Cảm xúc là đồ vứt đi

cam-xuc-la-do-vut-di

Hành động dựa trên cảm xúc rất dễ. Bạn cảm nhận. Bạn làm. Giống như gãi ngứa vậy. Có một cảm giác dễ chịu đi theo. Một sự thỏa mãn nhanh chóng. Nhưng sau đó sự thỏa mãn này cũng biến mất nhanh như cách nó đến vậy.

Nói nghe này, tôi biết bạn nghĩ rằng cảm giác buồn bực hay giận dữ hay lo lắng là quan trọng. Rằng chúng có ý nghĩa. Có thể bạn nghĩ rằng vì bạn cảm thấy như vừa bị ỉa vào mặt khiến bạn quan trọng. Nhưng không hề. Cảm xúc chỉ là những… thứ xảy ra thôi. Những ý nghĩa mà ta xây dựng xung quanh chúng - rằng cái gì quan trọng cái gì không - sau đó mới có.

Trong cuộc sống chỉ có hai lý do khiến ta làm bất kỳ điều gì: a) vì nó khiến ta cảm thấy tốt, hoặc b) vì đó là điều bạn tin là tốt hoặc đúng. Đôi lúc hai lý do này song hành với nhau. Một chuyện vừa khiến ta cảm thấy tốt VÀ là điều đúng đắn thì quả là tuyệt vời. Mở tiệc ăn bánh nào.

Nhưng thường thì, hai lý do ấy không đồng hành với nhau. Có những thứ đem lại cảm giác tệ hại nhưng lại là điều đúng/tốt (ngủ dậy lúc 5 giờ sáng và đến phòng tập gym, đi chơi với bà ngoại Joanie vào buổi chiều và đảm bảo rằng bà còn thở), hoặc thứ khiến ta cảm thấy tuyệt vời ông mặt trời nhưng lại là điều xấu/sai (hầu hết những việc dính líu đến dương vật).

Hành động dựa trên cảm xúc rất dễ. Bạn cảm nhận. Bạn làm. Giống như gãi ngứa vậy. Có một cảm giác dễ chịu đi theo. Một sự thỏa mãn nhanh chóng. Nhưng sau đó sự thỏa mãn này cũng biến mất nhanh như cách nó đến vậy.

Hành động dựa trên điều tốt/đúng rất khó. Với một người, biết điều gì là tốt/đúng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Bạn thường phải ngồi lại và suy nghĩ kỹ lưỡng về nó. Thường ta sẽ mơ hồ với kết luận của mình hoặc đấu tranh với những động lực thấp hơn.

Nhưng khi ta làm điều đúng/tốt, hiệu ứng tích cực tồn tại lâu hơn. Ta cảm thấy tự hào khi nhớ về nó sau nhiều năm. Ta kể cho bạn bè và gia đình và tự thưởng một món quà nhỏ và vẽ bậy lên tường văn phòng làm việc và nói, “Ô! Là tôi làm đấy!” khi đồng nghiệp đến và hỏi tại sao lại có cái cúp hình con dê bắt dĩa frisbee trên tủ sách thế kia (đừng hỏi tôi vì sao).

Ý chính ở đây là: làm điều tốt/đúng xây dựng lòng tự trọng và thêm ý nghĩa vào cuộc sống của bạn.

“Hack” não

Vạy ta nên mặc kệ hết cảm xúc và lúc nào cũng chỉ làm điều tốt/đúng? Đơn giản thôi.

Cũng như ti tỉ thứ khác trong cuộc sống, điều ấy rất đơn giản. Nhưng đơn giản không nhất thiết đồng nghĩa với dễ dàng.

Vấn đề ở đây là não bộ không thích cảm giác mâu thuẫn trong việc đưa ra quyết định. Nó không thích sự thiếu chắc chắn hay mơ hồ và sẽ “nhào lộn” tinh thần để né tránh bất kỳ sự khó chịu nào. Và cách thức mà não bộ thích nhất là luôn cố gắng tự thuyết phục rằng điều gì cảm thấy tốt thì cũng giống với điều tốt/đúng.

