5 bài học cuộc đời rút ra từ 5 năm du lịch khắp thế giới

5-bai-hoc-cuoc-doi-rut-ra-tu-5-nam-du-lich-khap-the-gioi

Gần 5 năm trước, hợp đồng thuê nhà của tôi chấm dứt, tôi gửi một vài thùng đồ về nhà mẹ, đóng gói hết đồ đạc vào trong một vali (hi vọng) có thể đủ dùng trong vài tháng, và bay qua Đại Tây Dương. Lúc đó, tôi có chỉ có gần 1.000$ trong tài khoản ngân hàng.

Gần 5 năm trước, hợp đồng thuê nhà của tôi chấm dứt, tôi gửi một vài thùng đồ về nhà mẹ, đóng gói hết đồ đạc vào trong một vali (hi vọng) có thể đủ dùng trong vài tháng, và bay qua Đại Tây Dương. Lúc đó, tôi có chỉ có gần 1.000$ trong tài khoản ngân hàng.
 
Điểm dừng chân đầu tiên là Paris, nơi tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi chuyện chia tay với bạn gái, tôi bán hết đồ đạc và duy trì công việc kinh doanh online mà hầu như không có lợi nhuận, tôi tiếp tục phiền muộn và vật vờ qua các đường phố của La Ville-Lumière, hoàn toàn không để ý những gì xung quanh.
 
Dần dần, mọi thứ trở nên tốt hơn. Sau đó tôi bước tiếp, đi khỏi Paris cũng như sự buồn chán của chính bản thân. Tôi đến Bỉ, Hà Lan, Đức, sau đó là Praha. Tôi quay trở về quê nhà để đi Nam Mỹ một vài tháng. Sau đó đi Đông Nam Á, châu Úc, Trung Mỹ, Đông Âu và trở về Nam Mỹ.
 
Trong vòng 5 năm, tôi đã đi qua 55 nước, có rất nhiều bạn mới, gặp hàng trăm người thú vị và có nhiều trải nghiệm, ngoài ra tôi cũng học thêm vài ngôn ngữ trong suốt hành trình.
 
Đừng lo lắng, tôi sẽ không làm bạn khóc với những câu chuyện kiểu như làm sao tôi khám phá ra tiếng gọi từ sâu thẳm trái tim tôi hay những đứa trẻ gần chết đói ở châu Phi hạnh phúc như thế nào nếu bạn có thể nhìn thấy chúng chơi với rác và phân trong những cái xô – chúng thực sự hạnh phúc. Tôi sẽ không lên giọng tự trọng giả tạo. Chắc chắn là tôi cũng sẽ không tuyên bố tôi tìm thấy bản thân mình hoặc một cái gì tương tự.
 
Không. Du lịch khắp thế giới, giống như bất kỳ quãng đời khác của bạn, có lên có xuống, có ưu điểm và nhược điểm.
 
Nhưng tôi phải nói rằng: việc rời khỏi cuộc sống bình thường của tôi vào năm 2009 và lang thang khắp thế giới trong 5 năm là một quyết định vừa thách thức vừa hữu ích tôi đã từng thực hiện. Nhưng tôi sẽ không làm lại một lần nữa. Bởi vì tôi đã học được nhiều điều. Về con người, về thế giới, về cuộc đời. Không phải bạn luôn luôn học được những điều bạn muốn học. Đôi khi những bài học đến vào những lúc không ngờ tới và mang lại cho bạn một sự thật không như mong đợi. Đôi khi bạn học những thứ mà bạn không thể không học và nhìn thấy những thứ không thể không nhìn.
 
Dù sao đi nữa, bạn trưởng thành hơn. Sau đây là một vài bài học tôi đã có được và một trong số cách giúp tôi đã trưởng thành.

