Hội chứng Stockholm - Tình yêu bí ẩn giữa nạn nhân và kẻ bạo hành

hoi-chung-stockholm-tinh-yeu-bi-an-giua-nan-nhan-va-ke-bao-hanh

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao nhiều người phụ nữ bị đối xử tệ bạc vẫn chịu đựng chung sống với người chồng vũ phu dù được nhiều người khuyên ngăn? Hay những câu chuyện về các nạn nhân bị giam giữ lâu năm bỗng chấp nhận và thoải mái bên người đã bắt mình

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao nhiều người phụ nữ bị đối xử tệ bạc vẫn chịu đựng chung sống với người chồng vũ phu dù được nhiều người khuyên ngăn? Hay những câu chuyện về các nạn nhân bị giam giữ lâu năm bỗng chấp nhận và thoải mái bên người đã bắt mình. Đó là hai trong nhiều ví dụ về “Hội chứng Stockholm”.

Nếu bạn hoặc một người bạn biết đang có một mối quan hệ bị kiểm soát và bạo hành, bạn có thể nhận ra một số đặc điểm được mô tả trong bài viết của nhà tham vấn tâm lý lâm sàng Tiến sĩ Joseph M. Carver. Bắt đầu bằng việc mô tả cách thức hình thành mối ràng buộc giữa nạn nhân và kẻ bạo hành, bài viết này tiếp tục với những quan sát về sự bất tương hợp nhận thức và đưa ra những gợi ý cho bạn bè và gia đình của các nạn nhân.

GIỚI THIỆU

Mọi người thường tỏ ra ngạc nhiên về những điều kiện tâm lý và phản ứng của chính bản thân họ. Những người bị trầm cảm đều choáng váng khi nhớ về những lúc họ có ý nghĩ tự sát. Những bệnh nhân đang phục hồi khỏi các rối loạn tâm thần nghiêm trọng thường bị sốc khi họ nhớ về những triệu chứng và hành vi suốt thời gian bị bệnh. Một bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực gần đây có nói với tôi rằng “tôi không thể tin rằng tôi từng nghĩ tôi có thể thay đổi thời tiết bằng thần giao cách cảm”. Một phản ứng chung là “tôi không thể tin rằng tôi đã từng làm điều đó!”.

Trong thực hành lâm sàng, những người tỏ ra ngạc nhiên và sốc nhất là những người từng chịu đựng các mối quan hệ bị kiểm soát và bạo hành. Khi những mối quan hệ đó kết thúc, họ thường thổ lộ rằng “tôi biết những gì anh ta đã gây cho tôi, nhưng tôi vẫn yêu anh ấy”, “tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi vẫn muốn trở lại với anh ấy, hay “tôi biết nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi nhớ anh ta”. Gần đây, tôi từng nghe “điều này thật không có nghĩa lý, anh ta có bạn gái mới và hắn cũng đã bạo hành cô ta… nhưng tôi ghen tị về điều ấy!”. Bạn bè và người thân thậm chí còn ngạc nhiên và sốc hơn khi nghe những người thân yêu của họ thổ lộ điều đó khi đã thoát khỏi những mối quan hệ bạo hành ấy. Trong khi những tình huống này thật vô lý từ các quan điểm xã hội thì dưới góc nhìn các quan điểm tâm lý thì nó hoàn toàn có thể giải thích được.

VỤ CƯỚP TẠI STOCKHOLM

Vào ngày 23 tháng 8 năm 1973, hai tên tội phạm với súng máy xông vào một ngân hàng ở Stockholm, Thụy Điển. Tên tù vượt ngục Jan-Erik Olsson vừa xả súng khủng bố các nhân viên ngân hàng và hét lên “cuộc vui chỉ vừa bắt đầu thôi!”. Hai tên cướp bắt giữ 4 con tin, 3 phụ nữ và 1 người đàn ông, trong 131 giờ. Những con tin bị gắn thuốc nổ và giam trong một kho đựng tiền cho đến khi được giải cứu vào ngày 28 tháng 8.

Sau cuộc giải cứu, các con tin cho biết mình bị sốc khi bị đe dọa, bạo hành và lo âu cho tính mạng của mình trong 5 ngày bị giam cầm. Trong các cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông, lại cho thấy rằng rõ ràng họ ủng hộ những kẻ bắt giam họ và lo sợ khi các nhân viên thực thi pháp luật đến giải cứu. Những con tin này đã bắt đầu cảm thấy những kẻ giam giữ kia thực ra đang bảo vệ họ khỏi cảnh sát. Một người phụ nữ trong số đó còn đính hôn với một trong hai kẻ tội phạm, và gom góp một quỹ bảo vệ pháp lý để hỗ trợ chi phí thuê luật sư hình sự cho các tên cướp đó. Rõ ràng, các con tin đã hình thành một mối cảm xúc “ràng buộc” với những kẻ giam giữ họ.