Bạn biết rằng bạn không nên ăn kem. Nhưng não của bạn nói rằng, “Nè, mày vừa trải qua một ngày vất vả, ăn một chút không chết đâu.” Và bạn, “Hừm, chí lý! Cám ơn não!” Điều cảm thấy tốt tự nhiên cảm thấy đúng. Và sau đó bạn hớp ngay một hộp Cherry Garcia mà không hổ thẹn gì cả.

Bạn biết mình không nên gian lận trong khi thi, nhưng não của bạn nói rằng, “Mày phải làm hai công việc để chi trả học phi đại học, không giống như lũ cậu ấm cô chiêu trong lớp. Mày xứng đáng châm chước,” và rồi bạn địa đáp án của người khác và ngạc nhiên chưa, điều cảm thấy tốt cũng là điều cảm thấy đúng.

Bạn biết bạn nên đi bầu cử, nhưng bạn nói với bản thân rằng cái chế độ này thối nát rồi, ngoài ra, lá phiếu của bạn cũng chả có ích gì cả. Thế là bạn ngồi nhà và chơi với cái máy bay mới có khi còn không được phép bay trong khu phố. Nhưng kệ xác nó, ai quan tâm? Đây là nước Mỹ và mục đích sống ở đây là bội thực với bất kỳ điều gì bạn muốn. Giống như là bản bổ sung thứ sáu ấy.

Nếu bạn làm điều này trong thời gian đủ dài - nếu bạn tự thuyết phục rằng điều gì cảm thấy tốt cũng là điều tốt - thì não bộ của bạn sẽ thực sự trộn lẫn hai khái niệm đó lại. Não của bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng mục đích cuộc sống chỉ là để cảm thấy tuyệt vời, càng thường xuyên càng tốt.

Và một khi điều ấy xảy ra, bạn sẽ bắt đầu lừa gạt bản thân tin rằng cảm xúc của bạn quan trọng. Và một khi điều đó xảy ra, ờm…

(Ra khỏi vườn nhà tao ngay)

Giờ nếu như bạn đang cảm thấy sai sai, hãy thử nghĩ kỹ lại một tí. Tất cả những điều rối tung rối mù trong cuộc sống của bạn, nhiều khả năng chúng như thế là vì bạn đã quá dựa dẫm vào cảm xúc. Bạn đã quá bồng bột. Hoặc quá tự cao và nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Cảm xúc có cách để làm điều đó bạn biết không? Chúng khiến bạn nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Và tôi rất ghét khi là người nói với bạn rằng, không phải vậy.

Rất nhiều thanh niên ghét phải nghe điều này vì họ lớn lên với những người cha người mẹ tôn thờ cảm xúc của họ khi họ còn nhỏ, và bảo vệ những cảm xúc ấy, và cố gắng mua thật nhiều kẹo bắp và khóa học bơi để đảm bảo những cảm xúc ấy luôn tốt đẹp và được bảo vệ.

(Khi khám phá ra trung tâm của vũ trụ, rất nhiều người sẽ thất vọng vì đó không phải họ)

Điều đáng buồn là, những bậc phụ huynh ấy làm như vậy vì họ cũng quá dựa dẫm vào cảm xúc, vì họ không thể chịu nổi nỗi đau khi nhìn thấy con của mình gặp khó khăn, dù chỉ trong chốc lát. Họ không nhận ra rằng trẻ cần nghịch cảnh vừa đủ để phát triển nhận thức và cảm xúc, rằng trải nghiệm thất bại thực chất là điều dẫn đến thành công, rằng luôn có cảm xúc tốt cũng đồng nghĩa với chiếc vé hạng nhất bay đến tuổi trưởng thành không có bạn bè.