1. HẠNH PHÚC THÌ PHỔ BIẾN NHƯNG NHÂN CÁCH CON NGƯỜI THÌ KHÔNG

Kiểu mẫu điển hình của những người du lịch khắp thế giới thường là những sinh viên thuộc tầng lớp trên trung lưu, đi đến một nơi bất kỳ thuộc thế giới thứ ba và chứng kiến sự nghèo đói, những đứa trẻ không mặc áo, chơi đùa vui vẻ trong những vũng nước thải, đồ chơi là những sợi dây chun và những cái gậy gãy. Những sinh viên này đột ngột thay đổi nhận thức về cuộc đời rằng, không, thực tế bạn không cần Xbox 360 hay giao hàng nhanh từ pizza Dominos để cảm thấy hạnh phúc trên thế giới này.
 
Những ai đã rơi vào suy nghĩ như này?
 
Hóa ra, khả năng hạnh phúc của con người linh hoạt một cách bất ngờ. Một nghiên cứu tâm lý cho thấy, mọi người nhanh chóng thích nghi với môi trường xung quanh và có thể tìm thấy niềm vui ở mọi nơi, bất kể văn hóa, sự giàu có về vật chất hay tình hình chính trị.
 
Vì lý do này, việc du lịch khắp thế giới đã làm tôi có tiêu chuẩn khác về hạnh phúc. Trở lại năm 2009 khi tôi rời Boston, mục đích ban đầu của tôi là hưởng thụ: tiệc tùng nhiều, gặp nhiều người thú vị, có những cuộc phiêu lưu điên rồ. Nhưng qua vài năm tôi đã trưởng thành và nhận ra rằng việc “cảm thấy tốt” thường được người ta đánh giá quá cao.
 
Tôi không có ý trở thành một người trì trệ. Chắc chắn hạnh phúc quan trọng. Nhưng nó cũng phổ biến và có thể tìm thấy hạnh phúc ở mọi nơi khi suy nghĩ của bạn điều chỉnh theo môi trường xung quanh. Bạn có thể tìm thấy hạnh phúc trong bất kỳ khu ổ chuột hoặc trong bất kỳ căn biệt thự nào, trên bãi biển, trên núi, hoặc ở giữa sa mạc.
 
Nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, nhân cách con người mới là hiếm. Bạn biết đấy, con người không bị đối xử như động vật - bị sử dụng, bỏ qua, bị lừa, bị đánh đập, bị cắt xén, phải im lặng, hoặc bị ức chế. Nhưng những đứa trẻ hạnh phúc chơi trong ống dẫn nước thải và thùng rác sẽ thật may mắn nếu đến tuổi trung niên mà cuộc sống của họ không có bạo lực, nghiện ngập hoặc vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
 
 
Trong nền văn hóa Mỹ, chúng ta luôn luôn bị dính vào việc “cảm thấy tốt”, có vẻ như đôi khi chúng ta quên rằng trên thế giới có những thứ quan trọng hơn hạnh phúc hay giải trí. Du lịch đã cho tôi thấy rằng có những thứ quan trọng hơn niềm vui hay hạnh phúc. Và nó khiến tôi ý thức hơn nhiều về sự bất công và sự tàn ác không chỉ trên khắp thế giới, mà ngay ở đất nước của chúng ta và chúng ta đã không chú ý nhiều đến nó.
 
Không nói dài dòng nữa. Sự giác ngộ này đã hoàn toàn làm tôi hạnh phúc hơn. Trớ trêu thay, hạnh phúc được tạo ra bởi các giá trị khác quan trọng hơn sự hài lòng của riêng tôi đó là tính cộng đồng, sự kết nối, sự tự trọng, sự trung thực; hạnh phúc và sự thỏa mãn của tôi đến một cách tự nhiên như một tác dụng phụ.

2. DU LỊCH KHẮP THẾ GIỚI TẠO CHO BẠN CÁI NHÌN TỐT HƠN VỀ CUỘC SỐNG, NHƯNG GIỚI HẠN KHẢ NĂNG GẮN BÓ VỚI ĐIỀU GÌ ĐÓ CỦA BẠN

Điều tốt của việc du lịch khắp thế giới là nó cho phép bạn đứng ở trên cao hơn.
 
Tôi không có ý nói đến độ cao của máy bay.
 
