Những người chỉ có thể nói ‘tôi yêu em’ khi cận kề chiến tranh
Tình yêu vốn luôn ở đó, nhưng chỉ khi đối mặt với tử thần, hai người mới có đủ can đảm để thừa nhận sự hiện diện đầy thiêng liêng của nó.
Một trong những cảnh đau lòng nhất trong các bộ phim là khi một người, với cái chết đang đến gần, quay lại với ai đó mà họ luôn giữ khoảng cách và thú nhận rằng họ thực sự, bất chấp vẻ lạnh lùng bấy lâu, yêu thương sâu sắc người đó và đã yêu từ rất lâu. Oxy trong tàu ngầm đang dần cạn kiệt, bom đạn Đức đang thiêu rụi London, binh lính bao vây ngôi nhà, căn bệnh ung thư siết chặt dòng máu, chỉ còn năm phút nữa là quả bom hạt nhân phát nổ, và trong những khoảnh khắc cuối cùng, lời thú nhận đau đớn được cất lên: “Anh yêu em, anh đã luôn yêu em, em là tất cả đối với anh.” Một nụ hôn cuối cùng trước khi màn hình tắt lịm. Tình yêu vốn luôn ở đó, nhưng chỉ khi đối mặt với tử thần, hai người mới có đủ can đảm để thừa nhận sự hiện diện đầy thiêng liêng của nó.
Vậy, điều gì thực sự khiến chúng ta rơi lệ? Không chỉ là số phận của hai nhân vật, mà còn là sự khó khăn đáng sợ trong việc bày tỏ với ai đó rằng chúng ta quan tâm đến họ và cho phép họ quan tâm lại. Việc phải đợi đến khi cận kề cái chết mới có thể mở lòng cho ai đó thấy được cảm xúc của mình cho thấy sự sợ hãi ghê gớm thế nào khi phải “trút bỏ lớp áo giáp” cảm xúc. Chúng ta nói quá nhẹ nhàng về “nỗi sợ thân mật.” Điều mà cụm từ ấy thực sự muốn nói là nỗi khiếp sợ mà có lẽ phải nhờ đến cả một cuộc oanh tạc mới có thể giúp ta vượt qua.
Chúng ta sợ điều gì? Tại sao không dám cất lời? Sao không nhấc điện thoại lên và nói với họ ngay lúc này? Ở một mức độ nào đó, có lẽ chúng ta lo rằng mình sẽ bày tỏ lòng mình và bị từ chối. Nhưng đó chỉ là một phần, và có lẽ không phải là phần quan trọng nhất. Điều khiến chúng ta run sợ hơn nhiều có lẽ là viễn cảnh, trời ơi, nếu như họ đáp lại và chúng ta sẽ phải đối mặt với điều hoàn toàn lạ lẫm: tình yêu từ cả hai phía.
Tuyệt vọng thật ra đơn giản hơn rất nhiều so với nỗi đe dọa của hạnh phúc. Được yêu lại nghĩa là chúng ta phải từ bỏ hoài nghi, phải từ giã những bức tường cô độc nơi ta có thể đã ẩn náu cả cuộc đời. Phần lớn chúng ta đều rất giỏi trong việc buồn bã và nghi ngờ, nhưng cái kỹ năng hiếm có và vô giá là để bản thân được tin tưởng.
Khi thấy các cặp đôi tan vỡ, ta thường nghĩ rằng đó là do tính cách không hợp nhau. Nhưng thực tế thường lạ lùng hơn nhiều. Có những đôi lẽ ra đã có thể cùng nhau chạm đến hạnh phúc tuyệt vời, nhưng lại tự hủy hoại mình vì cuối cùng họ thấy như thế dễ chịu và an toàn hơn. Chỉ cần tìm lỗi, cãi vã, hay hạ thấp mọi kỳ vọng xuống cũng đã thật thoải mái rồi — hơn là phải đối mặt với thứ hạnh phúc mà ta không dám tin mình thực sự xứng đáng.
Những lời tỏ tình trước giây phút cận kề cái chết nghe có vẻ “lãng mạn,” nhưng thực chất lại là lời nhắc nhở lạnh lẽo về việc chúng ta đã lãng phí bao nhiêu thời gian trong những tư thế xa cách phòng thủ – và khước từ bao cơ hội tìm thấy hạnh phúc. Hãy thôi tự lừa rằng mình sợ bị từ chối. Điều thực sự khiến ta run sợ, điều trái ngược với tất cả những gì ta từng học, chính là viễn cảnh được chấp nhận, bình yên và yêu thương.
Nguồn: THOSE WHO HAVE TO WAIT FOR A WAR TO SAY ‘I LOVE YOU’ – The School of Life