Vì sao chúng ta nên học cách yêu bản thân một cách đúng đắn
Ngày nay, buộc tội ai đó là kẻ tự luyến đã trở thành một trong những lời xúc phạm phổ biến và dễ dàng nhất.
Ngày nay, buộc tội ai đó là kẻ tự luyến đã trở thành một trong những lời xúc phạm phổ biến và dễ dàng nhất. Chúng ta thường gán nhãn này cho bất kỳ ai tỏ ra kiêu ngạo, khoe khoang, tự cho mình là trung tâm hay quá hài lòng với sự hiện diện của chính họ.
Nhưng có lẽ đã đến lúc ta tự hỏi liệu từ này có thực sự phù hợp với những kẻ ồn ào và khoa trương mà chúng ta vẫn thường quy chụp hay không – và quan trọng hơn, liệu ta có đang thực sự hiểu đúng và xử lý đúng đắn nguồn gốc của những hành vi đáng tiếc ấy hay không.
Ẩn sau thói quen vội vàng kết tội ấy là một giả định về bản chất con người: rằng người ta chỉ tìm kiếm sự chú ý, trở nên kiêu ngạo và khoác lác bởi vì, trong thâm tâm, họ quá yêu bản thân mình. Họ tôn sùng bản thân đến mức không thể kìm nén việc phô trương thành tích và tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy những hành vi ấy không hề xuất phát từ tình yêu bản thân thực sự. Những người bị gọi là “tự luyến” không hề nghĩ tốt về mình đến vậy; họ khoe khoang và thể hiện chỉ vì không thể tìm thấy sự hài lòng với con người thật của mình. Đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng là nỗi sợ hãi mơ hồ và dai dẳng về sự tầm thường, vô hình. Những gì ta gọi là biểu hiện của tự luyến – sự phù phiếm, lòng tham, sự dối trá – thực chất lại là minh chứng cho một khoảng trống trống trải, cho sự thiếu vắng tình yêu bản thân một cách bi thảm.
Hãy nhớ lại câu chuyện thần thoại Hy Lạp – nơi khởi nguồn của từ “narcissism.” Chàng Narcissus là một thợ săn ở miền Trung Hy Lạp, con trai của thần sông Cephissus và nàng tiên Liriope. Chàng có mái tóc óng ả, đôi mắt xanh thẳm, làn da không tì vết và đôi môi quyến rũ. Một ngày nọ, khi đi ngang qua mặt hồ tĩnh lặng, Narcissus bắt gặp hình bóng mình phản chiếu trên mặt nước. Không nhận ra đó là chính mình, chàng lập tức bị mê hoặc bởi vẻ đẹp trước mắt. Narcissus chưa bao giờ nhìn thấy ai quyến rũ đến thế và cứ thế chìm đắm trong tình yêu với hình bóng ấy.
Đọc đến đây, ta có thể thấy câu chuyện thật phi lý. Nhưng những lời dè bỉu đó vô tình khiến ta quên mất giá trị của việc, khi còn thơ bé và được nuôi dưỡng bởi những vòng tay ấm áp, ta đã từng có cơ hội yêu thương bản thân một cách trọn vẹn. Đó là giai đoạn ta được phép tự hào, được tự do hát ca, vui đùa và cảm thấy thật thoải mái trong chính làn da của mình, được say mê trước sự kỳ diệu của sự tồn tại. Có lẽ, tình yêu bản thân lành mạnh chính là bước đệm đầu tiên để học cách yêu thương người khác.
Hầu hết những vấn đề trên thế giới này đều bắt nguồn từ những con người không thể tin vào giá trị của chính mình; những người lớn lên với cảm giác xấu hổ và căm ghét bản thân, và giờ đây không thể ngừng tìm kiếm sự chú ý mà họ từng bị tước đoạt. Chỉ khi ai đó thực sự coi thường chính mình, họ mới nghĩ rằng dành cả đời để chứng minh bản thân trước những người xa lạ là một ý tưởng hay.
Ngược lại, những người thực sự bình yên với bản thân không cần đến sự tung hô hay tán dương. Họ tìm thấy niềm vui từ những điều giản dị và không che đậy: chính sự tồn tại bình thường của họ.
Chúng ta nên xây dựng một thế giới không phải nơi tình yêu bản thân bị dập tắt, mà là nơi tình yêu ấy được nuôi dưỡng và lan tỏa. Một thế giới tràn đầy “tình yêu bản thân lành mạnh” – nơi con người, nhờ đã từng có cơ hội ngắm nhìn mình trong gương và thấy mình thật đẹp đẽ, có thể bước ra ngoài và trao đi lòng tốt, sự bao dung và niềm yêu thương dành cho người khác.
Chỉ khi đủ yêu thương chính mình, ta mới có thể trở nên khiêm nhường, sẵn lòng lắng nghe, quan tâm đến người khác, và hạnh phúc với những gì bình dị nhất trong cuộc đời.
Nguồn: WHY WE SHOULD TRY TO BECOME BETTER NARCISSISTS