Ý tôi là nó mang lại cho bạn cái nhìn rộng mở hơn về mọi thứ, chứng kiến mạng lưới các nền văn hóa khác nhau và xung đột giữa chúng, hiểu được làm thế nào các dòng chảy lịch sử khác nhau đã làm xói mòn cũng như làm bền vững cấu trúc xã hội của mỗi quốc gia tương ứng với vùng đất của họ.
 
Bạn nhận ra rằng điều mà bạn đã từng tin là độc nhất ở đất nước bạn thực ra phổ biến ở khắp thế giới và những gì bạn đã từng nghĩ là phổ biến thì chỉ riêng đất nước bạn mới có.
 
Bạn nhận ra rằng nhìn chung con người ở đâu cũng giống nhau, cùng nhu cầu, cùng mong muốn và cùng những định kiến khủng khiếp khiến họ không may chống lại nhau.
 
Bạn nhận ra rằng bất kể bạn nhìn hay học bao nhiêu về thế giới, với mỗi điểm đến mới luôn có thêm nhiều điều để khám phá, bạn sẽ biết thêm hàng tá thứ khác. Và càng học thêm kiến thức mới thì bạn lại càng thấy rằng mình thật sự không biết nhiều.
 
Bạn nhận ra rằng bạn sẽ không bao giờ có thể khám phá hay đi đến tất cả mọi nơi. Bạn nhận ra rằng bạn càng lan truyền rộng kinh nghiệm của bạn trên toàn thế giới, thì nó lại càng trở nên ít ý nghĩa.
 
Bạn nhận ra rằng có một giới hạn đối với con người, không phải là địa lý mà là cảm xúc. Bạn chỉ có thể đạt được một kinh nghiệm và ý nghĩa sâu sắc nhất định khi bạn cầm một vật và nói rằng “Chính nó. Đây chính là thứ mà tôi thuộc về.”
 
Du lịch khắp thế giới cho bạn trải nghiệm về toàn thế giới nhưng nó cũng lấy đi những thứ khác.

3. ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT CỦA MỘT ĐẤT NƯỚC HAY MỘT NỀN VĂN HÓA THƯỜNG CŨNG LÀ ĐIỀU TỆ NHẤT

 
Năm 1965, Singapore, một hòn đảo nhỏ ở mũi bán đảo Malaysia, đã độc lập. Nghèo khổ, thất học, dân cư thưa thớt và không có tài nguyên thiên nhiên, các nhà lãnh đạo mới của Singapore hiểu rằng để tồn tại họ phải hành động nhanh chóng và phải tìm ra cách để làm cho hòn đảo nhỏ này trở thành không thể thiếu đối với cộng đồng quốc tế.
 
Ngay từ ban đầu, chính phủ mới đặt trọng tâm gần như điên cuồng vào giáo dục, thương mại và tài chính, tạo ra một nền văn hóa được xây dựng xung quanh mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Một đô thị nhanh chóng được xây dựng đặc biệt để phục vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng, công ty thương mại quốc tế. Đó là một Disneyland cho những người nước ngoài giàu có, một hòn đảo thiên đường nơi họ muốn mang tiền đến và không bao giờ ra đi.
 
Ngày nay, Singapore là một trong những nước giàu có nhất trên thế giới. Hòn đảo này hầu như không có tội phạm và nghèo đói. Khi tôi đến thăm Singapore, tôi luôn cảm thấy như tôi đi đến tương lai, giống như những gì Manhattan nên đạt được. Thành phố Singapore hiện đại, không tì vết và hoàn hảo.
 
Nhưng để có vẻ ngoài hoàn hảo này thì họ cũng có một cái giá phải trả. Đất nước này dường như hơi vô hồn. Tất cả mọi thứ được thiết kế và phục vụ cho lợi ích tài chính. Không có lịch sử, không có bản sắc, không có những giá trị sâu sắc, đánh giá tôn trọng cá nhân hầu như dựa trên tiền bạc và năng suất.
 
Và như vậy, trớ trêu thay, những gì ấn tượng nhất và đáng ngưỡng mộ về Singapore, cũng là những gì làm chúng ta thất vọng nhất. Đất nước này trở thành không thể thiếu về mặt tài chính đối với thế giới và phải hy sinh bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển.
 
