12 điều ngu ngốc mà con người dành quá nhiều sự quan tâm

12-dieu-ngu-ngoc-ma-con-nguoi-danh-qua-nhieu-su-quan-tam

Trong một tháng nếu không có những bài viết kiểu “X điều mà thế này thế kìa” để bạn và bạn bè chia sẻ với nhau thì còn gì là viết blog nữa? Vì ngày nay việc đọc văn đã trở nên quá nhàm chán nếu như bài viết không dưới dạng danh sách dễ đọc dễ hiểu dễ tiêu hóa.

Tin tốt là: chứng rối loạn giảm chú ý của bạn gọi thì tôi đây trả lời thôi: 12 điều ngu ngốc mà con người dành quá nhiều sự quan tâm. Giờ thì đừng nói gì nữa và chia sẻ lên Facebook hay gì đó đi.

  1. Ai có lỗi?

Hãy tưởng tượng. Bạn phải trông hai đứa trẻ. Có khi còn là con của bạn. Và chúng chạy nhảy xô đẩy nhau và làm những trò nghịch phá mà con nít hay làm. Rồi bỗng nhiên bạn nghe tiếng đổ vỡ. Bạn chạy vào phòng, và chiếc bình hoa 5 tỷ đô la vô cùng thiêng liêng mà bà ngoại đã tự tay làm trong dịp lễ tế thần đã rơi khỏi bàn và vỡ thành từng mảnh.

Chuyện gì đã xảy ra?

Hai đứa trẻ ngay lập tức chỉ tay về phía đối phương và đổ lỗi cho nhau. Chúng đều có những cái cớ của mình. Chúng bắt đầu than vãn và ngắt lời nhau. Bây giờ, giả như một trong hai bé kể lại câu chuyện có vẻ thật hơn. Giả như một trong hai bé có bạo lực hơn một chút và bạn có linh cảm là lỗi của bé đó. Bạn sẽ làm gì?

Không làm gì cả. Hoặc là bạn phạt cả hai, hoặc là không làm gì cả.

Những điều trên đều không thay đổi sự thật rằng cả hai đứa trẻ đều chạy nhảy thiếu cẩn thận ở gần những món đồ đẹp, quý giá. Không có điều gì thay đổi sự thật rằng thực chất cả hai đều lơ đễnh đến mức làm vỡ đồ đạc. Và một điều cũng không thể thay đổi rằng chiếc bình đã vỡ và không bao giờ lành lại được. Có người còn có thể cãi rằng là lỗi của bạn khi đã để một món đồ quý giá như vậy ở gần trẻ con (ngu ngốc).

Ta dành rất nhiều thời gian và công sức tìm xem lỗi là ở ai, ngay cả khi điều đó không quan trọng. Bạn gọi một món cá tuyết ở một nhà hàng nhưng nó lại chưa chín và rất dở. Bạn muốn đổ lỗi cho đầu bếp nên gọi quản lý ra và bắt đầu phê bình. Nhưng ai biết được, có thể món cá tuyết dở như vậy là do bếp phó làm, hoặc là do chính người quản lý không cất giữ cá tuyết đúng cách vào tối hôm trước. Hoặc họ thử mua cá ở một nhà cung ứng tệ. Hoặc có thể giao tiếp trong khuôn khổ nhà hàng không được tốt và dẫn đến những hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến món ăn.

Nhưng không, đầu bếp bất tài vô dụng. Đuổi việc đi.

Là con người, ta luôn muốn có một tấm bia đỡ đạn, ta cần một tấm bia đỡ đạn. Điều này thường thấy nhất trong chính quyền. Cả một hệ thống quan chức thối nát, dẫn đến những lãng phí và thiếu hụt triền miên. Điều gì đã xảy ra? Một số ít người bị khiển trách và đuổi việc và cái hệ thống ấy lại tiếp tục. Công chúng được thỏa mãn. Có người bị khiển trách và trừng phạt, vậy nên mọi chuyện hẳn là đã ổn? Sai lầm.

Có những lúc việc xác định lỗi do ai là rất quan trọng. Như là giữa cuộc chiến tranh hóa học. Hay tìm xem ai đã tè lên chỗ ngồi của bồn cầu. Nhưng trong đa số tình huống trong cuộc sống, điều đó khiến ta bị sao lãng mà không đem lại hiệu quả gì. Và điều này phần lớn dựa trên việc làm chiều lòng cái tôi chứ không để thực sự cải thiện cuộc sống. Điều gì qua thì đã qua. Chấp nhận chúng và bước tiếp đi.

