Vì sao người lớn thường hành xử như trẻ con
Thỉnh thoảng, trong những lúc căng thẳng, một người lớn quay sang người kia và nói: “Đừng cư xử như trẻ con nữa.” Hoặc “Hãy hành xử đúng tuổi đi.”
Thỉnh thoảng, trong những lúc căng thẳng, một người lớn quay sang người kia và nói: “Đừng cư xử như trẻ con nữa.” Hoặc “Hãy hành xử đúng tuổi đi.” Câu nói ấy không chỉ là vô lễ (dù đôi khi là vậy). Nhìn một cách bao dung, những lời này nhắc đến một hiện tượng có thật mà chúng ta không mấy nhận ra. Khi đối diện với một số thử thách, ta bất giác quay về thời thơ bé, để lại phía sau các đức tính trưởng thành như lý trí, bình tĩnh, kiên nhẫn và sự hiểu biết, và nhanh chóng trượt vào trạng thái của trẻ con: hoảng loạn, tức giận, tuyệt vọng, sợ hãi và vội vàng làm vui lòng người khác.
Những khoảnh khắc khiến ta trở lại thời thơ bé chính là chiếc chìa khóa dẫn đến các tổn thương của riêng mỗi người. Nói rộng ra, ta trở lại tuổi thơ mỗi khi gặp phải tình huống nào đó hiện tại có nét giống với những gì đã từng xảy ra trong quá khứ và khiến ta hoang mang, đau khổ hoặc sợ hãi tột cùng. Những sự kiện ấy đã không được ai dạy ta cách đối diện một cách trưởng thành và đầy bao dung với bản thân, và đã từng làm ta hoảng sợ đến thẫn thờ. Nói cách khác, khi chạm đến tiếng vọng của một chấn thương cũ, ta bị đưa về quá khứ.
Lý do ta hành xử như trẻ con là vì những tổn thương đó đã chặn đứng sự trưởng thành của ta tại một điểm nào đó trong tuổi thơ. Một phần trong ta sẽ mãi mắc kẹt ở độ tuổi mà mình từng bị tổn thương nặng nề. Vậy nên dù ta có thể đã 28 hay 72 tuổi, ta vẫn sẽ – khi đối diện với tình huống “gây kích động” nhất định – hành xử giống hệt đứa trẻ 3 hay 5 tuổi từng khiếp sợ, bối rối và xấu hổ ngày nào. Ta mang vào những thử thách hôm nay tất cả giận dữ, buồn bã, hoảng loạn và rối loạn mà ta từng trải qua, nhưng có thể lại không hề nhận thức rằng mình đang làm vậy. Vì thế ta không thể ngăn chặn hay cảnh báo cho người khác về rắc rối của mình. Trong tâm trí ta chẳng có chiếc chuông nào reo lên để báo rằng: “Bây giờ bạn từ 32 tuổi đã chuyển thành 2 tuổi.” Sự chuyển biến này diễn ra chỉ trong tích tắc, và cần nhiều năm trị liệu và tự khám phá bản thân để ta nhận ra sự thay đổi đó và tìm cách giảm thiểu thiệt hại.
Để đoán được những tổn thương gốc rễ của mình, chúng ta chỉ cần xem xét những tình huống khiến mình cảm thấy kích động và suy ngẫm từ đó. Hãy tưởng tượng ta cảm thấy cực kỳ căng thẳng khi gặp khó khăn tại trạm kiểm soát hộ chiếu với một nhân viên nghiêm khắc, hoặc khi vướng vào tranh chấp với hàng xóm vì họ đe dọa kiện vì cây nhà mình che khuất tầm nhìn của họ. Khi gạt bỏ những chi tiết vụn vặt của tình huống, ta có thể thấy được cấu trúc cốt lõi và tự hỏi: có phải một người đàn ông quyền lực đang đe dọa ta? Điều này có gợi nhắc gì trong quá khứ không? Hoặc: ta đang bất ngờ bị buộc tội vì một điều gì đó “sai trái” mà ta không hề hay biết, và hậu quả có vẻ nặng nề. Nghe quen thuộc chăng?
Những ký ức dần trở lại. Vị nhân viên kiểm soát hộ chiếu nghiêm nghị kia có thể rất giống người cha nghiêm khắc đã từng khiến ta kinh hãi. Hoặc cuộc tranh chấp pháp lý lại gợi lên nỗi kinh hoàng của những lần bị bắt nạt ở trường.
Sự nhẹ nhõm bắt đầu khi ta ý thức rõ hơn về những lần thoái lui tự động của mình. Khi gặp một khủng hoảng nào đó, ta nên nhận thấy mình rơi xuyên qua “các tầng” trưởng thành nhanh đến mức nào, rơi mười, hai mươi hay bốn mươi năm xuống “tầng hầm trẻ thơ.” Một phần trong ta cần giữ vững phần còn lại, nhận ra lỗ hổng do sự kiện kích động gây ra – và đảm bảo rằng ta bước cẩn thận vòng qua nó, chọn ngồi xuống một góc an toàn trong căn phòng và chờ đợi lý trí hàn gắn.
Ta cần nói với bản thân, bằng giọng điềm tĩnh và uy nghiêm của người lớn dạy dỗ trẻ con: “Đây không phải là ông bố đáng sợ mà ta đang nói chuyện, mà chỉ là một nhân viên nhập cảnh cứng nhắc, buồn tẻ, và ta lớn hơn họ đến cả chục tuổi, có quyền nhờ luật sư, bạn bè và một đầu óc minh mẫn giúp đỡ.” Hoặc: “Người hàng xóm này cực kỳ phiền phức nhưng ta đâu còn là đứa trẻ bảy tuổi rưỡi, và họ cũng chẳng thể hùa nhau khiến cuộc sống của ta khốn khổ trong ba năm, vì ta là một người lớn, có người thương yêu và khả năng lý luận.”
Ta thường ngại việc vỗ về bản thân, không dám chấp nhận rằng đôi khi, ta thật sự có thể quay lại thành phiên bản non nớt, hoảng hốt và thiếu quan điểm của chính mình ngày xưa. Chỉ khi dám chấp nhận điều này, ta mới có thể bắt đầu nhận ra sự tổn thương và những phản ứng đầy ám ảnh mà mình vẫn dựa vào, rồi dần thiết lập những cách đối phó phù hợp và tự bảo vệ hơn. Các “tầng” trong tâm trí có thể dễ dàng sụp đổ khi gặp áp lực; nhận biết rủi ro ấy chính là hơn nửa chặng đường đến giải pháp.
Nguồn: WHY ADULTS OFTEN BEHAVE LIKE CHILDREN - The School Of Life