Vì sao chúng ta cứ lặp lại những kiểu bất hạnh giống nhau

vi-sao-chung-ta-cu-lap-lai-nhung-kieu-bat-hanh-giong-nhau

Nhiều người trong chúng ta mơ hồ nhận ra rằng, bất chấp mọi nỗ lực, ta vẫn cứ rơi vào những tình huống đầy u tối quen thuộc...

Nhiều người trong chúng ta mơ hồ nhận ra rằng, bất chấp mọi nỗ lực, ta vẫn cứ rơi vào những tình huống đầy u tối quen thuộc: có thể là một mối quan hệ khác với người chẳng thực sự yêu thương ta, một lần nữa niềm tin trong công việc bị đổ vỡ, hay lại thêm một cơn hoảng loạn về danh dự và tình dục. Hoặc, những mô thức lặp lại ấy không nằm ở sự kiện cụ thể mà bám chặt vào trạng thái cảm xúc: lại một lần nữa ta thấy lo lắng tột độ. Lại một lần nữa ta tin rằng mọi người ghét bỏ mình, hay một điều kinh khủng sắp xảy ra.

Các nhà trị liệu tâm lý đã đặt tên cho hiện tượng này. Khi ta liên tục đưa chính mình trở về những cảm xúc hoặc hoàn cảnh tiêu cực quen thuộc, có thể ta đang bị chi phối bởi một cơ chế vô thức gọi là "ám ảnh lặp lại". Ta không ngẫu nhiên rơi vào những bất hạnh này, mà chính một phần sâu kín trong tâm trí đang lặng lẽ dẫn dắt ta quay về những nơi chốn đau thương, với một mục đích ẩn giấu.

Đây là một khái niệm thật khó chấp nhận. Việc liên tục gặp rắc rối đã đủ tệ hại, nhưng ý nghĩ rằng chính ta đang bị một sức mạnh vô hình lôi kéo vào đó còn khiến ta hoang mang hơn. Lẽ thường, con người muốn lặp lại khoái cảm, hạnh phúc – nhưng tại sao ta lại tự nguyện đi vào những con đường đầy thất vọng, tổn thương và hoảng loạn?

Edward le Bas, Anchovy Packers, c. 1950

Các nhà trị liệu có một lời giải thích: Ta không thể buông bỏ một trải nghiệm tiêu cực cho đến khi ta thực sự hiểu được nó. Một vết thương, dù đã thuộc về quá khứ rất xa, vẫn sẽ ám ảnh ta chừng nào nó còn chưa được đối diện, chưa được gọi tên và giải tỏa trọn vẹn.

Những điều ta vô thức lặp lại chính là những điều ta từng né tránh. Chúng ta không thể quên những gì chưa từng được thừa nhận. Một phần tâm trí luôn thúc đẩy ta quay lại vùng đất đau khổ ban đầu – không phải để hành hạ ta một cách vô nghĩa, mà để buộc ta đối diện và giải phóng chính mình.

Vậy nên, thực chất, ta không hẳn là đang tìm kiếm bất hạnh. Đó chỉ là cách mà "lương tâm cảm xúc" của ta hoạt động: nó đưa ta trở về nơi chôn giấu sự thật, với hy vọng rằng cuối cùng ta có thể giải thoát khỏi nó. Những vòng lặp đau khổ của ta giống như những bóng ma lẩn khuất – chúng sẽ không ngừng xuất hiện cho đến khi một nỗi oan khuất nguyên thủy được bóc tách và chữa lành.

Tâm lý học cho rằng, những khuôn mẫu cảm xúc ta lặp lại thường có nguồn gốc từ thời thơ ấu – vì đó là giai đoạn ta vừa ít khả năng thấu hiểu bản thân nhất, vừa hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn xung quanh.

Để thoát khỏi vòng lặp ấy, có thể ta phải dũng cảm nhìn lại quá khứ xa xôi. Có lẽ mọi chuyện không đơn giản như ta từng nghĩ. Nếu ta vẫn luôn sợ bị sỉ nhục, luôn tìm kiếm tình yêu từ những người vô tâm, hay luôn phá hỏng cơ hội của mình, có lẽ ta nên tự hỏi: Những tổn thương cũ nào đã tạo ra những khuôn mẫu tiêu cực này?

Thực chất, cái thôi thúc ta lặp đi lặp lại một trải nghiệm đau buồn chính là một lời mời gọi ta dừng lại và để tang. Giống như khi mất đi một người yêu thương, ta không thể cứ lảng tránh nỗi đau, mà phải cho phép mình cảm nhận nó theo nhiều cách, vào nhiều thời điểm trong ngày, trong những sắc thái cảm xúc khác nhau.

Có thể ta cần để tang vì sự phức tạp trong tình dục của cha, vì mẹ chưa từng biết cách bảo bọc sự mong manh của ta, vì anh chị em ta đã được ưu ái hơn, hay vì ta lớn lên mà chưa từng học được cách tin tưởng hay bảo vệ bản thân trong tình yêu.

Phần thưởng cho hành trình đau đớn này là sự giải thoát. Khi ta thực sự dành thời gian để gặp gỡ và chấp nhận nỗi buồn nguyên thủy của mình, ta mới có thể dần dần rời xa nó – cùng với những vòng lặp mà nó tạo ra. Một khi phần sâu thẳm trong ta tin rằng ta đã thật sự để tang, thật sự thấu hiểu, nó sẽ không còn ám ảnh ta nữa. Và ta sẽ có thể bước tiếp trên những con đường mới, ít sợ hãi hơn, nhẹ nhõm hơn.

Nguồn: WHY WE KEEP REPEATING PATTERNS OF UNHAPPINESS | The School Of Life 

menu
menu