Điều kiện tâm lý trong những tình huống con tin biểu hiện công khai tình cảm “ràng buộc” với những kẻ giam giữ được đặt tên là “hội chứng Stockholm – Stockholm Syndrome”, và trở thành mộ hội chứng nổi tiếng trong tâm lý học. Tuy nhiên, nó đã đươc ghi nhận nhiều năm trước và tìm thấy trong các trường hợp bắt con tin, tù nhân và bạo hành khác, chẳng hạn:

Bạo hành trẻ em
Đánh đập/bạo hành phụ nữ
Tù nhân chiến tranh
Những thành viên bị hiến tế
Những nạn nhân bị loạn luân
Những tình huống bị tội phạm bắt làm con tin
Những tù nhân ở trại tập trung
Các mối quan hệ bị kiểm soát/bị đe dọa

Trong các bản phân tích cuối cùng, tình cảm ràng buộc với một kẻ bạo hành thực sự là một chiến lược đảm bảo sự sống còn cho các nạn nhân của sự đe dọa và bạo hành. Phản ứng “hội chứng Stockholm” khi các con tin/và trong các tình huống bị bạo hành được được ghi nhận khi cảnh sát giải cứu con tin không còn được xem là không thường gặp nữa. Trong thực tế, nó thường được khuyến khích trong các tình huống tội phạm như là cách để cải thiện cơ hội sống còn cho các con tin. Mặt khác, nó khiến các con tin trải qua “hội chứng Stockholm” không hợp tác khi được giải cứu hoặc khi thu thập chứng cứ hình sự để khởi tố tội phạm. Các nhân viên thực thi pháp luật địa phương từ lâu đã ghi nhận hội chứng này ở những phụ nữ bị đánh đập nhưng luôn tìm cách bao che, bảo lãnh chồng/bạn trai ra khỏi tù, và thậm chí tấn công cảnh xác khi họ đến giải cứu họ khỏi các cuộc tấn công bạo lực từ chồng/bạn trai.

Hội chứng Stockholm cũng có thể tìm thấy trong các mối quan hệ gia đình, các mối quan hệ lãng mạn hoặc liên nhân cách. Những kẻ bạo hành có thể là chồng hay vợ, là bạn trai hay bạn gái, cha hay mẹ, hoặc bất cứ vai trò nào mà kẻ bạo hành ở vị trí có quyền hành điều khiển hay thống trị.

Điều quan trọng là phải hiểu các thành phần của hội chứng Stockholm có liên quan đến các mối quan hệ bạo hành và kiểm soát. Một khi hội chứng này được hiểu rõ, sẽ dễ dàng đê hiểu được lý do tại sao nạn nhân ủng hộ, yêu và thậm chí bảo vệ những kẻ lạm dụng và kiểm soát họ.

Mỗi hội chứng bao gồm nhiều triệu chứng và hành vi, và hội chứng Stockholm cũng không ngoại lệ. Các chuyên gia và nhà nghiên cứu chưa thống nhất với nhau được một danh sách rõ ràng về hội chứng này nhưng một số đặc điểm có thể kể đến như sau:

  • các nạn nhân có cảm nhận tích cực hướng đến kẻ bạo hành/kiểm soát
  • các nạn nhân có cảm nhận tiêu cực hướng đến gia đình, bạn bè hoặc các cơ quan công quyền cố gắng giải cứu/hỗ trợ họ thoát khỏi mối quan hệ bị bạo hành/kiểm soát
  • ủng hộ các lý lẽ và hành vi của kẻ bạo hành
  • kẻ bạo hành có cảm nhận tích cực hướng đến nạn nhân
  • nạn nhân có các hành vi ủng hộ và đôi khi cả giúp đỡ kẻ bạo hành
  • nạn nhân bất lực để tham gia vào các hành vi hỗ trợ cho việc giải thoát hay phóng thích

Hội chứng Stockholm không phải đều xuất hiện trong tất cả các tình huống bị bắt làm con tin hay bạo hành. Trong một vụ cướp ngân hàng có bắt con tin khác, sau khi bọn cướp khủng bố những nhân viên và khách hành đến giao dịch ngân hàng trong nhiều giờ, một lính bắn tỉa của cảnh sát đã bắn bị thương tên cướp. Sau khi bị bắn gục và ngã xuống sàn, hai người phụ nữ đã hợp lực bắt trói hắn lại sau khi hắn bị cảnh sát bắn thêm phát nữa. Như vậy, thời gian bị bạo hành/kiểm soát và các yếu tố khác chắc chắn có liên quan.

Có 4 tình huống hay điều kiện được phát hiện như là nền tảng cho sự phát triển của hội chứng Stockholm. Những tình huống này có thể được tìm thấy trong các mối quan hệ bắt con tin, bạo hành nghiêm trọng và bạo hành khác:

  • sự hiện diện của các mối đe dọa đến sự tồn tại về thể chất hoặc tâm lý và niềm tin của nạn nhân rằng kẻ bạo hành có thể thực hiện các đe dọa đó.
  • sự hiện diện một số biểu hiện tử tể (dù nhỏ) của kẻ bạo hành dành cho nạn nhân
  • có quan điểm cách biệt với người khác, trong khi đồng tình hơn với quan điểm của kẻ bạo hành
  • cho rằng bản thân không có tiềm lực để thoát khỏi tình trạng này

Bằng cách xem xét từng trường hợp sau đây, chúng ta có thể hiểu được bằng cách nào hội chứng Stockholm phát triển trong các mối quan hệ lãng mạn cũng như trong các tình huống tội phạm/bắt giữ con tin. Hãy cùng điểm qua từng trường hợp sau đây:

NHẬN THẤY CÁC MỐI ĐE DỌA VỀ THỂ LÝ/TÂM LÝ CHO SỰ SỐNG CÒN

Nhận biết về mối đe dọa có thể hình thành một cách trực tiếp, gián tiếp hoặc được chứng kiến tận mắt. Đối phương tội phạm hay chống đối xã hội có thể trực tiếp đe dọa mạng sống của bạn hoặc của người thân, gia đình của bạn. Tiền sử bạo lực của kẻ đó có thể dẫn đến niềm tin của chúng ta rằng kẻ bắt giữ/kiểm soát có thể gây nguy hiểm trực tiếp nếu ta không thực hiện các yêu cầu của bọn chúng. Kẻ bạo hành đưa ra những lời bảo đảm an toàn cho bạn hoặc người thân chỉ khi bạn chịu hợp tác.

