Để thay đổi thành công

de-thay-doi-thanh-cong

Để hiểu tại sao đổi thay lại khó thế, chúng ta phải bắt đầu từ cơ chế vận hành của bộ não.

Mỗi khi tiễn đưa năm cũ, chúng ta thường tự kiểm điểm và đề ra những lời hứa cho năm mới. 
 
Danh sách những mục tiêu này không bao giờ thiếu quyết tâm thay đổi một vài thói quen tệ hại hay thiết lập một vài thói quen mới. Vấn đề là có tới 90% những lời tự hứa này thất bại thảm hại.
 
Tại sao vậy? Chẳng lẽ loài người chúng ta thiếu ý chí đến thế sao? Và làm thế nào để “thay da đổi thịt” thành công?

Bộ não lười

Để hiểu tại sao đổi thay lại khó thế, chúng ta phải bắt đầu từ cơ chế vận hành của bộ não. Thói quen hình thành từ việc các nơ ron dần dần kết nối với nhau, mới đầu còn khó khăn, lỏng lẻo, leo lét cháy từng tí một. Nhưng khi thói quen thành hình thì các nơ ron kết nối vô cùng chặt chẽ, như một lối mòn đi nhiều thành đường, đến mức chỉ cần một nơ ron phóng điện là cả một dải cao tốc thắp sáng. Khi ấy, chúng ta chơi đàn, lái xe, nói ngoại ngữ, hay lập trình mà không - cần -suy - nghĩ.
 
Khi ta muốn thay đổi, bộ não đương nhiên là không hài lòng. Tại sao?
 
Vì chúng ta có một bộ não rất thông minh nhưng cũng vô cùng lười nhác. Phần cơ thể này chiếm 2% trọng lượng, nhưng tiêu tốn tới 20% năng lượng. Vì vậy, bộ não muốn cuộc đời chúng ta tràn đầy những thói quen để tiết kiệm tối đa năng lượng. Thật may vì bộ não lười, nên ta mới ngủ dậy, đánh răng rửa mặt, nấu nướng, tổ chức họp hành, nói chuyện, làm phần lớn các công việc trong ngày mà không phải vắt óc ra suy nghĩ. Thật khủng khiếp nếu mỗi bước chân đi ta lại phải huy động trí óc tính toán xem nên dùng chân phải hay chân trái, nên sải chân bao xa thì an toàn... Thật may là bộ não lười, nên khi chúng ta cần giải quyết một vấn đề phức tạp thì bộ não ngay lập tức có đủ năng lượng để tiêu thụ, ví dụ như làm con tính 247 x 15 bằng bao nhiêu, hay phải đầu tư vào đâu mới có lãi.
 
Nhưng cũng chính vì bộ não lười, nên việc hình thành một thói quen mới là vô cùng khó khăn. Con đường cao tốc phải bắt đầu xây lại từ đầu, nơ ron này phải khó nhọc nối với nơ ron kia từng bước một. Trung bình để xây dựng một thói quen đơn giản nhất ta cũng phải mất tới 66 ngày.

Bộ não nhát

Bộ não chúng ta không những lười mà còn nhát. Thời xa xưa, sự nhút nhát và nhát chết của bộ não là một kỹ năng sinh tồn. Nhìn thấy một cành cây nằm ngoằn ngoèo trên mặt đất, bộ não sẽ đánh tín hiệu là "con rắn", khiến chúng ta không cần suy nghĩ nhảy qua một bên. Chỉ khi đã nhảy xong rồi ta mới định thần, dùng ý thức nhìn lại để xác định đó là cành cây. Bộ não nhát đoán 100 lần thì sai đến 99 lần, nhưng chỉ 1 lần đúng thôi là cả một sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Chính vì vậy, cho đến bây giờ, bộ não vẫn giữ nguyên tính cách nhút nhát như vậy, thà đoán nhầm còn hơn bỏ sót.
 
