Vì sao những đứa trẻ bị ngược đãi lại ghét bản thân?

vi-sao-nhung-dua-tre-bi-nguoc-dai-lai-ghet-ban-than

Không có gì đau lòng hơn trong cuộc đời này bằng việc một đứa trẻ bị chính cha mẹ mình ngược đãi. Một sinh linh bé nhỏ được đưa đến thế gian trong trạng thái hoàn toàn yếu ớt, không thể tự bảo vệ,

Không có gì đau lòng hơn trong cuộc đời này bằng việc một đứa trẻ bị chính cha mẹ mình ngược đãi. Một sinh linh bé nhỏ được đưa đến thế gian trong trạng thái hoàn toàn yếu ớt, không thể tự bảo vệ, lại bị chính những người mà nó tìm đến để che chở và dạy dỗ tàn nhẫn hành hạ – đó là một bi kịch kinh hoàng và đáng ghê sợ.

Người giúp ta hiểu rõ hơn cách một đứa trẻ phản ứng trước sự ngược đãi này là Ronald Fairbairn, một nhà phân tâm học người Scotland ở thế kỷ 20, tuy ít được biết đến nhưng lại vô cùng sâu sắc. Fairbairn từng chia sẻ rất chân thành lý do ông đến với phân tâm học: ông không ổn. Ông có một mối quan hệ tồi tệ với mẹ mình, một cuộc hôn nhân lạnh lẽo, và mang trong mình nhiều nỗi lo âu, sợ hãi. Nhưng như chính ông nói: “Thật khó để tìm ra động lực nào thúc đẩy một người trưởng thành với bản ngã vững vàng và mạnh mẽ đi tìm kiếm liệu pháp phân tâm học.” Nói cách khác, chỉ những người thực sự gặp vấn đề tâm lý mới quan tâm đến phân tâm học và dám đắm mình vào một quá trình đào tạo đầy thử thách. Và điều đó không có gì sai, cũng không làm giảm giá trị của bất kỳ liệu pháp nào.

Photo by The New York Public Library on Unsplash

Fairbairn đã xây dựng quan điểm về cách nạn nhân của sự ngược đãi cha mẹ lý giải những gì xảy ra với họ trong thời gian ông làm bác sĩ tại Phòng khám Tâm lý Trẻ em thuộc Đại học Edinburgh vào cuối những năm 1930. Ở đó, ông gặp gỡ nhiều đứa trẻ bị đối xử tàn nhẫn trong chính ngôi nhà của mình. Điều khiến ông bị lay động sâu sắc là cách những đứa trẻ này nhìn nhận cha mẹ mình. Dù bị cha mẹ chế nhạo, đánh đập hay thậm chí lạm dụng tình dục, chúng không hề bày tỏ sự phẫn nộ hay lên án trong căn phòng tư vấn an toàn của bác sĩ. Ngược lại, những lời chúng nói ra thường tràn đầy sự ca ngợi về những người đã hủy hoại cuộc đời mình. Một người cha vũ phu được miêu tả là mạnh mẽ và quyết đoán; một người mẹ lạnh lùng và khinh thường lại được diễn giải thành hiền hậu và thông minh.

Thay vì hướng sự tiêu cực về phía cha mẹ, đứa trẻ dồn mọi cảm giác tồi tệ về chính mình. Chúng tự xem bản thân là kẻ tồi tệ, hư hỏng, xứng đáng bị trừng phạt. Fairbairn, bằng sự nhạy cảm và thấu cảm sâu sắc, đã nhận ra rằng một đứa trẻ bị ngược đãi không thể nghĩ tốt về mình, bởi sự thật đau đớn đến mức không thể chịu đựng nổi. Để có thể tiếp tục sống, tâm trí của chúng buộc phải bóp méo sự thật nhằm bảo vệ bản thân khỏi sự sụp đổ tinh thần.

Trong bài viết nổi tiếng nhất của mình, Sự Kìm Nén và Sự Trở Lại của Những Đối Tượng Tồi Tệ (1941), Fairbairn giải thích một cách thuyết phục về logic méo mó nhưng hoàn toàn dễ hiểu trong tâm trí của những đứa trẻ bị ngược đãi:

"Nếu một người trưởng thành mất đi một đối tượng quan trọng, họ vẫn còn những mối quan hệ khác để dựa vào, họ không đặt tất cả trứng vào một giỏ... Nhưng với một đứa trẻ, điều này là bất khả. Chúng không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hoặc từ chối đối tượng duy nhất của mình – và điều đó chẳng khác nào lựa chọn giữa sự sống và cái chết."