Một cách gián tiếp, kẻ bắt giữ/kiểm soát đưa ra những đe dọa ẩn ý rằng chúng sẽ không rời mắt khỏi bạn, và rằng bạn sẽ không thể rời bỏ được chúng, nhắc nhở bạn rằng từng có những kẻ đã phải trả giá đắt vì không chịu tuân theo các yêu cầu của chúng. Đưa ra các lời ẩn ý như “tao biết những người có thể làm cho kẻ khác biến mất”. Những đe dọa gián tiếp cũng có thể đến từ những câu chuyện hắn kể về hậu quả mà những kẻ tìm cách bỏ trốn khỏi hắn trong quá khứ phải hứng chịu. Những câu chuyện kể về trừng phạt nhắc nhở các nạn nhân sẽ phải gánh chịu điều gì nếu tìm cách bỏ trốn.

Chứng kiến bạo lực hoặc sự gây hấn mà kẻ bạo hành gây ra cũng có thể dẫn đến sự nhận thức về sự đe đọa. Chứng kiến một hành vi bạo lực gián xuống tivi hoặc một người trên cao tốc hoặc một người thứ 3 rõ ràng gửi thông điệp cho ta biết rằng ta có thể là nạn nhân tiếp theo. Chứng kiến những suy nghĩ và thái độ của kẻ bạo hành/kiểm soát đang thực hiện hành vi dọa nạt hoặc thị uy, làm chúng ta biết rằng bản thân có thể là nạn nhân tiếp theo của những điều này trong tương lai.

NHẬN THẤY “SỰ TỬ TẾ NHỎ”

Trong các tình huống đe dọa mạng sống, chúng ta tìm kiếm điều để hy vọng – một dấu hiệu nhỏ mà tính trạng có thể được cải thiện. Khi kẻ bạo hành/kiểm soát cho nạn nhân thấy một vài sự tử tế nhỏ nhoi, mặc dù nó cũng đem đến lợi ích cho chính kẻ bạo hành đó, các nạn nhân diễn dịch nó thành điểm tốt lành, tích cực của kẻ bắt giữ họ. Trong các tình huống tội phạm/bắt giữ tù binh chiến tranh, dù chỉ để cho nạn nhân sống sót cũng là quá đủ. Một vài hành vi, chẳng hạn như cho phép tắm hoặc cho nước, thức ăn cũng đủ để củng cố hội chứng Stockholm trong các tình huống bắt giữ con tin.

Trong các mối quan hệ với kẻ bạo hành, một thiệp chúc mừng hay một món quà sinh nhật (thường được cho sau khi bạo hành nạn nhân), hoặc một cử chỉ dẫu không tốt nhưng chỉ cần ngưng bạo hành, thì với nạn nhân cũng đủ làm bằng chứng rằng kẻ bạo hành đó không phải đều là xấu xa và đôi khi sau một thời gian hắn có thể sửa đổi hành vi đó. Kẻ bạo hành và kiểm soát thường gửi các tín hiệu tích cực không bạo hành đối phương khi đối phương có sự lệ thuộc trong một số tình huống nhất định. Một người chồng/vợ (hoặc 2 người yêu nhau) gây hấn và ghen tuông thường làm các hành vi đe dọa hoặc bạo hành trong các tình huống xã hội nhất định khi mà người kia có các biểu hiện làm kẻ bạo hành điên tiết lên. Sau khi trận lôi đình đi qua, kẻ bạo hành thường xin lỗi, hứa hẹn và có các biểu hiện làm lành, khi đó nạn nhân thường tự trấn an mình rằng lỗi không phải do người kia, đôi lúc còn cho rằng mình đáng bị trừng phạt và người kia là người tốt.

Tương tự như các nhận biết về sự tử tế nhỏ là nhận biết “mặt mềm yếu”. Trong mối quan hệ, kẻ bạo hành/kiểm soát có thể chia sẻ thông tin về quá khứ của chúng – cách mà chúng từng bị ngược đãi, bạo hành, bỏ mặc hay bị làm điều sai trái. Nạn nhân bắt đầu cảm thấy kẻ bạo hành/kiểm soát có thể sửa đổi thay đổi hành vi hoặc hơn nữa là chúng (những kẻ bạo hành) có thể cũng là “nạn nhân” mà thôi. Sự thông cảm có thể phát triển hướng về kẻ bạo hành và chúng ta thường nghe các nạn nhân của hội chứng Stockholm bảo vệ kẻ bạo hành, đại loại như “tôi biết là anh ấy đánh gẫy xương hàm và xương sườn của tôi… nhưng anh ấy cũng khổ sở lắm. Anh ấy có một tuổi thơ bất hạnh”. Những người bị bắt và phạm tội có thể thừa nhận rằng họ thật sự cần sự giúp đỡ đề điều trị các vấn đề tâm thần, tuy nhiên hầu hết là sau khi họ đã bạo hành và đe dọa nạn nhân. Việc chấp nhận là một cách để phủ nhận trách nhiệm của sự lạm dụng. Sự thật thì theo các kiến thức về những rối loạn nhân cách và thuộc về hình sự tội phạm đã phát hiện trong nhiều năm qua thì trách nhiệm cá nhân đối với các hành vi bạo hành/bạo lực của những kẻ đó được giảm thiểu và thậm chí bị chối bỏ bằng cách đổ lỗi cho sự bạo hành lúc nhỏ hoặc thậm chí là cho trò chơi điện tử. Một kẻ giết người thậm chí còn đổ thừa tội ác của mình gây ra do hắn ăn quá nhiều thức ăn bằm nhuyễn – bây giờ trường hợp kẻ đó được các nhà tội phạm học gọi là “phỏng vệ thức ăn bằm”. Có thể đúng là kẻ bạo hành/kiểm soát đã trải qua sự nuôi dạy khắc nghiệt, thì việc cho thấy sự thông cảm đối với tiền sử của hắn không thể làm thay đổi bản chất hành vi của hắn và thực tế nó sẽ kéo dài thời gian mà bạn bị bạo hành. Sau khi kể “những câu chuyện buồn” thì luôn là lời xin lỗi – sau các sự kiện bạo hành/kiểm soát – hành vi của chúng sẽ không thay đổi và có thể tái diễn cảnh bạo hành, rồi lại hối lỗi, rồi lại bạo hành. Ghi nhớ trong đầu của bạn: khi bạn cứng rắn trước “câu chuyện buồn”, chúng sẽ cố gắng tiếp cận theo cách khác. Thật không có lý gì để nghe rằng “tao đánh đập (cướp bốc, cưỡng hiếp, mưu sát…) bạn bởi vì mẹ tao ghét tao!”.

