Vòng lặp địa ngục
Có một thói quen âm ỉ trong não bộ của bạn mà nếu bạn cho phép, chúng sẽ khiến bạn hoàn toàn phát điên.
Đây là phần trích từ cuốn sách The Subtle Art of Not Giving a F*ck
Có một thói quen âm ỉ trong não bộ của bạn mà nếu bạn cho phép, chúng sẽ khiến bạn hoàn toàn phát điên. Thử xem điều này quen không nhé.
Bạn lo lắng về việc đối đầu với ai đó trong cuộc sống hàng ngày. Sự lo âu ấy phá hoại bạn và bạn bắt đầu tự hỏi tại sao mình lại quá lo lắng đến thế. Giờ thì bạn lo âu về việc trở nên lo âu. Ôi không! Lo âu nhân đôi. Giờ đây bạn lo âu về sự lo âu của mình, cũng là nguyên nhân gây ra lo âu trầm trọng hơn. Nhanh nhanh, whiskey đâu rồi?
Hay thế này, bạn có vấn đề về việc giận dữ. Bạn bực bội với những thứ ngu ngốc và ngớ ngẩn nhất, mà bạn không biết tại sao lại thế. Thực tế là việc dễ dàng bực bội bắt đầu khiến bạn bực bội hơn. Và rồi, trong cơn bực tức nhỏ nhặt, bạn nhận ra rằng trở nên giận dữ suốt ngày biến bạn thành một người nông cạn và xấu tính, và bạn ghét điều đó; ghét nhiều tới mức bạn tức giận với chính mình. Giờ thì nhìn lại mình xem: Bạn giận bản thân vì đã tức giận với việc trở nên tức giận. Đậu má!
Hoặc là bạn quá lo lắng về việc lúc nào cũng phải làm điều đúng đắn đến mức bạn trở nên lo lắng về việc mình đang lo lắng nhiều như thế nào. Hay bạn cảm thấy tội lỗi vì mọi lỗi lầm mình mắc phải đến mức bạn bắt đầu cảm thấy tội lỗi về cái sự tội lỗi mình đang cảm thấy. Cái nữa là bạn buồn và cô đơn nhiều đến mức nó khiến bạn buồn và cô đơn hơn khi suốt ngày chỉ ngồi nghĩ về nó.
Chào mừng đến với Vòng lặp Địa ngục. Khả năng là bạn đã gắn bó với nó hơn vài lần. Cũng có thể bạn đang cảm thấy nó ngay bây giờ: "Trời ơi, tôi lúc nào cũng rơi vào Vòng lặp Địa ngục, tôi thật là một đứa kém cỏi. Tôi nên dừng lại. Trời ơi, tôi lại cảm thấy mình là đứa kém cỏi khi tự gọi mình là đứa kém cỏi. Tôi nên dừng việc gọi bản thân như thế lại. Ôi đệt, tôi lại làm thế rồi. Thấy chưa? Tôi đúng là đứa vô tích sự mà. Argh!"
Bình tĩnh nào bạn hiền. Tin hay không thì đây là phần tạo nên cái đẹp của việc làm người. Trước hết là, gần như không có loài động vật nào trên trái đất có khả năng tự nghĩ ra suy nghĩ có tính thuyết phục, nhưng con người chúng ta lại có khả năng xa xỉ là suy nghĩ về những suy nghĩ của mình. Vậy nên tôi có thể vừa nghĩ về việc xem mấy video của Miley Cyrus trên Youtube, và rồi ngay lập tức nghĩ rằng mình đúng là thằng dở hơi khi muốn xem video của Miley Cyrus trên Youtube. Đúng là sự kỳ diệu của ý thức!
Đây là vấn đề: Xã hội chúng ta ngày nay, bằng những kỳ quan của văn hóa tiêu dùng và truyền thông xã hội này-nhìn-xem-đời-tao-ngầu-hơn-mày-nhiều, đã sinh ra một thế hệ những người tin rằng việc có những trải nghiệm tiêu cực - lo âu, sợ hãi, tội lỗi, vv... - là hoàn toàn không tốt. Ý tôi là, nếu bạn nhìn vào Facebook của mình, mọi người đều có một khoảng thời gian đỉnh của đỉnh. Nhìn xem, 8 người kết hôn trong tuần này! Vài con nhỏ 16 tuổi trên TV nhận được quà sinh nhật là một chiếc Ferrari. Và một đứa khác mới kiếm được 2 tỷ đô bằng việc chế ra một ứng dụng tự động mang giấy vệ sinh đến khi giấy bị hết.
Trong khi đó, bạn ngồi một đống ở nhà chải lông cho mèo. Và bạn không thể ngừng nghĩ rằng đời mình tệ hại hơn cả tưởng tượng.
