life