Vì sao chúng ta xem thường những người kiếm được ít tiền
Có thể chính chúng ta không trực tiếp tham gia vào kiểu đánh giá này, nhưng ai cũng thấy rõ hiện tượng ấy trong xã hội: người kiếm được nhiều tiền thường được người khác ngưỡng mộ hơn
Có thể chính chúng ta không trực tiếp tham gia vào kiểu đánh giá này, nhưng ai cũng thấy rõ hiện tượng ấy trong xã hội: người kiếm được nhiều tiền thường được người khác ngưỡng mộ hơn, được xem là thú vị và đáng chú ý hơn. Sự tôn trọng, một cách đáng buồn, dường như được ban phát theo đúng tỷ lệ với thu nhập. Và theo một lẽ tự nhiên, nếu ai đó không có nhiều tiền, thì tiếng nói và nhân cách của họ cũng khó được xã hội xem trọng.
Không quá khó hiểu khi mối liên hệ này được hình thành, bởi có rất nhiều trường hợp nổi bật mà chúng ta thấy rõ mối liên kết thực sự giữa tài năng, nỗ lực, kỹ năng, đóng góp và thu nhập. Những ví dụ ấn tượng nhất có thể kể đến như một bác sĩ phẫu thuật thiên tài, tác giả của Matilda hay Harry Potter hoặc đội ngũ đã phát triển graphene. Họ đều là những thiên tài, họ kiếm được rất nhiều tiền, và những đóng góp của họ thật tuyệt vời. Những trường hợp này khiến ta dễ tin rằng thu nhập cao và phẩm hạnh là một sự liên kết đúng đắn và tự nhiên.
Chính những ví dụ này tạo nên xu hướng tự nhiên trong suy nghĩ của chúng ta: rằng thu nhập chính là chỉ số xác thực nhất, hợp lý nhất cho giá trị mà một người mang lại cho cuộc sống của người khác – và rằng sự tôn trọng nên đi liền với thu nhập. Đây là quan điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, là tinh thần ngấm vào không khí của các thành phố lớn tại những quốc gia giàu có.
Cảm xúc bản năng ấy được hỗ trợ bởi một lý thuyết kinh tế ngầm, thứ mà chúng ta không bao giờ nói thẳng ra nhưng luôn tồn tại trong tiềm thức: rằng tiền lương của một người được quyết định bởi quy mô của đóng góp mà họ mang lại cho xã hội.
Thế nhưng, nếu lật giở các trang sách kinh tế học, chúng ta sẽ thấy một lý thuyết khác, bớt cảm tính và đơn giản hơn nhiều. Kinh tế học cho rằng tiền lương không được quyết định bởi mức độ đóng góp cho xã hội mà đơn giản chỉ là số lượng người có thể và sẵn sàng làm công việc mà người khác cần. Nếu có rất nhiều người có thể làm một công việc nào đó, bạn sẽ không cần trả quá nhiều tiền để thuê họ. Nhưng nếu rất ít người có thể làm được việc ấy, bạn sẽ phải trả một cái giá rất cao. Tuy nhiên, trong toàn bộ hệ thống này, không có chỗ nào để đánh giá giá trị thực sự của công việc đó; tiền lương chỉ phụ thuộc vào cung và cầu.
Điều này giải thích mức lương khổng lồ của một sát thủ chuyên nghiệp, người có thể thực hiện những nhiệm vụ khó nhằn nhất – như ám sát một mục tiêu được bảo vệ bởi vệ sĩ và cửa kính an ninh Bosch ba lớp. Anh ta có thể đòi hỏi mức thù lao lên tới bảy con số chỉ vì gần như không ai trên đời có thể thực hiện được nhiệm vụ ấy. Ở chiều ngược lại, cùng một lý thuyết này giải thích mức lương khiêm tốn của một y tá tại viện dưỡng lão, người tận tụy đồng hành cùng bệnh nhân trong những ngày cuối đời – một công việc ý nghĩa hơn bất cứ điều gì ta có thể tưởng tượng – nhưng mức lương của họ chỉ là một phần nhỏ so với thù lao của kẻ giết thuê. Trong cả hai trường hợp, tiền lương không hề phản ánh mức độ đóng góp của công việc. Đó chỉ là vấn đề có bao nhiêu người sẵn sàng làm công việc đó và nhu cầu lớn đến đâu.
Trong xã hội này, một số phẩm chất tuyệt vời như sự quan tâm, lòng trắc ẩn và tinh thần làm việc chăm chỉ lại khá phổ biến. Điều này thật đáng quý, nhưng cũng kéo theo một hệ quả trớ trêu: bạn có thể thuê được những con người với phẩm chất phi thường ấy mà chẳng cần trả cho họ bao nhiêu cả.
