Vì sao ta hành xử như vậy?

vi-sao-ta-hanh-xu-nhu-vay

những đặc điểm mà ta gọi là “tính cách” thực ra chính là bộ phẩm chất giúp mỗi loài có cơ hội phát triển tối ưu trong điều kiện sống đặc thù.

Một quy luật tự nhiên chi phối thế giới muôn loài là động vật thích nghi để tồn tại tốt nhất trong môi trường của chúng; những đặc điểm mà ta gọi là “tính cách” thực ra chính là bộ phẩm chất giúp mỗi loài có cơ hội phát triển tối ưu trong điều kiện sống đặc thù. Chẳng hạn, loài cú thường lén lút và hoạt động về đêm, giúp chúng sinh tồn ở nơi đông đúc và khan hiếm nguồn thức ăn. Bọ que lại hiền lành, biết lẩn vào các cành cây và bụi rậm, tránh sự chú ý của chuột và nhện. Chó hoang châu Phi sống có thứ bậc, phối hợp chặt chẽ để dễ dàng săn mồi, ví dụ như linh dương hay hươu cao cổ.

Và con người chúng ta, dưới lớp vỏ văn minh, thực ra cũng chẳng khác biệt là mấy. Ta cũng phải điều chỉnh tính cách của mình để phù hợp với "môi trường sống" đặc thù, nhưng khác là môi trường ấy không phải là góc rừng hay đồng cỏ mà chính là gia đình nơi ta sinh ra. Cũng giống như các loài khác, ta chào đời yếu ớt và phải học cách thích nghi với những hoàn cảnh riêng biệt để tồn tại.

Samuel Lucas, Evening Landscape with Owls, 1853

Trong một số gia đình, đứa trẻ – với bản năng nhạy cảm của mình – sẽ nhanh chóng nhận ra rằng muốn được yên ổn thì phải giữ im lặng, không bao giờ được "đụng chạm" đến những người có quyền uy trong nhà. Còn ở gia đình khác, có lẽ đứa trẻ sẽ sớm hiểu ra rằng mình phải thật hài hước, khuấy động không khí nếu muốn được chú ý. Thậm chí, ở nơi khác, trẻ con lại thấy rằng mình phải quậy phá, gây rắc rối mới mong nhận được chút quan tâm.

Hiểu thuyết này có thể giúp ta dễ dàng cảm thông hơn với những người có hành vi khó hiểu hay khiến ta phát bực. Tại sao có người lại hay nói dối? Vì sao có người không thể ấm áp tình cảm? Có thể câu trả lời nằm ở những chiến lược thích nghi mà họ phải phát triển để sinh tồn trong "môi trường sống" thời thơ ấu của mình: né tránh sự thật có thể là cách duy nhất khi phải sống cùng người nóng nảy, không khoan dung; còn việc tỏ ra lạnh lùng, dè dặt có thể là cách thông minh để đối phó khi phải chịu cảnh cha mẹ lúc gần lúc xa, khi yêu thương khi hững hờ.

Điều khiến cuộc sống của con người, cũng như các loài động vật, trở nên phức tạp chính là môi trường sống luôn thay đổi. Khi nơi ta sinh sống thay đổi, những đặc điểm từng giúp ta thích nghi với môi trường cũ có thể trở nên lỗi thời hoặc gây rắc rối.

Chẳng hạn, một đứa trẻ lớn lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các anh chị em có thể đã phát triển tính cách lớn tiếng, hiếu chiến để giành lấy sự chú ý. Nhưng khi trưởng thành, lối cư xử đó lại dễ gây xung đột trong quan hệ và nơi làm việc. Hoặc một người có thói quen cảnh giác, luôn lo lắng và phản ứng nhanh với mọi mối đe dọa – vốn từng giúp họ sinh tồn trong gia đình có cha mẹ bạo hành hoặc thiếu kỷ luật – giờ đây có thể lại là nguyên nhân khiến cuộc sống của họ luôn căng thẳng và bất an.

Lịch sử các loài động vật có vô số câu chuyện buồn về những thất bại trong việc thích nghi với hoàn cảnh mới. Một con bướm sáng màu có thể đã hoàn toàn phù hợp trước thời kỳ cách mạng công nghiệp – nhưng lại trở thành thảm họa tiến hóa sau đó. Một chú chó chăn cừu Đức từng có lý do chính đáng để cắn mọi thứ trước mặt – nhưng điều này lại trở thành lý do khiến nó bị xa lánh khi phải sống ở các thành phố chật chội với bao trẻ em.

Có lẽ chính ta cũng đang cư xử theo những cách từng giúp ta sinh tồn trong “môi trường sống” thời thơ ấu mà không hề nhận ra. Sự lạnh nhạt, dối trá, niềm vui điên cuồng hay nỗi sợ triền miên có thể là di sản của những môi trường ta đã rời xa hàng thập kỷ. Cha mẹ nóng tính, anh chị em ghen tuông, hay người chăm sóc đạo đức khắt khe… đã không còn nữa – trong khi những tính cách từng giúp ta đối phó với họ thì vẫn còn, vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến các mối quan hệ và công việc của ta. Có lẽ đã đến lúc nói lời tạm biệt với những phần tính cách chỉ đơn thuần là chiến lược sinh tồn trong một thế giới hẹp hòi đã không còn tồn tại.

Nguồn: WHY WE BEHAVE AS WE DO

menu
menu