Vòng lặp Địa ngục trở thành một đại dịch rối loạn cảm xúc, khiến nhiều người trong chúng ta căng thẳng quá mức, loạn thần và tự ghê tởm chính mình.
Quay lại thời ông bà mình, có lẽ khi cảm thấy tệ hại ông sẽ tự nhủ: "Ôi giời, hôm nay mình cảm thấy mình như đống cứt bò vậy. Thôi kệ, đời mà. Ra xúc cỏ tiếp."
Còn bây giờ thì sao? Giờ mà bạn cảm thấy tồi tệ chỉ 5 phút thôi thì sẽ nhận được ngay một cuộc oanh tạc với hơn 350 tấm hình của những người đang cực kì vui vẻ và đang có một cuộc đời tốt đẹp đéo để đâu cho hết, và bạn không thể không cảm thấy rằng có thứ gì sai trái đang diễn ra với mình.
Đó là phần cuối cùng khiến chúng ta rơi vào rắc rối. Ta thấy tồi tệ về việc cảm thấy tồi tệ. Ta thấy tội lỗi về việc cảm thấy tội lỗi. Ta thấy giận dữ về việc cảm thấy giận dữ. Ta thấy lo âu về việc cảm thấy lo âu. Tôi bị làm sao thế này?
Đây là lý do vì sao đếch quan tâm là chìa khóa cho vấn đề. Đây là lý do nó sẽ cứu thế giới này. Và nó sẽ làm được bằng việc chấp nhận thế giới này hoàn toàn là một đống hổ lốn. Nó đã, đang và sẽ luôn là như vậy.
Nhưng bằng cách không thèm quan tâm đến việc cảm thấy tệ hại, bạn sẽ phá bỏ được Vòng lặp Địa ngục; hãy tự nhủ với bản thân rằng, "Mình cảm thấy như đống cứt, thì sao nào?". Rồi sau đó, như thể có bụi tiên rải trên đầu, bạn dừng việc căm ghét bản thân vì cảm thấy tồi tệ.
George Orwell từng nói rằng, để tự mình nhìn thấy những gì ngay trước mũi cần một cuộc đấu tranh liên tục. Ừ thì, giải pháp cho sự căng thẳng và lo âu cũng ở ngay trước mũi chúng ta, nhưng ta lại đang bận xem phim con heo và chương trình quảng cáo về mấy cái máy tập thể hình vô tích sự, rồi lại tự hỏi sao mình không có sáu múi để phang một em hot girl tóc vàng, thời gian đâu mà chú ý.
Chúng ta hay đùa về "các vấn đề của thế giới Thứ Nhất" (first-world problems), nhưng chúng ta cũng lại trở thành nạn nhân của thành công của chính mình. Các vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng, rối loạn lo âu và căn bệnh trầm cảm đã tăng vọt trong 30 năm qua, mặc cho sự thật rằng người người đều có TV màn hình phẳng và được giao hàng tận nhà. Cuộc khủng hoảng của chúng ta không còn về vật chất mà nó mở rộng ra về tinh thần. Chúng ta có quá nhiều thứ và cơ hội mà ta không biết nên quan tâm cái gì nữa.
Bởi khối lượng vô hạn của những gì ta có thể nhìn thấy hay nhận biết, theo đó cũng có vô vàn cách để ta khám phá ra rằng mình không có giá trị, không đủ tốt, những thứ ấy không tuyệt như ta nghĩ. Điều ấy cào xé tâm can ta.
Bởi thứ nhảm nhí đã được chia sẻ trên Facebook tám triệu lượt trong vài năm trước, "Làm thế nào để hạnh phúc", đây là điều mà không ai nhận ra về những thứ vớ vẩn ấy:
Niềm khao khát có được nhiều trải nghiệm tích cực hơn bản thân nó là một trải nghiệm tiêu cực. Và nghịch lý là việc chấp nhận sự tiêu cực lại là một trải nghiệm tích cực.
Điều này bất ngờ chứ hả? Vì thế tôi sẽ cho bạn một phút để thả lỏng và đọc lại một lần nữa: Việc mong muốn trải nghiệm tích cực là một trải nghiệm tiêu cực, chấp nhận sự tiêu cực là một trải nghiệm tích cực. Đây là những gì nhà triết học Alan Watts từng nhắc đến giống như "quy luật ngược" - ý tưởng rằng bạn càng theo đuổi cảm giác tốt đẹp mọi lúc thì bạn càng cảm thấy ít thỏa mãn, giống như việc theo đuổi thứ gì đó chỉ càng củng cố thực tế rằng ngay từ đầu bạn đã thiếu nó.
