Vì sao khóc khi xem phim là biểu hiện của những người mạnh mẽ

vi-sao-khoc-khi-xem-phim-la-bieu-hien-cua-nhung-nguoi-manh-me

Tôi vẫn luôn khóc như đang thái củ hành trong lúc xem phim từ trước đến nay.

Tôi vẫn luôn khóc như đang thái củ hành trong lúc xem phim từ trước đến nay. Dù là ở nhà hay ngoài rạp, tôi dường như đều không thể ngăn cản những giọt nước mắt của bản thân, nhất là khi xem những bộ phim gây nên cảm xúc mãnh liệt và sâu sắc.

Nhưng thật lòng thì tôi không cảm thấy xấu hổ một chút nào khi làm điều đó cả. Tôi phải thừa nhận rằng mình đã khóc trước gia đình, bạn bè, và thậm chí cả người lạ trong vô số bộ phim mà tôi đã xem.

Bởi thật sự, ai mà có thể phán xét người khác chỉ vì không cầm được nước mắt khi Mufasa trong “The Lion King” chết chứ? Cảnh ấy thực sự buồn thê thảm!

Và nếu như bạn không cảm thấy nghẹn ngào khi xem phim “Remember the Titans”, tôi thực sự thắc mắc liệu bạn là người hay máy móc đấy!

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 92% dân số đã từng khóc ít nhất một lần trong đời khi xem phim. Vì lẽ đó nên tôi cũng không cảm thấy đơn độc cho lắm khi đến rạp phim và khóc một trận ra trò. 

Dù vậy, vẫn rất nhiều người còn tin rằng khóc là một biểu hiện của sự yếu đuối. Điều đó được áp đặt lên cánh đàn ông nhiều nhất khi họ phải nghe những lời như “con trai không được khóc” ngay từ thuở còn bé. Và cũng vì thế nên nhiều trong số họ vẫn tin rằng những cảm xúc nằm ngoài chủ nghĩa khắc kỷ (1) là không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, không ai trong chúng ta nên giấu đi những giọt nước mắt của mình cả! Chẳng có gì là đáng xấu hổ, nhục nhã khi chúng ta khóc. Khóc là một điều rất bình thường và đã luôn đóng vai trò quan trọng trong phần “người” của mỗi chúng ta. 

Hãy tự hào vì những giọt lệ của bản thân, vì chúng ta có đủ bằng chứng để nói rằng khóc trong lúc xem phim mang lại khá nhiều lợi ích tiềm tàng, nó giúp ta dễ đồng cảm hơn, thân thiện và rộng lượng hơn.

Sự đồng cảm là một trong những nhân tố thiết yếu của trí thông minh cảm xúc - một tố chất phổ biến ở những người lãnh đạo và những cá nhân cực kỳ thành công.

Nói cách khác, nếu bạn hay khóc khi xem phim, bạn là người khá tuyệt vời trong mắt người khác và có cảm xúc rất mạnh mẽ đấy! Những điều ngược lại thì thường là dấu hiệu của những người yếu đuối hơn.

SỰ ĐỒNG CẢM KHIẾN CON NGƯỜI TRỞ NÊN TỐT HƠN VÀ MẠNH MẼ HƠN

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những viễn cảnh được sáng tạo trong cả phim ảnh lẫn các tác phẩm văn học đều cải thiện khả năng đồng cảm của con người một cách đáng kể. 

Điều này thật sự có lý đấy! Vì chỉ khi chúng ta “thả hồn” vào những thước phim, chúng ta mới có thể đặt mình vào vị trí của nhân vật và trải nghiệm những sự kiện đang diễn ra trong một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới có lẽ còn khó khăn và thử thách hơn cả thực tại của chúng ta.

Roger Ebert từng viết thế này:

“Chúng ta sống trong chiếc hộp của không gian và thời gian. Và phim ảnh chính là những chiếc cửa sổ được đặt trên bốn bức tường của nó. 

Những ô cửa sổ này không chỉ đơn thuần cho ta thấy những nhân vật, mà còn cho ta thấu tâm hồn và nhìn nhận cuộc sống theo cách của họ.”

Những bộ phim được thiết kế để tác động đến cảm xúc của con người ở một mức độ nào đó, và thường thì những nhà làm phim luôn đạt được ý đồ họ mong muốn.

Nguyên nhân chính đó là khi chúng ta xem những bộ phim với nội dung dạt dào cảm xúc, não sẽ tiết ra một hàm lượng oxytocin đáng kể - một loại hoóc-môn mạnh kiêm vai trò truyền tải thông tin từ hệ thần kinh đến các cơ quan khác của cơ thể.

Chính loại hoóc-môn này đã giúp chúng ta kết nối với nhau, thôi thúc ta  cảm thông, yêu thương, tin tưởng lẫn nhau và bỏ đi sự ích kỷ cho chính mình. 

Paul J. Zak, một nhà kinh tế thần kinh học tại trường Claremont Graduate, là một trong những chuyên gia nổi tiếng về oxytocin, người đã đặt cho nó cái tên “phân tử đạo đức” (nguyên văn: Moral molecule) 

Trong một thí nghiệm thực hiện bởi một nghiên cứu sinh của ông, những người tham gia được xem một video về bệnh viện Nhi đồng St. Jude ở Memphis. 

