Dấu hiệu nhận biết một cặp đôi có thể đang trên đường dẫn tới ngoại tình

Việc tranh cãi không nói lên nhiều điều về khả năng một mối quan hệ sẽ tan vỡ.
Việc tranh cãi không nói lên nhiều điều về khả năng một mối quan hệ sẽ tan vỡ. Điều quan trọng không nằm ở việc cặp đôi có cãi nhau hay không, mà là cách họ nhìn nhận, xử lý và hóa giải những bất đồng ấy. Những mối quan hệ mong manh không nhất thiết là những cuộc tình đầy những trận cãi vã nảy lửa, những lần đập cửa bỏ đi hay những lời nói tổn thương. Chúng là những mối quan hệ mà sự đứt gãy cảm xúc không được nhận diện đúng lúc, không được mổ xẻ thấu đáo và không được hàn gắn một cách trọn vẹn.
Một cặp đôi cần có một số phẩm chất quan trọng để có thể tranh luận một cách lành mạnh. Trước hết, mỗi người phải có khả năng nhận biết sớm và chính xác những điều khiến mình không thoải mái: hiểu được điều gì đang làm mình buồn bực, thất vọng và điều gì thực sự cần thiết để bản thân có thể tiếp tục phát triển trong mối quan hệ này. Điều này không phải lúc nào cũng rõ ràng như ta tưởng. Đôi khi, phải mất một khoảng thời gian dài và sự thấu hiểu bản thân thật sâu sắc, ta mới nhận ra rằng, cơn giận dữ bùng lên không phải vì một chuyện to tát, mà chỉ vì một cuộc gọi bị lãng quên hay lời đề nghị dời lịch kỳ nghỉ.
©Flickr/J Stimp
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không kém là cảm giác rằng mình có quyền được lên tiếng. Rằng ta không có nghĩa vụ phải luôn "ngoan ngoãn", không gây phiền phức, không làm xáo trộn sự yên bình bề ngoài. Rằng ta hoàn toàn có thể nói ra khi mình thấy buồn, thấy bất mãn, ngay cả khi điều khiến ta khó chịu có vẻ nhỏ nhặt trong mắt người kia. Thà làm hỏng một vài buổi tối còn hơn là đánh mất cả cuộc hôn nhân.
Điều này cũng đòi hỏi một cái nhìn thực tế về tình yêu và các mối quan hệ: chấp nhận rằng thất vọng đôi chút hay đôi khi có xung đột không phải là dấu hiệu của một mối quan hệ tồi tệ, mà là một phần tất yếu của tình yêu đủ đầy. Rằng sẽ có những khoảnh khắc ta giận đến mức tưởng như không thể chịu đựng thêm được nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ phải kết thúc ngay lập tức.
Ngoài ra, biết cách lựa chọn thời điểm để lên tiếng cũng là một kỹ năng quan trọng. Không phải lúc nào cũng cần nói ra ngay khi vấn đề vừa xuất hiện – sự khéo léo trong giao tiếp cũng quan trọng không kém. Đôi khi, tốt nhất là đợi đến khi cơn căng thẳng ban đầu qua đi, có thể là sáng hôm sau, khi cả hai đã bình tâm hơn. Một người biết cách giữ sự tự tin của mình sẽ không cần phải xả hết bức xúc trong một tràng dài không kiểm soát hay hét lên những tổn thương của mình vào khoảnh khắc người kia cũng đang quá tức giận để lắng nghe. Biết cách biến những lời phàn nàn thành một quan điểm hợp lý, thậm chí là một câu chuyện hài hước tinh tế, sẽ giúp thông điệp của ta có nhiều cơ hội chạm đến đối phương hơn.
Một yếu tố quan trọng khác là cảm giác gắn bó với người kia, nhưng đồng thời vẫn ý thức được rằng, nếu mọi thứ thực sự trở nên không thể cứu vãn, ta có thể bước đi. Khi biết rằng ta có lựa chọn, rằng ta không phải bám víu vào ai để tồn tại, ta sẽ không rơi vào trạng thái tuyệt vọng hay nhẫn nhịn vô lý. Khi ấy, ta sẽ không cần phải cầu xin sự tôn trọng – mà sẽ đòi hỏi nó như một điều hiển nhiên.
Nhưng thật không may, những điều này thường không tồn tại trong những cặp đôi không chỉ cãi nhau, mà còn thiếu khả năng tranh luận một cách lành mạnh. Họ không có công cụ để xử lý những khoảng cách cảm xúc và cơn giận của mình, để rồi dần dần, họ trôi xa khỏi nhau hơn – và đôi khi, trôi vào vòng tay của một người khác.
SỰ LẠC QUAN QUÁ MỨC TRONG TÌNH YÊU
Những cặp đôi mong manh thường, một cách nghịch lý, lại đặt quá nhiều hy vọng vào tình yêu. Họ tin rằng hạnh phúc đồng nghĩa với một mối quan hệ không có bất kỳ mâu thuẫn nào. Khi đã tìm được người mà họ tin là "định mệnh", họ kỳ vọng rằng cả hai sẽ chẳng bao giờ phải tranh cãi, giận dỗi hay trải qua một buổi chiều buồn bã. Và khi những rắc rối xuất hiện – điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ mối quan hệ nào – họ không xem đó là dấu hiệu tự nhiên của tình yêu đang phát triển, mà là bằng chứng đáng lo ngại rằng mối quan hệ này có thể là một sai lầm. Chính những hy vọng viển vông ấy khiến họ nhanh chóng kiệt sức trước những đòi hỏi của sự kiên nhẫn, thấu hiểu và cố gắng vun đắp.
