Vượt qua nỗi hoài niệm về một mối quan hệ đã qua

vuot-qua-noi-hoai-niem-ve-mot-moi-quan-he-da-qua

Sau nhiều dằn vặt, ta đã quyết định bước ra khỏi một mối quan hệ. Giờ đây, ta một mình – và, nếu thành thật, ta phải thừa nhận điều này khó khăn hơn ta từng nghĩ.

Sau nhiều dằn vặt, ta đã quyết định bước ra khỏi một mối quan hệ. Giờ đây, ta một mình – và, nếu thành thật, ta phải thừa nhận điều này khó khăn hơn ta từng nghĩ. Những cuộc hẹn hò chẳng thấy đâu; tuần trước, máy sưởi trong nhà lại hỏng; việc đi mua sắm cũng trở thành một trở ngại không nhỏ.

Trong những khoảng thời gian thảnh thơi, ta bắt đầu mơ mộng vu vơ, thả hồn về những khoảnh khắc đẹp đẽ trong mối quan hệ đã khép lại. Ta nhớ đến cuối tuần giá rét bên bờ biển ngày nào: họ trông thật đáng yêu trong chiếc khăn choàng dày khi đi dạo trên cát. Hai người cùng cho hải âu ăn, uống rượu vang rẻ tiền trong cốc giấy trên bờ biển, cảm thấy hạnh phúc và gắn kết. Rồi một khoảnh khắc trong kỳ trăng mật: cả hai tìm thấy một nhà hàng Việt Nam nhỏ xíu nằm sâu trong con phố nhỏ ở Paris và trở thành bạn của cặp vợ chồng chủ quán. Ta cũng nhớ lại bữa tiệc đông người hôm ấy, khi cả hai cùng nhận ra mình chẳng mấy ưa những vị khách xung quanh – một khoảnh khắc thật đặc biệt, thật thân tình: hai ta, vai kề vai, thì thầm với nhau về những điều kỳ quặc ở người khác. Những điều tưởng như rất bình thường khi ấy giờ đây lại trở nên đầy mê hoặc: cùng nhau đi siêu thị, sắp xếp đồ vào tủ lạnh, cùng nấu súp, làm bánh mì nướng, rồi ngồi xem tivi trên chiếc ghế sofa.

When it was all so much better… Frank Dicksee, La Belle Dame sans Merci, 1901

Những ký ức ấy khiến ta chợt thấy bùi ngùi, mềm lòng – và đôi lúc lại nhen lên ý muốn gọi cho người cũ. Biết đâu họ sẽ chấp nhận ta quay lại, hoặc ít nhất cũng sẽ lắng nghe.

Vậy, ta nên hiểu những cảm xúc này như thế nào? Có thể ta đã nhận ra một sai lầm thực sự. Nhưng rất có thể, ta chỉ đang rơi vào cái bẫy quen thuộc của những kẻ vừa độc thân: nỗi hoài niệm.

Vào giữa thế kỷ 19, nước Anh bước vào cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học, làm đảo lộn những lối sống ổn định xưa cũ, xé toạc các cộng đồng, đẩy con người đến sống chung trong những thành phố lớn, xa lạ và vô danh. Sự chuyển dịch ấy còn làm lung lay những niềm tin và sự chắc chắn mà tôn giáo từng mang lại. Trong nỗ lực tìm kiếm sự an ủi giữa cơn hỗn loạn, các nghệ sĩ và trí thức bắt đầu vẽ nên viễn cảnh một thế giới đẹp đẽ hơn – và trong một số trường hợp, họ hướng ánh nhìn về quá khứ, cụ thể là về thời kỳ Trung cổ, nơi được cho là tràn ngập sự khôn ngoan, yên bình và hạnh phúc. Trong khi những đường ray xe lửa đang được xây dựng khắp đất nước và cáp điện tín nằm im dưới đáy biển, giới nghệ sĩ lại tôn vinh những cộng đồng giản dị và vô tư mà họ tin đã từng tồn tại vào thế kỷ 12 và 13. Những tác phẩm nghệ thuật mô tả những người nông dân chân chất, vui vẻ trong ngày mùa, những ngôi làng tưng bừng hội hè, những quý tộc tốt bụng quan tâm đến người nghèo đáng thương. Không hề có bạo lực, xa lánh, sợ hãi hay tàn nhẫn. Chẳng ai than phiền về việc thiếu thốn sưởi ấm hay việc chỉ sống dựa vào vài bát cháo yến mạch và mẩu mỡ lợn. Người ta nói rằng ngày ấy, cuộc sống trong những mái nhà tranh và những nhà thờ đá là dễ dàng hơn rất nhiều.

