Vì sao thế giới không có hòa bình?

vi-sao-the-gioi-khong-co-hoa-binh

Thật hiển nhiên rằng cuộc sống trên hành tinh này tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì đáng lẽ nó có thể trở thành.

Thật hiển nhiên rằng cuộc sống trên hành tinh này tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì đáng lẽ nó có thể trở thành. Lý do nằm ở một điều gì đó thật kỳ lạ và đau buồn trong bản chất con người: một xu hướng không ngừng muốn gieo rắc xung đột, giẫm đạp lên đồng loại, chiếm đoạt đất đai của họ và san phẳng những thành phố vốn từng yên bình. Biết bao thịnh vượng có thể đã đến với nhân loại nếu chúng ta không phải liên tục dựng lại nền văn minh sau từng đợt sóng hủy diệt.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao chúng ta lại như vậy? Khi bàn về chiến tranh và xung đột, những người được gọi là sử gia thường đổ lỗi cho các yếu tố vật chất. Những kẻ độc tài trỗi dậy, các vùng lãnh thổ bị cưỡng chiếm vì lòng tham vô độ của con người đối với tiền bạc và tài sản. Dường như sự thèm khát lợi ích vật chất là động cơ của lịch sử.

Một tâm hồn bị tổn thương sẽ luôn tìm cách khẳng định mình bằng sự hủy diệt.

Nhưng sự thật có thể hoàn toàn khác – và kỳ lạ hơn nhiều. Nếu đi sâu vào những biến động lịch sử, ta sẽ thấy bạo lực và hỗn loạn hiếm khi xuất phát từ những nguyên do vật chất. Chúng chủ yếu là vấn đề của tâm lý, hay nói thẳng ra, của tình yêu. Con người đi đến chiến tranh không phải vì muốn tích lũy thêm của cải, mà vì họ khao khát danh dự, muốn lấy lại cảm giác được tôn trọng, muốn khẳng định giá trị của mình, muốn được ngưỡng mộ và lấp đầy khoảng trống vô hình trong tâm hồn – một vết thương lòng sâu thẳm mà cả những nhà lãnh đạo lẫn những người đi theo họ đều mang theo.

Dĩ nhiên, đôi khi có những lý do thực tế rõ ràng – một con sông, một thung lũng có giá trị chiến lược – nhưng gần như mọi cuộc chiến tranh đều khởi nguồn từ một nhu cầu tâm lý: khao khát được công nhận, một nỗ lực bù đắp cho sự thiếu vắng tình yêu bằng súng đạn.

Hãy nghĩ về Benito Mussolini. Trước Thế chiến thứ Hai, ông ta ra lệnh cho quân đội Ý xâm chiếm Albania. Chỉ trong một tuần, Albania nhỏ bé đã thất thủ và sáp nhập vào nước Ý. Thoạt nhìn, đây là một quyết định vì lợi ích thực tế: Albania có tài nguyên khoáng sản, có cảng biển thuận lợi cho hải quân Ý, là bàn đạp để tiến vào vùng Balkan. Các sử gia sẽ nói rằng đây là một động thái nhằm củng cố lợi ích chiến lược.

Nhưng cách giải thích này bỏ sót những động cơ sâu xa hơn. Mussolini lên nắm quyền vào những năm 1920 bằng cách khai thác một cảm giác bất mãn vốn đã âm ỉ trong lòng người dân Ý: rằng họ bị thế giới coi thường, bị xem nhẹ. Ông ta nhìn đất nước mình – và bản thân mình – như những kẻ bị chế giễu, bị khinh miệt. Và ông ta phản ứng bằng cách vẽ ra giấc mộng huy hoàng đã mất, sử dụng ngôn từ, biểu tượng và cử chỉ của quyền lực tuyệt đối để che đậy một sự yếu đuối bên trong. Ông ta kêu gọi những người ủng hộ: “Bạn cảm thấy bị ruồng bỏ, cô đơn, không ai hiểu bạn ư? Tôi cũng thế. Tôi yêu bạn, và cùng nhau, chúng ta sẽ khiến cả thế giới phải chú ý đến mình.” Và đó chính là thông điệp ẩn sau những bài diễn văn bừng bừng khí thế của ông ta, từ những ban công rợp cờ.

Sâu thẳm bên trong, cách chúng ta phân tích lịch sử và chính trị hiện đại dựa trên một giả định sai lầm: rằng điều tồi tệ nhất trong đời là có ít của cải hơn kẻ khác. Nhưng sự thật không phải vậy. Điều kinh khủng nhất không phải là nghèo, mà là cảm giác bị lãng quên, bị khinh miệt, nhất là khi tuổi thơ của ta trống vắng tình thương. Với những tâm hồn mong manh, sự nhục nhã đó còn đáng sợ hơn cả cái chết – và đáng để họ gây ra vô số cái chết để xóa đi nỗi đau ấy.

Đó là lý do Mussolini xâm lược Albania – và cũng là lý do gần như mọi cuộc chiến tranh trong lịch sử loài người đều nổ ra: một dân tộc cảm thấy tổn thương sâu sắc, cảm thấy không được công nhận, và họ quyết định san phẳng thành phố của kẻ khác để lấp đầy nỗi trống trải trong lòng mình.

Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ nhỏ nhen và nực cười, thì đó thực sự là một dấu hiệu tốt. Bởi vì, chính chúng ta đang mắc sai lầm khi bàn về chiến tranh và chính trị bằng những thuật ngữ quá "lý trí". Bạo lực chưa bao giờ chỉ là vấn đề của chiến lược hay tài nguyên. Chúng ta cần nhìn mọi thứ dưới một lăng kính trần trụi và khẩn thiết hơn: đây là vấn đề của bệnh lý tâm thần.

Trên thế giới này, đất đai và của cải vốn dĩ có thừa. Nhưng điều mà nhân loại luôn thiếu lại là sự tỉnh táo – và sâu hơn nữa, là sự bình an trong tâm hồn. Chúng ta sẽ tiếp tục chém giết lẫn nhau, tiếp tục xây dựng rồi lại phá hủy nền văn minh, chừng nào ta còn chưa hiểu thấu bản chất con người. Và chừng nào ta chưa nhận ra rằng: không gì nguy hiểm hơn một kẻ từng bị bỏ rơi, một kẻ không được yêu thương, một kẻ cảm thấy mình vô hình – và sẽ không dừng lại, sẽ không để ai yên, thậm chí sẽ không để ai còn sống, cho đến khi cả thế giới phải chú ý đến hắn.

Nguồn: WHY ISN’T THERE PEACE IN THE WORLD? - The School Of Life

menu
menu