CÁCH BIỆT VỚI QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC HƠN SO VỚI QUAN ĐIỂM CỦA KẺ BẠO HÀNH

Trong các mối quan hệ bạo hành và kiểm soát, nạn nhân luôn có cảm giác họ “đang đi trên dây” – sợ hãi khi nói hay làm bất cứ điều gì khiến bùng phát bạo lực hay đe dọa. Vì sự sống còn, họ bắt đầu nhìn thế giới qua quan điểm của kẻ bạo hành. Nạn nhân bắt đầu sửa đổi để không gợi nhắc điều làm bùng phát bạo lực, hành động theo các cách làm cho kẻ bạo hành hài lòng, hoặc tránh tránh né các khía cạnh cuộc sống riêng tư có thể gợi nhắc các vấn đề. Khi chỉ còn vài đồng lẻ trong túi, mọi quyết định của chúng ta đều quay quanh việc làm sao để có tiền mà sống sót. Khi đối phương là một kẻ bạo hành/kiểm soát thì phần lớn các quyết định của chúng ta đều dựa trên quan điểm về các phản ứng tiềm tàng của kẻ bạo hành đó. Chúng ta bị bao trùm bởi những nhu cầu, khao khát và thói quen của kẻ bạo hành/kiểm soát.

Tiếp nhận quan điểm của kẻ bạo hành như là một kỹ thuật giúp sống sót trở nên trầm trọng hơn khi nạn nhân thực sự phát triển lên thành sự tức giận hướng đến tất cả ai đang cố giúp đỡ. Kẻ bạo hành cũng tức giận và phẫn uất với bất kỳ ai cung cấp sự hỗ trợ nạn nhân, thường sử dụng nhiều phương pháp để cô lập nạn nhân khỏi người khác. Bất kỳ sự liên hệ giúp đỡ nạn nhân từ người khác đều làm bùng phát những lời buộc tội, đe dọa và bạo lực từ kẻ bạo hành. Nạn nhân sau đó quay lưng lại với chính gia đình của họ – vì sợ sự liên hệ gia đình sẽ gây ra tình trạng bạo lực và bạo hành trong nhà. Lúc này, nạn nhân nguyền rủa cha mẹ, bạn bè, bảo họ hãy tránh xa, chấm dứt can thiệp và cắt đứt liên lạc với cha mẹ. Nạn nhân đồng tình với kẻ bạo hành/kiểm soát, xem những người hỗ trợ là những kẻ “gây rắc rối” và cần tránh xa. Nhiều nạn nhân đe dọa gia đình, bạn bè, cấm họ can thiệp hoặc ngưng việc cố giúp họ thoát khỏi tình trạng sau khi được giải cứu. Bề mặt thì tưởng rằng họ đứng về phía kẻ bạo hành/kiểm soát. Nhưng sự thực, họ đang cố giảm thiểu liên hệ với các tình huống làm họ trở thành mục tiêu của những lời trách mắng hay hành vi đe dọa. Nếu một cuộc gọi điện bình thường từ mẹ nhắc nhở nạn nhân nhớ đến những cuộc gọi điện từng làm bùng nổ sự tức giận khiến kẻ bạo hành trút trừng phạt lên họ thì nạn nhân nhanh chóng kết nối việc an toàn với việc mẹ ngừng gọi điện cho mình. Nếu đơn giản là mẹ không ngừng gọi điện, vì cảm giác an toàn bị đe dọa nên nạn nhân có thể kết tội chính vì mẹ muốn làm hỏng mối quan hệ và kiên quyết yêu cầu mẹ đừng liên lạc nữa.

Trong một số trường hợp “hội chứng Stockholm” nghiêm trọng, nạn nhân có thể gặp nhiều khó khăn để rời xa kẻ bạo hành và cảm thấy tình trạng bạo hành là do lỗi của chính họ. Trong các tình huống tố tụng, nạn nhân có thể thực sự cảm thấy việc bắt giữ bạ đối ngẫu vì lý do bạo hành hay đánh đập thân thể là do lỗi của họ. Một vài người phụ nữ thậm chí còn cho phép cơ quan chức năng tước bỏ quyền nuôi con của họ chứ quyết không chịu rời bỏ người chồng/bạn trai.

