Phải chăng ngôn ngữ định hình lối tư duy của mỗi chúng ta?

phai-chang-ngon-ngu-dinh-hinh-loi-tu-duy-cua-moi-chung-ta

Ngôn ngữ chúng ta nói ảnh hưởng đến sự trải nghiệm thế giới của chúng ta theo những cách nào?

(Does your language shape how you think?; By Guy Deutscher[i]; Published: August 26, 2010, New York Times)

 

Cách đây đúng 70 năm, vào năm 1940, trên một tạp chí khoa học phổ cập đã xuất hiện một bài báo ngắn, có thể coi như sự châm ngòi làm khơi dậy một trong những trào lưu thời thượng nhất trong lĩnh vực tri thức luận của thế kỉ XX. Thoạt nhìn, bài báo ấy dường như có quá ít triển vọng để người ta có thể tiên đoán về danh tiếng đình đám của nó sau đó. Không phải tiêu đề của bài viết: Science and Linguistic (Khoa học và Ngôn ngữ học), cũng không phải tiếng tăm của tờ tạp chí: M.I.T. ‘s Technology Review (Phê bình kĩ thuật M.I.T) là những gì đã mang đến cho bài báo khả năng cuốn hút sự chú ý của mọi người đến nhường ấy. Và tác giả ư? – một kĩ sư hóa học làm việc cho một công ti bảo hiểm với công việc làm thêm ngoài giờ là giảng viên ngành nhân chủng học ở Đại học Yale; thật khó mà nói được rằng anh ta lại là một ứng cử viên tiềm năng cho ngôi vị của một siêu sao tầm cỡ quốc tế. Thế nhưng, không thể phủ nhận, Benjamin Lee Whorf đã tung ra một ý tưởng vô cùng hấp dẫn về quyền năng chi phối của ngôn ngữ đối với tâm trí con người, và sự khuấy động ngôn ngữ thường ngày mà ông khởi xướng đã đủ sức khiến cho cả một thế hệ tập trung tâm lực vào việc khẳng định một tín điều rằng: thứ ngôn ngữ mẹ đẻ mà chúng ta đang sử dụng giới hạn khả năng suy nghĩ của chúng ta.

Đặc biệt, Whorf tuyên bố, những hệ hình ngôn ngữ của cư dân Mĩ bản địa áp đặt lên những người nói chúng một hình dung về thực tại khác hoàn toàn với cách hình dung của chúng ta; và bởi vậy, chẳng có gì phải tranh luận thêm, những người nói của các ngôn ngữ ấy tất yếu sẽ không thể nào hiểu nổi một số ý niệm nền tảng nhất của chúng ta, chẳng hạn như quan niệm của chúng ta về dòng chảy thời gian hay sự phân tách tuyệt đối trong nhận thức của chúng ta về các đối tượng (ví dụ như “hòn đá”) với các hành động (ví dụ như “rơi rụng”). Trong suốt hàng thập kỉ, lí thuyết của Whorf đã làm choáng ngợp cả những học giả chuyên ngành cũng như công chúng nói chung. Dưới cái bóng của ông, nhiều người đã nêu thêm một loạt những tuyên ngôn đầy ảo tưởng về thứ quyền lực được ấn định cho ngôn ngữ: từ sự khẳng định rằng ngôn ngữ của người Mĩ bản địa đã nhào nặn trong những người nói nó một cách tri nhận đầy trực giác về ý niệm thời gian theo kiểu Eistein – xem thời gian như là một chiều không gian thứ tư; đến lí thuyết cho rằng bản chất của Do Thái giáo được quyết định hoàn toàn bởi hệ thống phân chia thì của tiếng Do Thái cổ.

Nhưng rồi, lí thuyết của Whorf đã phải hạ cánh đầy vội vã xuống cái thực tại nghiêm ngặt với những cảm nghĩ thông thường vững chắc; người ta đã đặt lại vấn đề rằng gần như chưa bao giờ và chưa ai thực sự nêu ra được một bằng cớ nào làm cơ sở cho các tuyên bố đầy tính không tưởng của ông. Phản ứng này gay gắt đến mức trong suốt mấy chục năm sau đó, bất cứ một nỗ lực nào nhằm tái khám phá ra sự ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ lên tư duy con người đều bị phủ nhận, bị coi như là phần ngoại vi điên dại đầy điều tiếng. Vậy mà sau 70 năm, có lẽ giờ đây lại chính là thời điểm chúng ta phải nhìn nhận lại sự thương tổn đã gây ra cho Whorf. Và cho đến một vài năm gần đây, nhiều nghiên cứu mới đã hướng đến việc chứng minh rằng: trong khi chúng ta học nói thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, chúng ta cũng đang đồng thời thu nhận những thói quen tư duy nhất định, nó định hình trải nghiệm của chúng ta theo những cách quan trọng và thường là đầy bất ngờ.