Cốt lõi của nỗi hoài niệm chính là việc ta phớt lờ lý do vì sao mọi thứ từng thay đổi – và tại sao chúng cần phải thay đổi. Với kẻ hoài niệm, quá khứ chẳng bao giờ cần được cải thiện hay phát triển; lịch sử chuyển mình vì những lý do không đâu. Những phức tạp của hiện tại bị xem như một sự tình cờ đáng tiếc, chứ không phải là kết quả tất yếu của một hành trình chính đáng để tìm kiếm sự phát triển và tiến bộ, thoát khỏi một quá khứ mà – dẫu có những khoảnh khắc đẹp đẽ thi thoảng xuất hiện (có thể là vào ngày gặt mùa hay một buổi sáng hè rực rỡ) – vẫn là một thực tại đầy ngột ngạt và không thể chịu đựng. Kẻ hoài niệm không chấp nhận rằng hiện tại, dù còn nhiều thiếu sót, đã được tạo nên từ những khó khăn không thể tránh khỏi của quá khứ. Họ khăng khăng tin rằng chúng ta đã từng rất hạnh phúc, rồi lại mù quáng thay đổi tất cả và quên mất điều quý giá mình đã có.

Trong tình yêu, chúng ta cũng thường mắc kẹt trong những suy nghĩ đầy thiên vị. Ta tin rằng mình đã từng hạnh phúc, rồi sau đó trở nên vô ơn vì những sai lầm và sự hời hợt. Nhưng khi gán cho quá khứ một niềm vui sâu sắc, ta đã đánh giá quá thấp sự sáng suốt của chính mình khi ấy. Sự thật về một mối quan hệ không được nhìn nhận rõ ràng khi ta đang u sầu, cô độc sau sáu tháng hay vài năm kết thúc, mà là ở thời điểm ta còn ở giữa nó, khi ta rõ hơn ai hết mọi chi tiết để đưa ra những quyết định chậm rãi và thấu đáo.

Những lý do cụ thể dẫn đến sự bất mãn thường dần phai nhạt. Ta quên đi những cuộc cãi vã, những chuyến đi không như ý, những lần thất vọng trong đời sống chăn gối, hay những bế tắc đến mức không ai chịu nhường ai... Tâm trí con người là một kẻ yếu đuối. Nó không thích đối diện với những tin xấu, trừ khi hiểm họa đang ở ngay trước mắt. Nhưng khi đã hiểu được khuynh hướng "mất trí nhớ" này của mình, ta có thể chắc chắn rằng những điều không vui đã thực sự tồn tại. Nếu mọi thứ thật sự tốt đẹp như ta đang lầm tưởng, hẳn ta đã không phải tự tay phá bỏ tất cả. Ta sẽ chẳng bao giờ cần hành động nếu quá khứ thực sự ngọt ngào như nỗi nhớ đang vẽ nên. Bức tranh mà ta đang tô điểm về mối quan hệ không xuất phát từ sự thật, mà từ nỗi cô đơn và nỗi lo sợ hiện tại.

Hơn nữa, cảm giác rằng bản thân có thể hài lòng với những gì đã qua cũng sai lầm không kém ảo tưởng của một người hiện đại nghĩ rằng mình sẽ tìm thấy hạnh phúc bền lâu trong một căn chòi gỗ thời Trung cổ. Giải pháp cho nhu cầu hạnh phúc không phải là ảo tưởng rằng những khao khát ấy không tồn tại. Thay vào đó, ta phải dũng cảm đối diện với chúng và dùng mọi khả năng mình có để tìm ra những giải pháp thực tế nhất.

Ta không nên tin vào những gì mình cảm thấy lúc này, khi ta đang buồn bã và cô độc. Hãy tin vào những gì mình đã biết khi còn ở trong mối quan hệ ấy. Một nguyên tắc đơn giản được rút ra: hãy luôn tin vào những quyết định mà ta đưa ra khi có trong tay đầy đủ thông tin nhất – chứ không phải khi ta đang bị cảm xúc dẫn lối, cố gắng bóp méo bản thân thành một con người dễ dàng thỏa mãn. Chắc chắn đã có những lý do thuyết phục, ngay cả khi trong nỗi buồn hiện tại, ta không thể nhớ nổi một điều nào. Quay lại quá khứ không khiến ta hạnh phúc, nó chỉ – với một cái giá đắt cho tất cả – nhắc nhở ta vì sao sự thay đổi lại cần thiết đến vậy.

Ta cần chấp nhận rằng những điều đẹp đẽ đã từng tồn tại, nhưng chúng không đủ để giải quyết những nhu cầu mới mẻ và chính đáng của ta. Điều này đồng nghĩa với việc ta phải thừa nhận rằng bản thân mình cũng phức tạp và khó thỏa mãn đến nhường nào – và con đường phía trước là chấp nhận bản chất ấy, thay vì tự huyễn hoặc mình bằng một sự giản đơn mà ta không bao giờ có thể đạt tới. Hãy can đảm sống đúng với bản ngã đầy phức tạp của mình và sẵn sàng trả cái giá cần thiết cho điều đó.

Nguồn: OVERCOMING NOSTALGIA FOR A PAST RELATIONSHIP - The School Of Life

menu
menu