Vai trò của những viên thuốc trong sức khỏe tâm lý

vai-tro-cua-nhung-vien-thuoc-trong-suc-khoe-tam-ly

Một chiến lược phổ biến khi cơ thể ta suy yếu là tìm đến bác sĩ, uống một viên thuốc và kỳ vọng rằng chẳng bao lâu sau, ta sẽ cảm thấy khá hơn.

Một chiến lược phổ biến khi cơ thể ta suy yếu là tìm đến bác sĩ, uống một viên thuốc và kỳ vọng rằng chẳng bao lâu sau, ta sẽ cảm thấy khá hơn. Cách làm này đã ăn sâu vào tư duy, mang tính thực tế và phần lớn thời gian đều mang lại hiệu quả. Do đó, cũng thật dễ hiểu khi ta muốn áp dụng nó vào lĩnh vực tinh thần. Khi tâm trí rơi vào u tối, ta cũng mong có thể tìm đến bác sĩ, uống một viên thuốc và chờ đợi những triệu chứng rối loạn dần biến mất.

Trong suốt phần lớn lịch sử nhân loại, ngoài những thứ thuốc pha chế đầy lừa bịp, gần như không có bất cứ thứ gì mà một người đang khổ sở về tinh thần có thể uống vào để mong tìm được sự nhẹ nhõm. Nỗi đau đớn phải tự do hoành hành, không có rào cản nào ngăn chặn. Người ta sẽ khóc lóc không kiểm soát, nổi giận hoặc rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Từng có lời đồn rằng những tiếng thét của bệnh nhân trong bệnh viện Bethlem Royal ở London – còn được gọi là Bedlam – có thể khiến người nghe ở cách đó cả dặm cũng phải rùng mình kinh hãi. Khi không thể làm gì hơn, xã hội chỉ biết giam giữ những người mắc bệnh tâm thần trong phòng giam, xiềng xích họ lại và cố gắng quên đi sự tồn tại của họ.

Thế rồi, vào năm 1950, Paul Charpentier – một nhà hóa học người Pháp làm việc tại Laboratoires Rhône-Poulenc – đã thành công trong việc tổng hợp một loại thuốc có tên 4560RP, sau này được đổi thành chlorpromazine. Khi những con chuột được tiêm thuốc, bị đặt vào một chiếc lồng chật hẹp và kích thích bằng những luồng điện, chúng không còn phản ứng hoảng loạn như mong đợi mà thay vào đó, rơi vào trạng thái thản nhiên và dửng dưng. Khi thử nghiệm trên con người, thuốc cũng mang lại hiệu ứng tương tự: những người lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên có thể bước vào chiến trường với một sự bình thản gần như vô cảm. Trong các bệnh viện, những bệnh nhân tâm thần khi dùng thuốc bỗng trở nên hòa nhã, không còn hung hăng và sẵn sàng tái hòa nhập với cuộc sống bình thường. Loại thuốc chống loạn thần đầu tiên trên thế giới đã ra đời.

Trong những thập kỷ tiếp theo, hàng chục loại thuốc tương tự xuất hiện, mang lại hiệu quả kỳ diệu mà ngay cả những người tạo ra chúng cũng chưa hoàn toàn hiểu rõ. Chúng tác động đến các thụ thể dopamine trong não – loại hormone được cho là nguyên nhân gây ra trạng thái kích động và sợ hãi quá mức. Cùng với nhóm thuốc chống loạn thần này, một dòng thuốc chống trầm cảm cũng ra đời, đặc biệt là nhóm SSRI, có khả năng làm tăng mức serotonin trong não – chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác phấn chấn, động lực và tinh thần tích cực. Những viên thuốc này được đặt những cái tên nghe có phần xa lạ và đáng ngại: fluoxetine, citalopram, paroxetine, escitalopram, risperidone, quetiapine, aripiprazole. Nhưng tựu trung, nền tâm thần học hiện đại chủ yếu dựa vào hai công cụ cốt lõi: thuốc giúp trấn an (làm dịu đi nỗi sợ hãi, hoang tưởng, cuồng loạn, mất kiểm soát, mất ngủ và hung hăng) và thuốc giúp nâng đỡ tinh thần (xua tan tuyệt vọng, u sầu và cảm giác mất phương hướng).

