Bài học từ những nuối tiếc

bai-hoc-tu-nhung-nuoi-tiec

Một phần nỗi đau khi lớn lên là nhận ra có những khoảnh khắc ta đã hiểu lầm bản thân mình sâu sắc đến mức nào, nhận ra cái giá của việc thiếu hiểu biết về chính mình

Một phần nỗi đau khi lớn lên là nhận ra có những khoảnh khắc ta đã hiểu lầm bản thân mình sâu sắc đến mức nào, nhận ra cái giá của việc thiếu hiểu biết về chính mình, và ước ao giá mà có một cỗ máy thời gian để quay lại, sửa chữa những sai lầm ấy.

Vì năm bảy tuổi, ta nào biết cách đứng lên đối mặt với người lớn, nên đã để một người thân yêu vô tình dẫm đạp lên cảm xúc của mình. Sau đó, ta trưởng thành trong vai trò của kẻ dễ bị bắt nạt, mang vết thương ấy suốt nhiều năm.

Vì năm mười bảy tuổi, ta mông lung với giá trị của mình, chẳng thể thu hút được người mình thích, để rồi bỏ lỡ những năm tháng đáng lẽ tràn đầy tình yêu và tự tin, chỉ còn lại cô đơn và tự ghét bỏ bản thân.

Vì năm ba mươi tuổi, ta chưa hiểu rằng gu tình cảm của mình bị ảnh hưởng từ quá khứ gia đình, nên đã lao vào một mối quan hệ không suy xét kỹ lưỡng, khiến không chỉ một mà nhiều cuộc đời bị tổn thương.

Những câu trả lời đúng đắn, khi cuối cùng ta tìm thấy, lại đơn giản đến mức… ngớ ngẩn. Nhưng không phải cứ đơn giản là tầm thường. Một chiếc ốc vít nhỏ thiếu đi có thể làm cả chiếc máy bay 55 tấn lao xuống đất. Chúng ta có thể nhận ra – đáng tiếc là thường đã quá muộn – rằng mình cần phải tin tưởng vào chính mình, vượt qua sự kiêu kỳ của cha mẹ, điều chỉnh những hình ảnh méo mó về quyền uy, ngừng bận tâm về ý kiến của người khác, sống theo giá trị của bản thân và được tự do.

Giá mà ta có thể hạ cỗ máy thời gian lộng lẫy xuống bên cạnh bản thân mình ngày xưa và thì thầm đôi lời khuyên nhủ: có lẽ ta đã rời khỏi nhà với niềm kiêu hãnh nguyên vẹn, đã có được tình yêu mà mình khát khao, đã tự cứu mình khỏi những đắng cay trong tình cảm. Đó là ước mơ đầy cám dỗ, không lạ gì khi ta thường thức khuya, ngồi mơ mộng về việc quay ngược thời gian với tất cả những bài học đã học được.

Nhưng việc không đón nhận những bài học quan trọng không phải chỉ là sự thiếu sót ngẫu nhiên. Những bài học khôn ngoan ấy đã luôn quanh ta, nhưng ta chưa sẵn sàng. Sự vô tâm ấy không phải là một sự vô tình. Nếu ai đó từng gợi ý đi gặp nhà trị liệu tâm lý ở tuổi mười bảy, ta có lẽ đã cười khẩy mà từ chối. Có thể ta sẽ coi trí tuệ cảm xúc là "mớ lý thuyết tâm lý rỗng tuếch." Ta từng dính chặt với những "căn bệnh" của mình.

Có lẽ ta nên tử tế hơn với bản thân bằng cách nhận ra rằng những bước tiến về cảm xúc không dễ dàng như ta tưởng. Chúng nghe có vẻ đơn giản khi nói ra, nhưng không có gì dễ dàng trong việc sửa chữa tâm lý. Đó có thể là công việc của cả một đời, và là thành tựu mà ta tự hào nhất, để một ngày nào đó có thể cảm thấy thực sự bình yên với chính mình, không còn sợ hãi vô cớ, hài lòng với sự nghiệp, và nắm tay một người tử tế, thông minh, yêu mình và mình cũng yêu họ. Điều đó nhìn bề ngoài có thể tưởng như đơn giản; nhưng thực tế, chẳng có gì phức tạp hơn thế trên đời.

Nguồn: WHAT REGRET CAN TEACH US – The School Of Life

menu
menu