Đây là vấn đề với việc quản lý cuộc sống xung quanh cảm xúc:

1. Cảm xúc của bạn chỉ là của bạn

Hoàn toàn chỉ có một mình bạn trải nghiệm những cảm xúc ấy. Cảm xúc không thể nói cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho mẹ bạn hoặc cho sự nghiệp của bạn hoặc cho chú chó nhà hàng xóm. Chúng không thể cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho môi trường. Hay điều gì là tốt nhất cho quốc hội tiếp theo của Lithuania. Chúng chỉ có thể nói ra điều gì là tốt nhất đối với bạn… và ngay cả điều đó còn gây tranh cãi.

(Mọi chuyện đều tuyệt vời - Một triết lý sống vô giá trị)

2. Cảm xúc là nhất thời

Chúng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc chúng xuất hiện. Cảm xúc không thể nói cho bạn biết điều gì tốt cho bạn vào tuần sau hay một năm sau hay 20 năm sau. Chúng không thể cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho bạn khi bạn còn nhỏ hay đáng lẽ bạn nên học gì ở trường. Chúng chỉ có thể cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho bạn ngay tại thời điểm này… và ngay cả điều đó còn gây tranh cãi.

3. Cảm xúc không chính xác

Đã bao giờ bạn nói chuyện với một người bạn và nghĩ rằng bạn nghe họ nói điều gì đó rất kinh khủng rất xấu xa và bắt đầu giận dữ nhưng thực ra người bạn ấy không nói điều gì như vậy cả, bạn chỉ nghe nhầm? Hay đã bao giờ bạn rất ghen và bực bội với một người thân thiết vì một lý do hoàn toàn là tưởng tượng? Giống như là điện thoại họ hư và bạn bắt đầu nghĩ họ ghét bạn và chưa bao giờ thích bạn và chỉ đang lợi dụng bạn vì bạn có vé đi xem Boy George? Hay đã bao giờ bạn rất hào hứng theo đuổi một điều gì đó bạn nghĩ sẽ khiến mình trở thành một soái ca ngầu lòi nhưng sau đó nhận ra đó chỉ là một bài học nhớ đời, và bạn khiến rất nhiều người quan tâm đến mình giận dữ? Cảm xúc đôi khi rất xa vời so với sự thật. Và đó chính là vấn đề.

Tại sao vượt qua cảm xúc lại khó như vậy?

Những gì tôi vừa nói đều không hề mới không hề đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, có lẽ bạn đã từng cố gắng để vượt qua một số cảm xúc và xung động đáng ghét của mình nhưng thất bại.

Vấn đề ở chỗ khi bạn bắt đầu cố gắng kiểm soát cảm xúc, những cảm xúc ấy nhân bản lên. Giống như trò đập thỏ vậy. Chúng cứ trồi lên hết chỗ này đến chỗ khác.


(Suỵt, khẽ tiếng thôi, tôi đang cố gắng tiêu diệt cảm xúc)

Đó là vì ta không chỉ có cảm xúc với những trải nghiệm, ta còn có cảm xúc với những cảm xúc của mình. Tôi gọi đây là “siêu cảm xúc” và chúng hủy hoại mọi thứ.

Có bốn loại siêu cảm xúc: cảm thấy tệ vì cảm thấy tệ (tự ghê tởm), cảm thấy tệ vì cảm thấy tốt (tội lỗi), cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ (tự công bình), và cảm thấy tốt vì cảm thấy tốt (tự cao/ái kỷ).

Để tôi xếp chúng vào một bảng nhỏ nhỏ xinh xinh cho bạn dòm:

SIÊU CẢM XÚC CỦA BẠN ĐÂY

Cảm thấy tệ vì cảm thấy tệ
(Tự ghê tởm)

- Tự chỉ trích quá nhiều
- Hành vi lo âu/thần kinh
- Kìm nén cảm xúc
- Nhiều lần giả tốt bụng/lịch sự
- Cảm thấy dường như bạn có gì đó sai sai

Cảm thấy tệ vì cảm thấy tốt
(Tội lỗi)

