Vì sao chúng ta hành xử giống hệt cha mẹ mình?

vi-sao-chung-ta-hanh-xu-giong-het-cha-me-minh

Kịch bản truyền đời đang giới hạn các mối quan hệ của bạn. Nhưng bạn có thể thay đổi điều đó.

Cuộc sống gia đình, xét cho cùng, là một sự chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp. Mỗi thế hệ là một mắt xích trong chuỗi dài cuộc sống mà chúng ta kế thừa rồi tiếp tục trao lại cho con cái mình.

Cách mà gia đình truyền lại những thói quen và lối sống chính là thông qua kịch bản gia đình. Những kịch bản này vạch ra cách hành xử, lời ăn tiếng nói, thậm chí cả cách suy nghĩ sao cho đúng mực. Nó tạo nên một khuôn mẫu chung về cách mà cuộc sống “nên” diễn ra.

Những kịch bản này có thể đơn giản như cách rửa chén đĩa, hoặc rộng lớn hơn như cách chúng ta tranh cãi, thể hiện tình cảm. Nhìn chung, có ba loại kịch bản: kịch bản lặp lại, kịch bản sửa đổi và kịch bản ngẫu hứng.

Kịch bản lặp lại

Đây là những thói quen, hành vi mà ta vô thức hoặc có chủ ý bắt chước từ gia đình gốc của mình. Ví dụ như cách dọn dẹp nhà cửa, nề nếp trong bữa ăn, quy tắc xem TV… Đây thường là những điều ta từng thấy tích cực hoặc đáng học hỏi khi còn nhỏ.

Nhưng đôi khi, ngay cả những điều ta từng không thích cũng được lặp lại một cách vô thức, như một cách thể hiện sự trung thành với gia đình mình. Khi tái diễn những gì từng trải qua, ta đang ngầm nhắn nhủ với cha mẹ rằng: “Cách sống của cha mẹ đáng để con tiếp tục duy trì.” Vì vậy, không ít người lớn lên rồi lại thốt ra những câu nói mà ngày xưa họ từng ghét cay ghét đắng khi nghe từ chính cha mẹ mình.

Kịch bản sửa đổi

Ngược lại, kịch bản sửa đổi xuất hiện khi ai đó chủ động làm khác hẳn – thậm chí trái ngược – với những gì họ từng trải qua lúc nhỏ.

Có người thay đổi bằng cách “chạy trốn” – về địa lý, tôn giáo, tài chính. Họ có thể chuyển đến một nơi xa lạ, đổi tên, cải đạo, hoặc trở nên mộ đạo hơn. Có người quyết tâm cắt đứt quan hệ với gia đình gốc.

Kịch bản ngẫu hứng

Kịch bản ngẫu hứng không bắt nguồn từ sự lặp lại hay phản kháng mà đến từ nhu cầu mới hoặc sự tò mò. Chúng có thể nảy sinh do bối cảnh thay đổi (công nghệ, xã hội) hoặc đơn giản là mong muốn thử nghiệm một điều chưa từng có trong gia đình trước đây.

Những kịch bản này thường mang đến sự lo âu và bất định, bởi không có khuôn mẫu nào để dựa vào. Các cặp đôi cần học cách vững vàng để cùng nhau tạo ra một lối sống mới cho gia đình mình.

Source: Hajnalka Mahler/Pixabay

Kịch bản gia đình định hình mối quan hệ như thế nào?

Khi hai người bước vào một mối quan hệ, họ vô thức “đàm phán” giữa những kịch bản lặp lại và sửa đổi của cả hai, rồi tạo ra một sự kết hợp giữa những điều đó. Nhưng vì quá trình này không có ý thức, nên rất dễ dẫn đến xung đột khi những kịch bản vốn có không hòa hợp với nhau.

Sự thật là, dù bạn có cố gắng khác cha mẹ đến đâu, những kịch bản đã ăn sâu vào bạn vẫn không biến mất. Đa phần cách bạn cư xử trong các mối quan hệ đều có nguồn gốc từ gia đình. Muốn thay đổi, trước hết bạn phải nhận thức được những kịch bản ấy và bắt đầu ứng biến trên chính chúng.

Làm sao để thay đổi kịch bản gia đình?

  1. Lập bảng với ba cột:
    • Cột 1: Ghi lại tất cả những kịch bản lặp lại mà bạn đang thực hiện – dù có ý thức hay không. Những gì bạn đang làm giống với gia đình mình khi xưa?
    • Cột 2: Ghi những kịch bản sửa đổi – những điều bạn cố tình làm khác hoặc trái ngược với cách gia đình bạn từng làm. Điều này có thể là từ những việc nhỏ như “cách dọn dẹp nhà cửa” đến những điều sâu xa như “cách bày tỏ tình yêu thương”.
    • Cột 3: Ghi lại những kịch bản ngẫu hứng – những thói quen, lối sống bạn tự tạo ra mà không liên quan đến gia đình gốc.
  2. Khoanh tròn những kịch bản mà bạn cảm thấy yêu thích, cũng như những kịch bản đang giới hạn bạn.
  3. Chia sẻ bảng này với người bạn đời của bạn.
  4. Chọn một kịch bản lặp lại hoặc sửa đổi mà bạn cảm thấy đang cản trở mối quan hệ của mình và cần thay đổi.
  5. Thảo luận với đối phương để cùng tạo ra một cách làm mới. Điều gì có thể giúp cả hai vượt qua nỗi lo âu khi rời khỏi kịch bản cũ?
  6. Giữ vững lập trường khi áp dụng kịch bản mới. Sẽ có lúc mọi thứ rối tung, nhưng hãy sẵn sàng để điều chỉnh.
  7. Nhớ rằng kịch bản chỉ là kịch bản. Bạn không nhất thiết phải tuân theo chúng mãi mãi. Hãy dừng lại, nhìn nhận xem điều gì đang hiệu quả, điều gì không, và thay đổi nếu cần.

Nếu một kịch bản không giúp ích cho mối quan hệ của bạn, hãy thử một cách khác. Nói thì dễ, làm thì khó, nhưng thay đổi là điều hoàn toàn có thể.

Có thể nào một quả táo rơi xa gốc cây? Có thể chứ. Nhưng chỉ khi quả táo ấy hiểu rõ về cái cây mà nó đã rơi xuống từ đó.

Nguồn: Why Do We Behave Just Like Our Parents? Psychology Today

menu
menu