Whorf, như chúng ta đều biết, còn rất nhiều thiếu sót. Trong đó, một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất là ông đã mặc nhiên thừa nhận một giả định rằng: tiếng mẹ đẻ chế ngự tâm trí của mỗi chúng ta, hạn chế khả năng suy nghĩ của chúng ta, không cho phép ta được nghĩ theo những cách nào đó. Cấu trúc lập luận chung của Whorf thường nhằm dẫn đến một tuyên bố: nếu như trong một hệ thống ngôn ngữ nào đó không có một từ nào đó tương ứng với một khái niệm (cụ thể) nào đó; thì cộng đồng nói ngôn ngữ ấy cũng không thể nào tư duy được ý niệm này. Một ngôn ngữ không có thì tương lai, chẳng hạn, thì những người phát ngôn của nó, thật đơn giản, cũng sẽ chẳng thể nào nắm bắt được khái niệm về thời gian tương lai. Gần như không thể tin được rằng lối lập luận này lại đã từng đạt được sự thành công đến như thế, bởi ở đâu và lúc nào cũng có thể dẫn ra quá nhiều bằng chứng để phản bác lại. Ví như khi bạn hỏi một câu hỏi tiếng Anh rất thông thường ở thì hiện tại: “Are you coming tomorrow?” (Bạn sẽ đến vào ngày mai chứ?), khi ấy bạn có cảm thấy mọi tri nhận mà bạn nắm bắt được về tính tương lai có thật là đang trôi trượt đi mất hay không? Hay, có lẽ nào những người nói tiếng Anh, vì chưa từng nghe thấy từ “Schadenfreude” trong tiếng Đức mà cảm thấy đầy khó khăn trong việc hiểu ý niệm về niềm vui thích của con người khi chứng kiến nỗi bất hạnh của kẻ khác? Hoặc, hãy thử nghĩ theo hướng này: nếu như kho từ vựng được định sẵn trong ngôn ngữ của chúng ta thực sự quy định việc chúng ta có thể nhận thức được những gì, thì có lẽ, suốt cả đời chẳng ai có thể học thêm được bất cứ một điều gì mới mẻ.

Vì không thể nêu lên bất cứ một bằng cớ nào để minh chứng cho việc một ngôn ngữ nào đó cấm đoán người nói của nó nghĩ về một điều gì đó, cần phải xem xét việc ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta đã định hình trải nghiệm của chúng ta về thế giới như thế nào, theo một hướng hoàn toàn khác. Năm mươi năm trước, nhà ngôn ngữ học trứ danh Roman Jakobson đã nêu lên một lập luận quan trọng về sự khác biệt giữa các ngôn ngữ bằng một câu cách ngôn súc tích: “Các ngôn ngữ khác nhau chủ yếu ở những gì chúng phải truyền đạt chứ không phải ở những gì chúng có thể truyền đạt”. Câu nói của Jakobson trao tặng cho chúng ta chìa khóa để có thể lí giải cái quyền lực thực tế của ngôn ngữ mẹ đẻ: nếu những ngôn ngữ khác nhau tác động đến tâm trí của chúng ta theo nhiều cách khác nhau, thì sự ảnh hưởng ấy không phải ở chỗ ngôn ngữ ta nói cho phép chúng ta nghĩ cái gì, mà thực chất là ở việc nó khuôn ép ta vào thói quen phải nghĩ đến cái gì.

Hãy cùng xem xét ví dụ này. Giả sử tôi nói với bạn bằng tiếng Anh, rằng: “I spent yesterday evening with a neighbor” (tôi dành cả tối qua với người hàng xóm của tôi). Bạn hoàn toàn có thể tò mò mà hỏi lại tôi rằng thế cái người bạn đi cùng tôi ấy, là nam hay là nữ; và tôi cũng có quyền đáp lại rất lịch sự rằng, chuyện người ấy mang giới tính gì, đâu có phải là việc của bạn. Nhưng nếu như chúng ta đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức hay tiếng Pháp, tôi không còn có thể nói một cách mập mờ như vậy nữa. Ngữ pháp của những ngôn ngữ này bắt buộc tôi phải lựa chọn hoặc voisin hoặc voisine, hoặc Nachbar hoặc Nachbarin. Những ngôn ngữ này buộc tôi phải thông báo giới tính của người hàng xóm của tôi với bạn, bất kể bạn có quan tâm đến chuyện ấy hay không. Tất nhiên, điều này khồng có nghĩa là những người nói tiếng Anh không thể nhận thức được một buổi tối ở bên cạnh một người hàng xóm là nam giới so với ở bên cạnh một người hàng xóm nữ giới cả một buổi tối thì sẽ khác nhau đến thế nào. Nhưng, nó có nghĩa là bạn không cần phải băn khoăn về giới tính của người bạn của tôi nữa, hay nói chung, chúng ta không cần phải băn khoăn về giới tính của của bất cứ ai dù đó là người hàng xóm, bạn bè thông thường, giáo viên hay người chủ nhà của người khác khi họ kể về những người ấy trong các cuộc trò chuyện với chúng ta. Chính ngôn ngữ đã bắt buộc người nói phải truyển tải được nội dung thông tin ấy.

Ngược lại, tiếng Anh lại bắt bạn phải xác định những dạng thức thông tin mà bạn hoàn toàn có thể bỏ qua trong những ngữ cảnh ngôn ngữ khác. Nếu tôi muốn kể về bữa tối của tôi cùng người bạn hàng xóm bằng tiếng Anh, tôi không việc gì phải đề cập đến giới tính của họ, nhưng tôi buộc phải cho bạn biết một vài thông tin về khoảng thời gian diễn ra sự việc này: tôi phải lựa chọn một trong những cách nói: hoặc we dined (chúng tôi đã ăn tối), have been dining (vừa ăn tối), are dining (đang ăn tối), will be dining (sẽ ăn tối)…Trong khi đó, tiếng Trung Quốc lại không bắt buộc người nói phải xác định thời gian chính xác của hành động bởi chỉ có duy nhất một hình thức động từ được sử dụng để nói về tất cả các hành động, bất kể nó diễn ra trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Thế nhưng, điều đó không hề đồng nghĩa với việc người Trung Quốc không nắm bắt được ý niệm về sự trôi chảy của thời gian. Thực chất, nó chỉ có nghĩa là tiếng Trung không bắt chúng ta phải nghĩ về vấn đề thời gian mỗi khi chúng ta miêu tả một hành động nào đó.