  1. Tin đồn về người nổi tiếng và thể thao

Những người này chả có tí tị tì ti ảnh hưởng nào đến cuộc sống của bạn cả. Bạn cuồng họ, đầu tư vào họ không chỉ đơn giản là hình thức giải trí vô hại, mà đó là một cách sống thay thế trên hình mẫu lý tưởng mà bạn muốn trở thành - nếu như bạn không sợ phải rời khỏi ghế ngồi để thực sự làm một điều gì đó. Ừ đúng, tôi nói thế đấy.

Hay như Lil’ Wayne đã từng nói, khi được hỏi liệu anh có suy nghĩ gì khi người khác noi theo anh để sống: “Nếu bạn cần một rapper chỉ bạn cách để sống, thì có thể bạn chẳng có cuộc sống gì cả.”

  1. Ghen tuông trong tình cảm

Rất nhiều người hay ghen tuông và có tính chiếm hữu trong các mối quan hệ. Họ không thích người yêu của mình nói chuyện với người khác, hay đi chơi với người khác giới mà không có họ. Một số người còn điên rồ hơn. Họ ghen tuông về những chuyện đã xảy ra trước khi họ gặp đối phương. Họ ghen tuông những điều có thể xảy ra trong tương lai. Họ ghen tuông về những chuyện đã không xảy ra nhưng đã có thể xảy ra.

Ghen tuông trong tình cảm làm lãng phí năng lượng và là một dạng độc tố trong mối quan hệ.

Đơn giản thôi: hoặc là bạn tin tưởng người yêu, hoặc là không.

Nếu bạn tin tưởng người yêu, thì hãy im cái mồm lại. Nếu bạn tin tưởng người yêu, thì đá người ta hộ cho người khác nhờ.

“Vậy nếu như tôi tin tưởng mà người đó vẫn nói dối tôi thì sao?”

Vậy thì hãy tin rằng một ngày nào đó bạn sẽ biết được chân tướng. Người dối trá không thể che giấu sự dối trá của mình mãi mãi. Cuối cùng chuyện cũng sẽ sáng tỏ. Và khi ngày đó đến, hãy đá họ.

Điều tệ nhất của việc ghen tuông là nó khiến người yêu của bạn thực hiện chính xác hành động mà bạn đang cố ngăn chặn ngay từ đầu. Tưởng tượng bạn đang hẹn hò với một người có máu ghen kinh khủng. Bạn làm gì họ cũng cho là nói dối hay mập mờ sau lưng họ. Mỗi lần bạn nói chuyện với người khác giới họ sẽ nói rằng bạn tán tỉnh người ta hoặc điên tiết lên khi bạn ngủ chung với 10 người khác.

Vậy thì điều gì ngăn bạn ngoại tình đây? Ý tôi là, bạn có thành thật hay không thì cũng bị mắng thôi. Dù gì thì nó cũng tin rằng bạn là một người không thành thật, vậy thì bạn cũng có thể hưởng một chút quyền lợi từ việc không thành thật chứ đúng không? Điều gì ngăn bạn ngoại tình? Cũng chả có gì mấy.

  1. Tôi đúng

Có một ngạn ngữ, “Người biết mọi thứ chẳng học được gì cả.” Đừng lúc nào cũng nghĩ mình cần phải đúng. Điều này rất đơn giản. Làm thế nào để học hỏi và tiến bộ để trở thành một người tốt hơn? Đúng vậy, là sai ở một số điều. Vậy thì hãy cứ sai đi.

Bên cạnh đó, không gì khó chịu hơn là một người suốt ngày gân cổ lên cãi về những tiểu tiết nhỏ nhặt chẳng quan trọng. Tôi rất muốn đấm những người đó một phát.

(OK, không hẳn là thế, nhưng viết ra nghe cũng ngầu đấy chứ. Đừng quên share bài viết này trên Facebook và nói với bạn bè rằng thằng cha này hay đấm người nào khiến hắn khó chịu và điều đó rất tuyệt.)

  1. Chính trị quốc gia

Câu hỏi nhanh: Hãy nói tên thị trưởng ở thị trấn của bạn và một đại diện cơ quan lập pháp ở bang bạn sinh sống.

Không biết? Thế thì đừng có ba hoa về Bush và/hoặc Obama.

Cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính trị khu vực, vậy mà chẳng ai quan tâm trừ những người lớn tuổi, người sùng đạo và nhà lý luận thuyết âm mưu. Thay vào đó, ai cũng muốn tập trung vào ván cờ lớn. Ở Mỹ, có một sức nặng và tầm quan trọng đè lên vai của Tổng thống, một người có quyền lực thấp hơn Quốc hội, Cục Dự trữ Liên bang, và trong một số trường hợp còn có Tòa án Tối cao. Nhưng tổng thống thì dễ nói chuyện hơn. Sẽ dễ dàng hơn khi lấy tổng thống ra để bàn luận và đỗ lỗi mọi thứ, trong khi con đường nham nhở quanh nhà bạn, quỹ y tế nghèo nàn, pháp luật đang làm rối tung nơi bạn ở, cuộc khủng hoảng giáo dục và xoa dịu nỗi đau thiên tai đang là vấn đề của cả thành phố và bang, còn bạn thì chẳng quan tâm gì cả.

Chính trị quốc gia rất quan trọng, nhưng lại đang được chú ý và quan trọng hóa một cách thiếu cân xứng. Chính trị quốc gia đem lại lợi nhuận cho thị trường truyền thông quốc gia, vì vậy nên được thường xuyên lên sóng. Vì được thường xuyên lên sóng, mọi người đều phát cuồng về đề tài này.

  1. Cố gắng gây ấn tượng với người khác

Nếu bạn đọc trang này trong vòng hai năm trở lại đây, thì bạn chẳng còn xa lạ gì với điều này nữa. Thử ngẫm nghĩ lại ba khoảnh khắc xấu hổ nhất gần đây của bạn. Để tôi đoán xem, ít nhất hai trong số đó diễn ra khi bạn đang cố gây ấn tượng với người khác. Hài hước nhỉ.

Cố gắng gây ấn tượng với người khác là bản tính tự nhiên của con người. Ai cũng muốn phô diễn điều tốt nhất ở bản thân. Lý do khiến việc cố gắng gây ấn tượng hiếm khi hiệu quả là vì con người không chỉ nhìn những hành vi bề mặt để đánh giá tính cách của một người khác, mà còn nhìn vào ý đồ và động lực cho mỗi hành vi ấy. Vậy nên bạn có thể làm một việc rất ngầu, nhưng nếu bạn làm vì bạn thiếu tự tin và muốn người khác thích mình, người khác sẽ nhìn ra điều đó và nghĩ rằng bạn rất phiền toái. Ví như Bono trong U2 vậy.

Đó là lý do tại sao những kẻ nghe những lời bạn nói rồi bảo rằng họ đã làm một điều còn lớn lao, tốt đẹp hơn thế lại khiến ta khó chịu đến vậy. Họ đang cố gây ấn tượng với ta, lấn át ta, thể hiện sự vượt trội. Và họ cố gắng trở nên vượt trội lại chứng mình rằng họ không hề vượt trội.

  1. Bị xúc phạm

Có một số người trên thế giới này tin rằng họ có cái quyền không bao giờ bị xúc phạm. Điều này khiến tôi phát điên. Một phần của tự do ngôn luận là một người nào đó, một lúc nào đó, sẽ khiến bạn khó chịu hay xúc phạm bạn. Đó là một phần của cuộc sống. Và nếu như bạn không xúi giục họ có hành vi bạo lực, thì bạn thực sự chẳng thể bảo họ không khiến bạn khó chịu.

Bị xúc phạm là một sự lựa chọn. Đó là sự khác biệt giữa viêc giận dữ vì một lời lăng mạ hoặc chỉ đơn giản là cười trừ. Đó là sự khác biệt giữa cố gắng khiến người khác im mồm hoặc chỉ đơn giản là thừa nhận họ có những chuẩn mực khác với bạn, ngay cả khi những chuẩn mực đó rất là nhảm nhí.

Tôi nhận được một số bình luận trên blog này khiến tôi bực mình. Tồi hầu như chẳng bao giờ xóa chúng. Gần đây, có một người đàn ông bình luận phân biệt giới tính về phụ nữ (trùng hợp là bình luận nằm trong bài viết về hẹn hò). Thay vì nóng mặt sôi máu lên, tôi chỉ nói với anh ta rằng tôi nghĩ anh ta là một kẻ ngốc. Tôi có thể xúc phạm lại anh ta. Và bây giờ chúng tôi không phải là bạn. Xã hội tự do tuyệt vời thật.