Đối với một đứa trẻ trong gia đình ngược đãi, chúng không có nơi nào để chạy trốn. Chúng không có cha mẹ khác, không có ai để nương tựa ngoài những người đang làm tổn thương mình. Nếu chúng mất niềm tin vào những người đó, sự sống của chúng coi như chấm dứt. Bởi vậy, chúng buộc phải "tái tạo" hình ảnh cha mẹ theo cách tích cực hơn, ngay cả khi điều đó đòi hỏi chúng phải đổ hết tội lỗi lên bản thân mình.

Fairbairn gọi cơ chế tâm lý này là “hàng rào đạo đức” (moral defence) – một cách để bảo vệ kẻ ngược đãi và trừng phạt chính mình vì những gì đã xảy ra. David Celani, một nhà trị liệu và tác giả người Mỹ, người diễn giải xuất sắc các lý thuyết của Fairbairn, đã mô tả rằng:

"Hàng rào đạo đức mang lại sự an ủi, bởi nó khiến đứa trẻ tin rằng mình đang được những đối tượng đáng yêu sửa chữa một cách hợp lý... Ảo tưởng rằng đứa trẻ vẫn gắn bó với những đối tượng tốt kéo dài hy vọng rằng nhu cầu phát triển chưa được đáp ứng của chúng vẫn có cơ hội được thỏa mãn, và cảm giác bị bỏ rơi sẽ không xảy ra."

Một trong những điểm đặc biệt ấn tượng về Ronald Fairbairn là ông vẫn giữ vững niềm tin tôn giáo trong suốt cuộc đời mình, điều mà rất ít nhân vật lớn trong ngành phân tâm học từng làm được. Nhưng thay vì trở thành một sự sao lãng, nền tảng thần học này lại giúp Fairbairn lý giải cách một đứa trẻ phản ứng trước sự ngược đãi dưới góc độ của niềm tin. Trong một câu nói đầy ấn tượng, ông viết: "Thà làm kẻ tội lỗi trong một thế giới được cai trị bởi Chúa, còn hơn sống trong một thế giới do quỷ dữ thống trị."

Với Fairbairn, điều này có nghĩa là đứa trẻ thà tin rằng mình đang sống trong một thế giới có trật tự đạo đức, nơi mà nó đã phạm lỗi và đáng bị trừng phạt, nhưng các nhân vật có quyền lực trong đời vẫn là những người đáng kính trọng. Như ông giải thích: "Một kẻ tội lỗi trong thế giới của Chúa có thể xấu xa, nhưng vẫn luôn có cảm giác an toàn nhờ vào niềm tin rằng thế giới xung quanh là tốt lành... và luôn tồn tại hy vọng được cứu rỗi."

Ta không khỏi rùng mình khi nghĩ đến nỗi đau buộc một đứa trẻ phải vận dụng thứ logic tinh thần méo mó đến như vậy để có thể tiếp tục sống.

Fairbairn tin rằng nhiệm vụ của nhà tâm lý học đối với một đứa trẻ bị ngược đãi và mắc kẹt trong “hàng rào đạo đức”có thể được tóm gọn trong một câu tuy bí ẩn nhưng rất đỗi sâu sắc: “Nhà trị liệu tâm lý chính là người kế thừa chân chính của pháp sư trừ tà, bởi họ không chỉ quan tâm đến việc ‘tha thứ tội lỗi,’ mà còn đến cả việc ‘xua đuổi quỷ dữ.’”

Vậy Fairbairn muốn nói điều gì? Câu trả lời dẫn ta đến cốt lõi trong những đóng góp của ông đối với lĩnh vực phân tâm học, đặc biệt là lý thuyết về mối quan hệ đối tượng (object relations). Theo Fairbairn, những hình ảnh cha mẹ ngược đãi – mà ông gọi là “đối tượng xấu” – sẽ bị nội hóa (internalised) vào tâm trí đứa trẻ, nghĩa là chúng không chỉ tiếp nhận hành vi bạo lực của cha mẹ mà còn biến chính mình thành đối tượng xấu trong mắt bản thân. Tất cả sự bạo hành mà đứa trẻ phải chịu đựng sẽ đọng lại trong tâm hồn, tô màu cho thế giới nội tâm của chúng bằng bóng tối và đau đớn.