Ngôn ngữ bạn nói không chỉ thường xuyên yêu cầu bạn phải đảm bảo một số dạng thức thông tin, nó còn hướng bạn chú ý đến một số chi tiết nhất định trong thế giới cũng như đến những khía cạnh nào đó của sự trải nghiệm mà những người nói thứ ngôn ngữ khác không bị bắt buộc lúc nào cũng phải nghĩ về những điều ấy. Và chính vì những thói quen ngôn ngữ như vậy đã được hun đúc ngay từ buổi sơ khai của lịch sử loài người mà chúng có thể làm hình thành những thói quen tư duy một cách rất tự nhiên, vượt ra bên ngoài phạm vi của bản thân ngôn ngữ để tác động lên sự trải nghiệm, sự tri nhận, cách liên tưởng, cảm giác, cách ghi nhớ cũng như sự định hướng thế giới của mỗi chúng ta.

Nhưng có bằng chứng nào đủ thuyết phục để chứng minh điều này thực sự xảy ra trong thực tế?

Hãy cùng tôi xem xét lại vấn đề giới tính một lần nữa. Những ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nga không chỉ bắt buộc bạn phải nghĩ về giới tính của những người bạn hay những người hàng xóm của mình, hơn thế nữa, chúng quy định sự xác định của bạn chỉ có thể là một trong hai giới: hoặc là nam, hoặc là nữ; và đặc biệt: không chỉ đối với người mà đối với toàn bộ những sự vật khách quan vô tri vô giác, theo những cách khá tùy tiện. Chẳng hạn, thật lạ thường, có cái gì mang tính nữ ở bộ râu (la barbe) của một người đàn ông Pháp vậy? Tại sao nước trong tiếng Nga lại thuộc giống cái (she), và tại sao cái sự vật giống cái ấy lại chuyển ngay sang giống đực khi bạn thả thêm vào đó một túi lọc trà? Mark Twain đã thốt lên một lời than thở nổi tiếng về kiểu giới tính thất thường trong “thứ ngôn ngữ Đức khiếp đảm” (theo cách nói cường điệu của ông); với những củ cải thuộc giống cái và những nàng trinh nữ vô tính. Nhưng nếu như Mark Twain đã chỉ ra, có một điều gì đó đầy oái oăm trong hệ thống giới của ngôn ngữ Đức; thì tiếng Anh, có lẽ mới thực là thứ ngôn ngữ khác thường nhất trong hệ hình ngôn ngữ châu Âu, bởi nó không nhìn một củ cải hay một tách trà là mang tính nam, hay tính nữ. Những ngôn ngữ gán cho các sự vật vô tri vô giác một đặc tính giống đực hay giống cái tất yếu sẽ đòi hỏi người phát ngôn phải nói về khách thể ấy cứ như thể nó cũng là một người phụ nữ hay một người đàn ông vậy. Và bất cứ ai mang trong mình một ngôn ngữ mẹ đẻ có tính phân loại giới cũng có thể là một nhân chứng để bạn hiểu hơn rằng: một khi đã để cho thói quen chi phối, gần như là bất khả để thoát khỏi nó. Khi tôi nói tiếng Anh, tôi có thể nói về một cái giường như thế này: “it” is too short (nó quá ngắn). Nhưng nếu tôi ở địa vị của một người nói tiếng Do Thái bản địa, tôi sẽ thực sự cảm thấy “cô ấy” (she) quá ngắn. “She” vẫn mang giống cái từ phổi cho đến thanh môn, và chỉ được vô tính hóa khi chạm đến đỉnh của đầu lưỡi.

Trong những năm gần đây, rất nhiều thử nghiệm khác nhau đã được tiến hành nhằm chỉ ra rằng dạng thức giống trong văn phạm có khả năng định hình cảm giác cũng như cách liên tưởng của người nói đối với những khách thể xung quanh. Ví dụ, vào những năm 90 thế kỉ XX, các nhà tâm lí học đã so sánh trường liên tưởng của người nói tiếng Đức với những người nói tiếng Tây Ban Nha. Có rất nhiều danh từ dùng để chỉ những khách thể vô tri mà giống của nó ở ngôn ngữ này lại bị đảo ngược lại trong ngôn ngữ kia. Một cây cầu, trong tiếng Đức, là thuộc giống cái (die brucke); nhưng cũng chỉ cây cầu, “et puente” lại là một từ thuộc giống đực trong tiếng Tây Ban Nha. Các hiện tượng tương tự cũng có thể thấy ở những vật thể khác như đồng hồ treo tường, căn hộ, tạp chí, bờ vai, con tem, tấm vé, đàn violin, mặt trời, thế giới, tình yêu…Ngược lại, quả táo thuộc giống đực trong ngôn ngữ Đức nhưng lại thuộc giống cái trong tiếng Tây Ban Nha, cũng tương tự như trường hợp của ghế, chổi, bướm, chìa khóa, núi, vì sao, bàn, chiến tranh, mưa và rác thải. Khi được yêu cầu phân loại các vật thể đa dạng ấy dựa trên đặc điểm riêng của nó, người nói tiếng Tây Ban Nha cho rằng những cây cầu, những chiếc đồng hồ và đàn violin đều mang nhiều “phẩm tính đàn ông” hơn, chẳng hạn như mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, người Đức lại có xu hướng nghĩ rằng chúng mảnh mai và trang nhã hơn. Với các đối tượng như núi, ghế,… – những sự vật giống đực trong tiếng Đức nhưng lại thuộc giống cái trong tiếng Tây Ban Nha, sự tác động lại ngược lại.

