Vì sao nội lực tinh thần không đồng nghĩa với sức khỏe tinh thần

vi-sao-noi-luc-tinh-than-khong-dong-nghia-voi-suc-khoe-tinh-than

Đừng để những thử thách khiến bạn nghi ngờ sức mạnh của chính mình.

Bạn có thấy mình trong những dòng này không?

Bạn là người đáng tin cậy, cư xử đúng mực, thành thạo những kỹ năng xã hội cơ bản. Bạn kiên trì, dẻo dai, luôn hoàn thành các dự án khó nhằn và không trễ hạn. Bạn bè tìm đến bạn để xin lời khuyên. Bạn có thể xử lý những tình huống xã hội ngượng ngập một cách khéo léo.

Thế nhưng, tất cả những kỹ năng và phẩm chất đó lại không đủ để bảo vệ bạn khỏi những cơn sóng ngầm của sức khỏe tinh thần.

Một sự kiện lớn, chẳng hạn như nhận đánh giá tiêu cực sau nhiều năm được khen ngợi, có thể khiến bạn trăn trở, lo lắng hàng tuần liền. Thậm chí cả những chuyện nhỏ nhặt — như bị bỏ tên ra khỏi một chuỗi email liên quan đến dự án mình đang làm, hay nghe một phụ huynh nhắc đến một lớp học thêm mà bạn chưa từng nghĩ đến cho con mình — cũng đủ khiến bạn bắt đầu nghi ngờ chính mình.

Đó chính là nghịch lý mà nhiều người thành công thường gặp: có nội lực tinh thần không đồng nghĩa với có sức khỏe tinh thần.

Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt này, và học cách nuôi dưỡng cả hai, ta hãy cùng bóc tách những điểm khác biệt thường bị bỏ qua giữa nội lực tinh thầnsức khỏe tinh thần.

Source: Adam Winger/Unsplash

Gặp khó khăn về tinh thần không có nghĩa là bạn yếu đuối

Dưới đây là năm điểm khác biệt bạn nên ghi nhớ:

1. Nội lực tinh thần có thể che giấu những tổn thương bên trong

Một người có thể trông rất kiên cường, và thật sự là vậy, trong khi bên trong lại đang chật vật với những cơn sóng cảm xúc âm thầm. Điều này khiến họ khó nhận ra mình đang cần được giúp đỡ.

Trên thực tế, có một khoảng cách rất dài giữa lúc con người bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn như lo âu, hoảng loạn… và lúc họ tìm đến trị liệu. Khoảng cách ấy thường là nhiều năm, chứ không chỉ tính bằng tuần hay tháng.

Việc phải giả vờ rằng mình ổn khi bên trong không hề như vậy, thực sự rất hao tổn. Nó khiến trải nghiệm khủng hoảng trở nên mệt mỏi gấp đôi.

Hãy tưởng tượng một vận động viên chuyên nghiệp, ngày ngày tập luyện cật lực nhưng lại giấu nhẹm những tổn thương cảm xúc hay cơn kiệt sức tích tụ khỏi huấn luyện viên. Cuối cùng, sức nặng ấy sẽ ập tới, không thể trốn tránh.

Có người thậm chí xây dựng nên lớp áo giáp “siêu bền bỉ” như một cách kiểm soát hay đối phó với các vấn đề tâm lý sâu hơn — như một chiến lược sinh tồn — nhưng đồng thời cũng khiến họ khó bộc lộ thật lòng.

2. Xã hội khen ngợi nội lực, nhưng lại vô hình hóa những tổn thương tinh thần

Chúng ta sống trong một xã hội tôn vinh sự kiên cường và mạnh mẽ, nhưng thường lại lờ đi hoặc thậm chí kỳ thị những người đang vật lộn với vấn đề sức khỏe tinh thần.

Không ai nhìn thấy được khi bạn mắc kẹt trong những vòng xoáy suy nghĩ lo âu, tự trách mình, hay liên tục tua lại những cuộc trò chuyện trong đầu.

Đồng nghiệp không biết rằng bạn tỉnh dậy lúc 3 giờ sáng vì nghĩ đến bài đăng trên LinkedIn của người bạn đại học, khoe vừa được thăng chức. Những điều đó đều diễn ra trong im lặng.

3. Nội lực dễ tạo ảo tưởng về sự “bất khả chiến bại”

Người có nội lực mạnh thường đánh giá thấp khả năng mình cũng có thể bị tổn thương. Họ tin rằng chỉ cần mình đủ mạnh, thì sẽ miễn nhiễm với mọi nỗi đau tinh thần.

Chính niềm tin ấy khiến họ dễ bỏ qua các phương pháp chăm sóc bản thân đã được chứng minh hiệu quả, và dấn thân vào những giới hạn không lành mạnh.