- Tội lỗi tột cùng và cảm giác dường như bạn không xứng đáng được hạnh phúc
- Liên tục so sánh bản thân với người khác
- Cảm giác như thể nên có gì đó sai, dù cho mọi chuyện vẫn ổn
- Có những chỉ trích và tiêu cực không cần thiết

Cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ
(Tự công bình)

- Phẫn nộ về luân lý
- Khinh bỉ người khác
- Cảm giác bạn xứng đáng có được điều gì đó mà người khác thì không
- Luôn tìm kiếm cảm giác nạn nhân và bất lực

Cảm thấy tốt vì cảm thấy tốt
(Tự cao/Ái kỷ)

- Tự ca ngợi
- Đánh giá quá cao bản thân, đây là một nhận thức bản thân tích cực ảo tưởng
- Không thể chịu đựng được thất bại hay sự từ chối
- Né tránh đối đầu hoặc sự không thoải mái
- Luôn chỉ quan tâm đến bản thân

Siêu cảm xúc là một phần trong những câu chuyện ta kể với bản thân về cảm xúc. Chúng khiến ta cảm thấy hợp lý khi ghen. Chúng tán thưởng sự tự phụ của ta. Chúng vùi đầu ta vào những nỗi đau của mình.

Bản chất chúng là ý thức điều gì là hợp lý/không hợp lý. Đó là thỏa thuận của bãn thân trong việc ta nên phản ứng cảm xúc như thế nào và không nên phản ứng cảm xúc như thế nào.

Nhưng cảm xúc không trả lời những điều nên làm. Cảm xúc là đồ ngu, nhớ chưa?

Và thay vào đó, những siêu cảm xúc này có khuynh hướng xâu xét thâm tâm ta, và còn nhiều hơn thế nữa.

Nếu bạn luôn cảm thấy tốt vì cảm thấy tốt, bạn sẽ chỉ quan tâm đến bản thân và cảm thấy mình vượt trội hơn những người xung quanh. Nếu cảm xúc tốt khiến bạn cảm thấy tệ về bản thân, bạn sẽ trở thành một cục tội lỗi và xấu hổ biết đi biết nói, nghĩ rằng bạn không xứng đáng với mọi thứ, không hưởng được gì cả, và không có gì giá trị để cho người khác hay cho thế giới xung quanh.

Và rồi có những người cảm thấy tệ vì cảm thấy tệ. Những “kẻ suy nghĩ tích cực” này sẽ sống trong nỗi sợ hãi rằng bất kỳ khổ sở nào cũng mang ý nghĩa bạn có gì đó cực kỳ sai. Đây chính là Vòng lặp Phản hồi Địa ngục mà rất nhiều người trong số chúng ta bị ép cuốn vào bởi nền văn hóa, gia đình và ngành công nghiệp tự lực nói chung.

Nhưng có lẽ siêu cảm xúc tệ nhất lại là loại đang ngày càng phổ biến hơn: cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ. Người cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ luôn vui thích với một sự phẫn nộ công chính nhất định. Họ cảm thấy vượt trội vì những khó khăn của mình, rằng họ là người hy sinh trong thế giới khắc nghiệt này. Những kẻ thích nạn nhân hóa thái quá bản thân theo phong trào này chính là những kẻ muốn hủy hoại cuộc sống của người khác trên internet, là kẻ muốn diễu hành và báng bổ các chính trị gia hay doanh nhân hay người nổi tiếng đang cố gắng hết sức trong thế giới khó khăn, phức tạp này.

Rất nhiều xung đột xã hội mà ta đang trải qua hôm nay là kết quả của những siêu cảm xúc này. Những đám đông làm loạn ở cả hai bên cánh tả, cánh hữu tự coi bản thân là nạn nhân và là người đặc biệt với những nỗi đau và nghịch cảnh vô lý họ phải chịu đựng. Lòng tham gia tăng khi người giàu tự tán thưởng vì họ giàu, đi kèm với gia tăng lo âu và trầm cảm vì tầng lớp hạ lưu và trung lưu ghét họ vì bị bỏ lại phía sau.