Bạn càng tuyệt vọng muốn làm giàu thì sẽ càng cảm thấy nghèo đói và không xứng đáng hơn, bất kể bạn kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa. Càng khao khát trở nên quyến rũ và được săn đón, bạn sẽ càng cảm thấy bản thân xấu xí, dù cho bạn thực sự có vẻ ngoài thu hút. Bạn càng tuyệt vọng mong muốn hạnh phúc và được yêu thương, thì sẽ càng cảm thấy cô đơn và e sợ, dù có bao nhiêu người vây quanh. Càng khao khát có được sự giác ngộ, bạn sẽ chỉ càng trở nên ngạo mạn và nông cạn mà thôi.
Giống như một lần tôi xài vài tép "acid" và cảm thấy như càng đi lại gần một ngôi nhà thì ngôi nhà ấy càng lùi xa khỏi tôi. Hay chưa, tôi vừa dùng kinh nghiệm ảo giác LSD của mình để làm một quả triết lý về hạnh phúc đấy. Đếch quan tâm.
Như nhà triết học hiện sinh Albert Camus từng nói (và tôi khá chắc lúc đó ông ta không xài LSD đâu): "Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ tiếp tục tìm kiếm xem hạnh phúc gồm những gì. Bạn sẽ không bao giờ sống nếu cứ mãi đi tìm ý nghĩa cuộc sống."
Hay nói đơn giản hơn:
Đừng cố.
Giờ thì tôi biết bạn sẽ nói:
"Mark, mấy cái này làm tôi cứng người rồi, nhưng chiếc Camaro tuyệt đẹp mà tôi đang phải tiết kiệm từng đồng để có được thì sao? Cái thân hình bãi biển mà tôi đang nhịn đói cả ngày để sở hữu nữa? Rồi thì, tôi phải trả một đống tiền cho cái máy tập thể hình! Cả ngôi nhà bên hồ nước mà tôi vẫn luôn mơ về sẽ ra sao? Nếu tôi đếch thèm quan tâm gì nữa, chậc, tôi cũng chẳng đạt được gì hết. Tôi không muốn điều đó xảy ra, phải không?"
Mừng là bạn đã hỏi.
Đã bao giờ bạn để ý rằng đôi khi những thứ ít dành được sự quan tâm của bạn lại là thứ bạn làm tốt hơn? Để ý việc thường một người ít khi tập trung vào thành công cuối cùng lại đạt được thứ mình muốn? Để ý xem đôi khi bạn tung hê tất cả, và rồi mọi thứ lại trở về đúng chỗ của nó?
Thế là sao?
Đó là điều thú vị về quy luật ngược và nó được gọi là "ngược" vì một lý do: Việc đếch quan tâm sẽ hoạt động ngược lại. Nếu theo đuổi sự tích cực là một điều tiêu cực, vậy thì hãy theo đuổi sự tiêu cực để mang đến tích cực. Theo đuổi sự đau đớn khi tập gym sẽ tốt hơn theo đuổi sức khỏe và năng lượng. Sự thất bại trong kinh doanh sẽ là thứ dẫn đường cho việc thấu hiểu rõ ràng hơn những điều cần thiết để thành công. Nghịch lý là, việc cởi mở với sự bất an sẽ khiến bạn tự tin hơn và trở nên lôi cuốn hơn với những người khác. Nỗi đau của cuộc đối đầu trung thực là những thứ tạo nên sự tin tưởng và tôn trọng lớn nhất trong các mối quan hệ của bạn. Chịu đựng nỗi sợ hãi và lo âu là những thứ cho phép bạn gây dựng lòng can đảm và kiên trì.
Nghiêm túc mà nói, tôi có thể giải thích tiếp, nhưng chắc là bạn đã hiểu rồi. Mọi thứ có giá trị trong đời đều có được thông qua việc khắc phục các trải nghiệm tiêu cực có liên quan. Bất kỳ cố gắng nào để thoát khỏi sự tiêu cực, trốn tránh, dẹp bỏ hay bịt miệng nó, đều chỉ gây phản tác dụng. Sự trốn tránh đau khổ là một hình thức khổ đau. Sự phủ nhận thất bại cũng là một dạng thất bại. Giấu giếm những thứ đáng xấu hổ bản thân nó cũng là một dạng nhục nhã.
Nỗi đau là một chủ thể không thể thiếu trong cuộc sống, việc tách khỏi nó không chỉ bất khả thi mà còn hủy diệt mọi thứ: cố gắng tách nó ra chỉ làm tiết lộ mọi thứ khác có liên quan đến nó. Cố né tránh nỗi đau là đang tạo điều kiện để bộ não chú tâm nhiều hơn đến nó. Ngược lại, nếu không dành cho nó quá nhiều sự chú ý, bạn sẽ trở nên bất khả chiến bại.
Dịch: Hoàng Dung
Nguồn: https://markmanson.net/feedback-loop-from-hell