Sát thủ có thể kiếm được tiền bằng những cách kinh khủng, nhưng nếu xã hội không đặt câu hỏi cẩn trọng, thế giới sẽ chỉ thấy số tiền của hắn mà ngưỡng mộ: người ta sẽ trầm trồ trước biệt thự xa hoa, chiếc xe thể thao và những cô gái xinh đẹp vây quanh hắn. Dần dà, hắn ta thậm chí có thể trở thành một nhân vật được kính trọng trong cộng đồng, và khi về già, hắn còn được cả xã hội tán dương khi tài trợ một khu sơ sinh hay một trung tâm chẩn đoán não mới.
Còn với người y tá, dù xã hội có ca ngợi họ “rất đáng quý” bao nhiêu đi chăng nữa, phần lớn thời gian họ vẫn chỉ là một bóng dáng lặng lẽ trong hàng chờ xe buýt. Khách đến căn hộ nhỏ của họ sẽ có chút ái ngại vì phòng tắm trông đã xuống cấp, còn chiếc máy giặt thì được giữ lại bằng băng dính.
Khi ta so sánh số phận trái ngược này – một tên sát thủ được vinh danh và một người y tá bị lãng quên – toàn bộ hệ thống kinh tế bỗng trở nên thật bất công. Tâm trí chúng ta nổi loạn trước sự vi phạm thô bạo của những nguyên tắc công bằng.
Và khi ấy, thật dễ hiểu khi ta quay sang tìm kiếm một lời giải đáp nào đó để xoa dịu nỗi đau này.
Trong lịch sử phương Tây, đã có hai nỗ lực trí tuệ vĩ đại để giải quyết sự bất công này.
Nỗ lực đầu tiên là Cơ Đốc giáo: một giáo lý khẳng định rằng giá trị của con người không thể được đo lường bằng tiền bạc. Sau khi qua đời, linh hồn của mỗi người sẽ được Đức Chúa cân đo và công bằng thưởng phạt cho từng công đức hay lỗi lầm. Trong cõi vĩnh hằng, lòng trắc ẩn và sự tận tụy của người y tá sẽ được các thiên thần tán dương. Trên trần gian, tiền lương có thể không thay đổi, nhưng ý nghĩa của mức lương ấy – dưới góc nhìn của Cơ Đốc giáo – sẽ hoàn toàn khác, và sự tủi hổ vì nghèo khó cũng sẽ vơi đi phần nào.
Nỗ lực lớn thứ hai nhằm tìm kiếm công bằng đã diễn ra dưới mái vòm tĩnh lặng của phòng đọc trung tâm tại Thư viện Anh vào giữa thế kỷ 19. Ở đó, một người đàn ông râu rậm ngồi cặm cụi trong suốt những mùa hè oi ả và mùa đông buốt giá, viết nên một luận thuyết đồ sộ về Tư bản. Tác phẩm của Karl Marx đã vẽ nên một viễn cảnh về một thế giới mới, nơi người lao động lần đầu tiên được trả công xứng đáng với những đóng góp của họ cho xã hội. Lương của những tay sát thủ, chủ sòng bạc hay các ông trùm khai khoáng sẽ giảm xuống; còn thu nhập của những người y tá và nông dân sẽ được nâng cao. Chủ nghĩa cộng sản sẽ khôi phục lại công bằng cho thu nhập.
Ở thời đại của mình, những giải pháp này dường như rất ấn tượng. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, ngày nay chúng ta không còn có thể đặt hy vọng vào đó. Trật tự kinh tế hiện tại đã quá vững chắc và sẽ không dễ gì thay đổi trong tương lai gần. Tuy vậy, khát vọng tìm kiếm một cách nào đó để thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương và sự đóng góp hay tiền lương và sự tôn trọng vẫn còn đó.
Có thể hơi kỳ lạ, nhưng lời giải đáp thực tế và tức thì nhất cho vấn đề này lại nằm ở một nơi không ai ngờ tới: trên những bức tường của một phòng trưng bày trong Bộ sưu tập Wallace ở quảng trường Manchester, London. Nơi đây lưu giữ bức tranh nhỏ mang tên Cô gái dệt ren, do họa sĩ người Đức ít tiếng tăm Caspar Netscher vẽ vào năm 1664.
Trong bức tranh, ta bắt gặp cô gái dệt ren giữa một buổi chiều yên tĩnh. Cô tập trung vào công việc khó nhọc của mình, cẩn thận luồn từng mũi kim. Sẽ mất tới năm tiếng đồng hồ để cô hoàn thành một centimet vuông. Đôi mắt cô sẽ mệt mỏi, nhưng kết quả sẽ là một tác phẩm tinh tế và xúc động, phản chiếu những nét đẹp nhất trong tâm hồn cô.