NHẬN THẤY KHÔNG THỂ TRỐN THOÁT

Nếu trong một vụ bắt cóc con tin khi cướp ngân hàng, nạn nhân bị đe dọa bởi bọn tội phạm có súng, thật dễ hiểu cảm giác bất lực, không thể trốn thoát. Còn trong một mối quan hệ lãng mạn, niềm tin rằng một ai đó không thể thoát ra cũng rất phổ biến. Nhiều mối quan hệ bạo hành/kiểm soát giống như mối quan hệ là-một-phần-của-nhau-đến-chết-không-thể-tách-rời ràng buộc chặt chẽ bởi một loạt các vấn đề về tài chính/tài sản, thấu hiểu rõ nhau trong sự thân mật, hoặc các tình huống pháp lý. Dưới đây là các tình huống phổ biến:

  • Kiểm soát đối phương bằng cách gia tăng các nghĩa vụ tài chính/nợ vay trong các mối quan hệ để cho đối phương thấy rằng không thể tồn tại nếu thiếu mình. Những kẻ kiểm soát thúc giục bạn đời của mình mua một bất động sản/tài sản đắt tiền, sau đó nói với họ rằng họ sẽ không thể tự chi trả các khoản nợ nếu rời bỏ.
  • Kết thúc về mặt pháp lý với các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ hôn nhân, thường dẫn đến các vấn đề quan trọng. Kẻ kiểm soát tạo cho bạn đời thấy những thiệt hại và rắc rối nếu kết thúc mối quan hệ.
  • Kẻ kiểm soát thường dùng các đe dọa nghiêm trọng như giành quyền nuôi con cái, đe dọa từ bỏ công việc/ngưng cấp dưỡng trợ cấp nuôi con, đe dọa tung các bí mật cá nhân của người kia cho công chúng, hoặc đe dọa quấy rầy không ngưng.
  • Kẻ kiểm soát cũng có thể đe dọa tự sát hoặc tự làm hại nếu người kia rời bỏ.

Trong quá trình chúng sống với kẻ bạo hành/kiểm soát, nạn nhân có thể đã dần bị đánh mất lòng tự trọng, lòng tự tin và năng lượng tâm lý. Nạn nhân bị “kiệt sức” và trầm cảm đến nổi không thể bỏ đi. Hoặc có thể bị phụ thuộc quá mức, dù muốn bỏ đi cũng không có phương tiện hay tiền bạc.

Ở độ tuổi vị thành niên hay thiếu niên, những nạn nhân có thể bị thu hút bởi các cá nhân thích kiểm soát. Chúng cảm thấy thiếu kinh nghiệm, không thấy an toàn hay bị choáng ngợp bởi những thay đổi trong cuộc sống. Khi cha mẹ ly hôn, chúng có thể muốn bám lấy một kẻ thích kiểm soát và cảm thấy điều này có thể đưa tới một cuộc sống ổn định.

Trong một mối quan hệ không lành mạnh và được xác định là hội chứng Stockholm, có một mối bận tâm thường nhật với “rắc rối”. Rắc rối là bất kỳ cá nhân, nhóm, tình huống, bình luận, đụng chạm vô tình, hoặc bữa ăn lạnh nhạt mà có thể tạo ra một cơn nóng giận hoặc bạo hành bằng lời nói từ kẻ bạo hành hay thích kiểm soát. Để tồn tại, “rắc rối” phải bị tránh dù bất cứ giá nào. Nạn nhân cần kiểm soát các tình huống có thể sinh ra rắc rối.

Hội chứng Stockholm tạo ra một mối gắn kết không lành mạnh giữa nạn nhân và kẻ bạo hành/kiểm soát. Nó là nguyên nhân tại sao nhiều nạn nhân vẫn tiếp tục ủng hộ kẻ bạo hành dù mối quan hệ đã kết thúc. Đó cũng là lý do tại sao họ vẫn tiếp tục thấy “mặt tốt” của kẻ bạo hành và xuất hiện tình cảm với chính kẻ đã bạo hành thể xác và tinh thần của họ.

Còn điều gì khác có liên quan nữa không?

Trong một phản ứng ngắn ngủi – vâng, đúng vậy. Trong quá khứ, chắc mọi người có thể tìm thấy chính mình có ủng hộ và tham dự vào các tình huống xã hội đa dạng từ bạo hành đến kỳ quái. Khi tham gia tích cực vào các cuộc nói chuyện và sẵn sàng can dự vào các tình huống xấu và kỳ quái, thật rõ ràng rằng chúng ta thường phát sinh cảm giác và thái độ ủng hộ sự tham gia của những kẻ bạo hành/kiểm soát (ví dụ như trong các tình huống bắt nạt hay xung đột trong nhóm hoặc giữa các nhóm với nhau khi chúng ta học phổ thông). Đây là cách thức mà những cảm nhận và suy nghĩ phát triển thành một điều được biết như là “bất tương hợp nhận thức” [cognitive dissonance]. Có thể nói đây là cụm từ mà các nhà tâm lý học dùng trong rất nhiều các trường hợp.