Ví dụ, nhiều người xuất sắc lại sợ sự bao dung với bản thân, cho rằng điều đó sẽ khiến họ yếu đi, thiếu kỷ luật, mất động lực và trở nên lười biếng. Trong khi thực tế, lòng từ bi với chính mình lại là yếu tố thiết yếu để duy trì sức khỏe tinh thần vững vàng.

4. Sức khỏe tinh thần phản ứng nhanh với hoàn cảnh hơn nội lực tinh thần

Những biến cố tiêu cực trong đời có thể làm sức khỏe tinh thần sa sút một cách đột ngột, trong khi nội lực tinh thần lại được bồi đắp dần qua thời gian.

Chẳng hạn, bạn gặp thất bại công khai — một điều đi ngược lại với hình ảnh “người lớn vững vàng, có năng lực” mà bạn tin về mình — điều đó có thể khiến bạn mất thăng bằng sâu sắc.

Hoặc tưởng tượng một người bạn thân đột ngột cắt đứt quan hệ. Bạn ngỡ rằng cả hai vẫn thân thiết, nhưng sau chuyện này mới vỡ lẽ rằng họ thấy bạn quá “mãnh liệt” theo cách nào đó. Sự từ chối ấy, cộng thêm cảm giác mất niềm tin vào trực giác xã hội của bản thân, có thể kéo theo một chuỗi ngày tổn thương kéo dài hàng tháng.

5. Hai hành trình phát triển khác nhau

Nội lực là thứ ta rèn luyện dần dần, qua trải nghiệm, thử thách và tư duy cầu tiến. Trong khi đó, sức khỏe tinh thần lại vận hành theo kiểu từng đợt — lên rồi xuống, chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, áp lực bên ngoài và những đấu tranh nội tâm.

Chính vì vậy mà một người có vẻ rất mạnh mẽ vẫn có thể trải qua những giai đoạn khủng hoảng tâm lý sâu sắc.

Đừng để những trục trặc tinh thần khiến bạn nghi ngờ sức mạnh của chính mình

Điều quan trọng nhất cần nhớ: gặp khó khăn về tinh thần không đồng nghĩa với bạn không mạnh mẽ.

Thực ra, chúng ta cũng chẳng kỳ vọng những người dũng cảm và kỷ luật nhất — như vận động viên Olympic, lính cứu hỏa hay lính đặc nhiệm — sẽ có tỷ lệ mắc các vấn đề tâm lý thấp hơn phần còn lại của thế giới.

Để bạn vừa vững vàng với nội lực của mình, vừa chăm sóc tốt sức khỏe tinh thần, hãy thử những điều sau:

  • Buông bỏ cảm giác xấu hổ mỗi khi mình rơi vào vòng xoáy lo âu hay suy nghĩ tiêu cực.
  • Thử lòng nhân từ với bản thân mỗi khi thấy mình lo lắng — dù bạn sợ điều đó sẽ khiến mình yếu đuối.
  • Rèn sự linh hoạt trong tư duy — mạnh mẽ không đồng nghĩa với cứng nhắc. Biết thích nghi mới chính là chìa khóa giúp duy trì cả sức mạnh lẫn sức khỏe tinh thần.
  • Quản lý sức mạnh và sức khỏe tinh thần như hai thực thể song hành nhưng khác biệt. Ví dụ, khi phát triển bản thân, bạn có thể học cách đương đầu với thử thách để thành thạo kỹ năng mới. Còn khi chăm sóc tinh thần, bạn có thể rèn luyện các kỹ thuật kiểm soát suy nghĩ tiêu cực.
  • Nhận diện những điều dễ khiến bạn bị tổn thương, và chuẩn bị trước những cách ứng phó. Bạn có thể nhận ra rằng mình dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nơi làm việc, hay những lời chỉ trích từ mẹ. Hãy ghi nhớ điều này: khi một sự kiện kích hoạt vòng xoáy suy nghĩ, cường độ cảm xúc sẽ dần suy giảm theo thời gian. Bạn sẽ nghĩ về nó ít hơn mỗi ngày, khi đã có khoảng cách. Và trong lúc đó, hãy chăm sóc mình thật tử tế.

Cả nội lực lẫn sức khỏe tinh thần đều là nền tảng thiết yếu cho hiệu suất bền vững và một cuộc sống đủ đầy. Hiểu rõ sự khác biệt giữa hai điều này sẽ giúp bạn nuôi dưỡng chúng một cách hài hòa — tạo nên một hành trình sống bền vững và nhiều ý nghĩa hơn trước những thử thách không thể tránh khỏi của cuộc đời.

Nguồn: Why Mental Strength Doesn't Guarantee Mental Health | Psychology Today

menu
menu