Vì sao những mối quan hệ lúc tan lúc hợp lại gây căng thẳng đến vậy

vi-sao-nhung-moi-quan-he-luc-tan-luc-hop-lai-gay-cang-thang-den-vay

Khám phá mới về vòng lặp chia tay – tái hợp trong tình yêu

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Việc trải qua một hoặc nhiều lần chia tay rồi quay lại với người yêu được gọi là “vòng lặp trong tình yêu.”
  • Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những mối quan hệ kiểu này gắn liền với sự gia tăng các triệu chứng lo âu và trầm cảm.
  • Càng chia tay rồi tái hợp nhiều lần, người ta càng phải đối diện với nhiều khủng hoảng về mặt tâm lý.

Những người từng chia tay rồi quay lại với người yêu một hoặc nhiều lần thường được gọi là đang ở trong một mối quan hệ “lúc tan lúc hợp” (hay còn gọi là “mối quan hệ bật-tắt”). Kiểu quan hệ với vòng lặp chia tay – tái hợp này có liên quan mật thiết đến những xáo trộn tâm lý như lo âu và trầm cảm. Theo một nghiên cứu mới của nhóm tác giả Monk và cộng sự, được công bố trong số tháng Tư của tạp chí Family Relations, số lần chia tay và quay lại càng nhiều, cảm giác căng thẳng và tổn thương tinh thần càng lớn.

Hãy cùng xem xét chi tiết nghiên cứu này.

Source: LightField Studios/Shutterstock

Tìm hiểu sức khỏe tinh thần và mối quan hệ lúc tan lúc hợp

Mẫu khảo sát: 545 người ở giai đoạn đầu (đợt 1); 59% là nữ và 38% là nam; độ tuổi trung bình là 35; 87% là người da trắng; 49% đã kết hôn, 23% đang hẹn hò; 21% là người đồng tính nam và 19% là người đồng tính nữ; 51% đang yêu người cùng giới; 80% sống chung với bạn đời; thời gian yêu trung bình là 7 năm; 42% đã có con.

Dữ liệu được thu thập tại bốn thời điểm trong hai năm 2015 và 2016. Tại đợt khảo sát đầu tiên, số người tham gia là 545; đến các đợt tiếp theo lần lượt là 443, 407 và 358.

Công cụ đo lường:

  • Căng thẳng tâm lý: Các triệu chứng lo âu và trầm cảm được đánh giá qua thang đo PHQ-4 và PHQ-8.
  • Vòng lặp trong mối quan hệ: Người tham gia được hỏi liệu họ từng chia tay rồi quay lại với người yêu hiện tại chưa, và nếu có thì là bao nhiêu lần.
  • Loại hình quan hệ: Quan hệ đồng giới hay khác giới.
  • Bạo lực trong mối quan hệ: Dựa trên các câu hỏi trong thang đo Revised Conflict Tactics Scale (ví dụ: “Bạn đời tôi đã từng đấm hoặc đánh tôi bằng vật có thể gây thương tích”).
  • Mức độ hài lòng trong mối quan hệ: Đo bằng thang Couple Satisfaction Index (ví dụ: “Tôi có một mối quan hệ ấm áp và dễ chịu với bạn đời”).
  • Sự bất định trong mối quan hệ: Được đánh giá bằng một tiểu thang đo trong Relational Uncertainty Scale (ví dụ: “Bạn có chắc chắn về cách cư xử của mình khi ở bên bạn đời không?”)

Mối quan hệ lúc tan lúc hợp và sự tổn thương tinh thần

Phân tích dữ liệu cho thấy, vòng lặp chia tay - tái hợp có liên quan rõ rệt đến các triệu chứng lo âu và trầm cảm.
Cụ thể, những người nhiều lần chia tay rồi quay lại với người yêu cho biết họ “trải qua nhiều biểu hiện căng thẳng tinh thần hơn trong suốt 15 tháng theo dõi.” Điều này gợi ý rằng, “càng chia tay và tái hợp thường xuyên, người tham gia càng ghi nhận nhiều dấu hiệu tổn thương về mặt tinh thần, cả tại thời điểm bắt đầu và trong suốt thời gian nghiên cứu.”