Những lời này không chỉ là ta tự nói với mình mà còn là những lời truyền thông thêu dệt. Người chủ trì của một chương trình cánh hữu châm ngòi sự tự công bình, khiến người xem bị nghiện những nỗi sợ phi lý trí rằng xã hội loài người đang thối nát. Những trò đùa biếm họa chính trị bên cánh tả cũng tạo hiệu ứng tương tự, nhưng thay vì nỗi sợ, chúng khơi gợi trí khôn và sự ngạo mạn. Văn hóa người tiêu dùng thúc ép bạn đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc tốt rồi sau đó tán thưởng bạn với những quyết định ấy, trong khi đó tôn giáo khuyên nhủ ta cảm thấy tệ với việc ta đang cảm thấy tệ như thế nào.

Kiểm soát ý nghĩa, không phải cảm xúc

Để dẹp bỏ những câu chuyện trên ta cần quay trở lại với một sự thật đơn giản: cảm xúc không nhất thiết mang ý nghĩa gì cả. Chúng chỉ có ý nghĩa khi ta cho phép.

Có thể hôm nay tôi buồn. Nhưng có tới tám lý do khác nhau để lý giải vì sao tôi buồn hôm nay. Có thể một số lý do quan trọng còn lại thì không. Nhưng tôi được quyền quyết định những lý do ấy quan trọng đến mức nào - liệu những lý do ấy có chỉ ra điều gì về tính cách của tôi hay không hoặc đây chỉ là một ngày buồn như bao ngày buồn khác.

Đây là một kỹ năng thiếu thốn trầm trọng vào ngày nay: kỹ năng tách rời ý nghĩa ra khỏi cảm xúc, để quyết định rằng chỉ vì bạn có cảm xúc như thế này không có nghĩa cuộc sống của bạn là như thế ấy.

Cảm xúc là đồ vứt đi. Đôi lúc, điều tốt sẽ khiến bạn cảm thấy tệ. Đôi lúc, điều tệ sẽ khiến bạn cảm thấy tốt. Điều đó không thay đổi một sự thật rằng chúng vẫn tốt/tệ. Đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy tệ vì cảm thấy tốt vì một điều tệ và bạn sẽ cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ vì một điều t… - nói nghe nè. Kệ xác nó. Kệ xác cảm xúc đi.

Điều này không có nghĩa bạn nên hoàn toản bỏ mặc cảm xúc. Cảm xúc vẫn quan trọng. Nhưng chúng quan trọng không phải vì lý do như ta nghĩ. Ta nghĩ chúng quan trọng vì chúng nói lên điều gì đó về ta, về thế giới, và về mối quan hệ giữa ta và cảm xúc ấy. Nhưng chúng không nói lên điều gì như thế cả. Không có ý nghĩa gì gắn liền với cảm xúc cả. Đôi lúc bạn bị tổn thương vì một lý do tốt. Đôi lúc vì một lý do tệ.

Và đôi lúc không vì lý do gì cả. Bản thân sự tổn thương là trung tính. Lý do là một thứ tách rời.

Vấn đề ở đây là bạn được quyền quyết định. Và rất nhiều người trong chúng ta hoặc là đã quên hoặc là chưa bao giờ nhận ra điều ấy. Nhưng ta quyết định những nỗi đau mang ý nghĩa gì. Cũng giống như ta quyết định thành công của mình bộc lộ điều gì.

Và nhiều khi, bất kỳ câu trả lời nào cũng sẽ khiến bạn đau khổ cắt da cắt thịt, ngoại trừ một. Và câu trả lời đó là: không gì cả.

 Footnotes

Philosophers have been trying to nail this good/right thing down for, oh, about 2,500 years. So don’t get down on yourself if you don’t get it on your first try.↵
Sadly, the American Dream has mutated into this mass delusional form of “what feels good is what is right” type thing. It’s arguably at the root of a lot of our social and cultural problems at the moment.↵

Người dịch: Thợ săn tiền thưởng

Nguồnhttps://markmanson.net/fuck-your-feelings

menu
menu