Vì sao có những người thả thính rồi bỏ chạy

vi-sao-co-nhung-nguoi-tha-thinh-roi-bo-chay

…và đâu là lý do khiến nạn nhân vẫn muốn bảo vệ họ

Những người bị bỏ rơi thường cảm thấy tự nghi ngờ và đổ lỗi cho bản thân đã khiến mối quan hệ tan vỡ.

Những mối quan hệ này không kết thúc ngay lập tức mà trải qua nhiều lần vắng mặt không lý do và những lời bào chữa.

Các đối tượng thả thính rồi bỏ chạy có thể bất thình lình biến mất vì họ đã quá chán ngán những lời cầu xin của đối phương.

Hơn bốn thập kỉ làm nhà trị liệu cho các mối quan hệ, tôi nhìn thấy những sự đau đớn, vỡ mộng và tra tấn dữ dội nhất ở những ai rơi vào lưới tình với những kẻ chủ động quyến rũ, làm họ mê đắm rồi đột ngột biến mất không dấu vết.

Những người bị bỏ rơi không chỉ cảm thấy lạc lõng và bối rối, mà tâm trí họ còn tràn ngập cảm giác tự nghi ngờ bản thân, đổ lỗi cho chính mình vì sự kết thúc của mối quan hệ. Cảm giác kết nối thật hoàn hảo, ngây ngất, vượt xa những gì họ từng biết và cảm nhận. Rốt cuộc thì họ đã làm gì sai?

Hầu hết sự bối rối đến từ việc mối quan hệ kia không chấm dứt một cách gọn ghẽ. Rất nhiều lần vắng mặt không lý do, vô vàn những lời biện minh, và những lời hứa sẽ thay đổi giữ lửa và sự tái kết nối cho mối quan hệ, và rồi lại biến mất, hết lần này đến lần khác.

Đến một lúc nào đó, nỗi kinh hoàng về sự mất mát vĩnh viễn trở thành sự thật và kẻ thả thính xong bỏ chạy biến mất hoàn toàn. Vì bất cứ lý do gì, họ đã chịu đựng đủ nỗi đau và sự van xin của đối phương, không thể đưa ra bất cứ lý do chính đáng nào cho hành vi của mình nữa, hoặc đơn giản là họ tiến đến những mối quan hệ mới và thử thách hơn.

Đó là lúc những nạn nhân đau khổ của họ đến với tôi, với một trái tim tan vỡ và tuyệt vọng.

Nhiều chuyên gia gọi những kẻ săn mồi đa tình này là rối loạn nhân cách ái kỷ, chấn thương tâm lý hay thậm chí là bị sang chấn thuở ấu thơ. Có lẽ họ khao khát sự thân mật nhưng đồng thời lại sợ bị mắc bẫy. Có thể họ đang tìm kiếm một đối tác hoàn hảo nhưng lại tự phá hoại nỗ lực của chính mình.

Với những ai luôn phải luân phiên giữa cảm giác chắc chắn và bị bỏ rơi, việc tìm hiểu lý do vì sao họ lại chấp nhận chuyện đó không có nghĩa lý gì. Họ đang cố gắng trong tuyệt vọng để hiểu chuyện gì đang xảy ra và vì sao một người đã bày tỏ một tình yêu sâu sắc đến vậy lại có thể chỉ đang lợi dụng họ. Họ có cảm giác mình không thể hàn gắn vết thương nếu không hiểu trọn vẹn, nhưng đáng tiếc là không có đủ mảnh ghép.

Bất ngờ thay, khi tôi hỏi xem liệu họ có hối hận khi ở trong mối quan hệ đó hay không, nhiều người đã xấu hổ thừa nhận rằng không chỉ là họ không bao giờ muốn bỏ lỡ trải nghiệm ấy, mà họ còn muốn thử lại một lần nữa nếu người kia quay trở lại cuộc sống của họ. Những người này vẫn bị mắc kẹt trong một ảo tưởng vượt quá khả năng kiểm soát của mình.

Làm thế nào để một người nhận ra đối phương là kẻ thả thính rồi bỏ chạy đủ sớm để không rơi vào vực thẳm của sự đau đớn này? Và, họ cần đối mặt với điều gì trong chính mình để được chữa lành?

Image: RDNE Stock project / Pexels

Đặc điểm chung của những người tình thích thả thính rồi bỏ chạy

1. Quyến rũ. Những kẻ săn mồi này thường cực kỳ quyến rũ. Họ có thể bao bọc đối phương bằng những trải nghiệm tình dục ngây ngất, những tưởng tượng lãng mạn về tình yêu hạnh phúc trọn đời, và những lời hứa về sự an toàn tuyệt đối. Họ đặt bạn tình của mình lên bệ để tôn thờ và bằng cách nào đó thuyết phục rằng đối phương sẽ không bao giờ ngã.

2. Những câu chuyện thuyết phục về việc mình là nạn nhân. Những kẻ quyến rũ có sức thuyết phục này thường kể lại những câu chuyện đau buồn không tưởng về việc bị người khác phản bội, làm trái tim họ tan nát, bóc lột tài năng và rồi loại bỏ họ như thế nào. Họ đang tìm kiếm một người không bao giờ làm mình tổn thương và thuyết phục con mồi mới nhất của mình rằng họ chính là “người ấy.”