KHÔNG HIỂU RÕ NỖI ĐAU CỦA CHÍNH MÌNH
Những cặp đôi mong manh thường không giỏi trong việc nhận diện nguyên nhân thực sự khiến mình khổ sở. Họ cảm thấy bất mãn trong mối quan hệ, nhưng lại mơ hồ về lý do. Họ biết có điều gì đó không ổn, nhưng không thể xác định chính xác điều gì đang làm mình tổn thương. Đôi khi, vấn đề không nằm ở những cuộc cãi vã ồn ào, mà là sự mất niềm tin trong những chuyện nhỏ như tiền bạc, hay sự bất đồng trong cách nuôi dạy đứa con nhỏ nhất – điều mà họ không nhận ra. Vì không hiểu rõ nguồn cơn của sự khó chịu, họ phản ứng theo những cách sai lầm: hoặc là giận dữ vô cớ, hoặc là nhắm vào những vấn đề quá nhỏ nhặt để làm lý do cho sự thất vọng của mình.
NỖI XẤU HỔ ÂM THẦM
Những người sống trong cảm giác xấu hổ thường có một nỗi hoài nghi sâu xa về giá trị của bản thân. Ở đâu đó trong quá khứ, họ đã được dạy rằng họ không thực sự quan trọng, rằng cảm xúc của họ không đáng để người khác bận tâm, rằng hạnh phúc của họ chỉ là thứ yếu. Khi yêu, họ cũng biết đau như bất kỳ ai, nhưng họ lại không biết cách diễn đạt nỗi đau ấy theo một cách mà người khác có thể thấu hiểu và chia sẻ. Thay vì nói ra, họ im lặng. Thay vì giãi bày, họ lẩn trốn. Thay vì bày tỏ nỗi tuyệt vọng của mình, họ giấu nó thật sâu. Và thường thì, đến khi họ thực sự mở lòng, đã là quá muộn.
LO ÂU QUÁ MỨC
Để có thể phàn nàn một cách khéo léo, ta cần tin rằng mọi thứ không phụ thuộc hoàn toàn vào việc lời nói của mình có được lắng nghe hay không. Nếu cuộc trò chuyện không đi đến đâu, nếu người kia không chịu thay đổi, ta vẫn có thể tiếp tục sống, thậm chí tìm kiếm tình yêu ở nơi khác. Một cuộc tranh luận không phải là chuyện sống còn. Người kia không thể phá hỏng cả cuộc đời ta chỉ vì một lần cãi vã. Khi hiểu được điều đó, ta sẽ không cần phải hét lên, trách móc hay liên tục đòi hỏi sự chú ý. Ta có thể nói ra suy nghĩ của mình với sự bình thản, như một người thầy kiên nhẫn giảng bài – không cần ép buộc học trò phải hiểu ngay, vì luôn có ngày mai để tiếp tục.
CÁI TÔI QUÁ LỚN
Một người thực sự vững vàng bên trong sẽ không cảm thấy xấu hổ khi phải nói ra những điều tưởng như vụn vặt: rằng họ đã buồn cả buổi trưa chỉ vì người kia không nắm tay họ khi đi dạo, rằng họ chỉ mong một cái ôm chúc ngủ ngon vào cuối ngày. Một người quá kiêu hãnh sẽ thấy khó chịu khi thừa nhận những nhu cầu tưởng như nhỏ bé ấy, và thay vì nói ra, họ che giấu nó bằng một thái độ phòng thủ, lạnh lùng. Đã bao lần, họ đóng sầm cửa và gắt lên rằng "Không, chẳng có gì cả, đi đi!" trong khi thẳm sâu bên trong, họ chỉ mong được vỗ về như một đứa trẻ đang buồn bã.
SỰ MẤT NIỀM TIN VÀO ĐỐI THOẠI
Những cặp đôi mong manh thường lớn lên mà không có những ký ức đẹp về việc giao tiếp có thể giải quyết vấn đề. Họ đã chứng kiến những người thân yêu trong gia đình chỉ biết hét vào mặt nhau và rồi rơi vào tuyệt vọng. Họ chưa từng thấy một cuộc tranh luận có thể dẫn đến sự thấu hiểu và cảm thông. Họ khao khát được hiểu, nhưng lại không có đủ kỹ năng để giúp người kia hiểu mình.
Tất cả những điều này không có nghĩa là một cuộc ngoại tình sẽ chắc chắn xảy ra, nhưng chúng là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ về mặt cảm xúc. Nhìn từ bên ngoài, một cặp đôi có thể vẫn có một cuộc sống xã hội sôi động, những đứa con đáng yêu, một căn hộ mới khang trang. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, ta có thể nhận ra những dấu hiệu của một rạn nứt đang lớn dần. Một cuộc ngoại tình, nếu xảy ra, sẽ không chỉ đơn giản là một khoảnh khắc buông thả hay một phút mất kiểm soát. Nó có thể là hệ quả của những bất mãn âm ỉ qua thời gian – những bất mãn mà cả hai đều không đủ can đảm hoặc không có khả năng đào sâu tìm hiểu.
Nguồn: HOW TO SPOT A COUPLE THAT MIGHT BE HEADED FOR AN AFFAIR | The School Of Life