Trong một thử nghiệm khác, những người nói tiếng Pháp và những người nói tiếng Tây Ban Nha được yêu cầu chỉ định cách lồng tiếng nói con người cho các nhân vật khác nhau của một bộ phim hoạt hình. Khi người nói tiếng Pháp nhìn bức tranh vẽ một cái nĩa (la fourchette), hầu hết tất cả đều muốn nó cất lên tiếng nói qua giọng của một người phụ nữ; nhưng với những người nói tiếng Tây Ban Nha, el tenedor lại là danh từ thuộc giống đực, và họ hài lòng hơn nếu như lựa chọn cho nhân vật cái nĩa ấy một giọng nam thô. Gần đây hơn nữa, các nhà tâm lí học thậm chí chỉ ra thêm rằng “những ngôn ngữ có sự phân chia giống” (gendered languages) còn in hằn những đặc điểm giới tính vào tâm trí con người mạnh mẽ đến mức những liên tưởng cố định này làm cản trở cả khả năng ghi nhớ thông tin của người nói.

Tất nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là những người nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp hay tiếng Đức đều là những người không thể hiểu được rằng những vật thể vô tri, thực chất, không hề có giới tính (theo nghĩa) sinh học – một phụ nữ Đức không bao giờ lại đi nhầm lẫn chồng mình với một chiếc mũ, và một người đàn ông Tây Ban Nha, như chúng ta đều biết, hoàn toàn không phải là những người không phân biệt nổi cái giường với những thứ nằm trên nó. Tuy nhiên, một khi hàm ý giới tính được áp đặt lên tâm trí non nớt của trẻ thơ, cái ngôn ngữ mẹ đẻ mang hệ thống giới sẽ dẫn dắt chúng đến chỗ nhìn thế giới vô tri thông qua một lăng kính đầy màu sắc với những liên tưởng và những trạng thái cảm xúc phong phú mà những người nói tiếng Anh – bị mắc kẹt trong cái sa mạc đơn sắc của từ “nó” (its) – không thể nào cảm thấy được. Chẳng hạn như, những đối lập trong cách xác định giới tính của cùng một vật thể là cây cầu (bridge) trong tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha có ảnh hưởng gì đến cách thiết kế xây dựng cầu ở Tây Ban Nha và Đức hay không? Những sơ đồ xúc cảm mà hệ thống giới trong ngôn ngữ áp đặt lên mỗi chúng ta còn để lại một hệ quả nào khác chứ không chỉ dừng lại ở việc là một hành vi trong đời sống thường nhật của chúng ta hay không? Phải chăng chúng góp phần định hình thị hiếu, thời trang, tập tục và sở thích của mỗi xã hội? Trong điều kiện nghiên cứu não bộ của chúng ta hiện nay, đây không phải là những vấn đề có thể mang vào phòng thí nghiệm mà đo đếm dễ dàng. Nhưng cũng thật đáng ngạc nhiên, nếu chúng ta lại vì thế mà phủ nhận tất cả những nghi vấn ấy.

Bộ phận ngôn ngữ có thể làm bằng chứng xác đáng nhất cho sự ảnh hưởng của ngôn ngữ lên tư duy là cách con người nói về không gian – hay, cách chúng ta mô tả sự định hướng thế giới xung quanh mình. Giả sử như bạn đang muốn chỉ đường cho một ai đó đến nhà mình. Bạn thường sẽ nói: “Đi qua cột đèn giao thông, rẽ phải, rẽ phải tiếp, và bạn sẽ nhìn thấy một ngôi nhà màu trắng ngay trước mặt. Nhà của tôi nằm phía bên phải ngôi nhà ấy”. Nhưng, trên lí thuyết, bạn cũng có thể nói, kiểu: “Đi qua cột đèn giao thông, đi thẳng về hướng bắc, đến lối rẽ thứ hai thì đi về hướng đông, bạn sẽ thấy một ngôi nhà màu trắng ở chính phía đông ấy. Nhà chúng tôi nằm ở phía tây cạnh ngôi nhà đó”. Cả hai cách chỉ dẫn này đều miêu tả cùng một lối đi, nhưng chúng được kiến tạo nên từ những hệ thống định vị khác nhau. Cách nói thứ nhất sử dụng sự định vị lấy chính mình làm trung tâm (egocentric), người nói thiết lập một trục phải – trái và một trục trước – sau mà cơ thể mình là giao điểm. Cách nói thứ hai sử dụng hệ thống xác định phương hướng theo địa lí (geographic), nó luôn luôn cố định dù người nói có xoay theo chiều nào đi chăng nữa.

Xét trong trường hợp cụ thể, chúng ta thường thấy sự định hướng theo địa lí thật tiện dụng những khi đi bộ trên những con đường quê thoáng rộng thênh thang, thế nhưng, cách xác định hệ tọa độ lấy chính mình làm trung tâm lại chiếm ưu thế hoàn toàn mỗi khi chúng ta miêu tả những không gian có quy mô nhỏ hẹp. Chúng ta, tất nhiên, chẳng bao giờ lại nói: “sau khi bước ra khỏi thang máy, hãy đi về phía nam và sau đó đi qua cánh cửa thứ hai ở phía đông”. Nguyên nhân khiến cho cách xác định lấy cá nhân làm trung tâm được sử dụng chủ yếu trong ngôn ngữ của chúng ta có lẽ là do với chúng ta, nó dễ dàng hơn, và tự nhiên hơn. Chúng ta bao giờ cũng biết được rằng những nơi như “ở đằng trước” hay “ở phía sau” mình chính xác là những nơi nào. Chúng ta không cần phải có trong tay một tấm bản đồ hay một cái la bàn để xác định những vị trí như thế bởi hệ tọa độ lấy chính mình làm trung tâm được xây dựng một cách trực tiếp từ thân thể của chúng ta, và từ những phạm vi không gian chúng ta đang nhìn thấy ngay trước mắt.