Cách chúng nhìn nhận bản thân chỉ là phản chiếu của cách cha mẹ từng đối xử với chúng. Cảm giác về chính mình – được hình thành từ những thông điệp mà cha mẹ truyền vào – trở thành một bức tranh đầy đau khổ, tự trách móc, và thậm chí là xu hướng hành hạ bản thân.

Đi ngược lại nhiều quan điểm phân tâm học thời bấy giờ, Fairbairn đề xuất rằng công cụ quan trọng nhất để “xua đuổi quỷ dữ” ra khỏi tâm trí người bệnh không phải là sự phân tích sâu xa, mà là một điều giản dị: sự tử tế. Ông tin rằng khi người bệnh cảm nhận được sự tử tế và đồng cảm đặc biệt từ nhà trị liệu, họ sẽ dần buông bỏ “hàng rào đạo đức”và không còn nghĩ cha mẹ mình quá tốt đẹp, cũng như thôi tự xem mình là kẻ tội lỗi.

Thông qua tình yêu thương và sự hiểu biết, họ có thể bắt đầu đứng về phía bản thân mình nhiều hơn, và bớt đứng về phía những kẻ đã làm tổn thương họ. Nhờ vậy, họ có thể cứu rỗi chính cuộc đời mình.

Fairbairn từng điều trị cho một bệnh nhân tên Annabel, người mắc chứng sợ lái xe. Mỗi lần ngồi sau tay lái, Annabel kinh hoàng với ý nghĩ mình có thể vô tình gây tai nạn và bỏ lại hàng loạt thi thể phía sau. Nỗi sợ hãi lớn đến mức cô phải dừng xe giữa đường và bỏ về nhà. Qua các buổi trị liệu với Fairbairn, Annabel dần nhận ra rằng nỗi ám ảnh này bắt nguồn từ cơn giận dữ bị đè nén dành cho cha mình – một người đàn ông bề ngoài rất đáng kính trọng và thành đạt nhưng lại từng có hành vi loạn luân với cô khi còn nhỏ.

Ý thức của Annabel chỉ lưu giữ những cảm xúc tích cực về cha mình, nhưng trong tiềm thức, mọi thứ lại phức tạp hơn nhiều. Không thể đối diện với sự bất công và suy đồi của cha, Annabel quay sang sợ chính mình – không chỉ khi lái xe mà còn trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Fairbairn nhận thấy rằng rất nhiều bệnh nhân của ông mắc những triệu chứng tương tự, bắt nguồn từ những ước muốn loạn luân của người cha mà họ không thể hiểu hay đối mặt, và cuối cùng biến thành sự tự căm ghét và hoang tưởng.

Fairbairn đã đưa ra một phân tích sắc sảo về hoang tưởng: thế giới sẽ trở nên đầy rẫy hiểm họa khi chúng ta không thể nhận diện và trả lại những hành vi bạo lực, tàn nhẫn mà mình từng là nạn nhân.

Photo by Boston Public Library on Unsplash

Chúng ta nghe rất nhiều về những người đòi hỏi quá đáng, chiếm nhiều hơn phần mình đáng có và gây bất công cho người khác. Nhưng điều ít được nhắc đến hơn là những người chịu đựng một vấn đề hoàn toàn ngược lại: họ không có đủ can đảm để đứng lên chống lại những kẻ đã làm tổn thương mình và không thể tưởng tượng rằng ai đó khác ngoài chính mình có thể là thủ phạm của sự bất công.

Đôi khi, để “trừ quỷ” ra khỏi tâm trí mình, ta cần sự giúp đỡ để nhận diện những “con quỷ” thực sự – hay chính xác hơn, những cá nhân đầy bệnh hoạn – ngay trong gia đình mình. Và đối với điều này, Ronald Fairbairn là một người dẫn đường đầy thấu hiểu và đáng tin cậy.

Nguồn: WHY ABUSED CHILDREN END UP HATING THEMSELVES – The School Of Life

menu
menu