  1. Tôi đã bỏ qua số 7 trong danh sách này

Thôi dẹp nó đi.

  1. Mua cả tá những món đồ “hay ho”

Tôi sẽ dành ra một bài viết về Fight Club. Tôi đã từng viết rất nhiều về việc sở hữu quá nhiều đồ vật có thể hạn chế danh tính và hạnh phúc của bạn, và sự thịnh vượng được quyết định trên chất lượng của những trải nghiệm chứ không phải tài sản.

Nhưng hãy nhìn lại điều này ở một góc nhìn thực tế hơn. Mua cả đống đồ để làm gì? 1) Để gây ấn tượng với người khác. 2) Để cảm thấy tốt hơn về bản thân.

Chúng ta đã nói về việc gây ấn tượng với người khác tốt như thế nào (Cảnh báo spoiler: chẳng tốt lành gì đâu). Chưa kể, bạn còn đang khơi mào sự đố kỵ ở người khác, khiến một người tốt trở nên xấu xa. Và rồi có thể bạn sẽ bị xúc phạm! Vậy nên điều này không tốt tí nào.

Nhưng hãy nhìn về việc cảm thấy tốt hơn về bản thân. Có cả đống nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng quá quan trọng vật chất dẫn đến khả năng cao bị trầm cảm và suy giảm hạnh phúc. Có một lý do khiến nước Mỹ có tỉ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu cao hàng đầu trong các nước phát triển. Dựa dẫm vào những giá trị bên ngoài để cảm thấy tốt đẹp về bản thân làm giảm lòng tự trọng và khiến bạn trở nên khốn khổ. Vậy nên cứ sống như bình thường thôi.

Tất nhiên mua những món đồ xa hoa cũng rất đáng để tận hưởng. Nếu bạn có tiền để đổ vào chúng thì chẳng có gì sai trái cả. Nhưng gắn danh tính và giá trị bản thân vào chất lượng của vật sở hữu và so đo vật sở hữu của mình với người khác thì lại là một thất bại thảm hại. Ngay cả khi bạn thắng và có món đồ chơi to nhất, bạn vẫn thua.

  1. Xếp hàng 36 giờ đồng hồ để mua một sản phẩm mới trong ngày ra mắt

Thật là bạn không có gì hay ho hơn để làm sao? Nếu không thì chẳng phải bạn đang có vấn đề sao?

  1. Che giấu khuyết điểm

Con người ta yêu nhau vì những khuyết điểm của nhau. Nghịch lý là chính những khuyết điểm và và sự yếu kém khiến ta trở nên độc đáo và khiến người khác yêu mến. Ta càng sẵn lòng phơi bày những điều ta không giỏi, thì ta lại càng sinh ra nhiều tình cảm và sự gắn kết trong đời sống riêng tư, và ta cũng càng hạnh phúc và khỏe mạnh hơn trong suốt chặng đường dài.

Tôi đã viết rất nhiều về tính dễ bị tổn thương (đọc bài ở đây), và một vài năm trước tôi viết hẳn một quyển sách dựa trên đề tài này. Nhưng thật đáng ngạc nhiên khi nền văn hóa của chúng ta khuyến khích mọi người sống theo những hình mẫu bất khả thi, những chuẩn mực hoàn hảo sáo rỗng.

Mike Tyson gần đây có nói, “Chỉ vì bạn nổi tiếng không có nghĩa là bạn thành công.” Bạn có thể thay thế “nổi tiếng” bằng “giàu có”, “xinh đẹp”, “được yêu mến”, “thông mình” hay vô số những tính từ khác.

Vậy thành công thật sự đến từ đâu? Nó đến từ việc cảm thấy thỏa mãn - không phải vì bạn đạt được đỉnh cao hay đích đến cuối cùng của thành công - mà là thỏa mãn với cả quá trình liên tục tiến bộ. Là nhận ra rằng cuộc sống chứa đầy những sai trái và lỗi lầm và hãy trân trọng những điều ấy như là trân trọng những thành công. Vì khi bạn trân trọng những lỗi lầm, chúng sẽ mất đi quyền kiểm soát bạn. Thay vì là điểm yếu, chúng sẽ trở thành sức mạnh. Và ngược đời ở chỗ chúng sẽ khiến nhiều người yêu mến bạn hơn bao giờ hết.

 

Dịch: Hồng Phương

Nguồn: https://markmanson.net/stupid-things

menu
menu