Nhưng rồi, Guugu Yimithirr – thứ tiếng bản xứ của một vùng thổ dân Úc xa xôi vùng Bắc Queensland, xuất hiện, mang đến một sự nhận thức lại đầy bất ngờ rằng không phải tất cả mọi ngôn ngữ đều tuân thủ những gì được chúng ta nghiễm nhiên coi là “bản chất tự nhiên”. Nói đúng ra, người Guugu Yimithirr không bao giờ sử dụng cách định hướng lấy chính mình làm trung tâm. Nhà nhân chủng học John Haviland, và sau đó là nhà ngôn ngữ học Stephen Levinson đã chỉ ra rằng: người Guugu Yimithirr không hề sử dụng những từ như “phải” hay “trái”, “trước” hay “sau” để định vị đối tượng. Trong những trường hợp chúng ta sử dụng cách định hướng lấy chính mình làm trung tâm, người Guugu Yimithirr lại xác định dựa trên phương hướng. Chẳng hạn, nếu trên ô tô họ muốn yêu cầu bạn ngồi sang phía ghế an toàn để lấy chỗ ngồi, họ sẽ nói: “dich về phía đông một chút đi”. Để nói với bạn một cách chính xác việc họ để lại cái gì đó ở chỗ nào trong nhà bạn, họ sẽ nói: “tôi đặt nó ở mép phía nam trên cái bàn ở phía tây”. Và họ sẽ cảnh báo bạn những câu như: “hãy để ý con kiến lớn đang nằm ngay phía bắc của bàn chân bạn”. Thậm chí, ngay cả khi xem ti vi, những miêu tả của họ cũng dựa trên sự định hướng đối với màn hình. Nếu như chiếc vô tuyến được đặt quay về hướng bắc, và trên màn hình là cảnh một người đàn ông đang đi về phía trước, họ sẽ nói rằng: “ông ta đang đi về phía bắc”.

Khi những đặc thù như thế trong cách nói của người Guugu Yimithirr được nêu ra, các nhà nghiên cứu đã khởi xướng một dự án mang tầm quy mô lớn về vấn đề ngôn ngữ và không gian. Những nghiên cứu tiếp theo được tiến hành đã cho thấy tiếng Guugu Yimithirr không phải là một trường hợp dị biệt. Những ngôn ngữ xác định không gian dựa trên tọa độ địa lí có thể tìm thấy rải rác ở khắp nơi trên thế giới, từ Polysenia đến Mexico, từ Namibia đến Bali. Với riêng chúng ta, thật là đỉnh cao của sự vô lí khi một giáo viên dạy múa lại giảng dạy cho học sinh bằng những câu kiểu như: “nào bây giờ hãy giơ cánh tay phía bắc của bạn lên và đưa chân ở hướng nam của bạn về phía đông”. Nhưng cách nói này sẽ mất đi sắc thái đùa cợt trong nhiều trường hợp khác. Nhà nghiên cứu âm nhạc người Mĩ gốc Canada Colin McPhee, người dành nhiều năm sống ở Bali vào những năm 30, từng nhớ lại câu chuyện về một cậu học trò có năng khiếu khiêu vũ tuyệt vời. Vì không có ai làm nghề dạy vũ đạo trong ngôi làng của cậu bé, McPhee sắp xếp cho cậu sống cùng môt giáo viên tại một ngôi làng khác. Nhưng sau đó vài ngày, khi ông đến kiểm tra sự tiến bộ của học trò, ông lại thấy cậu bé đầy chán nản và thất vọng còn ông thầy dạy kia thì vô cùng bực tức. Không thể dạy được cậu ta một chút gì, bởi đơn giản là cậu không tài nào hiểu được sự chỉ dẫn phương hướng của người thầy. Khi được yêu cầu hãy “bước ba bước về phía đông” hay “uốn cong người về phía tây nam”, cậu không biết phải làm gì. Cậu không hề gặp phải những rắc rối nhỏ nhặt như thế với những người cùng làng, nhưng trong bối cảnh của một ngôi làng hoàn toàn xa lạ, điều ấy khiến cậu mất phương hướng và rối trí. Tại sao người thầy không sử dụng một kiểu chỉ dẫn phương hướng khác? Rất có thể ông ta sẽ phản đối và đáp lại rằng: thật không có gì phi lí hơn khi nói những câu như “bước ba bước về phía trước” hay “uốn cong người về phía sau”.

Như vậy, những ngôn ngữ khác nhau khiến cho chúng ta nói về không gian theo những cách khác nhau. Nhưng liệu điều này có nhất thiết đồng nghĩa với việc chúng ta cũng nghĩ về không gian theo những cách khác hẳn nhau như thế không? Ngày nay, những xác quyết như thế đã bị lung lay,bởi cho dù một ngôn ngữ không có một từ nào để chỉ “phía đằng sau” (behind), thì điều đó cũng không nhất thiết tương đương với việc những người nói của ngôn ngữ ấy không có khả năng hiểu được khái niệm này. Thay vào đó, phải chăng chúng ta chỉ nên xem xét những kết quả thông tin mà những ngôn ngữ xác định phương hướng địa lí bắt buộc người nói của nó phải đảm bảo truyền tải được. Đặc biệt, chúng ta nên tìm hiểu xem việc định vị phương hướng địa lí trong lúc phát ngôn, theo thời gian, đã làm hình thành và phát triển ở người nói những thói quen tư duy nào.