3. Tin vào câu chuyện của chính họ. Sau khi lặp đi lặp lại cùng một câu chuyện về việc bản thân là người tuyệt vời như thế nào và những người khác xứng đáng bị đổ lỗi, họ hoàn toàn tin vào câu chuyện đó, cho dù chúng có bị cường điệu hóa hay chỉ xảy ra trong tưởng tượng. 

4. Những lời hứa không đi liền với hành động. Một cách lém lỉnh và thuyết phục, họ rất sẵn sàng hứa hẹn nhưng lúc có mặt lúc không, khiến cho bạn tình của họ luôn băn khoăn không biết liệu họ có xuất hiện hay không. Danh sách lý do của họ luôn là những việc đột xuất không dự đoán được và nỗi bất lực trong việc kết nối.

5. Gaslight. Họ có thể thuyết phục người tình dễ bất an của mình rằng họ không nghe rõ, mong đợi một thứ vô lý, hay đòi hỏi đối phương nhiều hơn bình thường. “Nếu họ đúng là người dành cho mình, họ sẽ hiểu và không bao giờ thách thức hành vi của mình.”

6. Họ cắt đứt khả năng tiếp cận của bạn tình với người khác. Để đảm bảo nạn nhân không được gia đình và bạn bè giải cứu, họ bảo đảm trước về thời gian và lòng trung thành và khiến cho nạn nhân nghi ngờ nỗi lo lắng của những người xung quanh. Chẳng hạn như họ muốn có một kiểu mối quan hệ như đã hứa. Trong trường hợp ấy, họ phải tin tưởng hoàn toàn vào giá trị của mối quan hệ đó, đặt lên trên hết, ngay cả khi những xung đột liên tục xảy ra.

7. Họ tấn công những điểm yếu và nhu cầu. Trước tiên họ hứa rằng bạn tình của họ sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn nữa, rằng sẽ luôn được chăm sóc và không bao giờ bị bỏ rơi nếu đối phương tiếp tục tin vào những gì họ nói mà không thắc mắc. Sau đó, khi những kẻ săn mồi này muốn thoát ra, họ tấn công bạn tình của mình vì quá phụ thuộc và “quá đòi hỏi và kiểm soát.”

Đặc điểm chung của những con mồi

1. Lãng mạn không lối thoát. Những người đã chờ đợi cả đời để tìm một người hoàn hảo sẽ yêu họ vô điều kiện mãi mãi là những người dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các đối tượng thả thính rồi bỏ chạy. Họ thường bị lợi dụng trong các mối quan hệ trước đây vì cho đi quá nhiều.

2. Để người khác quyết định lòng tự tôn và giá trị của bản thân. Họ luôn quyết định giá trị của mình bằng những gì người khác nghĩ về họ và chưa bao giờ tìm được ai đó thực lòng yêu họ hoàn toàn. Kết nối tình dục với con mồi là thứ họ chưa bao giờ trải nghiệm và có thể sẽ không bao giờ có lại. Người kia hẳn là cũng cảm nhận giống như họ. Nếu không, tại sao mọi thứ lại hoàn hảo đến vậy?

3. Mang chấn thương tâm lý. Hầu như luôn có những tổn thương xung quanh việc bị bỏ rơi và bị từ chối trong quá khứ của họ, đặc biệt là từ người nuôi dưỡng thời thơ ấu, những người luân phiên ủng hộ rồi lại khước từ họ, hoặc họ chứng kiến điều đó giữa những người khác. Chấn thương tái hiện khi họ đặt hi vọng vào người đối tác này rằng lần này họ sẽ không bị bỏ rơi nữa.

4. Trao hết “ruột gan” cho các mối quan hệ. Họ vô cùng muốn yêu và được yêu đến nỗi thường không cẩn thận trong việc đánh giá trước khi trao hết tất cả cho mối quan hệ hiện có. Họ muốn tin tất cả những gì đối phương nói về mình là thật. 

5. Muốn “cứu” kẻ săn mồi. Họ luôn muốn trở thành người có thể cứu vớt một người tuyệt vời và chữa lành cho họ khỏi những mất mát bất công trong quá khứ. Họ có cảm giác rằng tình yêu sâu sắc của mình sẽ chinh phục tất cả, họ tái kết nối với con mồi mỗi khi kẻ này quay lại với những lời hứa mới, “những lời bào chữa chính đáng,” và những tuyên bố mới về tình yêu vĩnh cửu. Khi kẻ săn mồi biến mất hoàn toàn, cho họ vào quên lãng, thì nỗi đau lúc này khó có thể chịu đựng được. 

Hoàng Dung dịch

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/rediscovering-love/202310/partners-who-seduce-and-abandon?utm_source=FacebookPost&utm_medium=FBPost&utm_campaign=FBPost&fbclid=IwAR2JVXWd-RXz7nquJuKFvU-0qsIwec2uZWo4Q8nBGVJ1RkWwYYVUS7BSkPo

menu
menu