“Bất tương hợp nhận thức” giải thích cách thức và lý do mà con người thay đổi những quan điểm và ý kiến để ủng hộ các tình huống không thật sự lành mạnh, tích cực hoặc bình thường. Theo lý thuyết, một cá nhân tìm cách giảm thiểu những thông tin hay ý kiến khiến người đó không thoải mái. Khi bạn có 2 hệ thống nhận thức (kiến thức, ý kiến, cảm nhận, đặt mình vào vị trí khác…) đối nghịch nhau, tình huống này đem đến những cảm xúc không thoải mái. Mặc dù đôi khi chúng ta thấy mình làm những điều dại dột hay tồi tệ nhưng chúng ta thường ít thừa nhận điều đó. Thay vào đó, chúng ta tìm cách giảm thiểu sự bất tương hợp – thực tế là nhận thức của chúng ta đôi khi không ăn khớp nhau, thừa nhận điều đó hay tạo ra điều mới bằng cách kết hợp các nhận thức lại. “Bất tương hợp nhận thức” có thể được giảm thiểu bằng cách thêm các nhận thức mới – thêm vào những suy nghĩ và thái độ mới. Một vài ví dụ:

  • Người nghiện hút thuốc lá nặng biết rằng hút thuốc gây ung thư phổi và làm tổn hại nhiều đến sức khỏe. Nhưng họ vẫn tiếp tục hút, người hút có thể làm thay đổi nhận thức (suy nghĩ/cảm xúc) của mình, chẳng hạn như sau: (1) “Tôi đã hút được hơn 10 năm rồi” (thấy có sao đâu!; (2) “Tôi đã chuyển sang dùng loại thuốc hút nhẹ-đô hơn”; (3)”Những số liệu thống kê là âm mưu của ngành công nghiệp điều chế thuốc trị ung thư”; (4) “Có những thứ là điều ta không thể thiếu”. Những nhận thức/thái độ mới này cho phép bạn thấy “an lòng” mà tiếp tục hút và bắt đầu phàn nàn rằng không công bằng khi có những nơi để biển cấm hút thuốc.
  • Khi chồng/bạn trai của bạn bắt đầu bạo hành và đánh đập. Bạn không thể rời bỏ vì vấn đề tài chính, con cái hay do các các yếu tố khác. Thông qua sự bất tương hợp nhận thức, bạn bắt đầu nói với chính mình “anh ấy chỉ lở đánh mình thôi” hay “anh ấy có nhiều căng thẳng trong cuộc sống”.

Leon Festinger là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “bất tương hợp nhận thức – Cognitive Dissonance”. Ông quan sát một tà giào (1956), trong đó các thành viên từ bỏ nhà cửa, thu nhập, và các công việc của họ để gia nhập vào tà giáo. Tà giáo này tin chúng nhận được các thông điệp ngoài không gian và dự đoán tận thế xảy đến bằng một trận đại hồng thủy. Các thành viên và tín hữu tin rằng họ sẽ được một phi thuyền đến cứu lúc trận đại hồng thủy xảy ra. Họ tập hợp và chờ đợi phi thuyền đưa đi vào thời gian định trước, lúc thế giới kết thúc, và nó sẽ đưa họ đến nơi tốt đẹp hơn. Không có trận lũ lụt nào và cũng không có phi thuyền nào tới. Thay vì tin việc đầu tư hết tất cả những gì thuộc về tài sản và cảm xúc cá nhân này khiến họ trở thành những tên ngốc, họ cho rằng chính họ đã cứu thế giới thoát khỏi trận đại hồng thủy và họ càng cuồng tín vào tà phái sau khi lời tiên tri sai lầm. Bài học: khi đã bỏ ra đầu tư quá nhiều (thu nhập, công việc, nhà cửa, thời gian, công sức…) thì bạn càng cố tìm cách biện minh cho tình thế mà mình mắc phải.

Các nghiên cứu cho chúng ta biết rằng khi chúng ta càng trung thành, tận tâm với cái gì đó thì càng khó khăn, bất mãn hay thậm chí nhục nhã khi phải từ bỏ hay thừa nhận thứ đó là sai lầm. Hầu hết các hội đoàn, tổ chức đều tạo ra một mối gắn kết. Những cặp đôi, không cần biết đến với nhau một cách điên rồ thế nào, là rơi vào lưới tình như phim sau khi bị tên khủng bố khống chế, bị rình rập bởi tên giết người, mắc kẹt trên hoang đảo hay thậm chí bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Sự đầu tư và một hội đoàn là thành phần tạo nên một liên kết bền chặt – ngay cả khi liên kết này không lành mạnh. Khó mà có việc yêu các thành viên khác khi ta tham gia câu lạc bộ xe máy hay câu lạc bộ sưu tập tem nhưng đấu tranh sinh tồn cùng nhau trên một hoang đảo thì hoàn toàn có thể.

Một mối quan hệ bạo hành tạo ra nhiều sự đầu tư không lành mạnh cho cả hai phía. Trong nhiều trường hợp chúng ta có xu hướng duy trì và ủng hộ các mối quan hệ bạo hành bởi vì chúng ta đã đầu tư vào nó quá nhiều (những năm tháng thanh xuân hay sự chịu đựng cho con cái trong thời gian dài, sự đóng góp tài chính để xây dựng sản nghiệp chung…). Một vài sự đầu tư khiến chúng ta mắc kẹt trong một mối quan hệ xấu:

Đầu tư tình cảm, cảm xúc: Khi chúng ta đầu tư quá nhiều cảm xúc, khóc nhiều, lo lắng nhiều kể từ khi bắt đầu mối quan hệ khiến chúng ta thấy khó mà kết thúc mối quan hệ đó.

Đầu tư về mặt xã hội: Chúng ta hay tự huyễn hoặc muốn có sự tự tôn. Để tránh sự bối rối và các tình huống xã hội khó chịu, chúng ta cố duy trì mối quan hệ.

Đầu tư về gia đình: Nếu có sự hiện diện của con trẻ xen giữa mối quan hệ thì các quyết định bị che mờ bởi tình trạng và các nhu cầu của con (ví dụ nhu cầu để con có cha).