Để có thể giao tiếp bằng những ngôn ngữ như tiếng Guugu Yimithirr, bạn cần liên tục tri giác được các phương hướng địa lí trong mọi phút giây của đời sống ý thức. Bạn cần có một cái la bàn đặt sẵn trong đầu, phải vận hành nó mọi lúc mọi nơi, ngày cũng như đêm, không bao giờ có những lúc ngoại lệ như giờ nghỉ trưa hay kì nghỉ cuối tuần; bởi nếu không, bạn sẽ mất năng lực truyền đạt ngay cả những thông tin đơn giản nhất và ngược lại, không thể hiểu nổi những người xung quanh đang nói gì. Trong thực tế, những người thuộc cộng đồng ngôn ngữ định hướng có vẻ đều có được một sự nhạy cảm phương hướng gần như siêu nhân. Bất kể việc mỗi cộng đồng sống trong những điều kiện khác nhau về tầm nhìn, dù họ đang sống trong những khu rừng dày đặc hay những vùng đồng bằng thênh thang, dù họ sinh sống cố định hay những bộ tộc du canh du cư, họ đều có được một cảm giác chính xác tuyệt đối về phương hướng. Họ không cần phải nhìn lên mặt trời, cũng không mất một giây tính toán trước khi nói: “có một con kiến đang nằm ngay phía bắc của bàn chân bạn”. Họ chỉ đơn giản là cảm thấy được đâu là phía bắc, nam, tây hay đông, giống như thể những nghệ sĩ hoàn hảo cảm nhận chính xác các nốt nhạc mà không cần tính phải tính toán quãng thời gian ngắt nghỉ. Có thể kể ra vô số những câu chuyện mà chúng ta xem như những kì công đáng kinh ngạc về sự định hướng, nhưng với những cộng đồng ngôn ngữ địa lí thì lại chỉ là những việc đương nhiên. Đã có một bài báo viết về chuyện người ta đã bịt mắt một người nói tiếng Tzeltal sống ở miền Nam Mexico, kéo anh ta đi lòng vòng trong một căn nhà tối đen phải đến hơn 20 lần. Dù vẫn bị bịt mắt và vô cùng chóng mặt, khi được yêu cầu chỉ ra các phương địa lí, người ấy vẫn có thể trả lời ngay không hề ấp úng.

Tại sao họ có thể làm được như vậy? Quy tắc giao tiếp gắn với các tọa độ địa lí bắt buộc những người nói, ngay từ khi nhỏ tuổi nhất, phải chú ý đến những chi tiết có tính gợi ý từ môi trường vật lí (chẳng hạn: vị trí của mặt trời, hướng gió,…) trong từng giây tồn tại; đồng thời, làm hình thành ở người nói một bộ nhớ chính xác về sự thay đổi phương hướng ở bất cứ thời điểm nào. Quá trình giao tiếp mỗi ngày bằng ngôn ngữ địa lí, bởi vậy, dần dần ghi khắc các phương hướng địa lí vào trí tưởng của con người một cách sâu sắc nhất (người ta đã ước tính rằng, trong một cuộc hội thoại thông thường của người Guugu Yimithirr, trung bình cứ 10 từ thì lại có một từ là “bắc”, “nam”, “tây” hay “đông”; những từ ấy lại thường xuất hiện kèm động tác chỉ trỏ để tăng thêm độ chính xác). Thói quen nhận thức liên tục về phương hướng địa lí như vậy được khoan sâu vào tâm trí mỗi người ngay từ thời thơ ấu: nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em trong những cộng đồng ấy bắt đầu sử dụng cách nói định hướng địa lí ngay từ khi mới lên 2, và dần tiến tới làm chủ hoàn toàn hệ thống ngôn ngữ vào năm 7 hay 8 tuổi. Chịu sự ghi khắc sớm và mạnh mẽ đến như thế, thói quen đã chuyển hóa thành bản chất thứ hai, đầy thụ động và vô thức. Khi những người nói tiếng Guugu Yimithirr được hỏi xem làm thể nào mà họ biết được đâu là hướng bắc, họ cũng không thể giải thích được nhiều hơn những gì bạn có thể giải thích về việc tại sao bạn lại có thể biết được “ở phía sau” mình là nơi nào.

Nhưng sự ảnh hưởng của ngôn ngữ địa lí không chỉ dừng lại ở cảm thức định hướng trong không gian mà còn mở rộng ra theo chiều thời gian, vượt ra bên ngoài cả cái hiện tại đang diễn ra. Nếu như bạn nói một ngôn ngữ như Guugu Yimithirr, những kí ức của bạn về tất cả các sự kiện sẽ được lưu giữ trong tương quan với sự định hướng sự vật như là một phần của hình ảnh ấy. Chúng tôi đã quay phim cảnh một người nói tiếng Guugu Yimithirr kể lại cho bạn bè của ông ta câu chuyện về thời thanh niên của chính mình. Trong một lần ra khơi, thuyền của ông đã bị lật úp giữa một vùng biển đầy cá mập. Ông ta và người bạn đồng hành lớn tuổi hơn đã bị một cơn bão bao vây, rồi bị lật thuyền. Cả hai cùng nhảy xuống nước và cố hết sức để bơi gần 3000 dặm vào bờ, chỉ để cay đắng nhận ra rằng bậc truyền giáo mà họ phụng sự lưu tâm nhiều đến sự mất đi một con thuyền hơn là việc cứu giúp sự thoát nạn tài tình của họ. Ngoài nội dung đầy kịch tính, điều đáng lưu ý về câu chuyện này là ở chỗ nó được nhớ lại từ đầu đến cuối trong sự định vị phương hướng: người kề chuyện nhảy xuống nước từ phía tây của con thuyền, còn người bạn đồng hành của anh ta thì nhảy ở phía đông, rồi họ nhìn thấy một con cá mập khổng lồ đang bơi từ hướng bắc tới, và cứ như thế…Có lẽ nào sự xác định phương hướng chuẩn xác đến vậy đã mang lại cho họ cơ hội trốn thoát? Thật ngẫu nhiên, một vài năm sau đó, người ta đã quay phim lại chính người kể chuyện đó kể lại cùng một câu chuyện trên. Sự định hướng gắn chặt trong cả hai lần kể chuyện. Thậm chí còn phi thường hơn, những động tác chỉ trỏ để minh họa lần nào cũng được sử dụng như nhau. Chẳng hạn như chi tiết con thuyền đã bị lật nhào theo hướng nào cũng đã được xác định theo một phương hướng địa lí chính xác, bất chấp việc người kể chuyện ngồi quay mặt về những hướng khác nhau trong mỗi lần quay phim.