Tuy nhiên, khi chúng ta muốn thay đổi thói quen thì bộ não nhát khó chịu. Vì thay đổi cũng có nghĩa sẽ có quá nhiều điều mới mẻ mà bộ não không thể phán đoán. Sự mông lung vô định, không có thông tin, không gì chắc chắn khiến bộ não không thể xác định quỹ đạo. Nó trở nên sợ hãi triền miên, lúc nào cũng thon thót lo lắng vì không biết điều gì sẽ xảy ra. Khi bộ não lo lắng, nó tiêu tốn năng lượng một cách nhanh chóng, khiến chúng ta mệt mỏi, stress. Đây chính là nguyên nhân tại sao những người bị bệnh hiểm nghèo thực ra lại cảm thấy an tâm hơn khi biết chắc mình có bệnh, so với những người lúc nào cũng khắc khoải không biết mình có bị bệnh hay không.

Bộ não hay bắt chước

Tính cách thứ ba của bộ não khiến thói quen khó đổi thay là bộ não rất dễ bắt chước người xung quanh. Những nơ ron có tên là mirror (gương chiếu) trong não có khả năng nắm bắt tần số của "bạn bè", và thế là khi ta nhìn thấy người khác vui, ta cũng vui lây, khi kẻ khác bị đánh, ta cũng thấy đau, khi thiên hạ ăn một món ngon, thế là ta đói bụng.
 
Chính vì những nơ ron gương chiếu này mà ta kết nối tình cảm với cộng đồng, nhưng cũng chính vì chúng mà thói quen kể cả khi đã triệt bỏ rồi vẫn dễ dàng quay trở lại.
Vậy giải pháp là gì?
 
Xử lý tín hiệu
 
Thói quen khó đổi thay vì mỗi khi bộ não đứng trước hai con đường, một dải cao tốc thẳng băng bay vèo là tới đích và một khu rừng rậm không một lối mòn, hẳn nhiên nó sẽ chọn đường cao tốc. Để thay đổi thành công, chúng ta phải khiến cho hình ảnh đường cao tốc khuất đi, vì chỉ cần nhìn thấy nó thôi là tín hiệu thói quen phát đi, bộ não có thể không cưỡng lại được.
Ví dụ, nếu bạn muốn bỏ thuốc, hãy vứt sạch bật lửa, vỏ thuốc, gạt tàn, tránh xa người hút thuốc, đi vòng nếu phải đi qua hàng thuốc, thậm chí thay luôn từ "thuốc" bằng một từ khác. Đôi khi việc tìm ra tín hiệu không dễ dàng, ví dụ như thói quen làm việc riêng trong công sở. Phải mất khá nhiều thời gian tự tìm hiểu ta mới có thể tìm ra điều gì khiến bản thân đang làm việc hăng say thốt nhiên dừng lại kiểm tra điện thoại, check Facebook, gọi điện cho bạn bè và nghĩ lung tung?
 
Thay đổi phần thưởng
 
Cũng có khi việc triệt tiêu tín hiệu là không thể, vì tín hiệu ấy thuộc về hệ thống ngoài khả năng kiểm soát của bạn. Cứ tới giờ ăn trưa là bạn thèm một bữa bít tết thật to, dù cơ thể đang cần kiêng khem. Bạn không thể thay đổi tín hiệu, vì giờ ăn trưa thì phải ăn mới có sức. Vậy nên phương án thay thế là xử lý khoản "phần thưởng" của thói quen tệ hại này. Đó là cảm giác no nê, khoái khẩu của miếng bít tết mềm thơm. Nhiệm vụ của bạn là, mỗi ngày hãy thử một món ăn mới để tìm ra một "phần thưởng" tương xứng thay thế cho miếng bít tết mà bạn đang cố gắng từ bỏ.
 
Bản thân tôi có một thời gian nghiện pho mát xanh đến nỗi thành đau bụng. Tôi thử đủ cách, và thay vì chạy vào bếp ăn pho mát xanh cho bữa trưa, tôi rủ hàng xóm ra sân hoặc công viên gần nhà ngồi ăn một món khoái khẩu mới là bánh mì phết quả bơ. Phần thưởng thay thế không phải chỉ là một món ăn mà là cả những phút giây thư giãn.
 
Tâm lý an toàn
 
Đổi thay thực sự chỉ có thể xảy ra khi chúng ta không bị cưỡng ép. Ví dụ, chúng ta phải thực lòng mong muốn đổi thay thói quen giận cá chém thớt chứ không phải do ông chồng bà vợ ta vì đã quá chán ghét mà bắt ta phải hứa hẹn. Tương tự, chúng ta phải thực lòng mong muốn thay đổi văn hóa phong bì trong cơ quan, và tìm mọi cách để khi thực hiện sự đổi thay này thì không ai phải lo sợ bị trù dập.
 