Mối liên hệ giữa sự căng thẳng và vòng lặp tình cảm này vẫn tồn tại ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố như cảm giác bất định trong tình yêu, tiền sử bạo lực trong mối quan hệ, và mức độ hài lòng trong mối quan hệ.

Vậy vì sao những mối quan hệ lúc hợp lúc tan lại dễ khiến người ta mệt mỏi đến vậy? Có thể bởi vì chúng làm gia tăng số lần “chuyển trạng thái” trong mối quan hệ, những thời điểm bất ổn chen vào giữa các giai đoạn yên ổn, khiến cả hai phải thích nghi với những vai trò, bản dạng, hoàn cảnh thay đổi liên tục.

Những biến động như vậy có thể làm tổn hại đến mối liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai người, khiến người ta bắt đầu nhìn đối phương như một chướng ngại cản trở mục tiêu cá nhân, thay vì là người đồng hành hỗ trợ. Từ đó, dễ nảy sinh cảm giác bất an (về mối quan hệ hoặc về vai trò của người bạn đời), kéo theo sự bất ổn trong tình yêu.

Do tác động của vòng lặp chia tay – tái hợp, các cặp đôi thường trở nên cảnh giác cao độ với mối quan hệ của mình, phản ứng quá mức với những sự việc vốn rất bình thường, và dần rơi vào trạng thái lên xuống thất thường trong cảm xúc dành cho nhau.

Ngay cả khi vẫn yêu cùng một người, việc liên tục chuyển đổi giữa “gắn bó” và “xa cách” có thể khiến nhịp sống hàng ngày bị đảo lộn, tạo nên cảm giác đứt đoạn. Thực tế, lý do khiến nhiều cặp đôi quyết định quay lại với nhau thường bao gồm cảm giác day dứt chưa dứt được tình cảm, những ràng buộc tài chính, hoặc các yếu tố không thể dễ dàng cắt đứt.

Điều rút ra

Nghiên cứu cho thấy, “vòng lặp trong tình yêu không chỉ gắn liền với sự tổn thương tinh thần ngay từ đầu, mà còn làm mức độ tổn thương ấy tăng lên theo thời gian.” Thật vậy, “càng chia tay – tái hợp nhiều lần, người ta càng phải đối mặt với nhiều biểu hiện căng thẳng và mệt mỏi.”

Vì thế, nếu bạn đang nghĩ đến việc chia tay hay quay lại với người yêu, hãy nhớ rằng những lần chuyển biến như vậy có thể làm giảm sự hài lòng trong tình yêu, gây rối loạn tâm trí, và mang lại cảm giác hỗn loạn, bất ổn, nghi ngờ, khiến kế hoạch tương lai, thói quen hằng ngày hay mục tiêu cá nhân bị ảnh hưởng đáng kể.

Sự tổn thương ấy, nếu kéo dài, có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, trong khi một mối quan hệ lành mạnh, nhất là một cuộc hôn nhân tốt đẹp, lại có thể tác động tích cực lên cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Vì vậy, so với việc cứ liên tục bước vào rồi lại rút ra khỏi mối quan hệ, có lẽ lựa chọn tốt hơn là: hoặc chấm dứt dứt khoát, hoặc chỉ ở lại nếu thật sự có khả năng làm cho mối quan hệ trở nên ổn định và vững vàng.

Nếu bạn cảm thấy không thể tự mình giải quyết được nguyên nhân gây ra vòng lặp tình cảm, nhất là trong những trường hợp nghiêm trọng liên quan đến bạo lực thể xác, tổn thương tinh thần hay lạm dụng tình dục, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia, dù là tư vấn tâm lý cá nhân hay trị liệu dành cho các cặp đôi (liệu pháp hôn nhân).

Nguồn: Why On-Again, Off-Again Relationships Are So Stressful | Psychology Today

menu
menu