Đầu tư về tài chính: Trong nhiều trường hợp, các đối phương thích bạo hành và kiểm soát cố tạo ra một tình hình tài chính phức tạp. Nhiều nạn nhân vẫn phải ở trong các mối quan hệ xấu để mong trông chờ một tình trạng tài chính tốt hơn để có thể tự sinh sống khi rời bỏ. Và, đôi khi điều này là rất khó.

Đầu tư về lối sống: Những đối phương bạo hành và kiểm soát sử dụng tiền bạc hay một lối sống để tạo ra sự đầu tư. Nạn nhân trong tình huống này không muốn đánh mất cuộc sống hiện tại (thường là được hưởng thụ về vật chất rất đầy đủ; hay không thể từ bỏ lối sống vương giả quý tộc dùng hàng hiệu).

Đầu tư về sự thân mật: Chúng ta thường đầu tư sự thân mật về tình dục và cảm xúc. Một số nạn nhân bị hủy hoại lòng tự trọng về tình dục và/hoặc cảm xúc trong các mối quan hệ không lành mạnh. Đối phương bạo hành có thể đe dọa lan truyền các tin đồn hoặc công khai các chi tiết thân mật, các bí mật của nạn nhân. Các loại tống tình thường sử dụng sự thân mật như là một sự ràng buộc, đe dọa.

Trong nhiều trường hợp, không chỉ đơn giản là cảm xúc cá nhân giữ chúng ta trong một mối quan hệ không lành mạnh – thường là do số lượng lớn các đầu tư. Các mối quan hệ thì phức tạp và thường chúng ta chỉ thấy phần nổi của tảng băng. Vì lý do này, cụm từ phổ biến bạn hay nghe khi ai đó biện minh cho mối quan hệ không lành mạnh là “bạn thể hiểu được đâu”.

KẾT HỢP HAI ĐIỀU KIỆN KHÔNG LÀNH MẠNH

Sự kết hợp của “Hội chứng Stockholm” và “Sự bất tương hợp nhận thức” tạo cho nạn nhân tin tưởng vững chắc là mối quan hệ không chỉ là sự chấp nhận mà còn vô cùng cần thiết cho sự sống còn của họ. Nạn nhân cảm thấy tinh thần sụp đổ nếu mối quan hệ kết thúc. Trong những mối quan hệ lâu dài, các nạn nhân đã đầu tư vào đó mọi thứ họ có. Mối quan hệ bây giờ quyết định mức độ của họ về lòng tự trọng, tự tin và sức khỏe cảm xúc.

Vì những lý do nêu trên, các nạn nhân cảm thấy gia đình và bạn bè là mối đe dọa cho mối quan hệ và cuối cùng là cho sự tồn tại và sức khỏe cá nhân của họ. Gia đình và bạn bè càng phản đối sự bạo hành và kiểm soát trong mối quan hệ, thì nhiều nạn nhân càng phát triển sự bất tương hợp về nhận thức và trở nên phòng thủ trước những phản đối đó. Tại điểm này thì gia đình và bạn bè cũng trở thành nạn nhân của kẻ bạo hành và kiểm soát.

Quan trọng hơn, cả hội chứng Stockholm và sự bất tương hợp nhận thức phát triển trên cơ sở tự nguyện. Nạn nhân không phải cố tạo ra thái độ này nhưng cả hai điều trên được hình thành phát triển như là nỗ lực để tồn tại trong môi trường và mối quan hệ bị đe dọa và kiểm soát. Có thể ban đầu chỉ là mối quan hệ bình thường rồi rơi vào tình trạng bị bạo kiểm soát và bạo hành. Họ chỉ cố tồn tại. Nhân cách của họ phát triển các cảm nhận và suy nghĩ cần thiết để tồn tại trong tình huống này và làm giảm nguy cơ có thể bị tổn thương về thể lý và cảm xúc. Tất cả chúng ta để phát triển những cảm nhận và thái độ giúp chúng ta có thể chấp nhận và tồn tại trong các tình huống. Chúng ta có những thái độ/cảm nhận về công việc, về cộng đồng, và những khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta tìm thấy trong quá khứ bản thân, thì càng nhiều các tình huống rối loạn chức năng thì có càng nhiều sự thích nghi các rối loạn chức năng và suy nghĩ để mà có thể tiếp tục tồn tại. Nạn nhân cố tham gia vào mối quan hệ không lành mạnh để tồn tại. Khi quyết định không thể tiếp tục và gắn chặt với mối quan hệ không lành mạnh nữa, thì họ cần sự hỗ trợ một cách kiên nhẫn để có thể trở lại lối sống khỏe mạnh, tích cực.

GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ CỦA NẠN NHÂN CẦN LÀM GÌ?

Khi gia đình có một người thân gắn kết với một kẻ bạo hành/kiểm soát, thì tình huống này quả là sự đau đớn về cảm xúc và khó khăn về mặt xã hội. Mỗi tình huống có thể rất khác nhau, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số hướng dẫn cho các bạn xem xét:

  • Khi người thân yêu đó rơi vào mối quan hệ với kẻ bạo hành, luôn có sự dằn vặt giữa mối quan hệ hay gia đình. Sự lựa chọn này càng khó khăn hơn khi phải luôn đối mặt với sự kiểm soát và đe dọa xuất hiện thường xuyên trong mối quan hệ xấu/kiểm soát. Biết rằng lựa chọn gia đình sẽ dẫn đến những hậu quả cá nhân và xã hội nghiêm trọng nên họ luôn chần chừ khó dứt. Hãy luôn ghi khắc rằng trong sâu thẩm các nạn nhân đó, họ biết gia đình luôn luôn yêu thường và chấp nhận họ trở lại – bất cứ khi nào sự trở lại đó xảy đến. Nên hãy thật kiên nhẫn và từ tốn.
  • Hãy nhớ rằng bạn càng gây áp lực cho nạn nhân, bạn càng củng cố niềm tin sai lạc của họ rằng bạn đang đe dọa sự tồn tại và cảm xúc của họ. Áp lực từ các hình thức liên lạc, bình luận, giao tiếp có thể càng củng cố các bằng chứng để họ chống lại bạn. Nó khiến họ bị suy sụp vì cho rằng chỗ dựa duy nhất còn lại cũng muốn đe dọa họ. Một lần nữa hãy nhớ là từ tốn và có cách tiếp cận phù hợp được hướng dẫn từ các chuyên gia (nếu có thể).
  • “Lạt mềm buộc chặt, già néo đứt dây” có thể là một giải pháp tốt, vì “càng nắm chặt thì càng dễ mất” vì nạn nhân càng vùng vẫy thoát ra khi bị nắm chặt. Thiết lập một lịch trình viếng thăm cố định cho nạn nhân (mỗi tuần một lần chẳng hạn) để họ có thời gian bình phục và không chịu những áp lực của việc thúc ép, kiểm tra. Nói cho họ những nguồn lực sẵn có mà gia đình có thể cho họ, sự sẵn sàng hỗ trợ chứ không phải thúc ép họ nhận hỗ trợ luôn là điều dễ chấp nhận hơn.
  • Dần dần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Hãy bắt đầu bằng những ngày lễ trong gia đình, những dịp chúc mừng vui vẻ sum họp để họ dần làm quen trở lại với cuộc sống bình thường và thấy mình luôn được chào đón tại gia đình và là một người có giá trị và được ai đó yêu thương.
  • Tạo những kênh liên lạc. Hãy nhớ mục tiêu là tiếp cận nhưng không gây áp lực.
  • Đừng cảm thấy những hành vi không phù hợp của nạn nhân là chống lại gia đình. Nó có thể là một cách thức để giải tỏa căng thẳng. Những điều đó có thể là do họ bị mắc kẹt trong mối quan hệ xấu và chúng là nỗ lực để họ tránh những “rắc rối” từ đối phương bạo hành.
  • Nạn nhân cần được biết và được cảm thấy họ không bị chối bỏ vì những hành động của họ. Hãy nhớ rằng họ cũng khốn khổ vì tình huống này. Họ biết họ đang bị đối xử tệ bạc, càng nhắc nhở điều đó càng làm họ muốn ít tiếp xúc với gia đình hơn. Về tự nhiên thì chúng ta cũng tránh nhắc mọi người về những điều tồi tệ họ đã trải qua vậy.
  • Nạn nhân sau đó có thể hé mở một chút và cung cấp những thông tin về mối quan hệ, hoặc gợi ý rằng họ sẽ cân nhắc từ bỏ mối quan hệ đó. Cho họ biết rằng gia đình luôn đằng sau hỗ trợ họ. Tuy nhiên, đôi khi có thể mất nhiều tháng hay nhiều năm để nạn nhân đủ khả năng rời bỏ mối quan hệ đó.

Chúng ta có thể đưa thông điệp cho người khác bằng 2 cách: công khai và ẩn ngầm. Cách công khai là mặt đối mặt, nói chuyện trực tiếp. Điều này hiếm khi có thể áp dụng cho những tình huống một người bị rơi vào sự kiểm soát và bạo hành. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng cách ẩn ngầm, chuyển các thông điệp đến người thân qua một người khác. Nạn nhân thường có sự duy trì một mối quan hệ với một vài người thân/bạn bè thân thiết nhất. Chúng ta có thể thông qua người đó để gởi cho người thân các thông điệp rằng gia đình vẫn thấu hiểu và giành sự hỗ trợ hết lòng cho họ. Chúng ta không nên gởi các thông điệp lên án, lăng mạ tên bạo hành, điều này có thể làm hoảng loạn hay gây nguy hiểm cho nạn nhân, chỉ gởi các thông điệp yêu thương và hỗ trợ.

Mỗi tình huống đều rất khác nhau. Các gia đình có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tư vấn từ cộng đồng. Những đoàn hội bảo vệ quyền lợi cho bà mẹ, phụ nữ, trẻ em, các tư vấn luật pháp sẽ có thể hữu ích cho các tình huống cấp thiết.

Không đe dọa rút lại những hỗ trợ tài chính hay các hỗ trợ khác nếu nạn nhân không chịu từ bỏ. Nó chỉ làm nạn nhân khổ sở và thêm niềm tin rằng chỉ có bên kẻ kia thì mới giúp họ duy trì cuộc sống.

Như bạn đã biết ở phần trên, hai hiện tượng hội chứng Stockholm và sự bất tương hợp nhận thức có thể kết hợp lại khi những người thân của chúng ta tham gia vào các tà giáo hay tổ chức bất lương. Trong trường hợp này, kẻ bạo hành và kiểm soát là một nhóm hay tổ chức. Nạn nhân sẽ bị trừng phạt khi họ tỏ ra không trung thành với nhóm. Trong tình huống này, ngoài các hỗ trợ cá nhân như gợi ý trên còn cần thêm sự tham gia của các tổ chức có chức năng khác trong xã hội.

NHỮNG ĐIỀU SAU CÙNG

Bạn có thể là nạn nhân của đối phương thích kiểm soát/bạo hành, bạn có hãy tìm kiếm sự hiểu biết về cảm xúc và thái độ của bản thân từ đâu. Bạn có thể có con hoặc bạn bè bị rơi vào các mối quan hệ tồi tệ và tìm cách để giúp đỡ họ.

 

menu
menu