Mỗi nét văn hóa có những ưu điểm và nhược điểm. Nét văn hóa càng độc đáo thì những ưu điểm và nhược điểm càng nổi bật. Do đó, thường thì những nét rõ ràng và hiển nhiên nhất của nền văn hóa mỗi quốc gia cũng chính là điều tốt nhất và tệ nhất về quốc gia đó.
 
Ví dụ, người Brazil thường nói một cách tự hào về o jeito brasileiro, hay “một cách Brazil”. Nó đề cập đến thái độ điển hình của người Brazil trong việc họ có thể cắt góc và tìm ra con đường đơn giản nhất dẫn đến thành công để họ có thể dành nhiều thời gian thư giãn, đá bóng loanh quanh trên bãi biển và nhấm nháp cocktail caipirinha trong ánh mặt trời. Người Brazil tự hào về lối sống nhàn nhã của họ.
 
Chính phong cách jeito này làm cho người Brazil có thái độ thoải mái và vui vẻ, điều này hấp dẫn du khách nước ngoài – không bữa tiệc ở đâu giống bữa tiệc của người Brazil và không kỳ nghỉ ở đâu giống một kỳ nghỉ ở Brazil.
 
Nhưng jeito cũng là lý do tại sao đất nước Brazil trở thành một mớ hỗn độn chết tiệt. Không có việc gì diễn ra theo cách mà nó phải diễn ra. Chính phủ hoàn toàn tham nhũng và cơ sở hạ tầng vẫn như những năm 1970. Đó vừa là điều tốt nhất vừa là điều tệ nhất của văn hóa Brazil.
 
Tương tự đối với phong cách lịch sự của Nhật Bản, sự thẳng thừng của Nga, sự trật tự của Đức, và văn hóa tiêu dùng của Mỹ. Chúng đều là những điều tốt nhất và tệ nhất về các quốc gia và các nền văn hóa. Bất cứ khi nào bạn gặp phải điều tốt nhất hay tồi tệ, bạn hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón nhận điều còn lại.

4. PHẦN LỚN THẾ GIỚI KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG GÌ BẠN NÓI HAY LÀM – ĐÓ LÀ MỘT ĐIỀU TỐT

Khi tất cả mọi thứ là quen thuộc - khi ta thức dậy vẫn trong căn nhà đó, vẫn uống cà phê tại quán cà phê đó, lái xe trên những con đường quen thuộc, chào hỏi những người quen, mua sắm tại các cửa hàng vẫn thường mua, ăn trưa tại nhà hàng vẫn thường ăn - chúng ta có một ám ảnh không thực rằng tất cả những điều nhỏ nhặt đều quan trọng.
 
Nếu bạn nói điều gì đó ngớ ngẩn ở quầy tính tiền - nơi bạn mua bánh nướng xốp mỗi buổi sáng - bạn sẽ trông giống như một thằng ngốc mỗi khi bạn quay trở lại.
 
Hoặc nếu bạn vô tình làm một đồng nghiệp bực mình, bạn phải lo lắng rằng bạn phải gặp họ mỗi ngày, điều đó sẽ khó khăn, sau đó sự lúng túng sẽ làm cho họ ghét bạn nhiều hơn; điều này sẽ chỉ làm cho nó rắc rối hơn, mà sau đó nó sẽ làm cho bạn nói một cái gì đó thậm chí ngu ngốc hơn và sau đó họ thậm chí thấy bị xúc phạm hơn và sau đó mọi việc thậm chí trở nên khủng khiếp hơn; ôi chúa ơi, tôi chỉ muốn ở lại trên giường và chơi game mãi mãi.
 
Nhưng khi bạn ở nước ngoài, bạn không thường xuyên cảm thấy lúng túng - cho dù bạn nói lắp một thứ tiếng lạ hoắc nào đó, gọi một món ăn kinh dị và gần như nôn mửa khắp khăn trải bàn, hoặc nói những điều thực sự ngu ngốc trong lúc nhầm lẫn.
 