Những thử nghiệm tâm lí học cũng cho thấy, dù ở trong cùng một hoàn cảnh nhất định, những người nói tiếng Guugu Yimithirr vẫn lưu giữ một hình ảnh “thực tại” theo những cách hoàn toàn khác với chúng ta. Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa về các kết luận được đưa ra từ những thử nghiệm như thế; tuy nhiên, thật khó để phủ nhận một cách giải thích rất thuyết phục là: nếu như chúng ta được dạy bảo hãy phớt lờ sự thay đổi phương hướng mỗi khi chúng ta ghi nhớ thông tin, thì ngược lại, những người nói ngôn ngữ địa lí lại không được đào tạo để làm như vậy. Có một cách để hiểu được điều này là thử hình dung bạn đang đi du lịch với một người nói kiểu ngôn ngữ như thế. Hai người cùng trọ trong một khách sạn lớn được xây dựng theo phong cách hàng loạt với hành lang nọ trên hành lang kia và những cánh cửa giống y hệt nhau. Bạn của bạn ở phòng đối diện với bạn, và khi bạn bước vào căn phòng của anh ta, bạn sẽ thấy một bản sao chính xác của phòng mình: cũng cánh cửa phòng tắm ở phía bên trái, một cái tủ gương ở bên phải, cũng một gian chính với cái giường đặt bên phải, một tấm rèm cuốn lên ở phía sau giường, cũng một cái bàn được kê sát tường về phía trái, và trên bàn, một cái ti vi được đặt ở góc bên phải và y như thế, một cái điện thoại được đặt ở góc bên trái. Tóm lại, bạn cảm thấy như đã nhìn một căn phòng đến hai lần. Thế nhưng, khi người bạn đi cùng kia vào phòng của bạn, những gì anh ta nhìn thấy sẽ khác hoàn toàn với bạn. Bởi, với anh ta, mọi thứ đã bị chuyển vị từ bắc sang nam. Trong phòng của anh ta, giường là ở hướng bắc, trong khi trong phòng bạn, giường lại ở hướng nam; cái điện thoại được đặt ở phía tây trong phòng anh ta giờ lại đang nằm ở phía đông,…Thế nên, trong khi bạn ngỡ như mình chỉ nhìn đến hai lần cùng một căn phòng, người nói ngôn ngữ địa lí lại nhìn và nói về nó như hai căn phòng khác biệt.

Thật không dễ dàng để chúng ta có thể hiểu được cách những người nói tiếng Guugu Yimithirr trải nghiệm thế giới, với một lăng kính định vị phương hướng đặt lên bất cứ một hình ảnh tinh thần cũng như một mảnh kí ức nào. Cũng không dễ dàng để có thể rút ra kết luận cuối cùng về việc ngôn ngữ định hướng có ảnh hưởng như thế nào đến những vùng hồi tưởng của sự trải nghiệm, chứ không chỉ dừng lại ở sự xác định thuần túy về phương hướng không gian – chẳng hạn như liệu nó có ảnh hưởng đến sự tri nhận của người nói về bản sắc, hoặc, nó có mang lại một cái nhìn bớt tính cá nhân trung tâm luận về cuộc sống hay không? Dù vậy, chúng ta vẫn có trong tay một vài bằng chứng: nếu bạn nhìn thấy một người nói tiếng Guugu Yimithirr đang chỉ vào mình, bạn sẽ nghiễm nhiên cho rằng chỉ có thể là anh ta đang tìm cách thu hút sự chú ý của mọi người về phía mình. Thật ra, anh ta chỉ muốn bạn hãy chú ý đến những gì đang diễn ra ở phía sau lưng anh ta. Bởi vì chúng ta luôn đặt mình vào vị trí trung tâm của thế giới, việc chúng ta đang chỉ vào ngực mình chẳng thể mang một ý nghĩa nào khác ngoài việc thu hút sự mọi người vào chính chúng ta. Nhưng người nói ngôn ngữ Guugu Yimithirr không như thế, anh ta chỉ xuyên qua chính mình, cứ như thể anh ta chỉ là một làn không khí mỏng còn sự hiện diện của anh ta cũng chỉ như một vật chắn mà thôi.

Ngôn ngữ chúng ta nói ảnh hưởng đến sự trải nghiệm thế giới của chúng ta theo những cách nào? Gần đây, người ta đã thực hiện một loạt những thử nghiệm tài tình để chứng minh rằng: chúng ta thậm chí còn nhận biết màu sắc thông qua những lăng kính mà tiếng mẹ đẻ đã trang bị cho chúng ta. Những ngôn ngữ khác nhau in hằn những lăng kính nhận biết màu sắc sáng tối khác nhau, chẳng hạn như màu xanh lá cây (green) và màu xanh nước biển (blue) là hai màu hoàn toàn khác biệt trong tiếng Anh nhưng lại được đồng nhất là cùng một sắc độ trong nhiều ngôn ngữ khác. Điều ấy cho thấy hệ thống màu sắc trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta đóng vai trò như một tấm màng lọc, quyết định sự cảm nhận thị giác của chúng ta trong việc phân biệt các màu sắc khác nhau của thực tại, và từ đó, trí não của chúng ta được rèn luyện để có thể thổi phồng lên cái khoảng cách giữa những sắc thái màu sắc nếu như chúng được định danh bằng những tên gọi khác nhau. Nghe thì có vẻ lại lùng, nhưng mọi cảm nhận của chúng ta về tranh Chagall, trong thực tế, phụ thuộc rất nhiều vào cái giới hạn ngôn từ mà ngôn ngữ cung cấp cho chúng ta về màu xanh.