Nhờ có những viên thuốc này, số lượng bệnh nhân phải lưu trú trong các bệnh viện tâm thần đã giảm mạnh, ước tính giảm tới 80% ở các nước phát triển từ năm 1955 đến 1990. Những căn bệnh từng được xem như bản án tử một thế hệ trước giờ đây có thể được kiểm soát chỉ bằng một đến hai viên thuốc mỗi ngày. Có vẻ như cuối cùng, những tâm trí bất ổn của chúng ta đã được đặt dưới sự kiểm soát.

Thế nhưng, những viên thuốc này không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối. Tất cả chúng đều mang theo những tác dụng phụ nghiêm trọng – đôi khi gây tăng cân mất kiểm soát, tiểu đường, suy thận và thậm chí là huyết khối. Tuy nhiên, sự chỉ trích ở khía cạnh tâm lý còn sâu sắc hơn: rằng những viên thuốc này, với cách tiếp cận của chúng, không thể và sẽ không bao giờ chạm đến nguyên nhân thực sự của bệnh tâm thần. Cùng lắm, chúng chỉ có thể kiểm soát những triệu chứng kinh khủng nhất, nhưng lại không thể xử lý được nguồn cơn đã tạo ra chúng ngay từ ban đầu.

Công bằng mà nói, ngay cả khi điều này đúng, việc mang lại cho một người dù chỉ một chút kiểm soát đối với các triệu chứng tinh thần của họ cũng đã là một thành tựu không nhỏ, bởi những cơn ác mộng mà bệnh tâm thần mang đến thật sự khủng khiếp. Những ai đã từng đối diện với bệnh tâm thần ở khoảng cách gần sẽ hiểu rằng, vào thời điểm khổ sở nhất, người ta có thể sẵn sàng chịu đựng nỗi đau thể xác, miễn là có thể thoát khỏi những gì tâm trí đang hành hạ họ. Có những dạng bệnh khiến ta chìm trong lo âu, hoảng sợ, bị tê liệt bởi cảm giác rằng từng phút trôi qua đang đưa ta đến gần hơn một thảm họa khủng khiếp nào đó – một thảm họa không tên nhưng vô cùng chắc chắn. Ta không thể ăn, không thể nói, chỉ có thể cuộn tròn trên giường, khóc nấc, cào cấu chính mình và chờ đợi một nhát rìu giáng xuống.

Có những khoảnh khắc mà mỗi sớm mai thức dậy, ta tin rằng chỉ có cách uống một liều thuốc quá liều mới có thể kết thúc được cơn giông bão trong tâm trí. Ta có thể nghe thấy những giọng nói vang lên trong đầu, không ngừng thì thầm rằng ta là kẻ có tội, đáng xấu hổ, đáng ghê tởm. Ta sống trong nỗi sợ mất kiểm soát, hoặc có lẽ ta đã mất kiểm soát từ lâu mà không hề hay biết. Tâm trí ta có thể bị ám ảnh bởi những hình ảnh kinh hoàng – đâm một đứa trẻ, xé toạc móng tay của chính mình. Cứ như thể có một con quỷ ẩn sâu bên trong, thúc giục ta làm những điều tàn nhẫn, lấp đầy tâm trí ta bằng những ý nghĩ cay nghiệt và đầy sát khí. Đôi khi, ta cảm nhận chính mình đang tan rã, để rồi bị cuốn vào một cơn lốc của giận dữ và hoang tưởng. Có những ngày, nỗi buồn ập đến như một màn sương dày đặc, nuốt chửng mọi tia sáng hy vọng – đến mức chẳng một điều tốt đẹp nào có thể an ủi ta, chẳng một cử chỉ tử tế nào có thể làm ta bớt đau. Tất cả những gì ta muốn chỉ là lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ, mong sao có thể biến mất mãi mãi.

