Học cách cảm nhận những gì ta thật sự cảm nhận
Sức khỏe tinh thần thực chất là kết quả của một quá trình nghe qua thì tưởng chừng đơn giản đến ngớ ngẩn, nhưng trên thực tế lại vô cùng phức tạp và đầy khiêm nhường
Sức khỏe tinh thần thực chất là kết quả của một quá trình nghe qua thì tưởng chừng đơn giản đến ngớ ngẩn, nhưng trên thực tế lại vô cùng phức tạp và đầy khiêm nhường: cảm nhận những gì ta thật sự cảm nhận, càng gần với khoảnh khắc nó xảy ra càng tốt – và sau đó có thể diễn đạt trạng thái ấy, dù là với chính mình hay với người khác, mà không thấy xấu hổ hay bóp méo sự thật.
Theo cách hiểu này, nếu ai đó làm ta tức giận, ta sẽ lập tức nhận ra sự thất vọng của mình vì cảm giác bị phụ bạc; ta có thể ý thức và không sợ hãi trước cơn giận dữ của chính mình. Nếu một người thân thiết bắt nạt ta, ta sẽ nhận ra rằng kỳ vọng của mình đã bị phản bội, rằng người mà ta yêu thương không phải là người mà ta cần họ phải là.
William Kurelek, The Maze, 1953
Một tâm trí được xem là “cân bằng” là tâm trí có khả năng giảm thiểu khoảng cách giữa cảm xúc mà nó đang trải qua và nhận thức của nó về cảm xúc ấy, giữa những cảm xúc tràn ngập trong tâm hồn và những gì ý thức có thể ghi nhận được.
Thật không may, sự hòa hợp này không phải là điều hiển nhiên hay được đảm bảo. Đó thường là thành quả của cả một đời khám phá nội tâm gian nan và gián đoạn, hơn là một phản ứng tự nhiên. Bản năng đầu tiên của ta không phải là trải nghiệm cuộc sống mà ta đang sống. Tâm trí tự nhiên có xu hướng không cảm nhận, không nhận thức, chai sạn và xa lạ với chính mình, hướng tới sự phân ly mạnh mẽ giữa cảm giác và hiểu biết.
Xu hướng này không khó để lý giải. Ta né tránh cảm nhận bởi vì bản chất những gì ta phải đối mặt thường quá đau đớn, khó chịu và xúc phạm. Ta đánh mất kết nối với cảm xúc để tránh phải đối diện với sự bi kịch trần trụi của cuộc đời.
Người ta mà ta yêu thương hết mực lại không đáp lại tình cảm của ta; ta mới chỉ ba tuổi rưỡi và chuyện này xảy ra mỗi đêm. Ta tiếp tục nghĩ rằng họ là người tốt, và chắc chắn, vấn đề nằm ở chỗ ta là người xấu.
Người ta đang yêu làm tổn thương ta qua sự thờ ơ và thiếu cam kết. Ta không cảm nhận gì và vẫn ở lại, bởi từ lâu ta đã được dạy rằng người tốt không nên giận dữ.
Ta chịu một tổn thất khủng khiếp trong tình yêu, nhưng lại không nhận ra, vì ta đã quyết định từ nhiều năm trước rằng sẽ không có gì có thể chạm đến ta được nữa.
Ta đã trải qua một nỗi sợ hãi lớn, nhưng không nhận thấy, bởi vì người mạnh mẽ không được phép sợ hãi.
Ta khao khát được yếu đuối và phụ thuộc, nhưng bởi ta không còn là trẻ con nữa, nên thay vào đó, ta chỉ cáu kỉnh và lao đầu vào công việc.
Hóa ra, ta giận dữ hơn, buồn bã hơn, ngây thơ hơn, dễ khóc hơn, lý tưởng hơn, hy vọng hơn và phụ thuộc hơn những gì ta từng biết cách thể hiện.
Nền giáo dục của ta cũng góp phần vào điều này. Một đứa trẻ có thể nhận rất nhiều tín hiệu từ môi trường xung quanh về những gì mà nó “được phép” cảm nhận. Những phản ứng thật của nó nhanh chóng biến mất trước những lời nhắc nhở như: “Con trai lớn không được nói thế” hay “Con gái ngoan không được rên rỉ như vậy.” Chỉ cần vài lời nói nhẹ nhàng cũng đủ khiến ta khép mình lại: “Đừng ngớ ngẩn thế, con biết là con yêu ông ấy mà, ông ấy là cha con đấy!” Và ta còn có thể nói gì khác?
Ta bị bao quanh bởi những nhắc nhở ngấm ngầm nhưng đầy áp lực về những gì “bình thường” yêu cầu. Những người tốt, lý trí không cảm thấy đau buồn tột độ vì những chuyện đã xảy ra hàng thập kỷ trước, cũng không có những xu hướng tính dục phức tạp và bất ngờ, hay nuôi dưỡng những cảm xúc mâu thuẫn sâu sắc đối với những người thân thiết bên mình. Ta chịu đựng áp lực của những chuẩn mực sức khỏe tinh thần được gán ghép, đến mức bị bóp méo thành bệnh tật. Ở mức độ nhẹ, ta mất đi sự sáng tạo và sức sống. Ở mức độ nặng hơn, ta bị bủa vây bởi hoang tưởng, tuyệt vọng, bệnh tật thể chất và lo âu triền miên.
Hành trình tìm kiếm sự cân bằng tinh thần đòi hỏi ta phải đưa những cảm xúc đã lạc lối trở về đúng nơi chúng thuộc về, hồi hương những cảm xúc bị lưu đày, và học cách trở thành phiên bản đầy đủ hơn của chính mình.
Nguồn: LEARNING TO FEEL WHAT WE REALLY FEEL - The School Of Life