Và điều hay là, bạn sẽ sớm nhận ra rằng không ai quan tâm. Không ai. Không bao giờ.
 
Phần lớn mọi người không quan tâm những gì bạn nói hoặc làm. Và điều đó thật tự do.
 
Tôi đã từng nói với một người bạn Argentina rằng đồ ăn của Mỹ không tốt vì họ đặt “bao cao su” trong đó. Tôi nghĩ rằng cô ấy gần như bị sặc bia khi nghe tôi nói vậy. Rõ ràng trong tiếng Tây Ban Nha từ "chất bảo quản" không có nghĩa khác tương tự như “bao cao su”.
 
Tôi đã từng lang thang vào một bữa tiệc của giới gay ở Berlin. Sau đó tôi phải xấu hổ giải thích cho một số giai đẹp Đức rằng: ‘không, tôi không phải gay’; tôi phải từ chối họ, tôi đã phải rất cố gắng mới thoát được ra khỏi đó.
 
Một lần, khi đang bực mình với triệu chứng ‘jetlag’, tôi bắt đầu nói xấu về một lái xe taxi người Thái, chỉ để xem ông ấy có thông thạo tiếng Anh và hiểu tất cả mọi thứ tôi đã nói không. Sau đó, ông ấy quay lại và bắt đầu giải thích với tôi, bằng giọng Mỹ, tại sao ông ấy lại chuyển đến Thái Lan và tại sao tôi cần phải kiên nhẫn hơn với mọi người.
 
Những điều tương tự xảy ra rất nhiều. Nhưng bạn nhanh chóng nhận ra rằng thế giới vẫn tiếp tục chuyển động. Những điều mà bạn cảm thấy bối rối đến mức muốn tự tử thì những người xung quanh chỉ cười mỉa hoặc thấy đó như một sự mới lạ. Hiểu được điều này sẽ rất tốt. Đó là một bài học khó mà có được khi chỉ ngồi ở nhà, hay trong cuộc sống hàng ngày, bạn chỉ như con thoi giữa ba hay bốn địa điểm quen thuộc.
 
Bởi vì một khi bạn biết rằng phần lớn thế giới không quan tâm bạn là ai hoặc những gì bạn đang làm, bạn nhận ra rằng không có lý do để không trở thành người mà bạn muốn trở thành. Không cần phải hài lòng ai. Không cần phải gây ấn tượng với ai. Toàn bộ vấn đề là ở bạn, chính bạn và những câu chuyện do bạn tự tưởng tượng ra.

5. CÀNG ĐI DU LỊCH NHIỀU BẠN CÀNG KHÔNG RÕ MÌNH LÀ AI – ĐÓ CŨNG LÀ MỘT ĐIỀU TỐT

Nhiều người dấn thân vào những hành trình vòng quanh thế giới để ‘tìm kiếm bản thân’. Trên thực tế, điều đó thật sáo rỗng, đó là một thứ gì đó nghe thật sâu sắc và quan trọng nhưng chả có ý nghĩa gì.
 
Bất cứ khi nào có ai đó tuyên bố họ muốn đi du lịch để ‘tìm kiếm bản thân’ tôi nghĩ rằng họ có ý: Muốn loại bỏ tất cả các ảnh hưởng lớn từ bên ngoài đến cuộc sống của họ, đặt mình vào một môi trường ngẫu nhiên và trung hòa, để từ đó nhìn xem con người họ sẽ trở thành như thế nào.
 
Bằng cách loại bỏ các ảnh hưởng bên ngoài - ông chủ độc đoán trong công việc, người mẹ hay cằn nhằn, áp lực từ một vài người bạn khó chịu - sau đó họ có thể nhận ra họ thực sự cảm nhận như thế nào về cuộc sống của họ khi trở về nhà.
 
Vì vậy, có lẽ là một cách tốt hơn là không nói bạn đi du lịch để "tìm thấy chính mình", mà bạn đi du lịch để có được một nhận thức chính xác hơn về con người của bạn khi về nhà, cho dù bạn có thực sự thích con người đó hay không.
 
Nhưng có một vấn đề là: Du lịch lại là một tác động ngoại cảnh khác.
 