Thu thập thông tin
 
Vì bộ não nhát nên để nó sẵn sàng hơn cho đổi thay, chúng ta cần có càng nhiều thông tin càng tốt, kể cả đó là những thông tin không mấy tốt đẹp. Nguyên tắc hoạt động của bộ não nhát là: Tin xấu còn có ích hơn là sự mù thông tin. Về mặt cá nhân, khi quyết định thay đổi hoặc tạo dựng một thói quen, hãy tìm hiểu thật nhiều về những hệ quả của quyết định đó để bộ não thêm vững tâm. Nếu bạn muốn chạy thể dục buổi sáng, đừng để bộ não phải băn khoăn: "Thế thì thời gian đâu mà chuẩn bị đi làm?". Hãy liệt kê chi tiết quỹ thời gian cho từng phần việc, phương án B nếu bị chậm giờ, cộng thêm các lợi ích của việc chạy bộ để bộ não có thêm động lực.
 
Với một công ty, sự thành công của bất kỳ thay đổi nào cũng dựa vào sự rõ ràng của thông tin. Khi Hãng ABB chuyển đổi cơ cấu và đối mặt với phá sản, CEO đã cần mẫn viết email hằng tuần cho nhân viên thông báo cẩn thận chi tiết về tình hình công ty. Nhân viên có thể trả lời và hiến kế. Chính nền tảng thông tin này đã khiến ABB chuyển đổi thành công.
 
Tạo vài lựa chọn
 
Bộ não không thích bị o ép, cưỡng chế, nên việc có một vài lựa chọn khiến chúng ta có cảm giác như mình đang làm chủ tình thế. Khi muốn đổi thay, bạn hãy tự vẽ ra một vài lựa chọn nhỏ để tạo cho mình cảm giác tự chủ nhất định.
 
Ví dụ, bạn không nên tự hứa mình sẽ một mực phải chạy thể dục, mà có thể chuyển đổi sang đi bơi hay khiêu vũ. Với một công ty cũng vậy, sự đổi thay cần đi kèm một vài lựa chọn. Thay vì bắt nhân viên phải đến đúng giờ nếu không sẽ bị phạt, chúng ta có thể cho họ chọn lựa giữa việc đến đúng giờ và được một phần thưởng nhỏ, đến trễ 15 phút và phải bỏ vào quỹ chung 50.000, hoặc đến sớm 30 phút và được ăn trưa miễn phí.
 
Mục tiêu tiểu chiến thắng
 
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, bộ não học được nhiều từ những chiến thắng hơn là những chiến bại. Khi nếm trải cảm giác thành công, lượng hoóc môn dopamine tiết ra khiến bộ não hiểu rằng đây là cảm giác tích cực có ích, và vì thế, bộ não sẽ cố gắng để lặp lại càng nhiều càng tốt.
 
Hẳn nhiên, không ai chỉ có thành công mà không hề thất bại. Phương pháp ta có thể vận dụng là tạo ra những thành công nhỏ bằng việc lập ra những mục tiêu bé mà ta hầu như chắc chắn sẽ đạt được. Người Nhật có thuật ngữ "kaizen" nghĩa là "đổi thay một cách thông thái". Sự đổi thay ấy đến từ từ, chậm chạp, mỗi ngày một phút. Mỗi ngày học tiếng Anh một phút, ai cũng làm được. Mỗi ngày thiền một phút, ai cũng làm được. Điều quan trọng là bạn phải làm mỗi ngày, dần dà sẽ nâng lên.
 
Thói quen mới được hình thành không phải từ khối lượng mà từ sự bền bỉ. Chúng ta thất bại trong đổi thay không phải vì ta không có khả năng mà vì ta thiếu kỷ luật. Đi nhiều thành đường, dù mỗi ngày bạn chỉ đi một phút.
 
 
Bài viết của PGS.TS Nguyễn Phương Mai, ĐH Khoa hoc Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan
 
Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-duc/de-thay-doi-thanh-cong-931909.html
menu
menu