Và phần thưởng cho sự khéo léo kỳ diệu ấy? Chỉ là vài đồng xu lẻ, không hơn.
Nghề dệt ren từng là một ngành công nghiệp lớn của phụ nữ vào thế kỷ 17 và 18, nhưng trớ trêu thay, nó cũng là một trong những nghề có thu nhập thấp nhất vì một lý do rất đơn giản: có quá nhiều người có thể làm công việc này.
Điều thú vị là rất nhiều họa sĩ bị thu hút bởi hình ảnh những cô gái dệt ren. Họ không ảo tưởng rằng mình có thể cải thiện mức lương cho những người phụ nữ ấy, nhưng họ vẫn nuôi một tham vọng khác: dùng nghệ thuật để thay đổi cách người đời nhìn nhận những cô gái dệt ren. Bằng cách dẫn dắt người xem đến với vẻ đẹp của sự kiên nhẫn, khéo léo và phẩm giá trong công việc dệt ren, các họa sĩ hy vọng có thể phục hồi vị thế xã hội cho một tầng lớp đang bị kinh tế coi thường.
Họ vẽ những cô gái dệt ren bằng tất cả sự trân trọng và nâng niu, chẳng khác gì cách người ta vẽ chân dung những nhà tài trợ giàu có. Nghệ thuật đã giúp chúng ta ngừng coi thường những người thợ dệt ren, ngừng nhìn thu nhập thấp của họ như một dấu hiệu của sự thiếu giá trị. Thay vào đó, ta thấy họ là những con người đầy tài năng và nhân phẩm, chỉ là vô tình mắc kẹt trong một công việc có thu nhập thấp bởi quy luật khắc nghiệt của cung và cầu.
Những gì các họa sĩ làm với hình ảnh người thợ dệt ren phản ánh một khả năng sâu sắc của nghệ thuật: đó là tái định nghĩa những gì được xem là danh giá và trao lại sự trân trọng xứng đáng cho những con người bị xã hội bỏ quên. Nghệ thuật mở ra một góc nhìn tinh tế về giá trị thật của con người – và dám gạt bỏ tiền lương như một thước đo bất biến cho phẩm giá con người.
Đáng buồn thay, nghệ thuật, dù được tôn vinh đến đâu, vẫn chỉ là một điều nhỏ bé trong thế giới này. Nhưng tinh thần mà nghệ thuật mang lại cần được mở rộng và nhân rộng, không chỉ dành riêng cho những người thợ dệt ren mà còn cho tất cả những ai đang bị thu nhập khiêm tốn che khuất đi giá trị thật của họ.
Nghệ thuật buộc ta phải nghi ngờ tiền lương như một thước đo tuyệt đối cho giá trị con người. Tiền lương chẳng là gì cả – bởi chúng thường xuyên bỏ sót những con người đáng được tôn vinh nhất. Chúng ta có thể hy vọng vào một nền kinh tế công bằng hơn và không ngừng tìm kiếm cách hiện thực hóa điều đó, nhưng cần thừa nhận rằng con đường này hiện tại vẫn còn rất mờ mịt. Và chính tại đây, tinh thần của Netscher mang đến một niềm an ủi mạnh mẽ cho chúng ta.
Nghệ thuật hoạt động như một cơ chế trân trọng, giúp xoa dịu cảm giác bị phớt lờ và hạ thấp chỉ vì ta không kiếm được nhiều tiền. Nghệ thuật là một cách chiêm nghiệm và thấu hiểu đầy nhân văn, đặc biệt giỏi trong việc nhìn sâu vào những điều khiến một cá nhân xứng đáng được nâng niu, đồng cảm và ngưỡng mộ – dù họ bị xã hội quyền thế bỏ quên.
Nghệ thuật mang đến cho chúng ta một hướng đi khả thi nhất để giải quyết phần nào vấn đề giữa khoảng cách của tiền bạc và giá trị con người. Mục đích của nghệ thuật là cung cấp một cái nhìn sâu sắc và chính xác hơn về công việc của từng người – để từ đó, chúng ta ngừng sử dụng tiền lương như chiếc thước đo duy nhất. Khi ta hiểu rõ một con người, dù qua nghệ thuật hay những cách khác, tình trạng tài chính của họ sẽ trở thành điều nhỏ bé – và những gì họ thật sự đóng góp sẽ tỏa sáng, kéo theo một cách công bằng hơn để tôn vinh giá trị con người.
Nguồn: WHY WE LOOK DOWN ON PEOPLE WHO DON’T EARN VERY MUCH