Con người bạn khi trên một bãi biển ở Cuba không phải là con người bạn ngồi trong căn phòng nhỏ giữa mùa đông chết tiệt ở Chicago. Con người bạn trên một chuyến đi xuyên Đông Âu không phải là con người bạn trong một cuộc đoàn tụ gia đình ở Toronto.
 
Cái tôi rất dễ thích nghi với môi trường bên ngoài, trớ trêu thay, bạn càng thay đổi môi trường bên ngoài nhiều, bạn càng bị mất dấu vết về việc bạn thực sự là ai, bởi vì không có gì cố định để đối chiếu bản thân.
 
 
Với việc du lịch thường xuyên, rất nhiều yếu tố trong cuộc sống của bạn đang thay đổi do đó thật khó để cô lập một yếu tố chính và xem ảnh hưởng của tất cả mọi thứ khác lên yếu tố này. Bạn đang ở trong một trạng thái liên tục biến động. Vì vậy nếu trong một tuần bạn thấy chán nản khi thức dậy, thật khó để biết liệu có phải vì bạn nhớ gia đình, hoặc vì sự căng thẳng của một dự án bạn làm hỏng trước khi rời đi, hoặc bởi vì bạn không nói được ngôn ngữ của đất nước bạn đang ở, hoặc có thể bạn đã bị trầm cảm trong nhiều tháng hoặc nhiều năm và cứ che giấu mãi cho đến bây giờ.
 
Bạn không biết. Không thể biết. Tất cả mọi thứ cứ nhòe vào nhau.
 
Thay vì phát hiện ra bạn là ai, bạn bắt đầu hỏi bạn là ai. Một năm trước bạn đi đến Pháp và yêu nó. Năm sau bạn đến và ghét nó. Có một công việc mới có vẻ như một ý tưởng tuyệt vời khi về nhà, bây giờ nó có vẻ như một ý tưởng kinh khủng, nhưng sau đó nó lại là một ý tưởng tuyệt vời ngay sau khi bạn trở về. Năm nay bạn thích điên cuồng việc nằm ườn trên bãi biển, năm sau các bãi biển làm bạn chán ngán và bạn không biết tại sao.
 
Có phải mọi thứ thực sự thay đổi? Hoặc chỉ do bản thân bạn?
 
Thường xuyên đi lại đặt bản thân bạn vào sự biến đổi liên tục làm cho bạn không thể nhận ra một cách chắc chắn bạn là ai hoặc bạn biết gì, hay bạn có thực sự biết điều gì không.
 
Và đây là một điều tốt.
 
Bởi vì sự không chắc chắn sinh ra sự hoài nghi, nó tạo ra sự cởi mở, và nó làm bạn không phán xét. Bởi vì sự không chắc chắn sẽ giúp bạn trưởng thành và phát triển.
 
Khi bạn đi đủ lâu và trở nên không chắc chắn bạn thực sự là ai, kết quả giống như một hình thức thiền tinh tế, lâu dài - một sự chấp nhận kiên trì và cần thiết đối với bất cứ điều gì xảy ra, bởi vì bạn không thực sự biết có phải đồ ăn làm bạn ốm, bạn không thực sự biết bạn có thích nền văn hóa Đông Âu nữa hay không, bạn không thực sự biết bạn cảm thấy như thế nào về bất bình đẳng thu nhập nữa, và bạn không biết con đường sự nghiệp của bạn là tốt nhất hay không, bạn không thực sự biết là mình có nhớ bạn bè không hay bạn chỉ thích ý tưởng nhớ bạn bè ở nhà.
 
Và đến một lúc, bạn ngừng đặt câu hỏi. Bạn bắt đầu lắng nghe. Lắng nghe tiếng sóng và tiếng gió và tiếng gọi tình yêu của tất cả những ngôn ngữ đẹp đẽ mà bạn sẽ không bao giờ hiểu.
 
You just let it be. And keep moving.
 
Dịch: Cao Hằng
 
Nguồn: http://www.businessinsider.com/lessons-i-learned-from-while-traveling-the-world-2015-6
 
menu
menu