Trong những năm tiếp theo, các nhà nghiên cứu còn đang hướng đến việc làm sáng tỏ tác động của ngôn ngữ đến những vùng tinh tế hơn của nhận thức. Ví dụ, một vài ngôn ngữ, như tiếng Matses ở Peru, có tính chất chặt chẽ như vị luật sư, yêu cầu người nói nó phải thông báo một cách chính xác hết mức có thể về việc làm thế nào mà họ biết được những sự kiện mà họ đang nói tới. Bạn không thể nói chung chung như trong tiếng Anh, kiểu: An animal passed here (Một con vật vừa đi qua đây). Ngược lại, bạn buộc phải xác định rõ động từ sẽ dùng ở thì nào, đó là việc bạn đã trực tiếp chứng kiến (bạn nhìn thấy con vật đi ngang qua), hay là do bạn suy luận (bạn nhìn thấy những vết chân do con vật để lại), đó là sự phỏng đoán của bạn (ngày nào con vật ẫy cũng đi qua nơi ấy vào thời điểm ấy), hay chỉ là bạn được nghe một người khác kể lại như vậy…Nếu một phát ngôn được cất lên mà thiếu những dấu hiệu bằng chứng ấy, câu nói của bạn sẽ bị coi như một lời nói dối. Có thể dẫn ra thêm một trường hợp khác, chẳng hạn, nếu bạn hỏi một người đàn ông Matses là ông ta có bao nhiêu vợ, nếu như ngay trong lúc trả lời bạn, ông ta lại không nhìn thấy người vợ nào của mình xung quanh, thì câu trả lời của người đàn ông sẽ phải ở thì quá khứ, và phát ngôn của ông ta sẽ kiểu như thế này: “Vào lần kiểm tra cuối cùng thì tôi có hai bà vợ” (There were 2 last time I checked). Nguyên nhân là bởi ngay lúc này, những người vợ của ông ta không hiện diện nên ông ta không thể hoàn toàn chắc chắc là có ai trong số họ đã không còn sống nữa hay đã bỏ đi với một người đàn ông khác hay chưa, kể từ lần cuối cùng ông nhìn thấy, dù cái lần cuối ấy mới chỉ cách đây chừng 5 phút. Vì thế, ông ta không thể nói về điều đó cứ như thể đang nói về một sự thật chắc chắn của thì hiện tại. Phải chăng chính việc đảm bảo một sự tri nhận tỉ mỉ và phức tạp đến như thế cũng bộc lộ những quan điểm nào đó của người nói về cuộc sống cũng như ý thức của họ về nguyên nhân và thực tiễn. Trong một điều kiện thực nghiệm đã quá cũ mòn, câu trả lời cho những nghi vấn như thế mới chỉ dừng lại ở các khảo sát thực tế.

Suốt bao nhiêu năm, tiếng mẹ đẻ của chúng ta đã bị buộc tội là một “nhà tù” giam cầm khả năng của chúng ta, đưa chúng ta vào khuôn khổ của lí tính. Một khi đã chỉ ra rằng không hề có bằng cớ nào cho những cáo buộc như vậy, người ta lại vin vào đó để chứng minh rằng con người, dù ở nền văn hóa nào, về cơ bản, đều nghĩ theo những cách giống hệt nhau. Dù thế nào, thật quá sai lầm nếu cứ cố tình phóng đại tầm quan trọng của những lập luận lí tính trong đời sống thường ngày. Rốt cuộc, có bao nhiêu quyết định đã được chúng ta thực hiện hằng ngày dựa trên cơ sở suy luận logic bên cạnh những cơ sở khác của những rung động tận đáy lòng, của trưc giác, cảm giác hay những kĩ năng thực tế? Những thói quen tư duy mà nền văn hóa đã thấm nhuần trong mỗi chúng ta từ thuở ấu thơ đã định hình cách định hướng của chúng ta về thế giới cũng như những phản ứng cảm xúc của mỗi chúng ta trước những đối tượng khách quan; và hệ quả của những thói quen ấy có lẽ còn đi xa hơn cả những gì đã được thực nghiệm chứng minh. Thói quen còn có thể tác động đáng kể đến niềm tin, đến hệ giá trị mà chúng ta kiến tạo cũng như đến ý thức hệ tư tưởng của mỗi chúng ta. Chúng ta có thể không biết, hay chưa thể biết làm thế nào để đo đạc được những hệ quả trực tiếp của nó, cũng chưa biết được làm sao để có thể ước tính sự can dự của chúng trong việc tạo ra những bất hòa văn hóa và xung đột chính trị. Nhưng, như một bước đầu tiên để tiến tới sự thông hiểu lẫn nhau, chúng ta có lẽ sẽ làm được một điều gì đó hơn là chỉ vờ vĩnh làm ra vẻ tất cả mọi người đều suy nghĩ giống hệt như nhau.

 

[i] Guy Deutscher là nghiên cứu sinh danh dự tại khoa Ngôn ngữ, Ngôn ngữ học và Văn hóa, Đại học Manchester. Bài báo là một phần trong cuốn sách mới của ông: Through the language glass: Why the world looks different in other languages, được xuất bản trong tháng này bởi NXB. Metropolitan

Nguồn dịch: https://2konmuwkj.wordpress.com/2013/09/27/phai-chang-ngon-ngu-dinh-hinh-loi-tu-duy-cua-moi-chung-ta/

menu
menu