Một nửa trong số họ được xem đoạn người cha bàn về căn bệnh ung thư não vô phương cứu chữa của đứa con trai tên Ben của ông ấy. Nửa còn lại được xem cảnh hai cha con Ben đi thăm vườn thú.

Đoạn phim về căn bệnh hiểm ác của Ben rõ là rất khó tiếp nhận và tạo ra những phản ứng về mặt  cảm xúc rõ rệt.

Và những ai được xem đoạn phim đó lại có chỉ số nồng độ oxytocin trong máu rất cao, tăng lên đến 47% so với ban đầu, và điều đó hứa hẹn sẽ dẫn đến những hành vi mang tính tích cực hơn trong tương lai.

Cuối cùng, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu đưa ra những lựa chọn liên quan đến tiền và những người xung quanh họ. 

Những cá nhân được xem thước phim buồn hơn biểu hiện sự rộng lượng với người lạ và sẵn sàng đóng góp tiền vào quỹ từ thiện. Và thú vị hơn cả, những ai quyết định cho đi lại vui vẻ hơn rất nhiều.

Tất cả điều này minh chứng cho sự thật rằng chúng ta khóc trong lúc xem phim là vì tác động của oxytocin. Những phân tử nhỏ bé ấy giúp chúng ta kết nối với nhân vật và đồng thời sống trong thế giới quan của họ để hiểu thấu hơn, bao dung hơn và thậm chí là cảm thấy mãn nguyện hơn.

Zak giải thích rằng:

“Oxytocin khiến con người trở nên nhạy cảm hơn với những vận động xã hội xung quanh. Trong nhiều trường hợp, những chuyển biến trong cuộc sống thôi thúc chúng ta đưa bàn tay để giúp đỡ người khác, nhất là khi họ tỏ ra cần đến sự hỗ trợ. 

Vì vậy, hãy xem vài bộ phim rồi cười và khóc. Điều đó tốt cho não bộ của bạn, và có thể tạo động lực để bạn làm nên những đổi thay tích cực cho cuộc sống của bản thân và của nhiều người khác!”

Những người nhạy cảm thường bị hiểu lầm thành những cá thể yếu ớt trong thực tại khắc nghiệt của cuộc đời. 

Dù vậy, chính lối sống thiên về xúc cảm của họ lại là một nguồn sức mạnh nội lực to lớn, khiến họ trở thành những cá nhân mạnh mẽ nhất mà bạn từng gặp và sẽ gặp trong đời.

Nước mắt là biểu hiện đẹp đẽ nhất của sức mạnh và ngưỡng cảm xúc của con người. Bởi lẽ, cơ thể chúng ta chỉ sản sinh ra nước mắt khi ta cảm thấy nỗi sầu bi trĩu nặng hoặc một niềm hạnh phúc vô bờ.

Đúng vậy, chúng ta không chỉ khóc cho những cảnh phim u buồn mà còn khóc cho cả những cảnh thật mãn nguyện và hạnh phúc. Và điều này cũng có cách lý giải riêng.

Rằng: Trong phiên bản nguyên sơ nhất của mỗi con người chưa bao giờ tồn tại khả năng chối bỏ hay kìm nén cảm xúc. Chúng ta chỉ làm thế trong một mốc thời gian khi mà chúng ta thực sự chưa trải nghiệm được gì từ nó thôi.

Và trong nhiều hoàn cảnh, khóc rất tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Nó giúp bạn giải tỏa những áp lực đè nén bên trong, và thường sẽ mang lại một bước nhảy đưa tâm trạng của bạn đi lên sau đó.

Mặt khác, cố nín khóc lại làm tăng áp lực lên tinh thần chúng ta, và gây ảnh hưởng xấu đến cả sức khỏe thể chất.

Chưa kể đến việc thiếu đi nước mắt cũng khiến cho con người mù lòa. Nước mắt giúp bôi trơn nhãn cầu, mí mắt và duy trì khả năng nhìn của con người.

Nói một cách dễ hiểu, những giọt nước mắt ban cho con người tầm nhìn và sức mạnh về cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Như Victor Hugo từng nói:

“Những ai không đổ giọt lệ thì chẳng nhìn thấy gì”

Vì vậy, nếu một ngày trong tương lai bạn nhận ra những giọt vừa mặn vừa cay ấy đang tuôn dần trên khóe mi, đừng thất vọng vì bản thân nhé! Hãy để cho mình được khóc. Điều đó thật sự có lợi cho bạn trên cả đoạn đường dài phía trước đấy!

Chú giải:

(1): Chủ nghĩa khắc kỷ (chủ nghĩa Stoic): một nhánh triết học về đạo đức con người, cho rằng vì con người là một sinh vật thuộc về xã hội, nên con đường đi tới hạnh phúc của chúng ta sẽ được tìm ra thông qua việc chấp nhận mọi thứ đang diễn ra, không cho phép bản thân bị kiểm soát bởi những khao khát được thỏa mãn hoặc sợ hãi trước những đớn đau, thông qua việc sử dụng trí óc của mình để hiểu thế giới này và làm những phần việc mình cần làm để đóng góp cho kế hoạch mà tự nhiên đã vạch ra sẵn, và thông qua việc cùng làm việc, đối xử với những người khác một cách công bằng, bất thiên vị.

Hiểu nôm na trong bài viết là đàn ông chỉ được phép chấp nhận mọi thứ và không có quyền khóc than

Dịch giả: Thịnh Lê

Link bài gốc: thetruthinsideofyou.org

Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

menu
menu