Nhưng khi có đúng loại thuốc trong tay, một số cơn ác mộng có thể kết thúc. Ta vẫn biết nỗi lo âu còn đó, nhưng giờ đây, ta có thể nhìn nó từ xa, như thể nó là một con hổ dữ đang gầm rú sau một lớp kính dày. Ta vẫn thấy sự tuyệt vọng, vẫn nhận thức rõ cảm giác ghê tởm bản thân, nhưng ta có thể tách mình ra khỏi chúng một chút. Bỗng nhiên, chuyện ta hoàn toàn vô dụng và đáng bị hủy diệt không còn quá quan trọng nữa. Ta có thể tạm gác suy nghĩ ấy lại để dọn dẹp nhà cửa, để làm một việc nhỏ nào đó. Ta có thể trì hoãn ý định tự tử sang ngày mai. Ta không còn cần phải đối mặt với những ý nghĩ điên rồ vào mọi khoảnh khắc trong ngày. Nỗi buồn dai dẳng có thể giảm nhẹ phần nào, và ta có thể gom góp đủ chút sức lực để nói chuyện với một người bạn hoặc đi dạo quanh công viên. Chỉ có những ai chưa từng trải qua nỗi thống khổ tinh thần tột cùng mới có thể dễ dàng coi nhẹ những viên thuốc tâm thần như một miếng băng cá nhân dán lên vết thương.

Dẫu vậy, phần lớn bệnh tâm thần đều có một lịch sử tâm lý – và sức nặng của nó chỉ có thể thực sự suy yếu khi ta dám nhìn thẳng vào những ký ức đau đớn trong quá khứ và tìm cách lý giải chúng. Thuốc có thể thay đổi bầu không khí bên trong tâm trí ta, nhưng nếu muốn thực sự hồi phục, ta phải thách thức và điều chỉnh những suy nghĩ về chính mình bằng những công cụ có ý thức. Giải pháp thực sự cho những rối loạn tinh thần nằm ở khả năng suy tư – đặc biệt là suy tư về thời thơ ấu và những con người, những sự kiện đã định hình ta.

Nghịch lý cay đắng nằm ở chỗ: bệnh tâm thần thường nhắm vào chính công cụ mà ta cần để thấu hiểu cuộc đời mình. Lý trí – thứ duy nhất có thể giúp ta chiến đấu với tuyệt vọng và sợ hãi – lại là thứ đang bị tổn thương nặng nề. Lý trí là thứ ta cần để tìm ra lý do thuyết phục nhất cho việc tiếp tục sống. Đây chính là điểm mà thuốc men có thể kết hợp với trị liệu tâm lý để mang lại một giải pháp toàn diện. Có thể nói, vai trò quan trọng nhất của thuốc không phải là chữa khỏi bệnh, mà là giữ cho nỗi hoảng loạn và đau buồn lùi lại đủ xa, đủ lâu, để ta có thời gian tìm ra lý do tại sao mình vẫn muốn tiếp tục sống. Thuốc không phải là phương thuốc tối hậu, nhưng có những lúc, chúng là công cụ không thể thiếu – những công cụ giúp ta mở ra cánh cửa dẫn đến trị liệu, và từ đó, chạm đến sự chữa lành thực sự. Những viên thuốc ấy, theo một cách nào đó, đang trao cho tâm trí ta sự nghỉ ngơi và an toàn cần thiết để có thể tự tìm lại sức mạnh của chính mình.

Nguồn: THE ROLE OF PILLS IN MENTAL HEALTH | The School Of Life

menu
menu